Hội Nhà văn VN trao giải thưởng vh và kết nạp hội viên

Sáng 4-2-2018 tại Bảo tàng văn học Việt Nam (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2018. Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng các ủy viên Ban chấp hành và đông đảo hội viên đã đến dự.

Thay mặt BCH Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đọc báo cáo Tổng kết công tác xét Giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2018 của BCH. Theo đó, từ nhiều năm qua, công tác xét Giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm hằng năm của Hội Nhà văn VN đã trở thành một sự kiện văn học thường niên được công chúng cả nước đặc biệt quan tâm. Điều đó khiến BCH càng phải nghiêm túc cẩn trọng hơn trong công tác này và đây cũng là công việc vất vả nhất trong năm của Hội.

Năm nay, từ 75 tác phẩm văn xuôi của 75 tác giả, 88 tác phẩm thơ của 88 tác giả, 20 tác phẩm Lý luận-Phê bình  của 19 tác giả và 13 tác phẩm dịch của 13 tác giả gửi về tham dự xét giải thưởng, các Hội đồng chuyên môn đã đọc sơ khảo và lựa chọn đưa lên Ban Chung khảo 3 tác phẩm văn xuôi, 1 tác phẩm thơ, 2 tác phẩm LLPB và 2 tác phẩm dịch thuật. Các tác giả tham dự Giải thưởng mà ở các Hội đồng chuyên môn thì rời khỏi các Hội đồng ngay từ đầu mùa Giải, không tham dự bất cứ cuộc họp nào, không tham gia việc gì ở bất cứ khâu nào, trong suốt quá trình xét giải. Đặc biệt năm nay, để thật sự khách quan, ở Hội đồng Chung khảo, ngoài 7 thành viên là các nhà văn ủy viên BCH, còn mời thêm 2 nhà văn có uy tín nghề nghiệp và phẩm chất là nhà văn Ngyễn Khắc Trường và nhà thơ Vũ Quần Phương đọc thẩm định và phản biện. Và cũng để thật sự khách quan, trước khi xét giải, Hội đồng Chung khảo còn có phiên họp mở rộng, mời 4 Chủ tịch của 4 Hội đồng trình bày để bảo vệ những tác phẩm đề xuất.
KẾT QUẢ: Cả thơ và văn xuôi năm nay không có tác phẩm nào được Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một điều đáng tiếc!
Về LLPB có 2 tác phẩm đoạt giải:
- Bóng người trong bóng núi, tập tiểu luận phê bình của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị
- Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây, tập lý luận phê bình của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu
Về VĂN HỌC DỊCH có 01 tác phẩm đoạt giải: Khổ vì trí tuệ, kịch thơ của Aleksandr Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn
GIẢI THƯỞNG SỰ NGHIỆP được trao cho bộ tác phẩm viết cho thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng
GIẢI THƯỞNG CỐNG HIẾN (đợt 2) được trao cho các nhà văn có tên sau đây:
- Nhà văn Văn Linh
- Nhà văn Phượng Vũ
- Nhà thơ Hữu Đạo
- Nhà thơ Hồ Khải Đại
- Nhà thơ Hải Hồ
- Nhà thơ Hoài Anh
- Nhà văn Từ Bích Hoàng
VỀ CÔNG TÁC XÉT KẾT NẠP HỘI VIÊN:
Năm nay được tiến hành rất thận trọng. Từ hơn 700 hồ sơ xin gia nhập Hội, trong đó có những hồ sơ gửi từ nhiều chục năm trước, BCH đã xem xét hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, trên tình thần đòi hỏi các ứng viên có những nỗ lực lao động sáng tạo hiệu quả và chất lượng hơn. Năm nay Hội rất quan tâm ưu tiên các tác giả trẻ, đồng thời vẫn lưu tâm những người không còn trẻ nữa nhưng vẫn thiết tha với sáng tác và tổ chức Hội. Việc xét kết nạp trước hết căn cứ vào chất lượng tác phẩm của các tác giả ấy; đồng thời kết hợp chặt chẽ với địa phương, với các Liên chi hội và Chi hội trong việc xem xét các yêu cầu khác. Những tác giả được Liên Chi hội và Chi hội giới thiệu thì được tính thêm một phiếu. Kết quả, có 12 tác giả văn xuôi, 12 tác giả thơ, 4 tác giả LLPB và 01 tác giả dịch thuật đã được xét kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm 2018 (Có danh sách kèm theo).
Thay mặt BCH Hội Nhà văn VN Khóa IX, Nhà thơ Hữu Thỉnh và Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trao Bằng chứng nhận Giải thưởng, Quyết định kết nạp, Thẻ Hội viên và tặng hoa chúc mừng các tác giả đoạt giải và hội viên mới.
Phát biểu chúc mừng các tác giả đoạt giải và các hội viên được kết nạp đợt này, Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Những năm gần đây, đời sống văn học tiếp tục phát triển theo chiều sâu, tập trung mọi cố gắng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo. Các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, các trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, hội thảo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, ra mắt sách đi vào nề nếp, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Xu hướng trở về với đề tài lịch sử, với hai cuộc kháng chiến vĩ đại, những vấn đề đạo đức xã hội, là cảm hứng chung của các nhà văn. Các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội được kiện toàn, củng cố một bước và có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về đầu ra. Công tác biên tập có lúc còn thiếu thận trọng, nhậy bén, ảnh hưởng tới chất lượng ấn phẩm. Công tác đối ngoại hoạt động sôi nổi, để lại ấn tượng nhất là tổ chức thành công Cuộc gặp mặt lần thứ nhất các nhà văn là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Công tác xây dựng Hội có nhiều cố gắng, việc thành lập các Liên chi hội và xây dựng quy chế  hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc tập hợp đội ngũ, sinh hoạt nghiệp vụ, tạo điều kiện để nhà văn gắn bó với đời sống. Việc tổ chức trọng thể 60 năm thành lập Hội có ý nghĩa tổng kết một chặng đường văn học vẻ vang và rút ra nhiều bài học quý báu.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội tiến hành nhiều họat động tôn vinh các giá trị và cống hiến của các nhà văn, thông qua các giải thưởng văn học  hàng năm của Hội hoặc liên kết phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là việc tham gia xét giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Quá trình xem xét ở bước cơ sở được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, công khai, dân chủ, đánh giá đúng những cống hiến xuất sắc của đội ngũ nhà văn. Tuy vậy quy trình xét giải qua nhiều khâu, nhiều bước, tiêu chí quá cao, thành phần các Hội đồng còn nhiều bất cập, nên kết quả của giải thưởng chưa phản ánh hết thành tựu và cống hiến của các thế hệ nhà văn. Đảng Đoàn, Ban chấp hành đã sớm phát hiện điều này và đề nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, sửa đổi Nghị định.
Về nhiệm vụ của nửa nhiệm kỳ còn lại, Hội nghị nhấn mạnh cần tập trung mọi cố gắng, tìm kiếm mọigiải pháp để nâng cao chất lượng văn học và các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, xây dựng đội ngũ, mở rộng các  hoạt động giao lưu văn học với khu vực và quốc tế. Tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện để cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 có nhiều tác phẩm có giá trị. Cải tiến mạnh mẽ và chỉ đạo sát sao công tác xét giải thưởng và kết nạp hội viên. Tập trung giải quyết khó khăn và những yếu kém của một số cơ quan cấp 2 của Hội. Sớm có kế hoạch và đi vào tổ chức cụ thể mọi công tác chuẩn bị tiến tới Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025.
Danh sách các tác giả được Kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm 2018

