Chuyện về nhà báo Lê Văn Thiềng và tờ báo "mệnh yểu"

Có lẽ, trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, tờ Nhà báo & Công luận Cuối tháng (NBCLCT) là một trong những tờ báo có tuổi thọ thấp nhất: ra được 3 số thì bị đình bản. Số đầu tiên ra tháng 11/2004, số cuối ra tháng 1/2005. Quyền Tổng Biên tập tờ báo này là ông Lê Văn Thiềng; nguyên tổng Biên tập báo Kon Tum.


Nhà báo Lê Văn Thiềng (bên phải) và tác giả Phan Hữu Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 23/4

NHÀ BÁO LÊ VĂN THIỀNG - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Phan Hữu Minh

Trước năm 1967, Lê Văn Thiềng là học sinh trường Yên Thành, Ý Yên, Nam Hà . Ngày 5/10/1967, đế quốc Mỹ đưa máy bay dội bom xuống trường này. Một lớp học đã trúng bom và 37 học sinh đã thiệt mạng. Thiềng được thày cử đi nộp giấy chứng nhận học phí cho lớp, trên đường trở về thấy có máy bay, nép mình xuống bờ ruộng. Trong số xác chết người ta thấy có 1 thi thể đang còn nóng, liền đưa đi bệnh viện Nam Định cấp cứu. Từ thủ đô,Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho tỉnh Nam Hà, Bệnh viện Nam Định tập trung mọi khả năng để cứu sống cháu học sinh này . Thủ tướng nói: Đây là nhân chứng tội ác.

Được chính Thủ tướng cứu sống, Lê Văn Thiềng hứa với Thủ tướng và mọi người sẽ học tốt để có ích cho xã hội,trả thù cho các bạn. Được báo Hà Nam Ninh giúp đỡ, Thiềng chuyên tâm học nghề báo và đến ngày 2/12/1972, Thiềng đã có những bài báo đầu tiên được đăng. Năm 1977, Lê Văn Thiềng tình nguyện đi Tây Nguyên làm báo, và đến năm 1993 anh làm TBT báo Kom Tum. Anh gửi báo ra biếu Thủ tướng với dụng ý báo cáo sự trưởng thành của mình. Đồng chí Phạm Văn Đồng đọc báo, thấy ngờ ngợ cái tên Thiềng, cho thư kí hỏi Tỉnh ủy Kom Tum về người có tên Thiềng này có phải cháu học sinh tên Thiềng sống sót hơn 20 năm trước?...Thế là anh Thiềng được cùng với Bí thư tỉnh ủy Kon Tum ra Hà Nội thăm bác Phạm Văn Đồng. Hai bác cháu ôm nhau nghẹn ngào xúc động...

Anh Thiềng ra Hà Nội làm Trưởng ban Công tác Hội HNB Việt Nam, TBT báo Nhà báo và Công luận. Về hưu anh lại trở lại Kon Tum vui với nương với rẫy cà phê.

Ngày 22/4/2016, anh về dự Hội nghị tổng kết năm của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại tp HCM và được Nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

 

…VÀ TỜ BÁO “MỆNH YỂU”

Cao Thâm

Có lẽ, trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, tờ Nhà báo & Công luận Cuối tháng (NBCLCT) là một trong những tờ báo có tuổi thọ thấp nhất: ra được 3 số thì bị đình bản. Số đầu tiên ra tháng 11/2004, số cuối ra tháng 1/2005.

Quyền Tổng Biên tập tờ báo này là ông Lê Văn Thiềng. Tôi quen ông Thiềng từ khi ông đang làm Tổng Biên tập Báo Kon Tum. Tôi từ Bắc Cạn xuống Hà Nội là việc được 2 năm thì ông Thiềng cũng từ Kon Tum ra, phụ trách báo Nhà báo & Công luận. Cùng cảnh “bộ đội” xa nhà nhà, chúng tôi thuê nhà trọ ở gần nhau trong làng Ngọc Hà; cùng làm báo, viết văn, có khi cùng đi dạy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo cho cộng tác viên dưới Quảng Ninh. Tại nhà nghỉ ở Uông Bí, tôi đã “tra tấn” ông Thiềng phải nghe tôi đọc “vo” nội dung kịch bản phim truyện “Tiếng đập cửa”. Với tôi, mỗi lần dốc cho người khác dự định sáng tác coi như đó là một lần sáng tạo. sau này, kịch bản này được xuất bản thành sách, do Nxb Lao động cấp phép, năm 2014. Những ngày ở trọ trong làng Ngọc Hà, ông Thiềng  cũng “dốc” với tôi về dự định sáng tác văn học (ông là Hội viên Hội Nhà văn VN); về dự định làm báo, trong đó có dự định ra tờ báo trên (cuối tháng) – phụ trương của tờ Nhà báo &Công luận, tiếng nói của cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Tờ NBCLCT gồm 32 trang, khổ to như An ninh Cuối tháng, in đen trắng. Tôi không hiểu nguyên nhân tờ báo bị định bản nhưng công nhận rằng, đây là tờ báo có nhiều mục, nhiều bài để đọc. Dù mới ra có 3 số nhưng tờ báo đã tập hợp những cây bút là các chính khách, các nhà khoa học có uy tín, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếnga. Theo tôi, có thể một số bài cần phải rút kinh nghiệm về mặt này mặt nọ, nhưng nhìn chung, đây là tờ báo  hay.

Chẳng hạn, bây giờ vấn đề thời sự đang nóng là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Thời ấy, về đầu tư công, tờ báo này đăng bài báo vài trăm chữ, trong đó so sánh về thay bóng điện giữa gia đình và tập thể khác nhau chỗ nào?. Bài báo phân tích, nếu thay bóng điện cho cơ quan nhà nước cần phải qua 11 khâu (thủ tục đầu tư), nào lập biên bản xác minh việc cháy bóng điện; khảo sát thiết kế việc lắp bóng điện v.v.Một bát nước, đổ từ bát này sang bát khác, cũng bị hao, huống hồ tài sản, tiền bạc nhà nước, qua 11 khâu, tránh sao được sự “bốc hơi”. Lĩnh vực đầu tư công, ngoài tình trạng tràn lan, kém hiệu quả còn nhiêu khê rắc rối bởi thủ tục và thất thoát ghê gớm như vậy…Còn, nếu cái bóng điện của gia đình bị cháy, chỉ mua ngay bóng điện khác, lắp vào, thế là xong.

Hơn chục năm rồi, bài báo vài trăm chữ đăng trên NBCLCT mang tính dự báo giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Chỉ tiếc rằng, nó “mệnh yểu” quá, bác Lê Văn Thiềng ơi. Bây giờ, thấy tiếc và nhớ thời làm báo sôi sục ngày nào...