Nhân chuyện Việt Phủ Thành Chương
Trưa nay tôi đọc trên trang của Phạm Lưu Vũ viết về “ Việt phủ Thành Chương ”, nói rất nặng nề và hiểu xúc phạm thì thành xúc phạm. Giờ này, 23h10, ngày 10-12-2018, tôi lại thấy trên trang Phạm Lưu Vũ có nói lại và xin lỗi.
Tôi quen biết cả họa sĩ Thành Chương và Phạm Lưu Vũ. Tôi quý trọng cả hai người với 2 cá tính mạnh. Riêng Phạm Lưu Vũ từ trước tới nay tôi rất nể trọng sự uyên bác, tài năng và bản lĩnh trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong chuyện này Phạm Lưu Vũ đã hồ đồ, thiếu thông tin và nhiều chỗ đã quá đà…
Về “ Việt phủ Thành Chương”, tôi thấy thế này:
1- Tôi kính trọng tài năng, trí lực, công sức và cả tiền bạc mà họa sĩ Thành Chương đã bỏ ra và tạo dựng nên công trình văn hóa này. Từ một vạt đồi trọc với cỏ hoang và sỏi đá nơi xó núi chẳng có ai đoái hoài tới; họa sĩ Thành Chương đã biến thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa thuần Việt ( vật chất ) và một phần phi vật thể ( tâm linh ). Đây hoàn toàn là một công trình của một cá nhân tự tạo dựng lên. Một cách chơi, một cách nghĩ, cách hiểu và quan điểm riêng về văn hóa Việt. Nên, nếu ai đã đến “ Việt phủ Thành Chương” đều sẽ thấy mọi cái, mọi thứ sắp xếp hay bài trí ở đây là theo suy nghĩ của cá nhân người tạo dựng. Tôi đã từng thấy một số người đến đây và nêu câu hỏi: “ Sao lại bày cái này ở đây mà không phải ở kia…”. Người ta quên rằng người ta mang cái nghĩ của người ta áp đặt lên cái nghĩ của người khác. Và đây là thói xấu, thói làm trì trệ sự phát triển của con người Việt, dân tộc Việt.
Đất nước ta bao năm nay luôn bắt con người ta phải theo định hướng này, định hướng nọ mà làm hỏng đi, mất đi cái cá nhân của mỗi con người. Khi cái cá nhân xuất hiện thì lập tức hứng chịu đủ thứ chê bai, dè bỉu thậm chí còn bị nhấn chìm… Tôi vô cùng ngạc nhiên khi một số năm trước có vị kiến trúc sư tên tuổi đã lớn tiếng chê “ Việt phủ Thành Chương” là không có quy hoạch, là một sự sắp xếp lộn xộn không xứng là một công trình kiến trúc… Ô hay! Họa sĩ làm mọi thứ theo ý mình, cách nghĩ của cá nhân mình, và do tiền mình bỏ ra; chứ đâu có phải nhằm xây dựng một công trình kiến trúc…Một sự giáo điều và thiểu năng đến thảm hại.
2- Điểm lại bao năm nay, từ nhà nước cho đến những tư nhân tiền bạc chất chồng như núi, đã có ai làm được như họa sĩ Thành Chương làm “ Việt phủ” chưa. Nhà nước từng đổ hàng trăm, hàng ngàn tỉ cho những dự án này, công trình kia về văn hóa; nhưng những công trình ấy như thế nào, ra sao, ai đến..chúng ta đều biết. Tư nhân như Xuân Trường, Xuân Thành ở Ninh Bình làm chùa Bái Đính mới, hay một số nơi khác; thử hỏi đó là kiến trúc gì, lai căng ở đâu, mô phỏng ở đâu…” Việt phủ Thành Chương” chỉ với khoảng 1 héc ta mà sao khiến vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa nước ngoài đến và ngưỡng mộ. Những cái mà ngay chúng ta và nhiều người Việt coi thường, coi khinh, rẻ rúng hoặc bỏ đi; thì họa sĩ Thành Chương lại mang nó về rồi đặt nó vào đúng không gian, môi trường của nó. Ví như, cái đơm, cái đó, cái dậm cua, cầu đá, cối xay, bình vôi, ống đũa, con chó đá…cho tới cái nhà trình tường, nhà bắc bộ, nhà rường Huế…Tức là bước qua cái cổng đặc trưng cổng xứ Bắc là lạc vào một không gian thấm đẫm chất Việt.
Thử hỏi biết bao kẻ lắm tiền, kẻ có quyền có làm nổi những điều họa sĩ Thành Chương đã làm không. Và tôi nể trọng họa sĩ bởi họa sĩ chỉ làm theo và làm vì những gì mình thích.
Tôi chắc một điều rằng trên toàn cõi Việt này không có một nơi nào thuần Việt như chỗ của Thành Chương. Sau này nhiều kẻ lắm tiền cũng bắt chước, nhái theo cách Thành Chương đã làm “ Việt phủ”. Thế nhưng đâu phải cứ có tiền hay có quyền là làm được. Thành Chương làm được bởi Thành Chương là Thành Chương.
3- Thử hỏi thành phố Hà Nội bao nhiêu năm nay, tiền không thiếu nhưng đã có công trình văn hóa nào để phục vụ người dân một cách chu đáo. Người dân Hà Nội mỗi dịp lễ, tết biết đi chơi ở đâu hay lại phải khăn gói lên ô tô ra ngoài tỉnh. Đã có công trình nào của nhà nước mà người dân cho đến quan chức, lãnh đạo cao cấp, rồi nguyên thủ nước ngoài lại cứ nghe đồn, nghe giới thiệu mà đến. Đã đến lại không thất vọng, còn trầm trồ thán phục…
4- Chuyện của hôm nay, “ Việt phủ Thành Chương” nằm trong diện đất rừng phòng hộ…Đồng ý rằng luật pháp phải nghiêm minh. Thế nhưng ở xứ này xưa nay luật pháp có nghiêm minh không! Nếu nghiêm sao bao nhiêu Biệt phủ chiếm hàng chục, hàng trăm hec ta đất, bao nhiêu công trình ngang nhiên chiếm đất của dân oan khuất tày trời, bất công nhãn tiền vẫn ngang nhiên tồn tại.
“ Việt phủ Thành Chương” nhà nước không đầu tư mà có một địa chỉ văn hóa là niềm tự hào về những gì thuần Việt ( Tôi chắc một điều nếu nhà nước định làm một công trình văn hóa thuần Việt có thể lớn gấp nhiều lần của Thành Chương, sẽ không thể thực hiện được bởi những lý do thì ai cũng rõ ). Điều gì có lợi cho dân cho nước thì nên làm. Họa sĩ Thành Chương tôi cho rằng ban đầu cũng chỉ làm theo thú chơi của mình. Nhưng rồi cái công trình rất riêng của mình lại trở thành “ cái chung”, cái “ điển hình” của người Việt. Nếu nhà nước với những con người thực sự vì những gì là tinh hoa của dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt, tôi tin sẽ có những giải pháp hợp tình hợp lý để giữ gìn một “ của báu ”.
5- Không nên nhân danh một điều gì đấy, mượn cớ không phù hợp một quy trình nào đấy để tìm mọi cách hủy diệt một công trình đã trở thành nơi lưu giữ bản sắc thuần Việt. Và, đã đến lúc ( tuy rất muộn rồi ) người Việt cần phải biết nâng tầm giá trị con người mình lên. Tức phải biết loại bỏ những thói xấu đã như bản ngã người Việt, đó là sự ghen ghét, đố kỵ, dèm pha, lười biếng, hèn…