Tại sao phải bán Hãng Phim truyện Việt Nam?
Hãng Phim truyện Việt Nam vừa bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ngày 14/4 vừa qua sau hơn 20 năm thua lỗ. Và điều đáng nói là một hãng phim tồn tại hơn 50 năm chỉ được đánh giá giá trị thương hiệu bằng 0.
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt, NSND Minh Châu, Họa sĩ Vũ Huy bày tỏ sự lo lắng cho tương lai của Hãng sau khi cổ phần hóa. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Cổ phần hóa là tất yếu
Hiện trạng đi xuống của Hãng phim truyện Việt Nam đã được nhắc đến từ lâu. Một địa chỉ đỏ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với hơn nửa thế kỷ tồn tại, cho ra đời biết bao bộ phim với bao tên tuổi diễn viên đình đám bấy lâu nay hoạt động cầm chừng. Cơ sở tại số 4 Thụy Khuê xuống cấp trầm trọng, một năm hãng chỉ sản xuất khoảng 2 phim đặt hàng của nhà nước, còn lại hầu hết các nghệ sĩ đều phải đi kiếm cơm bên ngoài.
Hiện tại Hãng chỉ còn lại khoảng 6-7 quay phim, 2 họa sĩ, 2 chủ nhiệm, 2 kỹ thuật hình, diễn viên thuộc Hãng đã không còn người nào. Đó là chưa kể 1 số người chuẩn bị 'về hưu non' sau khi Hãng phim truyện VN (VFS) tiến hành cổ phần hóa. Ngày 14/4 vừa rồi Hãng Phim truyện Việt Nam đã tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo phương án cổ phần hóa, VFS sẽ bán ra 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược đã được chọn là Tổng công ty Vận tải thủy với giá 32,5 tỷ đồng. Theo như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc VFS thì tiến hành cổ phần hóa Hãng hiện đã hoàn tất khoảng 90%.
Việc cổ phần hóa VFS thực ra đã được tiến hành từ khá lâu và đây được coi là xu hướng tất yếu với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như VFC. Tuy nhiên, tới thời điểm này Hãng mới tìm được nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy. Một số nghệ sĩ có tiếng như NSND Minh Châu, họa sĩ Vũ Huy, đạo diễn - quay phim Nguyễn Đức Việt lo lắng thực sự khi một công ty vận tải thủy hoạt động trong lĩnh vực không liên quan gì tới phim ảnh mua lại phần lớn cổ phần và giành quyền điều hành VFS.
Suốt nhiều năm qua Hãng phim truyện VN đều duy trì nnững dãy nhà xập xệ thế này. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Sao lại có thể dễ dãi thế!
NSND Minh Châu tâm sự dù đã về hưu từ lâu nhưng số 4 Thụy Khuê giống như ngôi nhà thứ 2 với bà nên khi nghe câu chuyện VFS cổ phần hóa, bà buồn vì không biết điện ảnh sẽ đi về đâu. "Những người mới có thể họ sẽ không làm cho VFS chuyên về điện ảnh nữa, mà sẽ biến tướng thành một cách gì khác nữa thì tôi cũng không biết. Họ sẽ làm ngôi nhà số 4 Thụy Khuê khang trang hơn hay tàn tạ đi, điều đó còn ở phía trước".
Quay phim - đạo diễn Nguyễn Đức Việt, người đã gắn bó với VFS từ năm 1987 tiếp lời: "Việc cổ phần hóa hãng là chủ trương đúng nhưng Bộ Văn hóa cần cân nhắc việc này sẽ được và mất gì. Vì VFS có lịch sử rất dài, đến nay đã 56 năm. Truyền thống lịch sử của VFS như là cái đền, là bàn thờ của ngành điện ảnh rồi. Khi muốn đập một ngôi nhà đi thì phải giữ lại cái đền, cái bàn thờ chứ, phải cân nhắc chứ, sao lại có thể dễ dãi thế!".
Họa sĩ Vũ Huy bức xúc: "Hà cớ gì mà phải bán một hãng phim hơn 50 năm tuổi cho một công ty không biết làm phim? Dù có xã hội hóa đến thế nào thì tôi cho đó là một sự vô trách nhiệm". Ông Vũ Huy còn bức xúc hơn khi biết rằng đơn vị sở hữu phần lớn cổ phần của VFS có nhiều loại hình kinh doanh nhưng chưa từng làm phim.
Đây chính là điều cốt lõi khiến các nghệ sĩ lo lắng. "Chúng tôi ngỡ ngàng, choáng, thậm chí xấu hổ không dám nói ra chuyện Hãng bán cổ phần cho công ty đường thủy không liên quan gì dến điện ảnh. Nói chuyện này với vợ con, họ hàng mình nhiều khi cũng ngượng. Thà bán cho công ty nào đó biết về phim thì đã đành, đằng này không liên quan", Đạo diễn Nguyễn Đức Việt.
Họ có tiền không có nghĩa có thể nhảy xổ vào điện ảnh
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ với VietNamNet qua điện thoại: "Tôi không phản đối việc cổ phần hóa vì đến thời điểm này, cơ cấu các hãng nhà nước chắc chắn phải có sự thay đổi. Tôi là người có chức vị trong Hãng nhưng là người duy nhất phản đối Tổng công ty vận tải đường thủy vì nó không có bất cứ liên quan gì với điện ảnh. Họ có tiền không có nghĩa là họ có thể nhảy xổ vào ngành nghề có tính đặc thù như điện ảnh. Cổ phần hóa là chủ trương tất yếu nhưng lựa chọn 1 đơn vị duy trì tiếp con đường của Hãng PTVN có truyền thống về sản xuất phim thì suy tính. Cái đó cấp độ các nhà quản lý phải suy nghĩ".
Sau cổ phần hóa, nhiều người hy vọng những hình ảnh này sẽ bị xóa khỏi số 4 Thụy Khuê. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho hay trong bản cam kết của này Tổng công ty vận tải đường thủy với hãng phim trước mặt đại diện Bộ Văn Hóa, họ có đưa điều khoản cam kết tiếp tục sản xuất phim. Còn việc họ có coi đó là việc chính không hay lại là việc khác. "Hiện việc cổ phần hóa đã ở quá trình thứ 3, đã xác định cổ đông chiến lược và Bộ ký quyết định về cổ đông chính, đã xong việc cán bộ công nhân viên mua cổ phiếu ưu đãi rồi. Hôm 14/4 chỉ có trên 10% cổ phiếu đưa ra cho các cổ đông bên ngoài. Tức là họ đã hoàn thành hơn 90% cổ phần hóa. Lúc này là hơi muộn nên không rõ có thay đổi được gì không".
Trong khi đó, mối lo trước mắt của các nghệ sĩ về tương lai của Hãng là có thật. "Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thế Anh, Trà Giang, Mai Châu... đã từng ở số 4 Thụy Khuê. Bản thân số 4 Thụy Khuê đã thành một thương hiệu điện ảnh quốc gia rồi mà chúng ta đang cổ phần hóa nó. Tôi chỉ sợ một ngày nào đó người ta sẽ ân hận với thế hệ sau vì để mất đi một cái gì đó rất nghiêm túc", Đạo diễn Nguyễn Đức Việt chia sẻ.
Bài sau: Nhiều tiền có thể cứu Hãng phim truyện Việt Nam?