Nhà báo Thái Duy: "Khoán chui hay là chết?"
Nhà báo, Nhà văn Thái Duy là tác giả cuốn sách “Sống như anh” nổi tiếng (với bút danh là Trần Đình Vân) và mới đây là cuốn sách “Khoán chui hay là chết”, đang gây xôn xao dư luận. Tacphammoi.net xin giới thiệu bài viết của Minh Nguyễn về ông
Có thể tổng kết về đời nhà báo của ông: Đi trọn những chiến dịch quan trọng nhất của lịch sử quân sự Việt Nam từ chiến dịch Biên Giới đến chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt trong suốt hai cuộc trường chinh cứu nước. Ghi nhận và phản ánh 10 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam; 10 nhiệm kỳ quốc hội nước ta. Sự kiện nào ông cũng có đầy đủ nguồn tài liệu quan trọng nhất. (Các nhà báo trẻ khác thường phải xin thông tin mà ông có). Ông còn là người chia sẻ những kham khổ lo toan mà những người dân bình thường, những thân phận thấp hèn, đói nghèo phải gánh chịu. Ông nâng niu những hy sinh thầm lặng, những con người lầm lũi nhen nhóm và quyết liệt đi theo cái mới.Với ông, họ thực sự là những người làm nên đổi mới. Điều này được khẳng định trong cuốn sách “Khoán chui hay là chết” của ông vừa xuất bản. Cách đây mấy mươi năm, ông đã là người gọi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm. Hơn 60 năm cầm bút, ông chỉ một chức danh: phóng viên.
Ông già mặc bộ bà ba lụa đen
Cuối năm 1964, ông xuất hiện giữa cánh rừng miền Đông Nam bộ như một ông già, dù năm đó ông chưa qua tuổi tứ tuần, tóc đen, mày rậm, nghiêm nghị. Trang phục thường ngày của ông là bộ bà ba đen, lụa Hà Đông hay lụa viện trợ từ Hàng Châu Trung Quốc không rõ. Vượt qua mấy ngàn cây số đường Trường Sơn từ sau tết 1964 đến tháng sáu năm đó thì tới chân núi Bà Đen - Tây Ninh. Nơi tập kết cán bộ chi viện cho chiến trường Nam bộ (B2). Từ Bắc về, người nào cũng được tổ chức cấp cho một khoản tiền lo việc “móc gia đình” thăm hỏi người thân. Ông báo với tổ chức rằng ông có người anh ruột di cư vào Sài Gòn năm 1954, nhưng không rõ địa chỉ nên không nhận khoản tiền này. Tuy nhiên, tổ chức bảo ông cứ cầm lấy vì là chính sách chung. Số tiền đó có thể mua một chiếc xe đạp Favorit của Tiệp Khắc.
Lội bộ, mang vác nặng, có lúc một đồng nghiệp bị chảy máu dạ dày, ông phải mang đồ đạc giúp, thiếu cơm lạt muối, sốt rét rừng hoành hành nên ông hơi xanh và gầy. Nếu thay đôi dép râu đen bằng đôi guốc vông quai nhựa trắng, trông ông như một trí thức Hà Thành của những năm 30 thế kỷ trước. Ông ở trong căn nhà lợp lá trung quân với phương tiện hành nghề duy nhất là chiếc radio nghe tin tức khắp nơi trong nước và quốc tế. Ông cùng các nhà báo Kỳ Phương, nguyên tổng biên tập, Trần Tâm Trí (Tống Đức Thắng) báo Cứu Quốc chuẩn bị xuất bản báo Giải Phóng - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra số đầu tiên ngày 20/12/1964, đánh dấu một thời kỳ mới của cách mạng miền Nam.
