Không có mùa thu

Các em dừng trước một tượng nữ thanh niên khỏa thân bằng đá với những đường nét khảm chạm rất tinh xảo, tay chân nuồn nuột toát lên sự khỏe mạnh hiên ngang với đời. Liếc nhìn thấy chỗ ấy không mặc gì, cô giáo chủ nhiệm vội ngắt ngay được một chiếc lá vông gần đó. Một tay đưa lá che lại phần… trên tượng, tay kia khua khua chém gió giải thích về xuất xứ bức tượng này. Lời cô ấm áp ngọt ngào dễ thương, duy cánh tay cầm chiếc lá che là vẫn nhất cử nhất động.

CHÙM TRUYỆN NGẮN của Lê Hữu Bình

1.    Mù rởm
Một ông chừng 70, vừa chống gậy vừa lê, mắt đeo kính đen. Đến trước nhà một cô gái, nói:
- Chào người đẹp, già xin cháu chút ít gao, tiền, mong cháu thương kẻ mù lòa này mà lượng tay giúp đỡ.
- Giọng ông ra thều thào đứt quãng. Cô chủ hớn hở vào trong nhà vừa đong gạo vừa lấy tiền cho người ăn xin khá nhiều. Ông ăn mày thấy lượng tiền gạo cô chủ cho nhiều vừa cảm kích vừa mừng liền hỏi lại:
- Sao cô chủ cho già nhiều thế?
- Vì ông là người đui (mù) thật.
Xưa nay cô chủ nhà này luôn là người xấu nhất làng, không một chàng trai nào hoài đến, thế mà lại có người khen cô đẹp…Ông ăn mày mỉm cười, lại một lần nữa:
- Cảm ơn người đẹp.
Rồi ông khập khểnh lắc gậy bước đi trong sự mãn nguyện của cô chủ nhà. Chừng trăm mét, ông ta liền cắp gậy vào nách, cất kính đen đứng thẳng bước nhanh về phía trước, mắt đảo các hướng. Tự nhiên ông cười đắc chí nói một mình:
- Người tự cho mình đẹp thì không đẹp. Nghĩ kẻ khác đui (mù) lại không đui…
Cứ như vậy ông lại đến một nhà ở tận cuối làng, tình cờ ông gặp một gia đình mà cô chủ còn khá trẻ mà rất xinh đẹp. Vẫn bài cũ, ông liền gõ cửa, thều thào:
- Chào người đẹp, mong người đẹp thương kẻ mù lòa chân chậm, xin bát gạo hoặc vài đồng cũng được. Lạy cô làm phước giúp cho.
Cô chủ nhà nheo mắt ngắm kỹ người ăn xin, cô đi vào nhà. Bỗng cô dừng lại, rồi quay trở ra nhìn thẳng vào mặt ông già nghiêm nghị:
- Tôi không cho ông thứ gì cả, ông không phải là kẻ mù lòa.
- Căn cứ vào đâu mà cô bảo tôi mắt sáng?
- Vì tôi vốn dĩ là người phụ nữ đẹp nhất xã nhất làng này từ bao năm rồi ông ạ…
1.     Bí quyết khỏe và sống lâu
Phóng viên báo sức khỏe và đời sống phỏng vấn một ông già 92 tuổi:
- Được biết năm nay cụ ngoại 90 thấy cụ vẫn khỏe, mắt sáng, tiếng nói oang oang dáng đi vẫn thẳng… Cụ có bí quyết gì mà thọ cao và khỏe khoắn như vậy?
Ông già nghe đủ nhưng vẫn chưa có chính kiến. Phóng viên nói tiếp:
- Nhất định cụ phải có bí quyết gì chứ, như tập thể dục đều đặn và duy trì chế độ ăn uống rất khắt khe, bảo đảm định lượng ngay từ khi còn trẻ, thưa cụ?
Bấy giờ ông già mới thong thả đáp, pha chút hóm hỉnh:
- Tất cả không, nói cháu đừng cười… già được như thế này chính là bà ấy nhà tôi xấu!
Suy nghĩ một lát, phóng viên liền đưa ra một minh chứng:
- Bà thím của cháu rất xấu thế mà chú của cháu vẫn chết sớm, vậy là sao?
Mới nghe tưởng hóc búa, nhưng không, ông già gật gật cái đầu mái tóc bạc trắng rung theo, rồi ông đưa ra một câu chắc nịch, khiến không ai có thể thêm bớt được nữa:
- Nhất định ông chú của cháu rất rất xấu, xấu hơn thím của cháu rất nhiều.
