Phiếm bàn về Thi sĩ và Nữ thi sĩ
Người đàn ông làm thơ, còn được nhiều cô gái yêu thơ ngưỡng mộ, tôn làm thần tượng để tự nguyện dâng hiến cả đời mình cho họ, gánh chung cái "nghiệp thơ" của họ. Nhưng còn người đàn bà làm thơ mới thật không may. "Anh mà xưng thi sĩ, người ta sẽ nhòm từ cái tóc, lông mi anh" (Trần Dần). Còn người đàn bà làm thơ, họ chẳng những nhòm rất kĩ, mà họ còn bới từng câu thơ, để tìm những gì rất riêng tư ẩn giấu trong đó. Người đàn bà làm thơ thường bị người ta "soi", người ta "sợ", chứ người ta không yêu. Và gần như chưa thấy có sách vở nào kể về một người đàn ông vì ngưỡng mộ thơ mà đem lại hạnh phúc cho người đàn bà làm thơ...
Đọc lại mấy câu của Thi sĩ Trần Dần: "Một triệu con gái may mới được dăm cô là thực biết yêu thơ, yêu cả thi sĩ..."
Trộm nghĩ, vậy là dăm cô ấy bất hạnh rồi! Yêu thơ, rồi cứ tưởng nhà thơ cũng đẹp như thơ, rồi mơ mộng đến là nhiều, ước được cùng nhà thơ trọn đời mãn kiếp, những tưởng chỉ cần "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng" là đủ. Nếu cô gái ấy may mắn (hay là không may?) thỏa nguyện, vậy là cô ấy sẽ trọn đời trở thành cái bóng của nhà thơ, phải gánh hầu hết những lo toan tầm thường của cuộc sống, cho nhà thơ- chồng bay bổng cùng những Nàng Thơ và mây gió, trăng hoa...
Dẫu đốt trăm thiên thạch
Soi mặt các nhà thơ
Ai kẻ giàu, hiếm thấy
Tự ngàn xưa đến giờ?
(Thơ Triệu Nguyễn - Quảng Ninh)
Bởi nhà thơ và vợ nhà thơ- người cũng chẳng kém nhà thơ bao nhiêu về tính mơ mộng và lãng mạn- thật khó mà hạ mình làm những việc có vẻ tầm thường để kiếm tiền. Chỉ cần xem cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ thì biết. Nhưng, có thể, họ lại kiêu hãnh về cái nghèo, cái thanh cao của mình và cho đó là hạnh phúc. Cũng không sai. Hạnh phúc hay không là do cảm nhận của chính mình, không phải do cách nhìn của người khác.
Lại nghĩ, người đàn ông làm thơ, còn được nhiều cô gái yêu thơ ngưỡng mộ, tôn làm thần tượng để tự nguyện dâng hiến cả đời mình cho họ, gánh chung cái "nghiệp thơ" của họ. Nhưng còn người đàn bà làm thơ mới thật không may. "Anh mà xưng thi sĩ, người ta sẽ nhòm từ cái tóc, lông mi anh" (Trần Dần). Còn người đàn bà làm thơ, họ chẳng những nhòm rất kĩ, mà họ còn bới từng câu thơ, để tìm những gì rất riêng tư ẩn giấu trong đó. Người đàn bà làm thơ thường bị người ta "soi", người ta "sợ", chứ người ta không yêu. Và gần như chưa thấy có sách vở nào kể về một người đàn ông vì ngưỡng mộ thơ mà đem lại hạnh phúc cho người đàn bà làm thơ...
Trộm vía, thỉnh thoảng đùa rằng: Một trong những tiêu chuẩn để trở thành nữ thi sĩ là không chồng hoặc phải bỏ chồng. Hay nói như một đàn chị trong làng văn chương thì: "Chúng tôi rất tốn chồng". Ngại quá. Thôi thì cứ làm dân thường cho lành.
Nhưng mà thôi, đó là chuyện của các nhà thơ, không phải chuyện của mình.
Chúc cả nhà vui, và đừng ai trở thành nhà thơ nhé!
Tin cùng chuyên mục
Thợ sửa ống nước và Nhà báo
19/06/2015
Chia gà ngày Tết bằng thơ
15/06/2015
Que diêm hỗ trợ bật lửa (!)
11/06/2015
6 bài học từ truyện ngụ ngôn Mỹ
05/06/2015
Ca "rao"
29/05/2015