I/ VĂN XUÔI

1. CHU THÙY ANH. Hà Nội

2. DƯƠNG THANH BIỂU. Hà Nội

3. NGUYỄN THỊ HỒNG CHÍNH. Phú Thọ

4. NGUYỄN VINH HUỲNH. Hà Nội

5. VÕ THU HƯƠNG. TP. Hồ Chí Minh

6. NGUYỄN ĐỨC LỢI. Điện Biên

7. NGUYỄN TRẦN THIÊN LỘC. TP. Hồ Chí Minh

8. Y MÙI (ĐÀO THỊ MÙI). Hà Nội

9. LÊ HÀ NGÂN. Nam Định

10. NGUYỄN ĐÌNH QUẢNG. Hà Nội

11. NGUYỄN THĂNG. Hà Nội

12. NGUYỄN THỊ BÍCH VƯỢNG. Hưng Yên

 

II/ THƠ

1. ĐỖ THỊ THANH BÌNH. TP. Hồ Chí Minh

2. VŨ XUÂN HƯƠNG. TP. Hồ Chí Minh

3. LÃ NGỌC KHUÊ. Hà Nội

4. LƯU THỊ BẠCH LIỄU. Thái Nguyên

5. LÍ HỮU LƯƠNG. Quân đội

6. PHẠM THÚY NGA. Hải Phòng

7. NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC. Đồng Nai

8. NGUYỄN ĐÌNH TÂM. Hải Phòng

9. PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO. Hà Nội

10. LÊ TRIỂN. Hà Nội

11. NGÔ THANH VÂN. Gia Lai

12. NGUYỄN THANH VÂN. Hà Nội

 

 

III/ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

1. HOÀNG ĐĂNG KHOA. Quân đội

2. THY LAN. Thanh Hóa

3. LỘC BÍCH KIỆM. Lạng Sơn

4. NGUYỄN THANH TÂM. Hà Nội

 

 

IV/ VĂN HỌC DỊCH

1. PHẠM ĐỨC HÙNG. Thái Nguyên