2.     Thần được
Một anh chàng 30 mới cưới vợ. Tuần trăng mật và vài tháng đầu trôi qua, anh ta hạnh phúc vì vợ mình trẻ đẹp quá trời. Thật không may, một cơn bạo bệnh bất ngờ đến với anh ta. Gia đình lại khá giả nên chạy vái tứ phương và thuốc đắt mấy cũng mua nhưng mọi phương đều thất vọng. Nằm thoi thóp chờ lưỡi hái tử thần đến rước đi. Biết số phận không quá ngày mai ngày kia kết thúc, anh ta run thều thào nói với vợ:
- Mình cởi ra cho anh ngắm một chút, có xuống nơi cửu tuyền thì hình ảnh ngọc ngà của vợ luôn trong nơi sâu thẳm của hồn anh.
Cô vợ ái ngại, cho là làm vầy xấu hổ lắm lỡ như đang “ngắm” mà người thân trong nhà nhìn thấy thì ngượng chết đi được. Anh chàng nói như van xin, hai hàng lệ mỏng thấm ra bên mí mắt hốc hác:
- Cứ đóng cửa buồng lại, một lát là xong thôi mà.
Cô vợ miễn cưỡng gật đầu, đứng dậy ra chốt cửa buồng, lại đứng trước mặt chồng và từng bước lột các thứ mặc trên người từ trên xuống dưới. Tay chồng ngắm nghía lần lượt từ trên xuống dưới, dưới ánh điện trắng hồng, ôi cha một thần vệ nữ hiện ra trước mắt. Anh ta ngẩng cao đầu và từ từ ngồi dậy, hình như có đạo hồng phong trong cơ thể bốc lên dòng huyết quản trong toàn thân rần rật. Các tế bào lâu nay ngủ quên quặt quẹo tự bừng dậy, mặt anh ta bắt đầu ửng lên. Thật là kỳ diệu, nội thất của con gái 18 đôi mươi có sức quyến rủ và sức sống vô biên. Anh chồng khỏe hẳn lên, trong tim gan anh ta tự nhiên như có tiếng nói ra “Phải khỏe phải sống để hưởng thụ những tinh hoa mà tạo hóa ban cho vợ mình”… Mấy hôm sau anh ta khỏe và khỏi hẳn bệnh.
*****
Câu chuyện hy hữu này vô tình loang ra khắp xóm khắp làng… Một ông già xóm bên không may bị cảm cúm. Bà vợ ông đòi lấy các loại thuốc như Đềconzen, Teppi, nấu nước xông nhằm cắt đứt cơn cảm cúm. Tất cả đều bị ông chối từ vì lấy làm gì xông làm gì cho mất tiền thuốc, mất tiền củi lửa. Ông yêu cầu bà cởi hết các loại quần áo đứng trước cho ông ngắm (học kinh nghiệm của anh chành ốm thập tử nhất sinh ở làng bên). Bà không nghe, ông quát. Bà bảo :
- Chúng ta bây giờ đã ngoài 70 làm chuyện ấy xấu hổ nỡm lắm ông à.
- Ông còn to tiếng gắt lời hơn:
- Bà tiếc à, hay bà không muốn chữa bệnh cho tôi?
Không còn cách nào khác, bà cũng đành khép cửa lại ra đứng trước mặt ông, lột từng thứ ra. Chao ôi một thân hình thô xấu quắt gầy mất cân đủ điều, già hóa hiện dần trước mắt, mùi hôi khẳn khẳn hắt ra. Nhìn chưa hết lượt ông đã nằm vật ra giữa giường thở gấp mấy hồi, máu mũi, nước miếng ộc ra, ông ngoẻo luôn, không một lời trăng trối…
3.     Không có mùa thu
Hôm cuối tuần trước đợt nghỉ hè, học sinh lớp 8A trường PTTH nọ được vào thăm thắng cảnh ở công viên lớn nhất thành phố. Mục đích nhà trường cho các em xem các tượng được tạc dựng ở một số nơi thuộc khuôn viên, mưu tả về con người lòng dũng cảm, ý chí hiên ngang bất khuất, sức khỏe của thân thể... Các em dừng trước một tượng nữ thanh niên khỏa thân bằng đá với những đường nét khảm chạm rất tinh xảo, các cơ bắp tay chân nuồn nuột toát lên sự khỏe mạnh hiên ngang với đời. Liếc nhìn thấy chỗ ấy không mặc quần gì, cô giáo chủ nhiệm vội ngắt ngay được một chiếc lá vông gần đó. Một tay đưa lá che lại phần… trên tượng, tay kia khươ khươ chém gió giải thích về xuất xứ bức tượng này. Lời cô ấm áp ngọt ngào dễ thương, duy cánh tay cầm chiếc lá che là vẫn nhất cử nhất động. Chừng 30 phút mọi sự diễn giải coi xong các em tự đứng lên để đi sang bức tượng khác. Duy có một học sinh nam ngồi hàng đầu nghe, nhìn cậu cũng kha khá lớn. Cậu cứ nhìn chằm chằm vào cái lá vông, không chớp mắt. Cô giáo cũng ngại không muốn bỏ ra, tay thì mỏi lắm rồi. Đột nhiên cô hỏi cậu học sinh:
- Ô hay cớ gì mà cứ ngồi mãi đây, em làm sao thế?