Trong mắt chúng tôi, những thiếu niên vừa rời ghế nhà trường vào chiến khu, ông là cây cao bóng cả. Chúng tôi quen gọi ông bằng chú Hai. Dạo đó ở rừng, ngày ba bữa cơm gạo hẩm với mắm chao - một loại mắm cá sông ủ muối lâu ngày đắng ngắt hoặc cơm độn đậu xanh và thức ăn là đậu xanh hay bí đỏ… kho. Người trẻ khoẻ mạnh cũng không nuốt nổi, còn ông, chỉ xin chị nuôi “chiếu cố” cho một khúc khoai mì gói giấy nướng dưới than. Món một triền miên năm này tháng nọ như vậy cầm cự khi đói lòng và chống chọi với bệnh tật thì thật là kinh khủng, chưa nói đến chuyện nghĩ và viết. Vậy mà ông vẫn đi chiến trường, vẫn ngồi ghi chép cho đời tác phẩm bất hủ về tình yêu, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng quả cảm của tuổi trẻ.
Giờ đây ông không còn mặc bộ đồ bà ba lụa đen thuở nào như ở rừng miền Đông, nhưng với tôi ấn tượng về con người Hà Nội - dù ông sinh ra ở tận Bắc Giang - không phai mờ. Ấn tượng đó càng đậm nét hơn khi nghe ông kể chuyện ngày xưa, ngày mà ông và những người bạn thời trai trẻ (các nhà báo Chính Yên, Lửa Mới, Xuân Thu…) cùng đi xem hát Ả đào, làm quen với những cô đầu xứ Hà Thành, để rồi các ông cùng thoả thuận “không khai báo” trong lần chỉnh huấn toàn Đảng năm 1952 mà sách báo từng nhắc tới. Thế nhưng ma lực chỉnh huấn thế nào mà nhà thơ - nhà báo quá cố Chính Yên ràn rụa nước mắt tự nhận lỗi: “Chúng tôi cùng các anh Thái Duy, Lửa Mới, Xuân Thu… là tiểu tư sản, là từng “đi cô đầu” tới những mấy lần mà muốn giấu Đảng. Nay chúng tôi thấy rõ lỗi lầm…”
Thật là chuyện cười ra nước mắt của một thời.
15 ngày cho “Sống như anh”
Ông kể, ông vào tới Nam bộ thì có 3 sự kiện diễn ra cùng lúc: Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam lần thứ nhất; Đại hội Thanh niên Giải phóng miền Nam; Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Trong đại hội anh hùng, các nhà văn, nhà báo đều được giao tiếp cận và viết về một nhân vật sẽ báo cáo thành tích trong đại hội. Ông được phân công viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Nhân vật đã hy sinh, đồng đội chẳng có ai. 40 nhà báo quốc tế từng có mặt không chỉ tường thuật trực tiếp mà có cả phim tài liệu về sự kiện Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử hình tại pháp trường Sài Gòn vang dội khắp thế giới. Báo chí Sài Gòn cũng rầm rộ không kém. Cơ sở cách mạng ở Sài Gòn kịp thời đưa Phan Thị Quyên, người vợ trẻ của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi vào chiến khu tham dự các sự kiện trên. Một hôm, ông Bùi Kinh Lăng, nguyên thường trực tiểu ban Văn Nghệ - Ban tuyên huấn trung ương cục miền Nam, đơn vị có một thời mang tên rất thơ mộng: Lãng Bạc để cho những ai từ Bắc vào Nam chiến đấu có chút dư vị quê nhà. Sau này, đơn vị còn mang bí số B2 thuộc đơn vị N.1217 B. Ông Bùi Kinh Lăng phổ biến lệnh của cấp trên yêu cầu ông tạm sang B2, gặp gỡ Phan Thị Quyên, để có thể viết về Nguyễn Văn Trỗi trong vòng 15 ngày. Ông được phục vụ đặc biệt, bữa cơm có thịt heo, thịt gà, mỗi ngày có trà, cà phê, sữa… Ông nghe Phan Thị Quyên kể về hạnh phúc ngắn ngủi của đời mình, cách sống và ứng xử tinh tế, đầy yêu thương của anh Nguyễn Văn Trỗi với những người thân trong gia đình. Những giây phút cuối cùng của anh trước pháp trường. Vài hôm sau, có thêm chị Nguyễn Thị Châu, vợ của người tử tù Lê Hồng Tư được đưa vào căn cứ bổ sung thêm những gì chị biết về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Phan Thị Quyên. Một tình yêu quá đẹp. Tác phẩm: “Những lần gặp gỡ cuối cùng” hoàn thành sau 15 ngày làm việc liên tục. Bản đánh máy được gửi ngay ra Bắc không kịp sửa sang gì. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc xong dù rất phiền về bản đánh máy đầy lỗi chính tả nhưng rất thích thú với cách tiếp cận của tác giả. Ông đề nghị đổi “Những lần gặp gỡ cuối cùng” thành “Sống như anh”. Cuốn sách có một đời sống đặc biệt, hàng chục triệu bản được in và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trung Quốc in 5 triệu bản, Cuba, Venezuela, Liên Xô, Nhật… đều in với số lượng rất lớn.
