Thơ HaiKư -Việt- Một hiện tượng văn học thế kỷ 21
"...Thơ Haikư – Việt là một hiện tượng trong nền văn học nước nhà như một sự hiển diện tự nhiên, một loài hoa giống quý gặp được thổ nhưỡng nhuận, nở bung cũng không có gì là khoa trương, bởi bản chất nó chìm lắng, trầm tích..."
THƠ HAIKƯ – VIỆT
MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC THẾ KỶ XXI
Đinh Nhật Hạnh - Trần Phương
Ban’ya Natsuishi – Chủ tịch Hiệp hội thơ Haikư thế giới WHA đã hai lần đến Hà Nội: Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương tháng 12.2012 và Toạ đàm thơ Haikư tháng 9.2014.“Sau bài bình luận của Mailtre viết đã 110 năm, giờ đây người Việt Nam và người Nhật Bản chúng ta đang mở cuộc toạ đàm về thơ Haikư ở Hà Nội. Đây là một sự kiện đáng kinh ngạc. Bây giờ chúng ta phải nói chuyện gì về thơ Haikư đây?” Trích tham luận của Ban’ya Natsuishi tại Toạ đàm thơ Haikư. Dịch giả Lê Thị Bình – Phó chủ tịch CLB Thơ Haikư – Việt Hà Nội. Ngài Chủ tịch Hiệp hội thơ Haikư thế giới WHA trăn trở với các nước bản địa và tỏ ra rất hiểu bối cảnh Việt Nam đối với tương lai dòng thơ của Thuỷ Tổ Bashoo.
Các thi sỹ tiên phong đã lặng lẽ cặm cụi vén bức màn Thơ Haikư – Việt từ những năm đầu thế kỷ 21. Sau hai sự kiện kể trên, cánh cửa đã thực sự mở rộng và cho đến nay trên nhiều tạp chí của Hiệp hội thơ Haikư thế giới WHA thường xuyên có thơ của các tác giả người Việt Nam. Nhân loại biết đất nước và con người Việt Nam qua thơ Haikư – Việt được xuất bản rộng rãi bằng nhiều thứ tiếng, chủ yếu Anh, Pháp, Nhật và mật độ ngày một dày hơn. Đây là một bước tiến nhảy vọt trong hành trình đưa thơ Haikư - Việt ra thế giới. Có thể kể ra những nhà thơ Haikư – Việt tiền bối đã tạo ra nền móng như Lưu Đức Trung, Đinh Nhật Hạnh, Lý Viễn Giao, Vũ Tam Huề… Nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều nhà xuất bản khác đã cho ra mắt nhiều ấn phẩm thơ Haikư – Việt của các CLB, của riêng các tác giả thâm niên hay mới chập chững bước vào thế giới Haikư, đã tạo ra những dấu ấn đáng trân trọng.
Trong nước nhiều cuộc thi về Thơ Haikư – Việt đã được một số CLB tổ chức nhiều năm nay. Tại Sài Gòn, cuộc thi năm 2017 đã được tổ chức phối hợp giữa Tổng Lãnh sứ quán Nhật Bản và Trường Đại học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh (chưa tổng kết). Tại Hải Phòng cuộc thi năm 2017 đã tổng kết, hơn 3500 tác phẩm của 250 tác giả của 40/63 tỉnh (thành phố) gửi bài dự thi, người ít tuổi nhất 15, người cao tuổi nhất 91. Ngày 14.12.2017 tại cung Văn hoá hữu nghị Việt – Tiệp BTC đã trao giải 15 tác phẩm xuất sắc nhất. Các tác giả đoạt giải vui vẻ, các tác giả không có giải cũng vui vẻ và bình luận sôi nổi về những tác phẩm đã đoạt giải và tác phẩm hay. Phong bì đính kèm giải gọi là đủ tiền mua một hộp sữa bột có chứa canxi quảng cáo trên tem dán và ba trăm ngàn đồng.
Trong bài viết này, chúng tôi không dành thời gian cho vấn đề “giải thưởng” muôn thuở này, mà chỉ quan tâm đến chất lượng để góp phần xác định tầm thơ Haikư – Việt đang ở đâu trong vũ trụ thơ Haikư thế giới? Đó chính là mục tiêu chúng ta quan tâm, số lượng chỉ là thông số thống kê nó không nhiều ý nghĩa khi nói về giá trị nghệ thuật và đặc biệt là trí tuệ. Thơ Haikư khác tất cả các thể loại thơ đã xuất hiện trên thế giới, đó là thơ cực ngắn chỉ một câu, ba dòng, mỗi dòng có chức năng riêng biệt, tất cả bài tưởng rời rạc, nhưng gắn kết một cách chặt chẽ trên nguyên lý logic hình ảnh chủ đề của một bức tranh mà tác giả thể hiện một phần bằng con chữ, còn người đọc chiếm một phần (thậm chí phần lớn hơn) bằng suy tưởng. Dòng thứ 3 là dòng quyết định chủ đề, gợi cho bạn đọc tính tịch tĩnh (thiền) có thể nghĩ ra rất nhiều ý, nếu nghĩ không trúng, nhiều người gọi là tính “mờ”, nghĩ trúng thì rất sáng rõ, mạch lạc và càng nghĩ, càng thi vị.
