Buổi giới thiệu "Trường ca Biển Mặn" của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Ngày 20/12/2015, tại Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, trong không gian văn hóa sang trọng, trong tình cảm thân thiết, ấm cúng của những người yêu văn chương, yêu Tổ quốc, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã tâm sự với đọc giả những chuyện bên lề trong quá trình sáng tác và phát hành "Trường ca Biển Mặn". Với số lượng 4.000 bản, dày 72 trang, "Trường ca Biển Mặn" đã được gửi tặng các chiến sĩ đang canh giữ biển trời, biên cương đất nước, được phát hành rộng rãi...


Ảnh phải sang: PGS TS Trần Thị Trâm, nhà thơ Đặng Cương Lăng, nhà thơ Chử Thu Hằng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Đinh Sỹ Minh

 

 

 

Dưới đây là cảm nhận của một số nhà thơ, nhà văn và bạn đọc về tác phẩm này.


Nhà thơ Vân Anh (Van Anh Nguyen): Trường ca BIỂN MẶN thao thiết dòng chảy cảm hứng trữ tình chính luận! Tác giả đã cho ta " nếm " độ mặn của tình yêu BIỂN ĐẢO VIỆT NAM. Độ mặn được kết tinh từ mồ hôi, nước mắt và máu của con dân Việt để chống chọi với phong ba, hải tặc, xâm lăng... từ bao đời nay và mãi mãi mai xa...!
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Sau các trường ca: "Con đường của những vì sao" (1981), "Tình ca người lính" (1984), phải tới 30 năm sau Nguyễn Trọng Tạo mới cho ra trường ca mới. 68 tuổi rượu vẫn đều, bạn vẫn lắm và vẫn đủ sức chơi được cả trường ca. Vả, trường ca này còn hay hơn hai trường ca trước. Quá phục bác Tạo.
Nhà thơ Lê Văn Vỵ (Văn Văn Lê): VHVN của mình bấy lâu nay ngủ quên, hiếm có những tác phẩm thao thức với nhân dân, đau đáu về non sông Tổ quốc, hiếm có 1 "Nam quốc sơn hà" hay 1 "Hịch tướng sĩ văn". Với "Biển mặn" thắp lên trong tôi trong bạn niềm yêu thương về những nhà văn chân chính, không bao giờ đứng ngoài cuộc sống của nhân dân Tổ quốc và hy vọng sẽ có nhiều hơn những tác phẩm như BIỂN MẶN.
Nhà thơ Tuyết Nga: ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO vừa như một sợi dây diều, vừa như một sợi dây neo. Mảnh, nhỏ nhưng lại có sức nâng đỡ cả con tàu BM. Rất lạ. Anh ạ. Nó là đoạn gen duy nhất lưu giữ ADN thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Tiến sĩ Trịnh Quốc Dũng (Quoc Quoc Dung Trinh) ở CH Liên bang Đức: Biển mặn khéo léo dẫn dắt người đọc đi sâu vào lòng biển cả, với những câu chuyện của tiền nhân đã đặt mốc chủ quyền, cuộc mưu sinh nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc hải chiến chống lại lũ giặc xâm lăng. Để rồi khúc vĩ thanh của tác phẩm là những hình ảnh thanh bình nơi đảo xa, là tiếng đồng dao của bầy trẻ đến trường: "Và em biết biển nơi này mặn lắm/Những cuộc đời máu thắm nở thành hoa".
Nhà thơ Hà Linh: Người đọc cũng sẽ rất thích các lớp thơ của Trường ca, kết hợp hài hòa các thể loại thơ, và thích “Điệp khúc tiếng sáo” đầy nhân văn và tính nhạc, đau thương nhưng không hằn học, và vẫn nuôi một niềm tin như tin vào lời ru ngàn đời sẽ còn sống.
Người đọc cũng sẽ rất thích hình ảnh “Trường Sơn Biển”, vì đó thực sự là một thành công cả về phép so sánh và tư tưởng. Chúc mừng anh với Biển Mặn, bởi đây là một trường ca như thế, hay nhất của anh, của biển, của nỗi đau và của tin yêu.
Bạn Quy Ngoc Tran: Cháu đã khóc khi đọc xong trường ca này.


Đọc toàn văn TRƯỜNG CA BIỂN MẶN:

https://hoingovanchuong.wordpress.com/…/28/truong-ca-bien-…/