Năm 1969, sau những lần sốt rét hoành hành, mang di chứng động kinh, ông phải ra miền Bắc trị bệnh qua đường bay Phnom Pênh trong vai một nhà tư sản dân tộc. Đến Hà Nội, ông nhận được khoản nhuận bút cho tác phẩm “ Sống như anh” giá trị tương đương một chiếc xe đạp Tiệp Khắc thời kỳ đó. (Chiếc xe đạp Tiệp Khắc vô cùng quan trọng trong cuộc sống ở Hà Nội). Những lần ông sang các nước có xuất bản cuốn “ Sống như anh” đều được cấp trên dặn: “ Nếu bạn có đặt vấn đề về tác quyền quyển sách thì đồng chí nhớ cảm ơn” (Có nghĩa là không nhận nhuận bút). Sau này, ông thường nói vui về thời bao cấp vất vả: “ Sống như anh, chết như tôi”. Một cán bộ lão thành, hoạt động trong ngành báo chí, văn học từ những năm đầu cách mạng tháng 8, khi về hưu, ông được xếp lương chuyên viên 3, thu nhập 5,2 triệu đồng/tháng. Bậc lương đó của nhà báo Thái Duy nằm trong khoảng: “ Tất ta tất tưởi/Là lũ trăm hai”(trích bài Vè Lương tháng) mà người ta cười cợt cay đắng trong thời bao cấp chưa xa.
Có thể bây giờ hoàn cảnh đã đổi khác, nhưng lúc đó, chiến trường rực lửa, bom đạn ác liệt, sống chết mong manh, “Sống như anh” có sức lay động dữ dội, giúp những chàng trai cô gái dám lao lên phía trước trong cuộc chiến đấu một mất một còn cho tình yêu và tự do. Với mạch “Sống như anh”, sau này ông tiếp tục lặn lội ghi chép nhiều tư liệu mới hơn về những người đồng đội của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, những người bình dị nhưng đã chiến đấu dũng cảm cùng Nguyễn Văn Trỗi mà ít người biết đến. Đó còn là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Chính, (Chính Heo - tên gọi thân mật - NV) và bà mẹ Giáo - Phú Nhuận, người dù không sinh thành nhưng đã nuôi dưỡng người anh hùng Chính Heo suốt những năm tháng hoạt động bí mật và khi bị giam cầm, bi tra tấn dã man trong nhà tù Khám Lớn. Rồi cũng chính ông - nhà báo của những người tử tù - đã xuôi ngược khắp mấy mươi tỉnh thành gặp gỡ, viết về những người tử tù đang sống khó nhọc trong lãng quên của cuộc đời. Ông chạy vạy xin Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức cho đoàn tử tù ấy ra thăm miền Bắc lần đầu tiên sau mấy mươi năm đất nước thống nhất. Nước mắt và nụ cười trong những cuộc gặp gỡ cũng có thể là cuối cùng đó của những người hiên ngang chọn cái chết vì tổ quốc khi xưa đã trở thành những ký sự cảm động, những thước phim tài liệu quý giá của các nhà báo trẻ là do nhà báo già Thái Duy thiết kế.