Cậu học sinh thản nhiên đáp:
- Em chờ đến khi lá rụng mới thôi, kể cả tới mùa thu.
Cô giáo đỏ ửng má, rất nhanh nhẹn cô nói:
- Hiện tượng trái đất ngày một nóng lên, các nhà khoa học tiên đoán từ nay trở đi, trái đất sẽ không còn mùa thu em à…
Cậu học sinh đứng dậy đi theo đám bạn sang chỗ khác, vẫn nghe câu cậu ta lủng bủng trong miệng ném lại phía sau:
- Trái đất cũng là loại lừa đảo, dám cắt mùa thu đẹp đẽ của ta. Mùa lá rụng mà ta đang cần…
5. Tuyên bố
(Hài vui)
Hội nghị cắt giảm vũ khí hạt nhân ở thủ đô La hay- Hà Lan đang sôi nổi và đi đến hồi kết, sau gần 5 ngày họp bàn căng thẳng. Bây giờ là màn tuyên bố của các quốc gia, thể hiện ý chí trách nhiệm của mình về việc bảo vệ sự sống cho trái đất. Trước tiên là 2 đoàn Nga và Mỹ, các vị trưởng của hai đoàn tuyên bố na ná giống nhau:
- Nga, Mỹ đều quyết tâm cắt giảm và thủ tiêu một nửa số vũ khi hạt nhân hiện tại ở mỗi nước.
Cả hội trường vỗ tay rầm rầm, nhiều tiếng la lên “Thiện chí, thiện chí”. Sau ý kiến đánh giá của Tổng thư ký Liên hiệp Quốc hoan nghênh hai nước, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc trịnh trọng bước lên bục diễn đàn, rằng:
- Trung Quốc sẽ giảm hơn một nửa số vũ khí hạt nhân hiện có tại nước mình.
Cả hội trường vỗ tay không ngớt, họ cho rằng Quyết tâm của Tàu còn hơn cả Mỹ và Nga bởi họ giảm hơn hai nước sừng sỏ kia, dù chỉ là 0,01% cũng là giảm hơn hệ số an toàn cho trái đất cũng cao hơn. Tất cả các đại biểu đều vui và tạm cho rằng khó có một Quốc gia nào thiện chí hơn được nữa. Tổng thư ký LHQ kết luận sơ bộ, hoan nghênh Trung Quốc tiên phong dám hy sinh kho vũ khí của mình vì sự sống nhân loại. Dừng một lát ông hỏi thêm:
- Còn quốc gia nào thể hiện thiện chí quyết tâm của mình trước Liên hợp quốc nữa không?
Ông vừa dứt lời, phía cuối hội trường một đại biểu nhỏ con tay giơ thẳng và xin phát biều. Vị trưởng đoàn đi thẳng lên bục với dáng vẻ hiên ngang khí phách của một dân tộc từng thắng nhiều đế quốc to. Càng gần thì ai cũng nhận ra đó là trưởng đoàn của một nước Đông Nam Á (ĐNA). Tất cả hội trường nín thở im phăng phắc, họ hoài nghi vì nơi đây mới là diễn đàn của các cường quốc hạt nhân thế giới, thế mà vị trưởng đoàn kia lại dám bước lên bục, nghĩa làm sao? Ông trưởng đoàn ĐNA giơ tay chào mọi người rồi vào đề ngay, sau mấy lời kính thưa kính bẩm. Ông đàng hoàng:
- Nước… chúng tôi, sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước… hết!
