Nhà thơ Trần Nhuận Minh: “Đi một mình trên con đường sáng tạo”

“ĐI MỘT MÌNH TRÊN CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO”

Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINHTrả lời phỏng vấn của nhà báo SAO KHUÊ, về tập thơ “Đi một mình” ( GO ALONE ) vừa được Ukiyoto Canada xuất bản toàn cầu:

 


Sao Khuê (SK): Ông có thể chia sẻ về cảm hứng đằng sau tập thơ "Đi một mình"? ( GO ALONE) vừa được UKIYOTO xuất bản. Điều gì đã thúc đẩy ông viết nên những dòng thơ trăn trở về nhân thế như vậy?

Trần Nhuận Minh (TNM): Đây là tập thơ thứ 49 của tôi ( 30 tập tiếng Việt và 19 tập bằng tiếng Anh và các tiếng nước ngoài khác , đã được xuất bản ) vừa ra mắt tại Canada, tháng 6/ 2024, tiếp theo mạch nguồn mà tôi được khai sinh từ năm 1986, năm bắt đầu Đổi mới ở  Việt Nam, về số phận con người. Mà số phận của con người, như có một lần tôi đã nói,  là vấn đề trung tâm của thơ ca nhân loại,  những “ đoạn trường tân thanh”  - tiếng kêu đứt ruột  mới - ( chữ của Nguyễn Du – là tên đầu tiên của tác phẩm mà ngày nay ta gọi là Truyện Kiều ). Đây là một vấn đề lớn nhất của văn chương, có tính toàn cầu. Trước nay, chưa có một thời đại nào, một quốc gia nào giải quyết được rốt ráo và triệt để.  Vì thế nó vẫn là , luôn là, một vấn đề thời sự của các quốc gia hiện nay và có lẽ không biết đến bao giờ, trong tương lai. Càng ngày, chúng ta càng sống trong một thế giới không ổn định, với chiến tranh, khủng bố,  sự bất công, áp bức và đói nghèo. Trong vòng chưa đầy 100 năm,  tính từ năm 1939,  năm mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đến nay, những biến động gay gắt của thời cuộc, đã tác động  vô cùng sâu sắc vào đời sống và số phận của từng con người, bằng cả hàng ngàn năm trước cộng lại.  Tôi đã rất bàng hoàng xúc động, chứng kiến ( qua truyền hình) nhiều cảnh đời như thế. Cảnh vượt biên sang Anh, chết đến 39 người Việt trong container đông lạnh , cảnh những người tị nạn, bị lật thuyền, bập bềnh trôi trên biển Đen, trong đó có xác 1 em bé 3 tuổi, nằm úp mặt trên bãi cát Thổ Nhĩ Kì…   Cảnh  khủng bố bằng máy bay làm sập tòa Tháp Đôi  Mỹ , chết hàng ngàn người vô tội... Tôi đã viết trong nỗi đau thương đến tột cùng của lòng mình, mà không  bao giờ vơi cạn, nguôi ngoai… Tôi có câu thơ: “Cũng là NGƯỜI mà đến nỗi này sao ? "

SK: Nhận xét cho rằng thơ ông thể hiện nỗi buồn của con người khi cái thiện bị cái ác lấn lướt và sự thật giả lẫn lộn. Ông có thể chia sẻ thêm quan điểm của mình về những vấn đề này trong xã hội hiện đại không?

TNM: Tôi nghĩ, từ xưa đã thế. Nay nó thành vấn đề gay gắt vì chúng ta chú ý đến nó nhiều hơn. Và nó cũng phát triển với cấp độ cao hơn,  dữ tợn hơn, tương ứng với sự phát triển của kinh tế và đời sống xã hội. Ngày xưa không có cướp ngân hàng, không có cảnh lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của nhiều trăm người ở các quốc gia  qua Internet… Cái ác song hành và lấn át cái thiện là thế. Tôi có câu thơ: “ Cái ÁC vỗ vai cái THIỆN / Cả hai cùng cười đi về tương lai…” mà một số tỉnh thành đã lấy nó làm đề thi chọn học sinh giỏi . Dường như không cách nào hạn chế nó được. Ngay cả đình chùa đền miếu linh thiêng cũng thành nơi kinh doanh kiếm tiền…  Sự sa sút về nhân cách của các sĩ phu , sự lưu manh hóa, đã làm biến dạng  không ít những trí thức có tên tuổi, sự nhiễu nhương vào  tận các kì thi, các trường học làm người, từ cấp phổ thông đến Đại học và cả trên Đại học, không ít bằng tiến sĩ giả, cả các sắc phong của vua chúa thời xưa, nay cũng làm  giả, thì sợ thật; ngay cả các giá trị khoa học cũng bị đánh tráo, mà báo chí đã nêu… bạn không thấy đau lòng sao ? Chúng ta đã có nhiều phản ứng nhanh nhạy, các chế tài kịp thời… vậy  mà, chúng cứ như cỏ mùa xuân, sau mỗi lần lụi tàn, lại xanh tốt hơn trước. Chưa thấy ai giải thích được vì sao ?...