Một số bài thơ Haikư – Việt tiêu biểu:
Khều đống đổ nát tìm con/được/chiếc giày nguyên vẹn của Đinh Nhật Hạnh
Trên tay/chén trà ấm/tiếng chim kêu ngõ vắng của Lưu Đức Trung – Hà Nội
Từng hạt/vại nước chưa đầy/tôi pha café của Mai Văn Phấn – Hải Phòng
Quê mẹ/hồn đầy bông sung/bóng ao xưa của Nguyễn Thánh Ngã – Hà Nội
Một vòm lá xanh/vài nhành hoa nở/tôi mơ thấy tôi của Vũ Tam Huề - Hà Nội
Rượu đầy/lời bay/dạ cạn của Lý Viễn Giao – Hà Nội
Mưa/ướt sân/quả đào be bé của Lê Thị Bình – Hà nội
Đêm lạnh/tiếng rao/dạt vào ngõ nhỏ của Nguyễn Hoàng Lâm – Hà Nội
Đêm mưa/ý nghĩ không trở dạ/câu thơ hoang của Vũ Hải Đường – Lâm Đồng
Trăng rụng giữa thềm/hương cau/vỡ miền cổ tích của Nguyễn Duy Vinh – Lâm Đồng
Giếng quê/soi đáy/tìm bóng người xưa của Lương Liễm – Quảng Ninh
Trăng/mượn biển soi/tôi mơ làm chú Cuội của Trần Phương – Hà Nội
Tu hú nhả nắng/gió lăn tăn/thổi hồn tĩnh lặng của Diệu Hương – Cà Mau
Chú Cuội/tìm chị Hằng/lẩn vào ánh trăng của Lương Thị Đậm – Khánh Hoà
Mộ gió/những cánh hoa dại/nở tự hương của Kai Hoàng – Bà Rịa Vũng Tàu
Người đàn bà ngồi vá giấc mơ /bằng nụ cười /và nước mắt của Tịnh Bình – Hải Phòng
Khát/những con số đi tìm /phép toán làm bà mối của Đỗ Tuyết Loan – Hà nội
Trái bàng khô/vô tình vẫn nằm yên trong cặp/vẹn nguyên của Hà Thị Vinh Tâm – Nghệ An
Khát khao/da trắng, da màu/nhìn nhau qua cốc rượu của Vương Trọng
Một số bài thơ Haikư thế giới tiêu biểu:
Không lời/trăng và dân chài lưới/cùng cày xới biển khơi của Malvina Mileta, Đan Mạch
Nhờ sợi dây mảnh/con diều nối liền cô gái/với bầu trời xanh của Dimitrij, Slovenia
Trăng mờ/hoạ mi trong hẻm núi/hót thi với tiếng vọng chính mình của Tomislav, Croatia
Hãy hoả táng xác tôi/rồi xả tro/vào toilet của Steven Ross, Mỹ
Đêm đông/sự im lặng ấm hơn/vòng tay anh của Zalatka Timoneva, Bồ Đào Nha
Tôi muốn nghe một khú ca cuồng nộ/những chiếc lá xanh tươi của Yo Tananka, Nhật Bản
Vầng trăng đỏ như máu/đen trắng những giấc mơ/của giai cấp cần lao của Damir, Montenegro
Chế độ dân chủ/xung quanh tổng thống/vô khối xác người của Geroeos Friedenkraft, Pháp
Bãi tắm truồng/không sao tìm được/bạn gái tôi màu da rám nắng của Valentin Nicolitov, Rumani
Chú mèo thiến/ngủ khì khì/suốt mùa động đực của Shuichi Watanabe, Nhật Bản
Các bạn đã đọc một số bài của một số Nhà thơ trong và ngoài nước, có thể đưa ra một vài nhận xét cũng sàn sàn như nhau về tầm, thậm chí còn phải chạy dài với một số ngôi sao Haikư – Việt một cách khách quan, không bênh bỏ ai. Việt Nam có câu tục ngữ “mẹ hát, con khen hay”, chuyện khen chê nhường bạn đọc thẩm, chúng tôi chỉ làm công việc chọn thơ trình làng. Dòng thơ Haikư độc đáo khác biệt, nên tính thi vị rất sâu đậm và cũng không dễ dàng cảm nhận. Trong nền văn học nước nhà riêng mảng thơ thì phong phú bậc nhất, thể loại thơ Haikư đến muộn, Ban’ya Natsuishi – Chủ tịch Hiệp hội thơ Haikư thế giới WHA rất hiểu bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 và cũng chỉ biết thơ Haikư – Việt thông qua các ấn phẩm xuất bản từ tiếng Anh, tiếng Pháp do từ người Anh và người Pháp, nghĩa là lác đác trước đây đã có người Việt làm thơ kiểu Haikư Nhật Bản. Ngài còn phủ nhận Chamberlain – Nhà Nhật Bản học người Anh, đã nói thơ Haikư quá ngắn và thuận ý Maitre – Nhà Đông phương học người Pháp đã hiểu thơ Haikư đúng nghĩa. Nói cách khác không dễ dàng hiểu được thơ Haikư của Cụ Bashoo sáng lập, nhưng hiểu được đến đâu là thấm thía, là mê muội, đó cũng chính là sức công phá khủng khiếp của dòng thơ này.
Thơ Haikư – Việt là một hiện tượng trong nền văn học nước nhà như một sự hiển diện tự nhiên, một loài hoa giống quý gặp được thổ nhưỡng nhuận, nở bung cũng không có gì là khoa trương, bởi bản chất nó chìm lắng, trầm tích. Xin chúc mừng các CLB thơ Haikư – Việt ở các tỉnh thành đã thành công trong sự nghiệp phổ cập dòng thơ độc đáo và thi vị này đến đông đảo công chúng và vẽ trên trang lịch sử Haikư thế giới những dấu mốc son mới.
ĐNH – TP
Chùm thơ Haikư của Trần Phương