Tiếng hoan hô tiếng nói tiếng cười như sấm dậy, toàn bộ hội trường muốn vỡ tung bởi sóng của âm thanh từng lớp từng lớp trào tràn, họ khâm phục… Nhưng sau đó một lát, tự nhiên thấy hội trường im bặt, họ nhìn nhau ngơ ngác…
6.     Lý lẻ
Vô tình đi qua một quán nước ở đầu ngõ, khu tập thể Lập Dị phường V quận H, tôi nghe 3 ông tướng đang vừa trà tam lạm khẩu. Họ bàn về anh hùng được truy tặng thời đổi mới Kim Ngọc nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc hồi những năm 1965. Một ông nói:
- Giá như ta cứ khoán sản cho nông dân ngay từ những năm 60 có thể bây giời giàu to. Đáng tiếc lúc ông đưa ra, mặc dù dân quê ông rất thích vì năng suất lúa có tăng, nhưng vẫn bị cấm. Quyết định sai đó do ai? Sao không truy ngược lịch sử để tìm cho ra kẻ cấm chủ trương đó mà phê phán mà kỷ luật?
Một ông béo ự bụng lẩy lẩy trán hói cao lắc lắc cái đầu:
- Lý lẻ vậy mới đúng một phần nhỏ thôi. Nói gì cũng cần xem vai trò lịch sử của sự việc đó trong tình hình đất nước. Những năm 65, 70 cả nước có chiến tranh mô hình hợp tác xã nông nghiệp chính là cái ô đoàn kết toàn dân, là hạt nhân của lòng tin. Lúc đấy chúng tôi cầm súng ra trận rất tin ở quê nhà có HTX, khó khăn gì thôn làng giúp đỡ, mẹ già con thơ trông tất cả vào bà con hàng xóm. Từ HTX in đậm trong trái tim mỗi người lính, niềm tin và hy vọng là ở đó- Ông vuốt mái tóc về sau, nghe đâu ông này Đại tá về hưu, ông tiếp- Nếu chia khoán sản hồi ấy ai biết việc nhà nấy, người khỏe ruộng tốt người yếu ai đỡ đần cho đây? Vậy những người cầm sũng như chúng tôi có còn niềm tiên ở quê để xông lên giệt giặc, thầm chí nhiều người lính xin về vì mảnh ruộng riêng nhà mình. Vậy chúng ta có chiến thắng năm 1975 không?
Thấy hay hay, tôi cố đứng nghe tiếp. Ông thứ 3 xem chừng tuổi cao hơn, a hèm một khấc, sau đó lên tiếng:
- Lý của 2 ông đều có ý đúng của nó, xét đến cùng ta xét cũng không bằng lịch sử xem xét. Thế này: Nếu khoán sản sớm quá thì nhất định không ổn, không tập hợp được lực lượng tất cả cho tuyền tuyến tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhưng khoán sản muộn thì dân ỳ vào HTX, hòa bình rồi mà cha chung không ai khóc dân tình đói meo. Vậy thời điểm mà Đảng ta quyết định khoán 10 vào những năm 90 là hoàn toàn đúng đắng, tuyên dương anh hùng cho Bí thư Kim Ngọc cũng rất kịp thời. So với nhiều Đảng trên thế giới thì Đảng ta hơn hẳn một cái đầu…
Có tiêng ai đó đế vào:
- Cứ như tuyên giáo tỉnh ủy
Ông vừa nói cười khà: “Anh chỉ được nói đúng, chính tôi từng là Trưởng ban tuyên giáo của tỉnh mà”.. Nghe các vị thao thao, tôi trầm ngâm, mình tự bảo mình: “Đôi lúc chúng ta tuyên truyền vấn đề gì, thường thái quá một chiều nên bất cập, mọi vấn đề cần căn vào quan điểm lịch sử, xu thế chung thì mới thấy giá trị đúng sai. Tại sao chúng ta không nói một cách thấu đáo như vị Đại tá vừa nêu trên, thì ai nấy cũng thấy mọi việc có lý có tình, càng tin vào Đảng và chính phủ hơn nhiều… Bỏ lửng cho nhiều người hiểu nhầm, cũng là có tội với Đảng với nước với dân”.
