Xuất bản cần đổi mới để phù hợp với quần chúng
Ngày 28.9.2022, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là chương trình trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2022).
Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa thăm gian trưng bày sách tại Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” ngày 28.9. Ảnh: Q.M
60% người rất ít đọc sách, báo
GS.TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, đọc sách và văn hóa đọc ở nước ta đang có sự biến đổi mạnh mẽ và phát triển theo các hướng rất khác trước. Gần đây nhất, kết quả điều tra xã hội học ở 3 làng đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của huyện Hoài Đức, Hà Nội, với câu hỏi “đọc sách, xem báo, tạp chí”, có tới 15% người được hỏi đã trả lời “không bao giờ”, 14% trả lời “hằng tháng”, 31% trả lời “hằng tuần”. Có nghĩa là, đến 60% người rất ít đọc sách, báo (Câu hỏi gộp cả sách, báo, tạp chí, nếu tách ra thì chắc rằng, người được hỏi chỉ quan tâm đến báo).
GS.TS Đinh Xuân Dũng băn khoăn: “Phải chăng nhiều nhà xuất bản, khi tiến hành các khâu lựa chọn bản thảo, biên tập, phát hành chưa chú ý đến sự biến đổi trên, vì vậy ít nắm được sách của mình đến với ai và ai là độc giả chính, đôi khi chỉ cấp, ký giấy phép xuất bản, còn khoán cho nhà sách liên kết.
Mặt khác, trước sự biến đổi sâu sắc của việc đọc sách đó, hệ thống và mô hình tổ chức các nhà xuất bản tồn tại khoảng 40-50 năm nay đã lộ rõ sự bất cập của nó. Có nhà xuất bản không xác định rõ đối tượng, khách hàng mục tiêu của mình, không nắm được thị trường sách nên sách trôi nổi hay xếp kho là khó tránh khỏi”.
Theo PGS.TS Đường Vinh Sường, các tác phẩm xuất bản là cơ sở giúp công chúng có có căn cứ để định vị chuẩn mực cái đẹp, từ đó hình thành giá trị thẩm mỹ chung của xã hội... Thế nhưng, trong thời gian qua, xét trên góc độ xây dựng và phát triển văn hóa thẩm mỹ, hoạt động xuất bản và sản phẩm của hoạt động này còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, ảnh hưởng không tốt đến phát triển văn hóa thẩm mỹ ở nước ta.
Không để sách thành vật trang trí trên giá sách
Từ những vấn đề bất cập trong ngành xuất bản, PGS.TS Đường Vinh Sường cho rằng, hoạt động xuất bản hiện nay không thể đứng ngoài, vô can trước những dư luận này. Vấn đề là trong thời gian tới cần phải làm gì và làm thế nào để khắc phục dư luận đó. Theo PGS.TS Đường Vinh Sường, để thay đổi được những khiếm khuyết, ngành xuất bản cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao quan điểm thẩm mỹ toàn xã hội về các giá trị thẩm mỹ của dân tộc, ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy các giá trị thẩm mỹ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy những thị hiếu lành mạnh, tiến bộ của cha ông cho các thế hệ hôm nay.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xuất bản, kể cả những người trực tiếp tham gia hoạt động xuất bản cũng như những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xuất bản. Bên cạnh đó, đa dạng hóa loại hình xuất bản phẩm trên cơ sở thống nhất ban hành tiêu chuẩn sách Việt Nam cả về nội dung và hình thức sách. Để ngành xuất bản trực tiếp phát triển văn hóa đọc và nâng cao dân trí, GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, cần khảo sát xem các loại sách gì nằm trong các giá sách, kho sách của hệ thống thư viện các cấp để không để lọt loại sách tầm thường vào đây do những lý do về thị trường mà ai cũng đã nhận ra. Đồng thời, khảo sát việc phát huy các giá trị sách thực sự đến với người đọc như thế nào.
“Nhiệm vụ đặt ra thật là lớn vì chỉ có như vậy mới tạo được hiệu quả thực sự của sách trong quảng đại quần chúng, đừng để sách thành vật trang trí trên giá sách của một số người không có nếp quen và thời gian đọc sách.
Cần xây dựng một cách có hệ thống với mục tiêu nhất quán và lâu dài những bộ sách phổ cập với những kiến thức cơ bản, cốt lõi trên các lĩnh vực chủ yếu, toàn diện của sự phát triển đất nước được diễn đạt một cách dễ hiểu, sinh động với một giá tiền vừa túi tiền của đa số người dân. Không chỉ có giá trị với những kiến thức vừa cốt lõi, vừa phổ cập mà còn cần một số lượng trang vừa phải, khổ sách nhỏ phù hợp của mỗi cuốn sách” GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ.
Nguồn: https://laodong.vn/