Giao lưu văn học Việt - Hàn: Thêm một cánh cửa mở ra thế giới
Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Hàn Quốc và Câu lạc bộ văn học hòa bình Việt - Hàn đã tổ chức "Hội thảo Văn học Việt - Hàn 2022: Những tác phẩm đã được giới thiệu giữa hai nước Việt - Hàn" nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Hoạt động giao lưu, hợp tác của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc tuy mới được thiết lập khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nhưng đã có rất nhiều tín hiệu tích cực và được kỳ vọng là một cánh cửa rộng mở để văn học Việt Nam bước ra thế giới.
Tham dự hội thảo có đoàn 17 đại biểu gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà báo Hàn Quốc đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam với một số tên tuổi khá quen thuộc như ông Huyn Gi-young - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc, nhà văn - nhà báo chuyên viết về văn học Cho Yong-ho, nhà phê bình phim truyền hình Kim Min -jeong (Giáo sư Trường Đại học Chungang), ông Bang Jai-Suk - đồng Chủ tịch Câu lạc bộ văn học hòa bình Việt - Hàn...
Hội thảo được tổ chức sau khi NXB Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ra mắt ấn phẩm "Viết & Đọc" chuyên đề Văn học Hàn Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước đó, nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc cũng đã được dịch, giới thiệu và đưa vào giáo trình giảng dạy tại Việt Nam như: "Hợp tuyển văn học Hàn Quốc" (2 tập), "Ngụ ngôn Hàn Quốc", "Dạo bước vườn văn Hàn Quốc", "Văn học đương đại Hàn Quốc" (2 tập) …
Những năm gần đây, các cuộc tọa đàm, hội thảo về văn học mỗi bên và các chuyến thăm, làm việc được tổ chức khá đều đặn. Trong các chuyến thăm và làm việc ấy, sự hiểu biết giữa các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc càng được rộng mở và đó chính là lý do làm nên sự hợp tác đặc biệt của các nhà văn, nhà nghiên cứu và dịch giả của hai nước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao quà lưu niệm cho ông Bang Jai-Suk - đồng Chủ tịch Câu lạc bộ văn học hòa bình Việt - Hàn trong chuyến thăm và dự hội thảo tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Thật bất ngờ, trong khi dấu mốc về quan hệ "ngoại giao văn học" giữa Việt Nam - Hàn Quốc mới được chính thức thiết lập từ khoảng hơn 20 năm nay, nhưng có những tác phẩm văn học Việt Nam lại xuất hiện ở Hàn Quốc từ khá sớm. Theo nhà văn - nhà báo chuyên viết về văn học tại Hàn Quốc Cho Yong-ho, tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản lần đầu tiên ở Hàn Quốc là tiểu thuyết "Nửa chừng xuân" của Khái Hưng vào năm 1969. Nhưng hiện nay, không thể tìm thấy tác phẩm này ở các hiệu sách của Hàn Quốc mà thay vào đó là tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên" vừa được xuất bản năm ngoái với bản in song ngữ Hàn - Việt.
Cũng theo nhà văn - nhà báo Cho Yong-ho, "Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam chính thức được độc giả Hàn Quốc biết đến là "Áo trắng Sài Gòn" của nhà văn Nguyễn Văn Bổng được biên dịch vào năm 1986. Tác phẩm đã khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ tới mức trở thành "cuốn sách nhất định phải đọc" (sách gối đầu giường) của các sinh viên Hàn Quốc tiên phong trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài lúc bấy giờ. Mức độ được yêu thích của tiểu thuyết vẫn tiếp tục cho tới tận đầu những năm 1990 và còn được xếp vào danh sách các sách bán chạy ổn định (steady selle). Năm 2006, sau khi ký hợp đồng bản quyền với Việt Nam, sách được dịch lại và xuất bản với tiêu đề "Áo trắng".
Tuy nhiên, theo lời kể của nhà văn Bảo Ninh, thì trong một chuyến đi giao lưu văn học tại Hàn Quốc vào năm 2018, một độc giả là thầy giáo trung học hưu trí tại thành phố Kwangju đã nói cho nhà văn biết rằng, ông còn nhớ rõ ngày được người bạn truyền cho đọc cuốn "Áo trắng" với khổ in roneo nhỏ, giấy xấu và khó đọc là ngay trước hôm nổ ra cuộc nổi dậy Kwangju vào ngày 18/5/1980 chống lại chế độ độc tài Chun Doo-hwan.
Do bị bắt sau cuộc nổi dậy năm 1980, tài liệu sách vở trong nhà bị tiêu hủy nên ông không còn giữ được bản "Áo trắng" in roneo đó, nhưng nhiều năm qua ông vẫn ghi nhớ được nội dung cuốn sách giống như tập truyền đơn ấy. Bởi vì với ông, cuốn tiểu thuyết Việt Nam đó luôn là một ký ức sâu đậm không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông về tuổi trẻ sục sôi lòng yêu nước, yêu chuộng dân chủ tự do, "tay không tấc sắt mà sẵn sàng đương đầu với sự đàn áp tàn bạo của cường quyền hung ác".
Do có những điểm tương đồng về lịch sử, sau tác phẩm "Áo trắng" của Nguyễn Văn Bổng, một số tác phẩm về nỗi đau chiến tranh được giới thiệu rộng rãi ở Hàn Quốc như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Nếu anh còn được sống" của Văn Lê… Cho đến nay, ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản tại Hàn Quốc.
Ngoài những tên tuổi lớn được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tô Hoài… là những nhà văn đương đại như Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy…
Ngoài những tác phẩm của các tác giả được dịch và in độc lập, còn xuất hiện những tuyển tập truyện ngắn tiêu biểu của các tác giả được giới thiệu tại Hàn Quốc như "Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam" được xuất bản năm 2011 với những tác phẩm của các tác giả: Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Ma Văn Kháng, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Thị Vàng Anh; tập truyện ngắn "Có thể có, có thể không" xuất bản năm 2020 gồm các tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Thùy Dương; tập thơ đương đại Việt Nam nhân kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Câu lạc bộ văn học hòa bình Việt - Hàn có tên "Sống là gì lâu quá đã quên" gồm 60 bài thơ của 20 tác giả đương đại…
Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/