SK: Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận xét rằng ông luôn dung nạp được những dung lượng của văn hóa và có phong cách sáng tạo riêng. Ông có thể nói về quá trình hình thành phong cách này và làm thế nào để duy trì sự độc đáo đó?

TNM: Xin thưa: tên tập thơ ĐI MỘT MÌNH (GO ALONE) là tôi lấy ý từ hai chữ ĐỘC HÀNH của nhà thơ Hữu Thỉnh khi ông nhận xét về thơ tôi. Ông nói: “Trần Nhuận Minh có nhiều bài thơ rất hay. Ông có nhiều thành tựu,  được tặng nhiều giải thưởng. Nhưng ông không dừng lại ở đâu hết. Ông đang độc hành trên con đường sáng tạo, một mình một kiểu…”. Bạn sẽ nghe được tiếng ông nói như thế ngay bây giờ, nếu bạn vào Google bật lên dòng chữ “Trần Nhuận Minh – Dòng sông thơ chảy mãi” , phim của đạo diễn Xuân Hòa, đã được tặng 3 giải thưởng điện ảnh về thể loại phim tư liệu, phóng sự … Được thế, chính là nhờ kết quả của một quá trình tự học hỏi, để “ dung nạp được những dung lượng của văn hóa” như nhà thơ Hữu Thỉnh nói. Còn “ hình thành  được phong cách” và  “duy trì được sự độc đáo”( một mình một kiểu - Hữu Thỉnh ) thì theo tôi, điều rất khó có ấy, lại dễ đạt được vô cùng.  Bạn hãy lắng nghe tim bạn nói gì, có nghe thấy không?  Có khi tiếng tim ấy “ một mình mình biết, một mình mình hay” ( Truyện Kiều – Nguyễn Du). Nghĩa là nó TỰ CÓ ở trong bạn, âm thầm lặng lẽ và bền bỉ, bạn chỉ cần nhận ra nó, nhân nó lên, bắt nó phải theo bạn đến tận cùng, đến mức nó phải tự lên tiếng, phải tự “ kêu thét lên” rằng: “tôi đây”… bắt bạn phải cầm  bút, có khi không cần cả bút, nó vẫn tự ra đời trong trí nhớ, trong giấc mơ… như một bà mẹ đến kì sinh con, con có thể ra đời bên bờ ruộng, trong góc bếp… Nghĩa là bạn không phải “ đi thực tế”, để tìm nó ở đâu cả, nếu nó không có trong trái tim bạn, thì nó cũng không có ở bất cứ đâu, dù tai bạn  gắn máy nghe tinh xảo đến cỡ nào… Tôi nhớ  một câu nói của một nhà thơ Pháp: “Hãy đập vào trái tim mình. Thiên tài là ở đấy!”

SK: Ông là người am hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa dân tộc. Làm thế nào ông kết hợp những yếu tố truyền thống này vào thơ hiện đại của mình mà vẫn giữ được tính mới mẻ và sáng tạo?

