Thế giới 2017: vui ít, buồn nhiều

Tròn một năm trước, ngay khi đặt bút viết những gì thế giới trải qua năm 2016, tôi hay tin một chiếc xe lao vào khu chợ giáng sinh tại Đức làm 12 người chết và 50 người bị thương. Năm nay, cũng đúng lúc đang tổng hợp những được – mất, buồn – vui thế giới trải qua, tôi lại nghe một chiếc xe cố ý lao vào đám đông ở Melbourne, Australia khiến 19 người bị thương. Sự trùng hợp này, có lẽ không chỉ ở một hiện tượng cụ thể mà nó còn phản ánh tình hình chính trị quốc tế nói chung. Sau một năm với những nhân tố, làn gió mới trên chính trường, thế giới vẫn không thể lạc quan hơn. Chúng ta vẫn phải chứng kiến những xung đột dai dẳng, những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, những nồng ấm rồi lạnh nhạt ngay đó trong quan hệ quốc tế.

Có bi quan không khi nói rằng năm 2017 trôi qua với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui?Có lẽ là không. Bởi dẫu nền kinh tế có nhiều điểm sáng với tốc độc tăng trưởng đầy khả quan ở hầu hết các khu vực, nhất là ở các nước như: Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản; Xung đột tại một số quốc gia như Syria, Palestine có nhiều hy vọng được tháo gỡ; Các hội nghị, diễn đàn hợp tác trên thế giới như G20, APEC,…đạt được những thỏa thuận quan trọng, khẳng định xu thế hợp tác cùng phát triển; Lực lượng khủng bố Hồi giáo IS bị đánh bại ở Iraq và Syria; song bấy nhiêu “mặn nồng” không đủ để xóa đi những đau thương chúng ta đã trải qua.

