Khai mạc Hội nghị giới thiệu Văn học Việt Nam lần thứ III

Tham dự hội nghị có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ; các nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu đến từ khắp các vùng miền trên cả nước.

 


Đại biểu các đoàn khách quốc tế tại hội nghị

 

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã nhấn mạnh: Trong thế giới vô tận của chúng ta, mỗi nhà văn có thể xem như một tiểu hành tinh, và có thể nói rằng các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ là đại diện của 5 châu lục cùng hội ngộ, đã tạo nên một dải Ngân hà có tên “Hà Nội, Việt Nam 2015".

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam,

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Đất nước Việt Nam có một nền văn học phong phú, với lịch sử lâu đời, độc đáo, bản sắc, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, gắn với đời sống con người, không ngừng chống lại cái ác, cái xấu. Nền văn học Việt Nam là một nền văn học ảnh hưởng sâu sắc nền văn học của các dân tộc anh em trên đất nước, một nền văn học không ngừng được bổ sung bởi lớp trẻ kế cận, một nền văn học chủ động hội nhập. Cùng với giá trị của văn học, danh hiệu nhà văn Việt Nam là một danh hiệu cao quý, và nhà văn Việt Nam hiểu rõ giá trị độc lập tự do của dân tộc mình và cũng hiểu giá trị tự do của dân tộc khác. Nhà văn Việt Nam sẽ làm tất cả những gì một nhà văn có thể làm được để giảm tải nguy cơ nóng đã và đang đè nặng lên thế giới này. Trong nhiều năm qua, Việt Nam muốn hội nhập văn hóa với thế giới và cũng muốn thế giới không chỉ thấy một cánh rừng, mà còn thấy cả từng bóng cây. Không có nơi nào mà không đến tận nơi, không trực tiếp gặp gỡ cũng trở thành tri kỉ như văn chương.
TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ cũng nhấn mạnh: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam thể hiện và hướng đến tình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, phong phú, từ các vị vua chúa cổ xưa (các vị vua anh minh là những nhà thơ lớn, thi ca giúp họ dựng và giữ nước), nền văn học dân gian cổ xưa đến văn học hiện đại. Người Việt yêu văn chương, làm văn chương, vì văn chương là nơi lưu giữ kí ức, luôn thể hiện tinh thần dân tộc và đón nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Và với mục đích quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ chủ trương thành lập Trung tâm dịch thuật văn học, giới thiệu văn học Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Nhà văn M. Salmawy, Quốc vụ khanh Ai Cập,
Tổng Thư kí Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập.
Nhà văn M. Salmawy, Quốc vụ khanh Ai Cập, Tổng Thư kí Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập phát biểu: Khi tôi còn trẻ  đã được biết rằng người Việt Nam đã và đang chiến đấu cho tự do độc lập và giữ gìn nền văn hóa lâu đời của đất nước mình trước các thế lực xâm lược thù địch. Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam không chỉ là những người cầm bút, giữ gìn tâm hồn Việt, bảo vệ bản sắc Việt, mà còn là những người lính cầm súng chiến đấu rất can trường. Không chỉ nhà văn Việt Nam, mà mọi người dân Việt Nsm đều đã đứng dậy quyết liệt đấu tranh với mọi khó khăn, bảo vệ đất nước, bảo vệ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam đã cho chúng tôi một bài học quan trọng trong cuộc kháng chiến dài đằng đẵng ấy.
Khi Việt Nam kết nối với hơn 40 quốc gia trên thế giới, các nhà văn nhà thơ đến đây để làm nên hòa bình, không phải chiến tranh. Đây là thời điểm quan trọng của nền văn học Việt Nam và thế giới. Việt Nam luôn luôn trong trái tim chúng tôi.
Chúc Ngưỡng Tu, một dịch giả nổi tiếng Trung Quốc, ông là giáo sư Đại học Nam Ninh, Trung Quốc, người có công lớn tìm hiểu văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ ca Hồ Chí Minh, đã dịch các tác phẩm của Hồ Chí Minh, các tác phẩm viết về Hồ Chí Minh ra tiếng Trung và xuất bản rộng rãi trên đất nước này. Đến với hội nghị, ông đã có một bài phát biểu dài bằng tiếng Việt: Hôm nay những người có mặt tại hội nghị có chung ngôn ngữ tiếng việt, có chung mục đích là quảng bá văn học. Tôi là người quan tâm đến văn học Việt Nam, một nền văn học suốt cả chiều dài lịch sử luôn đi chung đường với Tổ quốc mình, chủ đề truyền thống là tinh thần yêu nước, giải phóng đất nước con người. Văn học Việt Nam góp phần to lớn cho Tổ quốc và đóng góp quan trọng cho văn học thế giới, văn học vì sự tiến bộ của loài người. Dịch giả Trúc Ngưỡng Tu cho biết thêm: Hiện nay Đại học Nam Ninh đã có nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật văn học Việt Nam các thời kỳ sang tiếng Trung và sẽ quảng bá rộng rãi. Ông khẳng định: “Bản thân tôi sẽ không ngừng nghiên cứu văn học Việt Nam cho đến khi đầu óc còn minh mẫn”.
Nhà văn Colombia Fernando Rendon - Chủ tịch hội nhà văn Colombia nói: Ở đất nước Việt Nam, Thi ca là biểu tượng của tự do.
Nhà thơ Alex Pausides, Chủ tịch liên hoan thơ Cu Ba là người bày tỏ những tình cảm sâu sắc nhất của cá nhân ông khi đại diện nhân dân Cu Ba đối với đất nước con người Việt Nam trong dịp này: “Từ Cu Ba, chúng tôi xin mang đến vòng tay ấm áp nhất của mặt trời, trong mỗi trai tim người Cu Ba, hình ảnh thân thiết nhất là mặt trời, và Việt Nam là mặt tròi của chúng tôi”. Người Việt Nam và Cu Ba đang sát cánh, cùng sát cánh và mãi mãi sát cánh... Chúng ta cần 1, 2, 3 và nhiều Việt Nam hơn nữa”. Cuối cùng ông nói: “Xin phép được tôn vinh mỗi trang sách như một di sản văn hóa của nhân loại”.
Đại biểu các đoàn khách quốc tế tại hội nghị
Buổi khai mạc Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ III đã kết thúc trong tình thân ái, hữu nghị và thành công tốt đẹp. Theo lịch trình hội nghị, chiều ngày 02/03/2015 các đại biểu sẽ tham dự lễ khánh thành và tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam (số 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội). Buổi tối cùng ngày, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ II sẽ được khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.