TNM: Tôi có lần nói, chúng ta đang chứng kiến cuộc bàn giao không thành công giữa lớp nhà thơ đi qua chiến tranh và  lớp nhà thơ sinh ra khi đất nước đổi mới. Lớp trước vào đổi mới thì có cái cũ mà đổi ra thành mới, nhưng không tạo ra được những tác phẩm mẫu mực, có tính chất mở đường. Các nhà thơ sinh ra sau chiến tranh, tự nó đã mới, không có gì phải đổi. Các bạn không có nợ nần gì với quá khứ, “bạc đầu ngồi kể chuyện” như thời Nguyên Phong ( thời Trần) cũng chẳng có ích gì. Các bạn cứ thế mà đi với các bước khác nhau, nhưng ngoài cái thích của cá nhân mình, thì dường như chả quan tâm đến bất cứ cái gì khác, kể cả các bạn đọc. Đã thế, các nhà xuất bản lại coi nhẹ chất lượng tác phẩm, không ít trường hợp, chỉ còn là bán giấy phép lấy tiền, nên thơ hiện nay đã mất dần bạn đọc.  Nhà thơ Vũ Quần Phương đi đâu cũng đọc : “Gặp nhau tay bắt mặt mừng / Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ”. Nghe mà xót xa…

Thực ra “ truyền thống văn hóa dân tộc” với “tính mới mẻ và sáng tạo” của thơ hiện đại, như bạn nói, không phải cứ “ kết hợp” mà có được. Nó có là tự có ở bên trong tâm hồn và phương pháp sáng tác của nhà thơ , tự nó đã hài hóa cả hai yếu tố, trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này, nhiều khi chính tác giả và bạn đọc cũng không dễ cảm nhận và phân biệt được. Tôi cũng không biết mình có làm được điều đó không, và nếu làm được thì ở mức độ nào. Đó là sự thử thách khắc nghiệt đối với tôi, cũng như đối với các nhà thơ hiện nay.

SK: Nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ - William Hanbury Tenison nhận xét rằng thơ ông có khả năng thu hút sự chú ý của người đọc bằng tính chất vô thường và phù du. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng này và làm thế nào ông xây dựng hình ảnh và nhịp điệu trong thơ để đạt được hiệu quả đó?

TNM: Tôi có may mắn là được các nhà phê bình và bạn đọc chú ý, kể cả ở trong nước và nước ngoài. Các bài viết đã đăng báo in sách về thơ tôi,  rút ra  chọn lại, rồi đưa in lại, cũng được đến 4 tập,  mỗi tập khoảng 3- 400 trang, gần như có đủ các điều …(*). Nhưng đến ông WILLIAM này, viết về tôi, có 2 điều, tôi không thấy có trong cả 4 tập trên. Một là, về chủ thuyết, tôi không theo hẳn một  chủ nghĩa nào. Tuy thế, vẫn thấy ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn là triết học của Lão Tử.  Hai là,  thơ tôi không giáo huấn,  không bắt buộc người đọc phải hiểu theo cách hiểu của tôi. Ai cũng có quyển cảm nhận theo cách của mình, có thể tự đưa ra các kết luận, cũng có thể, chả cần đưa ra một kết luận nào. Người đọc cứ bị dẫn dụ bởi các câu thơ… , thế thôi. Gần đây, tác giả Đinh Văn Thái, trong bài viết về thơ tôi đăng báo Văn Nghệ số 20 ngày 18/3/2024, bài “Những câu hỏi trong thơ Trần Nhuận Minh” có viết: “ Bạn đọc thơ ông, chẳng biết từ khi nào, trở thành đồng tác giả với ông, tự tham gia sáng tạo thơ ông theo cách của mình ”. Bởi ông, về tư duy nghệ thuật, “ cố ý bỏ ngỏ một khoảng trống ” ( trong thơ ) để “ bạn đọc bù vào”.. . Đó là thơ “ý tại ngôn ngoại ”, mà thơ hiện đại ( theo Đinh Văn Thái) thường không có. Được thế thì tôi mừng lắm, bạn ơi. Đấy là ước nguyện cả một đời cầm bút của tôi đấy. Ông WILLIAM viết một câu rất lạ: “Tôi đang đọc bài thơ này hay nó đang đọc tôi ? ”. Tôi chưa thấy ai viết về thơ tôi như thế. Ông  WILLIAM nói, ông cũng không biết nữa…  Còn làm thế nào để tôi làm được những điều ấy, dù là xây dựng hình ảnh hay nhịp điệu như bạn nói, tôi cũng không biết. Tôi chỉ viết, viết một lèo là xong 1 bài thơ. Thế thôi…

SK: Là một nhà thơ hào phóng trong việc chia sẻ trải nghiệm của mình, ông muốn độc giả cảm nhận điều gì khi đọc thơ ông? Ông có muốn họ tự do đưa ra kết luận riêng của mình hay có một thông điệp cụ thể nào ông muốn truyền tải?