Năm 2017, thế giới phải chứng kiến không ít những “cuộc phân ly”, rạn nứt. Nước Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi châu Âu sau bao năm gắn bó.Catalonia ký tuyên bố độc lậpkhỏi Tây Ban Nha. Đây thực sự là thách thức với EU bởi nó có thể gây ra hiệu ứng tương tự ở nhiều quốc gia khác như vùng Bắc Ý hay đảo Corse của Pháp, Flander của Bỉ,…Nếu chiến thắng của ông Emmanual Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp thắp lên hy vọng , dẫu còn mơ hồ, về một nước Pháp và châu Âu thống nhất, không phân biệt, kỳ thị thì sự xuất hiện của tân thủ tướng Áo Sebastian Kurzlại minh chứng cho sự thắng thế của tư tưởng cánh hữu. Tuổi trẻ, điển trai, khát vọng đổi mới và thậm chí là cả chuyện tình đẹp như cổ tích của những những chính trị gia này không thể xoa dịu nỗi lo sợ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, về những tư tưởng chia rẽ đang ngày càng lan rộng trong lòng xã hội châu Âu.
Một “làn gió mới” khác với cái tên Donald Trump cũng khiến chính trị quốc tế bao phen “giật mình” chao đảo.Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách đóng góp Liên Hợp quốc và rút khỏi nhiều cam kết, tổ chức quốc tế để tập trung khôi phục nền kinh tế và vị thế của Mỹ trên thế giới. Trong năm 2017, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi UNESCO, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp ước toàn cầu về vấn đề di trú”, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Ngoài ra, chính quyền Donald Trump còn đình chỉ đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), xem xét khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1. Rồi đây Mỹ sẽ tập trung theo đuổi bốn lợi ích sống còn được đưa ra trong chiến lược an ninh quốc gia là: Bảo vệ người dân, tổ quốc, lối sống Mỹ; Thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ; Giữ gìn hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều quốc gia có dấu hiệu rạn nứt, ngay cả với những nước đồng minh lâu nay như Philippines.Trong chiến lược an ninh quốc gia công bố ngày 18/12 vừa qua, Mỹ đã chỉ ra ba mối đe dọa an ninh Mỹ là: các cường quốc xét lại như Nga, Trung Quốc; các chế độ bất hảo như Triều Tiên, Iran; các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, các tổ chức tội phạm. Chính quyền Trump cho rằng Nga và Trung Quốc đang thách thức sức mạnh và sự ảnh hưởng của Mỹ,muốn chia rẽ Mỹ với các nước trên thế giới.Điều này khiến các quốc gia phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc thậm chí còn xem đó là “tâm lý chiến tranh lạnh.” Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về đây.Tuyên bố này, ngay sau đó đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình phản đối ở nhiều nơi, khơi mào cho xung đột. Ngày 21/12, 128 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu kêu gọi Mỹ rút lại quyết định trên mặc cho trước đó Mỹ “đe dọa” cắt viện trợ quốc gia nào chống lại với lời tuyên bố đầy thách thức rằng “Hãy cứ để họ bỏ phiếu chống lại chúng ta, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.”
Tuy nhiên, căng thẳng lớn nhất trong quan hệ của Mỹ nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung nằm ở vấn đề Triều Tiên. Bất chấp những cảnh cáo từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân.Đặc biệt, với vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15, Bình Nhưỡng đã khẳng định không điều gì có thể gây trở ngại họ trở thành một cường quốc hạt nhân.Trong năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra 3 Nghị quyết liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và những ngày cuối cùng của năm lại tiếp tục xem xét bỏ phiếu một nghị quyết trừng phạt mới. Động thái của Bình Nhưỡng đang thực sự thách thức cộng đồng quốc tế và thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền Donald Trump – Vị tổng thống vốn không có biểu hiện kiên nhẫn cho lắm. Theo Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa thì 70% Mỹ sẽ cho sử dụng biện pháp quân sự.
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, khủng bố là mối đe dọa an ninh dai dẳng, khó giải quyết. Mặc dù cuối năm, thế giới hân hoan chứng kiến thất bại của lực lượng khủng bố Hồi giáo IS tại Iraq và Syria nhưng nỗi lo không mất đi. Sau khi bị đánh bại tại hai địa bàn này, IS đã kéo về Lybia và Ai Cập. Chắc chắn, tổ chức này sẽ còn tìm kiếm những địa bàn mới và thay đổi cách thức hoạt động. Chúng ta nên nhớ rằng việc đánh sập một căn cứ nào đó của chúng chỉ có ý nghĩa nhất thời. Lực lượng khủng bố không nhất thiết phải có địa bàn, tổ chức để tiến hành các hoạt động. Chúng có thể chia nhỏ và hành động dưới hình thức những “con sói cô độc”. Điều này được thể hiện rất rõ qua những vụ tấn công, khủng bố xảy ra liên tiếp ở Anh, Ai Cập, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ,…trong năm 2017.
Còn đó rất nhiều những bất ổn, khổ đau người dân thế giới trải qua trong năm 2017 mà chúng ta khó có thể kể hết trong một vài trang giấy. Đó là câu chuyện của những dòng người di cư; là một Venezuela khủng hoảng; là xung đột ngày càng leo thang tại Yemen; là thiên tai với tổn thất gây ra trong năm 2017 lên đến 306 tỉ USD;.v..v…
Dẫu biết rằng trong tận cùng đau thương vẫn luôn sáng lên niềm hy vọng như cuộc đời vốn dĩ phải thế, nhưngcó lẽ những cái bắt tay, những thỏa thuận không thể làm ta quên đi tiếng than khóc mỗi ngày vẫn vang lên đầu đó vì súng đạn, vì đói, vì thiên tai; không thể xoa dịu ta rằng còn đó vô vàn nỗi bất an, căng thẳng thậm chí nguy cơ xung đột phải đối mặt trong năm 2018. Giờ đây, còn có cách nào hơn là tiếp tục hy vọng vào những đổi thay tích cực nhưng, cũng xin nhớ cho rằng, hy vọng mà không gắn với nỗ lực hành động thì cũng chẳng mang lại điều gì cả.
Nguồn vhna