"Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh" ra mắt tại Bắc Kinh

Cuối năm 2014, “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Trung tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhân dịp này, nhà văn Cao Năm đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà thơ Trần Nhuận Minh...

Xin chia sẻ niềm vui khi biết “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” vừa được một nhà xuất bản danh tiếng của Trung Quốc ấn hành bằng tiếng Trung. Mối duyên nào đã đưa thơ anh đến với bạn đọc Trung Hoa?

 

+ Bài thơ đầu tiên của tôi đến với bạn đọc Trung Hoa là do một kỹ sư hàng hải tàu viễn dương Trung Hoa đến lấy than ở Hòn Gai cách đây khá lâu rồi. Không biết bằng cách nào ông có được bài thơ “Chơi thuyền trên Vịnh Hạ Long” của tôi bằng tiếng Anh khi ông vào nghỉ tại Bãi Cháy. Ông rất thích bài thơ đó và đã dịch ra tiếng Trung đăng trên một tờ báo ở thành phố Thiên Tân, quê hương ông. Ông nói sẽ mang tờ báo sang tặng tôi trong chuyến tàu sau, khi ông liên hệ được với tôi qua phiên dịch của Công ty hoa tiêu có trụ sở cạnh nhà tôi. Thế nhưng, sau đó ít lâu tôi được tin là ông đã mất cùng thuỷ đoàn khi tàu bị chìm do bất ngờ gặp bão lớn ở Biển Đông. Đối với tôi, đây là một ấn tượng rất khó quên.

Về phần tôi, từ năm lên 10, tôi đã thuộc Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du của Việt Nam đã đưa tôi đi khắp nước Trung Hoa bằng thi phẩm kiệt xuất của mình. Vì thế, tôi rất thích thơ Đường, đặc biệt là thơ Đỗ Phủ mà cụ Nguyễn Du từng tôn làm “Thiên cổ sư” (thầy muôn đời). Và nguyện vọng của tôi đã được thực hiện, khi tôi đi thăm và sáng tác ở Trung Quốc do Hội Quốc Liên Trung Hoa mời trong đoàn của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đến nay, đây vẫn là chùm thơ tôi ưng ý nhất trong số thơ tôi viết ở nước ngoài. Rồi tôi được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học mời dự và đọc tham luận về thơ Đỗ Phủ, nhân kỷ niệm 1.300 năm sinh của Thi hào. Tại đây, nhà thơ, Giám đốc Trung tâm, GSTS Mai Quốc Liên đã giới thiệu tôi là một nhà thơ có nhiều ảnh hưởng của thơ Đỗ Phủ và vì thế, bản tham luận của tôi rất được các nhà nghiên cứu, các GSTS Trung Quốc chú ý; đặc biệt là GSTS Phùng Trọng Bình. Chính ông là một trong ba người (và là người quan trọng nhất), dịch thơ tôi ra tiếng Trung từ bản tiếng Anh đã xuất bản, có tham khảo bản tiếng Việt từ một cộng sự của ông. Tập thơ này do Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc biên tập và in ấn…

- Anh đã có thông tin gì về những đánh giá của Nhà xuất bản hoặc dịch giả, nhà phê bình và bạn đọc Trung Quốc về tập thơ chưa?

+ Sách mới ra, chưa thể có ý kiến gì. Mở đầu sách là bài viết rất công phu, có thể nói là một công trình nghiên cứu của GSTS Phùng Trọng Bình (có sự cộng tác của Thạc sĩ Dương Hạ Nguyệt) in đến 35 trang ở đầu sách, có tên là “Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh”. Ông viết rằng: Đọc thơ tôi, ông bị cuốn hút và bị ám ảnh đến mức đêm ngủ cũng không yên và ông quyết tâm đưa thơ tôi đến với nhiều người đọc và bản dịch này ông đã phải “nâng lên hạ xuống” nhiều lần. Xin dẫn một đoạn ông viết ở đầu sách: “Thơ Trần Nhuận Minh, với con mắt quan sát khác biệt, ý tưởng độc đáo, bút pháp tinh tuý và phong cách biệt lập, đã diễn tả thành công cuộc sinh tồn, đấu tranh và tìm ngẫm của dân tộc Việt Nam. Thể hiện cá tính rõ nét và khác lạ, thơ ông đã đạt đến đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, có lực hấp dẫn, lôi cuốn…”. Mới đây, ông có điện thoại cho biết, tập thơ đã có mặt ở hầu hết các trường đại học xã hội và nhân văn trên đất nước Trung Hoa và được coi là một trong số những tác phẩm tham khảo để giảng dạy và học tập về Văn học Việt Nam…