TNM: Tôi rất muốn độc giả đọc thơ tôi sẽ biết thương người hơn và sống tốt hơn,  có nghĩa là  cố gắng rất cao để chia sẻ với người khác, hoặc giúp người khác (nếu còn có thể), hay ít nhất cũng không làm tổn thương đến người khác.  Đấy cũng là thông điệp của thơ tôi. Tôi rất cảm ơn sự đồng  cảm của các bạn, và dành quyền để  các bạn đưa ra các kết luận của mình, nếu cần, hoặc không ( như ông WILLIAM đã nói trên), nhưng tôi mong,  mọi ý kiến đều xuất phát từ sự lương thiện, xây dựng, bởi tôi biết rất chắc chắn là  lòng tôi rất trong lành.

SK: Với nhiều thành tựu và giải thưởng trong sự nghiệp, ông có thể chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình và những thách thức ông đã gặp phải trong quá trình phát triển sự nghiệp thơ ca? Có khi nào ông gặp tai nạn trong đời vì thơ?

TNM: Cuối năm 1975 tôi vào Huế và sáng ngày 01/ 01/1976, nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đưa tôi đến gặp các văn nghệ sĩ quan trọng  ở đây. Bước ngoặt lớn nhất của thơ tôi là ở thời điểm này. Khi đang phát biểu với các bạn, tôi chợt  nhận ra là  mình đã thất bại. Tôi hiểu mình chỉ có thể là nhà thơ Việt Nam, khi thơ mình cần cho cả các văn nghệ sĩ tài hoa của đất Cố đô, có thể suốt đời không cần biết đến những người thợ mỏ và nền chuyên chính vô sản. Thơ tôi còn phải cần cho cả những người đang lén lút vượt biên và chịu những tai ương khủng khiếp trên biển cả, những người từng cầm súng đứng ở phía bên kia, do những xô đẩy của lịch sử, những người Việt đang định cư ở nước ngoài… Tôi thấy, một chặng đường thơ  đã thực sự phải kết thúc và bắt đầu từ lúc này, phải làm lại từ đầu. Tôi viết: “Ta học chim để chế tạo máy bay / Học cá để sản xuất tàu ngầm / Nhưng ta không biết học ai / Để làm lại đời mình …”. Tôi lúng túng đến 10 năm thì gặp cuộc ĐỔI MỚI năm 1986, mà tôi coi là mình được khai sinh lần thứ 2. Không có cuộc sáng thế vĩ đại đó, không có thơ tôi bây giờ. Đó là  thách thức  lớn nhất một đời thơ mà tôi đã vượt qua. Còn trong khi làm ra cái mới, cái chưa từng có,  như nhà thơ Vân Long viết: “ trước Trần Nhuận Minh, thơ Việt Nam không có loại thơ này”; như nhà thơ Hữu Thỉnh nói, tôi “ một mình một kiểu,  độc hành trên con đường sáng tạo ”, thì trong bạn đọc đã quen với lối thơ cũ, có ý nọ kiến kia, cũng là điều bình thường, thậm chí là tốt đẹp, để mình vượt lên. Tôi viết cho các con tôi : “Thành công ở bất cứ lĩnh vực nào, con sẽ có nhiều kẻ thù thật và lắm bạn thân giả / Dù đứng trong bóng cây, con không bẻ cành, cũng không ngắt lá /  Đời là thế. Cứ kiên nhẫn đi lên, để lại một tấm lòng / Tin ở sức mình, nhất định sẽ thành công…” . Bạn ơi, cũng là tôi nói với chính tôi vậy.

SAO KHUÊ (thực hiện)

--------------------------

(*) 1 – Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ của GS Phong Lê và nhiều người khác, Nxb Văn học 2009

2 Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ của Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên và nhiều người khác, Nxb Hội Nhà văn 2015

3 – Trần Nhuận Minh và để những câu thơ hóa thạch thời gian của Nhà thơ Ngô Xuân Hội và nhiều người khác,  Nxb Văn học 2019

4 – Trần Nhuận Minh và những câu hỏi trần thế của Nhà văn TS Lê Thành Nghị và nhiều người khác, Nxb Văn học, 2024