Ân hận
Chưa đầy 2 tháng, tôi có 2 chuyến đi dài ngày. Lần thứ nhất đi Tam Đảo, con chó quấn vào chân. Tôi vuốt ve nó trước khi lên đường. Đó là con chó đực dễ thương màu gio lẫn vàng. Chân cao tai vểnh. Nhìn chung nó rất đẹp giai. Mới chưa đầy 6 tháng mà đã gần hai chục ký.
Thường thì nuôi chó cỡ "sáu bát" thể nào nó cũng ốm đau. Con nào qua khỏi cái hạn ấy thì thọ mà không qua được chỉ vào nồi. Con Quýt nhà tôi chả ốm đau gì mà cứ lớn như thổi.
Nó là con của một con chó mẹ tôi nuôi. Chả biết nó thông dâm với thằng chó đực cha căng chú kiết nào rồi chửa ễnh bụng ra đẻ liền bốn con. Mẹ nó cũng bị bán rồi. Hình như đã kể với bạn bè. Trận bán chó ấy tôi bán lén mụ vợ cho một người nuôi. Nó đang chửa nên tôi nhất quyết không bán cho lũ đồ tể thịt chó, chấp nhận lỗ 200 ngàn.
Khi con mẹ chui vào cũi sắt nét mặt rất buồn bã. Con chó con đứng bên ngoài cứ rít lên. Nó biết từ nay mất mẹ. Dù chả còn bú mớm gì nhưng mẹ con nó vẫn nặng tình mẫu tử. Hôm ấy trời lất phất mưa. Con chó con lẵng nhẵng tiễn mẹ một đoạn. Tôi không dám nhìn cảnh mẹ con nó xa nhau. Người hay vật thì phút biệt li cũng đầy lưu luyến. Giá nó biết mở miệng ra là có thơ như người chắc nó có bài thơ rất hay. Khổ nỗi nó không biết tiếng Việt và không biết làm thơ tốc hành nên nó đành cúp đuôi quay về nằm vào chỗ hai mẹ con nó vẫn nằm cách đấy chưa quá nửa giờ. Tôi mang chảo cơm rất ngon cho nó. Nó buồn bã ngó qua rồi bỏ đi. Chắc nó nhớ mẹ. Hai mẹ con nó không bao giờ tranh nhau ăn. Chúng nhường nhịn nhau đến thương.
Mất mẹ, con chó con bỏ ăn mấy hôm mặc dù tôi đã vuốt ve tâm sự rất chân thành với nó. Bảo nó là: phận chó phải theo sự sắp đặt của chủ. Nó chả hiểu gì cả, vẫn buồn nỉ buồn non. Kiểu này nó sẽ bỏ nhà đi tìm mẹ. Tôi xích nó lại. Nó tưởng bị làm thịt nên ra sức phản đối. Nó giận dữ sủa những tiếng căm thù. Cứ mỗi lần nó chửỉ, tôi lại vả một cái vào miệng. Mẹ kiếp! Ông là Sếp của mày mà mày láo toét dám chửi lại. Mà nó chửi mình cũng đúng. Mình là loại Sếp rất đểu. Bữa ăn nó ngồi chầu rìa nhưng mình toàn quoẳng xương còn bao nhiêu nạc mình chén sạch. Có khi no nê phè phỡn rồi mình vẫn cố ăn vì nghĩ ta đây là bề trên có quyền như thế.
Được mấy hôm nó yên phận nằm trong xích chịu sự quát nạt của tôi. Nó bắt đầu ngoáy đuôi nịnh hót. Thương tình tôi thả tự do cho nó chạy nhảy nô đùa cùng một con chó cái bé bỏng thiếu nữ đồng niên với nó.
Hôm xa nhà, tôi khoác ba lô nó đoán lão chủ đi lâu nên lẵng nhẵng tiễn đưa. Nó khôn lắm. Thấy leo lên xe máy thì kệ vì nó biết lão chủ chỉ loáng cái lại về.
Đi một đoạn khá xa nó vẫn tong tong chạy theo. Tôi bỏ ba lô ôm nó một lúc và xoa đầu an ủi. Bỗng nó co người lại. són một ít nước đái ra tay. Giống chó có tật sợ quá cũng đái và yêu quá nó cũng đái...Xong việc ấy nó tong tả quay về.