- Anh có nhận xét gì về khâu biên tập, trình bày v.v.. của Nhà xuất bản đối với cuốn “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh”? Và liệu sau cuốn này, họ có dự kiến chuyển ngữ và in sách văn học Việt Nam sang tiếng Trung cuốn nào tiếp theo?

+ Có thể nói, họ làm sách rất bài bản, có lớp lang, trình tự khoa học chặt chẽ. In và làm bìa cùng ma két rất sang trọng, nhưng rất giản dị. Thấy rõ có hai cái khác mình. Một là đánh số trang theo cụm bài. Như phần “Tiền ngôn” (Lời nói đầu), đánh số riêng từ trang 1 đến trang 2, trong khi trước đó đã có 2 trang tên sách và trang quản lý. Phần nghiên cứu đánh số từ trang 1 đến trang 35. Phần thơ dịch tiếp theo đánh số trang 1, đến trang 168 (tức là trang 49 đến trang 216 của cuốn sách)... Thành ra mở sách mà xem số trang ở cuối sách là 168, nhưng cộng từ đầu đến hết là 216. Tôi thấy cách đánh số thẳng một lèo của mình hay hơn, dễ theo dõi. Hai là họ in bài thơ nọ đuổi theo bài thơ kia theo truyền thống in thơ từ thời cổ của Trung Quốc, không như ta, chỉ có 2 câu cũng 1 trang. Nhà xuất bản đề bìa, tên sách là “Trần Nhuận Minh, thi ca tinh tuyển tập”, phần thơ dịch gồm 163 bài trong đó có trích 2 đoạn “Trường ca Đá Cháy” (thực ra là 3) và 3 bài thơ văn xuôi. Tất cả các bài đều xếp theo thứ tự thời gian, từ năm 1960 đến năm 2012, tương ứng với bài nghiên cứu ở đầu sách là nhìn nhận và đánh giá thơ tôi trong cả một quá trình. Giá bán là 38 tệ, ở các hiệu sách do Nhà xuất bản quản lý hoặc có liên hệ, lần lượt ghi địa chỉ để bạn đọc tìm mua ở cuối sách...

Đó là nói về cuốn sách của tôi; còn sắp tới có tập sách văn học nào của Việt Nam được dịch ra tiếng Trung tiếp theo thì tôi không biết. Xưa nay dịch văn xuôi ra tiếng Trung do người Trung Quốc làm đã khó, dịch và in thơ còn khó hơn rất nhiều, vì người ta e sẽ ít người mua…

- Cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh.

CHÙM THƠ CỦA NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH

 

Có thể...

Có thể chỉ gặp nhau một lần

Rồi sẽ xa nhau mãi mãi

Sao lại làm tổn thương tinh thần của nhau

Để nỗi ân hận theo ta xuống đến tận đáy mồ

Để nỗi xót xa cũng theo ta xuống đến tận đáy mồ...

Đứng trước chùa Đồng

Nào biết đã bao lâu, ta tự đánh mất mình

Ta lưu lạc ở trong ta, mà ta không hề biết

Thấy trăng tròn lại nói là trăng khuyết

Tên tuổi ngoại lai thay hồn vía cha ông...

Chợt tỉnh mộng trăm năm, khi đứng trước chùa Đồng

Chả phân biệt thần tiên hay quỷ sứ

Chỉ nghe tiếng chuông mà nhận ra Yên Tử

Ta tìm đến đất Phật ở lưng trời,

để ta thành chính bản thân ta...

Trần Nhuận Minh(Nguồn: quangninhonline)