Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5: Những "phép thử" thành công

“Cuộc chơi” sân khấu thử nghiệm không chỉ là cuộc dạo chơi để thỏa mãn cái tôi cá nhân, mà những sáng tạo, “phép thử” đều hướng tới mục tiêu tăng sức hấp dẫn cho sân khấu và thu hút khán giả.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi trao HCV cho các vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan

Tuy mức độ thành công khác nhau nhưng có thể thấy 19 vở diễn của 15 đơn vị trong nước và 4 đơn vị quốc tế tại Liên hoan đều thể hiện rất rõ yếu tố thử nghiệm tươi mới, táo bạo. Điều đáng nói, so với các vở diễn từ sân khấu nước ngoài thì các vở của Việt Nam đậm nét hơn và thành công hơn về mặt thử nghiệm.

Thử… nhưng làm thật

Hội đồng Giám khảo, trong đó có 2 vị người nước ngoài, đều đồng nhất quan điểm trong việc chấm và trao tặng giải thưởng cho các vở diễn, cá nhân xuất sắc. Cụ thể: 4 HCV thuộc về các vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam); Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam); Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Đến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). 5 giải thưởng cá nhân cũng được trao cho các nghệ sĩ Việt Nam: “Họa sĩ xuất sắc” cho NSƯT Doãn Bằng (Người trong cõi nhớ - Nhà hát Kịch Việt Nam); “Nhạc sĩ xuất sắc” cho NSƯT Phùng Tiến Minh (Trái tim người Hà Nội - Nhà hát Kịch Hà Nội); “Đạo diễn xuất sắc” cho NSND Nguyễn Tiến Dũng (Bản tình ca trên núi - Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Ánh sáng xuất sắc” cho nghệ sĩ Như Sơn (Bản tình ca trên núi - Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc” cho NSƯT Lệ Thu (Đến bờ bên kia - Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

Nữ giám khảo người Anh, nghệ sĩ Lydia Rochelle Newman khẳng định: “Tôi và Hội đồng giám khảo đều thấy tiếc vì không có nhiều giải thưởng hơn để trao thêm cho các vở diễn và nghệ sĩ. Tôi đánh giá cao những thử nghiệm đầy sáng tạo của sân khấu Việt Nam, đặc biệt là bốn vở được trao HCV”. Có thể điểm qua những phép thử thành công như: Sự kết hợp giữa cải lương và xiếc trong Thượng Thiên Thánh Mẫu; diễn viên biểu diễn cùng con rối trong hai vở Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và Lời thề (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng); thử nghiệm trang trí rắn (chất liệu kim khí) để thể hiện các khoang chật hẹp, bức bối của con thuyền khi qua sông trong vở Bến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng); diễn tả cõi trần, cõi âm, cõi (nên) nhớ, cõi (nên) quên trên cùng một sân khấu trong vở Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam).

Người trong cõi nhớ” của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao HCV

Đôi điều cần suy ngẫm

Tại Liên hoan lần này, nhiều tác phẩm kịch kinh điển nước ngoài đã được dàn dựng thành công theo xu thế thử nghiệm Việt Nam hóa, có thể kể đến Antigone của Sân khấu Lucteam, Hedda Gabler của Nhà hát Tuổi Trẻ, Ê đip làm vua của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội… Tuy nhiên, cũng có một vài vở diễn chuyển thể từ văn học Việt Nam lại đánh mất hoặc làm giảm giá trị tư tưởng và thông điệp của tác phẩm nguyên gốc. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Tôi thấy hụt hẫng khi xem Trái tim người Hà Nội của Nhà hát Kịch Hà Nội, bởi vở diễn đã đánh mất đi thông điệp quan trọng của tác phẩm. Tôi cho rằng, công việc chuyển thể văn học sang sân khấu là cực kỳ khó khăn. Tác phẩm văn học thể hiện bằng chữ, còn vở diễn phải được gửi gắm qua các hình tượng sân khấu và qua phong cách dàn dựng của đạo diễn. Xem Trái tim người Hà Nội, tôi khẳng định đây là một chuyển thể tác phẩm văn học giữa đường đứt gánh”.

Diễn ra sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vì vậy Liên hoan chỉ có 4 đơn vị nước ngoài tham gia, đó là lý do mà “cơn khát” chứng kiến những thử nghiệm mang tính toàn cầu chưa được thoả mãn. PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho rằng, một số vở diễn đã bị rơi vào tình trạng “hài hước nhiều quá trở nên vô duyên, ít quá đâm ra nhạt nhẽo; buồn quá trở thành bi lụy, mà thiếu quá đâm ra vô cảm”. Đơn cử như vở The Lehman Brothers của sân khấu Italia, sa đà với cách diễn tả chân nên đôi khi trở nên thô thiển, nếu không nói là tự nhiên chủ nghĩa.

Thượng thiên Thánh mẫu của Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN được trao HCV

“Một số nghệ sĩ nước ngoài chia sẻ là đã học được nhiều điều thú vị từ nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tôi hy vọng các nghệ sĩ của ta cũng học được nhiều ở cách sáng tạo của bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm tham dự Liên hoan, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người và đất nước Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người trung dũng, kiên cường, thân thiện và mến khách, luôn hướng tới cái đẹp và các giá trị nhân văn”, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Sân khấu thử nghiệm thật sự đã chạm tới trái tim của những vị khán giả được coi là “khó tính” nhất, bởi họ là các nhà lý luận, nhà phê bình nghệ thuật dày dặn kinh nghiệm, kiến thức uyên thâm. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tâm sự, bà đã lặng lẽ khóc khi xem Người trong cõi nhớ của Nhà hát Kịch Việt Nam, và khi nhìn sang xung quanh, bà cũng thấy rất nhiều những giọt nước mắt của bạn bè và khán giả đang rơi...

Có thể nói, thử nghiệm để tìm ra những ý tưởng sáng tạo mới cho sân khấu qua các đợt Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sân khấu phát triển và tiếp cận khán giả. Sân khấu Việt Nam đang chìm đắm trong cơn “ngủ đông” đã bị chính những tác phẩm thử nghiệm đánh thức bởi những tìm tòi sáng tạo thú vị, táo bạo nhưng cũng không kém phần hấp dẫn bởi tính nhân văn đầy ý nghĩa.

Nguồn: http://baovanhoa.com.vn/