Sau chuyến đi dài ngày ấy. Khi quay về là bỏ chạy. Nó nhìn tôi với ánh mắt nêu cao cảnh giác. Nó tìm một nơi sau bếp nhà khác, đầy gai và rào tre mà nằm. Chiếc đuôi dài không ngoáy tít lên như ngày nào. Nó thành con chó vô cảm.
Chưa kịp hỏi thì mụ vợ đã thông báo: Ông đi nó buồn mồm nên nghịch ngợm quá thể. Bạ cái gì cũng công và cắn xé. Nó chui vào bếp công cả bật lửa, lôi cả rổ giá ra vườn. Nó trèo lên bàn viết công bản thảo văn chương của ông cho con chó cái cùng xé...Ôi thôi là nó lắm tội. Cái tội giống trẻ lên năm lên ba hay mắc phải. Một tội tày đình là nó trèo lên ban thờ, công nguyên con vịt luộc cúng cụ. Mụ vợ tôi ức quá, xích lại đánh một trận nên thân. Nó giằng được xích chạy đi và từ đó không bao giờ gần chủ.
Lại một chuyến đi nữa sắp đến. Vợ tôi đi trước và tôi đi sau, nhà đóng cửa. Tôi tiếp tục phải sống bên con chó nhỡ gần chục hôm. Nó vẫn không chịu gần tôi. Không ngoáy đuôi lúc tôi đi đâu về. Nó nghĩ: Cái thằng đực kia cũng giống con cái là quyết tâm xích nó lại để giam hãm tự do dân chủ. Bạ cái gì nó cũng ăn vụng ăn trộm. Nhiều bữa nó ăn vụng sạch thức ăn tôi bày trên bàn. Thậm chí liếm sạch cả bát nước chấm. Nhà chỉ còn hai thằng đực với nhau mà nó đểu với mình quá. Tôi quyết định bán nó.
Tôi phác thảo một kế hoạch rất công phu như đảo chính lật đổ. Kế hoạch ấy như sau: Làm một chậu cơm trắng muốt, trên xếp mấy miếng thịt như xuất ăn cơm bụi của người. Đóng hết cửa ra vào và để hở một cánh nhỏ. Chàng ta mắc mưu lẻn vào ăn. Đợi một lát tôi vòng lối sau xập lại. Con Quýt lao ra không kịp và vãi đái ra nhà. Nó biết lần này là chết. Nó chui vào gầm giường không hề kêu ca. Cái chảo cơm ăn dở nó không đụng thêm một hạt.
Phải đợi đến 3 giờ đồng hồ mới có thợ chó đến bắt. Tưởng nó trốn chạy, ai ngờ nó thản nhiên để tay đồ tể tròng sợi dây vào cổ và không cần giằng co níu kéo, nó ung dung đi ra đường. Ở đó có cái cân tạ và chiếc lồng sắt đang chờ nó...Nó ý thức được điều gì xảy ra, chấp nhận vui vẻ không kháng cự.
Tôi không đủ dũng khí ra ngó bàn cân và kì kèo thêm bớt với tay mua chó. Nó giục mấy lần tôi gắt lên: Cứ cân rồi vào đây trả tiền.
Nó đi rồi tôi mới thầm lặng buồn. Tôi ác quá! Phải rồi, tôi ác quá. Giống người ác đến hồn nhiên với giống vật nuôi: Bóp chết chim bồ câu lấp ló chửa chuồng. Lừa đảo cả chó...Tệ quá. Tôi là thằng vừa đểu vừa tệ.
Đêm nay khó ngủ. Phía bên kia rào chợt vang lên tiếng chó sủa. Tôi bịt tai lại không muốn nghe. Vẩn vơ nghĩ ngợi: Một kiếp chó ăn toàn cơm thừa canh cặn và thức suốt đêm canh nhà. Chủ đi đâu về thì mững đến thực lòng. Thế mà chủ sẵng sàng kề dao vào cổ lấy đi sự sống bất kì lúc nào họ thích.
Tôi phải làm điều gì hay ho để bù vào cái làm ác do mình gây nên đây?. Khó lắm vì cái ác đã làm, khác gì mũi tên rời khỏi ná./.