Ươm mầm văn học thanh thiếu niên
Làm sao để thanh thiếu niên tham gia nhiều hơn vào sáng tác văn chương là chủ đề của workshop "Ươm mầm văn học teen". Chương trình diễn ra hôm 25/9 tại TP.HCM với sự tham gia của Nam Kha (làm việc tại tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím), Hoài Nam - biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng; Phong Kha - phóng viên báo Mực Tím và Thế Bảo - tác giả và quản lý một thương hiệu sách. Đều có kinh nghiệm trong sáng tác và xuất bản văn học, các diễn giả đã cung cấp những góc nhìn giá trị tới đông đảo bạn trẻ có đam mê với viết lách.
MC, tác giả Phong Kha, Hoài Nam, Thế Bảo (từ trái qua) - Ảnh: Ngọc Giang
Xu hướng đọc và viết của thanh thiếu niên
Làm việc tại một tòa soạn báo, tác giả Nam Kha nêu thực trạng số lượng in ấn sách báo giấy và các bản thảo gửi tới tòa soạn, nhà xuất bản không còn dồi dào như những năm 2010 trở về trước. Hiện tượng này đã đặt ra câu hỏi mang tính bản chất: Liệu có phải nhu cầu đọc văn học và khả năng sáng tác của thế hệ trẻ ngày nay đã suy giảm? Mỗi diễn giả đều đã đưa đến những góc nhìn riêng về vấn đề.
Thế Bảo nhận định xu hướng của thời đại với sự phát triển của công nghệ thông tin là nhân tố chính quyết định sự thay đổi trong việc đọc và viết của cộng đồng. Anh cho biết: "Phương thức đọc, viết của giới trẻ ngày nay cũng đã được số hóa. Mọi người không nhất thiết phải cầm sách báo in mà có thể thông qua các nền tảng mạng xã hội, website, blog để đọc tin tức hoặc tác phẩm. Sân chơi của người thích viết lách cũng như vậy, có thể kể đến những nhóm, trang fanpage dành cho các mục đích chia sẻ các sáng tác của bản thân".
Tác giả Phong Kha đề cập đến sự toàn cầu hóa đã đem lại cơ hội tiếp cận văn học nước ngoài cho người đọc. Với nguồn sách rộng mở, đa dạng thì gu đọc, yêu cầu trong đề tài và lối viết của độc giả có sự chuyển biến theo chiều hướng chuộng các xuất bản ngoại văn.
Tiếp nối các ý kiến, biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng đưa ra quan điểm về nhịp sống nhanh của xã hội đã định nghĩa lại về khái niệm tác phẩm văn học: "Với việc đã quen tiếp nhận thông tin nhanh, đòi hỏi dành thời gian để đọc một truyện ngắn khoảng 2000 chữ cũng là một thử thách. Ngày nay có nhiều cách tham gia tạo ra các câu chuyện. Ví dụ như phim ngắn cũng là loại hình cạnh tranh với văn học".
Có thể thấy xu thế thời đại dường như tạo nên không gian cởi mở hơn cho người viết. Không cần chờ đợi trả lời từ những người thẩm định của các đơn vị xuất bản chuyên nghiệp người ta cũng có thể tự phổ biến tác phẩm của mình. Vài dòng viết cập nhật trạng thái cũng có thể được xem là một sáng tác… Tuy nhiên chiều hướng này cũng tồn tại thử thách cho các tác giả tiềm năng.
Làm biên tập viên cho chính mình
“Việc giảm số lượng bản in các đầu sách, báo có thể dẫn đến thoái trào của các sân chơi chuyên nghiệp…”, biên tập viên Hoài Nam nhận xét.
Theo anh, sân chơi chuyên nghiệp ở đây được nhìn trên phương diện có ban tổ chức và người hướng dẫn viết uy tín cho các tác giả, có biên tập viên giúp bản thảo được trau chuốt hơn. Tự đăng tải sáng tác lên mạng có cơ hội trao đổi trực tiếp với người đọc, nhận được nhiều góp ý. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà người viết cần có hình dung vững về tác phẩm ban đầu của mình để tránh nguy cơ “đẽo cày giữa đường”.
Quay lại với nhu cầu đọc nhanh của công chúng, đảm bảo số lượng từ cũng là một khó khăn. Có kinh nghiệm viết cho nhiều báo, tác giả Phong Kha chia sẻ bí quyết: "Tuy có băn khoăn nhưng mình cũng xem lại cắt bớt những chỗ bị thừa chữ, dư ý. Có khi phải cắt cả đoạn như thời viết cho tập san Áo Trắng, từ 2.500 còn 1.500-2.000 từ. Với tác phẩm tâm đắc không muốn thay đổi, mình sẽ gác lại gửi cho đơn vị khác hoặc chờ tập hợp với những bài sau gửi về nhà xuất bản để duyệt thành sách".
Ngoài ra, nếu trước đây người đọc chỉ tiếp cận với sản phẩm do biên tập viên chọn lọc thì ngày nay họ có thể tự chủ hơn trước vô vàn sáng tác bày ra trước mắt. Điều này vô hình trung tạo ra so sánh hay dở, nhất là những bài viết cùng đề tài. Tác giả vì vậy phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi đề tài viết mới.
Trước những thử thách này, anh Thế Bảo đưa ra lời khuyên: "Người viết bản thân phải là người biên tập của chính mình trước". Trước những nhu cầu thị trường đặt ra, nhìn chung không có nhiều sự thay đổi trong vai trò của tác giả và đơn vị duyệt bản thảo. Mỗi nhà xuất bản, tòa báo đều có đối tượng độc giả riêng. Nhiệm vụ của người viết là cần tìm hiểu để gửi bản thảo của mình vào đơn vị có đối tượng phù hợp. Với báo chí cần đáp ứng kế hoạch hàng tuần, người viết nắm bắt thời sự, xu hướng để tạo bài viết gần gũi, có sức hút. Chỉn chu trong việc viết thư, hình thức bản thảo đính kèm cũng là điều cần lưu ý. Chỉ cần thông tin ngắn gọn, đầy đủ về bản thân và giới thiệu mục đích cũng như hạn chế lỗi chính tả là điểm cộng để người biên tập chọn đọc bản thảo của bạn.
Ở vai trò người làm sách luôn mong muốn tìm kiếm những gương mặt mới, tôn trọng bản thảo và đồng hành cùng tác giả từ khâu thẩm định đến phát hành là tiêu chí ưu tiên song song với việc đem đến tác phẩm chất lượng tới người đọc.
Nguồn: https://zingnews.vn/