Bộ VHTTDL đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động văn học: “Chắp cánh” để văn học Việt bay xa
Văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã có bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học vẫn đang còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới. Vì thế, việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động văn học là thực sự cấp thiết.
Xây dựng Nghị định quy định về hoạt động văn học là cần thiết để khích lệ văn học Việt Nam phát triển
Đây là nội dung được Bộ VHTTDL nêu rõ trong Dự thảo tờ trình Chính phủ; hiện Bộ đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có chuyên môn về Dự thảo đến hết ngày 16.12.2022.
Báo động “nhập siêu văn học”
Cụ thể, Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định gồm 4 văn bản: Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động văn học và các vấn đề liên quan đến lập đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học; Tờ trình đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học; Đề cương dự kiến nghị định về hoạt động văn học. Đáng chú ý tại Dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động văn học và các vấn đề liên quan đến lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học, Bộ VHTTDL đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của hoạt động văn học. Cụ thể, hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều Luật khác nhau như Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một nhóm các quan hệ xã hội trong lĩnh vực văn học chưa được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật riêng như đặt hàng, tài trợ cho sáng tác văn học; dịch tác phẩm văn học; giới thiệu, quảng bá văn học; cuộc thi, trại sáng tác văn học; cơ chế trưng cầu chuyên gia trong việc thẩm định các vấn đề phát sinh trong đời sống văn học; cụ thể hóa những hành vi bị cấm trong lĩnh vực văn học…
Một số chính sách về đầu tư kinh phí cho hoạt động văn học chưa đúng tầm, đúng mức, còn bất cập. Các tác phẩm được đặt hàng, hỗ trợ sáng tác tuy phong phú về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa cao, số lượng tác phẩm đạt giải thưởng văn học uy tín vẫn hạn chế. Hoạt động trại sáng tác được tổ chức thường xuyên nhưng hiệu quả cũng chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng của các đơn vị tổ chức. Chất lượng của một số giải thưởng và cuộc thi còn chưa đồng đều. Hiện đã manh nha xuất hiện hiện tượng lợi dụng hệ thống giải thưởng phục vụ cho những mục tiêu ngoài văn học, trái pháp luật…
Cũng theo Bộ VHTTDL, hiện nay tình trạng “nhập siêu văn hóa” không còn là hiện tượng mới lạ. Hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam, thậm chí xuất bản cùng lúc với nhiều quốc gia khác. Ngược lại, sách văn học trong nước xuất hiện khá nhỏ giọt trên thị trường sách thế giới, chủ yếu do việc quảng bá vẫn chưa tương xứng với giá trị của văn học Việt Nam. Phần đông độc giả quốc tế còn xa lạ, mơ hồ về văn học của chúng ta.
Để văn học là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc
Theo nhiều cây viết trong giới văn chương, việc ban hành Nghị định về văn học là cần thiết để hoạt động của văn học Việt Nam đi vào chiều sâu, chuyên nghiệp hơn. Trao đổi với Văn Hóa, nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho biết, văn đàn Việt Nam hiện đang hết sức sôi động. Hoạt động được mở rộng ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu cũng như cởi mở hơn so với trước đây. Độc giả dễ bề tiếp cận hơn với các đầu sách văn học. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra thực trạng bạn đọc cảm thấy hoang mang vì sách văn học nhiều nhưng những cuốn sách hay, chất lượng lại không được bao nhiêu.
“Bạn đọc muốn được tiếp cận với những cuốn sách chất lượng và đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng những cuốn sách có sức nặng, hàm lượng nghệ thuật và mang giá trị cho văn hóa, xã hội hiện nay không nhiều. Nhưng những cuốn sách văn học bị đánh giá ở diện trung bình, dưới trung bình lại “nhan nhản”. Từ đó có thể nói, hoạt động xuất bản văn học đang diễn ra tương đối dễ dãi và đã đến lúc cần siết chặt quản lý”, nhà thơ Đoàn Văn Mật nêu.
Cũng theo ông Mật, những hoạt động như dịch thuật, quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa thật sự chuyên nghiệp, hoạt động manh mún… đã góp phần vào tình trạng “nhập siêu” văn học ngoại. Để giải quyết vấn đề này, nhà thơ Đoàn Văn Mật mong muốn Nghị định sẽ có những quy định khích lệ, phát triển hoạt động đặt hàng tác phẩm, trại sáng tác, cuộc thi sáng tác văn học trong nước về mọi mặt. Đặc biệt, một trong những vấn đề được nhà thơ nhấn mạnh là Nghị định cần quy định chi tiết hơn về vấn đề bản quyền, bởi “một tác giả khi thấy tác phẩm văn học của mình không được bảo vệ sẽ rất chán nản, gây ra tình trạng thui chột sức sáng tạo”.
Cùng quan điểm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Ở mọi quốc gia, văn học đều được coi là nền tảng của văn hóa. Đầu tư cho văn học cũng chính là đầu tư cho văn hóa phát triển. Đầu tư không nên hiểu theo nghĩa cơ học là về tài chính mà đầu tư ở đây là cả về cơ chế, chính sách, chất xám để sớm cho ra đời Nghị định. Nghị định về văn học được ban hành sẽ siết chặt quản lý, giúp hoạt động văn học Việt Nam trở nên khoa học, chuyên nghiệp nhưng không kém phần sáng tạo. Văn học nước nhà thật sự trở thành nơi lưu giữ các giá trị về văn hóa, tinh thần, nhân văn của dân tộc”.
Ngoài vấn đề Nghị định cần có thêm quy định siết chặt bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan trong văn học, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đề xuất cần có quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lợi nhuận để ủng hộ hoạt động sáng tác văn học, trại sáng tác, đầu tư cho nhà văn trẻ… Kinh phí này sẽ tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp và doanh nghiệp được trừ đi khi nộp thuế. Có như vậy mới giúp khơi dậy trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển văn học, đồng thời giúp các đơn vị này được hưởng ưu đãi về thuế và cảm thấy vinh dự khi được cùng góp sức đưa văn học Việt Nam đi lên.
Nguồn: http://baovanhoa.com.vn/