7. Điều bây giờ mới nói
Đầu mùa khô 1971, đại đội chúng tôi đang bảo vệ đèo Văng Mu được điều đến trận địa Tha Mé để bảo vệ ngầm Tha Mé trên trục đường 128 thuộc đoàn 559 trên đất bạn. Vượt qua ngầm lửa này là vào binh trạm 33. Thời đó các bạn từng là bộ đội Trường Sơn, sẽ hình dung ác liệt đến mức nào không. Buổi tối vừa chiếm lĩnh trận địa pháo cao xạ 57, ngụy trang xong xuôi thì trời sáng. Cái nắng mùa khô ở Trưởng Sơn trong vắt không gợn mây mỏng nào, chiếc OV10 hai thân quay liệng trên đầu, tiếng o e não nuột rồi hắn bổ nhào chỉ điểm. Cột khói trắng nhô lên khỏi rặng cây le cách chúng tôi chừng vài trăm m. Trong chớp mắt cả đàn F4 ở đâu lao tới ném bom bắn rốc két. Khẩu đội tôi vừa quay bám vừa chuẩn bị nhả đạn. Biết chưa lộ trên quyết ém giấu lực lượng, chỉ sẵn sàng chứ chưa bắn. Bom nổ xé rừng, tiếng đạn roàn roạt chiu chíu vút qua trên phía đầu. Vừa thức ngủ cả đêm, cả ngày liên tục chống đỡ. Đêm, từng đàn F đến thả pháo sáng ném bom phá bom bi đánh ngầm, đại đội chúng tôi cũng gầm lên nhả đạn như mưa, buộc chúng nâng độ cao. Đạn pháo của ta vạch đưởng lửa giữa trời đêm thay lệnh báo động, lái xe nhận biết có địch mà rời ca bin xuống hầm, hoặc chọn thời điểm vượt ngầm. Mấy ngày đêm liền mất ăn mất ngủ căng thẳng tột độ, đánh xong một trận chúng tôi tạm vào hầm ngủ, giày cũng không cần tháo ra cứ để nguyên, kẻo lệnh báo động còn kịp lên mâm pháo. Ác liệt mỏi mệt dồn lên đôi tay đôi mắt đôi chân, ai nấy gồng mình chịu đựng. Mấy ngày rồi quần áo không kịp thay, tóc tai bơ phờ hôi mù. Mấy bộ xoong nồi bát ăn bị bom bi xuyên thủng. Tối thứ 7 hôm đó thấy yên tĩnh, cảm giác nghỉ ngơi thư giãn chút ít đang hiện hữu thì bỗng rầm rầm, không gian mặt đất rung chuyển chớp sáng liên hồi. Sóng âm giật vào căn hầm chữ A, đất rơi lào rào.
“B52”, có tiếng ai hô lên quanh đây, thật khủng khiếp hết loạt thứ nhất rồi loạt thứ 2. Tôi nắm chặt hai tay giơ lên gập xuống “Lạy chúa, lạy chúa” phù hộ sinh mạng cho các con, mặt mũi vẫn còn bơ phờ hốc hác mơ màng mấy hôm nay rồi. Hết loạt thứ 3 tôi chạy ra khỏi hầm, ôi cha trắng lăng, những khóm cây le cây rừng tán tác. Khẩu pháo vẫn trơ trơ, mùi khói bom khét lẹt xộc thẳng vào mũi miệng. Lệnh của đồng chí Trung đội trưởng vang lên giữa màn đêm khói bụi:
- Tất cả vào hầm, tránh B52 rải loạt 2.
Không ai nói gì nín thở căng thẳng bởi loạt 2 sẽ rải trùng lên loạt 1. Rõ ràng án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu người lính. Vài phút nữa thôi có thể tôi sống hoặc tan xác cùng bom, tự dưng tôi nhớ đến cha mẹ đến mọi người thân hơn lúc nào hết. Tiếng rề rề như xay lúa đã đến và oành oành, ục ục trời đất lại chao đảo ngả nghiêng rung chuyển, loạt thứ nhất rồi loạt thứ 2. Lần này tôi chắp hai tay giơ thẳng lên, hai bàn tay truyền hơi ấm dọc trong người và tựa hồ dũng khí tăng mạnh. Tôi hét to: “Hãy rơi vào hầm ta, thà ta chết quách cho xong..”. Ác liệt gian khổ quá chừng đành liều vậy thôi… Mấy chục năm rồi nay nói lại và cũng dám nêu một chân lý bất di:
- Tình bạn vĩ đại nhất, chính là 2 bàn tay!
- Kẻ căm thù lớn nhất hồi chiến tranh là những quả bom, viên đạn bắn thẳng. Nhưng không ngờ chúng lại là ân nhân, vì luôn tránh mình nên mình mới được sống.