4 ly cà phê, những bữa cơm & đôi dép râu tặng Fidel Castro
Hai chị Phan Thị Quyên và Nguyễn Thị Châu được đưa ra Bắc năm1969. Các chị ra tới Hà Nội buổi trưa, buổi chiều Hồ Chủ tịch cho mời vào phủ chủ tịch ăn cơm với Bác. Liên tiếp mấy ngày, chiều nào Bác cũng mời cơm Phan Thị Quyên. Cũng có lời dị nghị rằng nhiều đồng chí có công rất lớn từ miền Nam ra không được Bác đối xử như vậy. Bác không giải thích gì nhưng lại yêu cầu lãnh đạo ngành văn hoá cho xem bằng được những thước phim mà các nhà báo quốc tế đã quay và phát sóng trên các kênh truyền hình lớn nhất của các nước: Nhật, Mỹ về giây phút cuối cùng của của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường... Bác cũng yêu cầu được cung cấp để đọc một số báo Sài Gòn bình luận về sự kiện này. Hơn ai hết, Hồ Chủ tịch đánh giá đúng tác động của sức mạnh quốc tế ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nước ta sau sự kiện Nguyễn Văn Trỗi.
Khi Phan Thị Quyên được chọn đi dự liên hoan thanh niên thế giới, và sang thăm Cu Ba, Bác đã bỏ qua nghi thức ngoại giao thông thường mà cẩn thận dặn chị những điều nho nhỏ trong ứng xử với lãnh đạo các nước đang hết lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bác dặn Phan Thị Quyên mang món quà đặc biệt của Bác: đôi dép râu tặng chủ tịch Fidel Castro. Rõ ràng hình ảnh Phan Thị Quyên ở Cu Ba và các nước có sự thu hút và sức lay động lòng người rất lớn.
Khi ông Thái Duy cùng nhà văn Phan Tứ từ miền Nam ra Bắc, Hồ Chủ tịch đã mời hai ông đến dùng cơm. Trước bữa ăn, Bác mời trà và cà phê các nhà văn. Bộ phận phục vụ nghĩ đơn giản: có hai người khách miền Nam cùng nhà thơ Tố Hữu nên mang vào 3 tách uống trà và 3 ly cà phê. Bác vội bước ra cổng, huýt sáo rất điệu nghệ gọi bảo vệ, yêu cầu mang vào 4 tách trà và 4 ly cà phê (vì lúc đó có một nhà nhiếp ảnh đang làm nhiệm vụ). “Bác chăm chút cho chúng tôi từng miếng ăn, khi về bác bảo mang tất cả trái cây còn lại - thật là con người tinh tế trong mọi trường hợp”, nhà báo Thái Duy nhận xét.
Biết 10, viết 1
Nhiều năm tháng trong thời bình, ông vẫn đi và ghi chép về những ngày kinh tế đất nước bế tắc, do những chính sách sai lầm, quan liêu bao cấp từ ngày xưa ở miền Bắc được vận dụng y chang vào miền Nam sau giải phóng. Mô hình hợp tác hoá nông nghiệp bằng cái tên khác: tập đoàn sản xuất đã đẩy cả nước vào nạn thiếu đói trầm trọng những năm 1980. Đồng bằng sông Cửu long xơ xác, ruộng vườn hoang hoá, thành thị miền Nam cũng trong tình trạng tương tự bởi cải tạo công thương nghiệp, nạn ngăn sông cấm chợ, ách tắc lưu thông hàng hoá, sản xuất đình trệ, nghèo đói triền miên kéo theo những di chứng xã hội nặng nề. Còn miền Bắc, cũng chẳng khá hơn chút nào. Trong tình thế bi đát ấy, ông có mặt thường xuyên với những người nông dân ít học nhưng ngoan cường bám lấy mảnh đất 5% của riêng mình và tích cực “khoán chui” suốt bao năm để đổi mới, để làm cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Với bàn tay và khối óc của người nông dân ít học nhưng quyết liệt và kiên trì đã làm cho lãnh đạo Đảng phải công nhận và đưa ra nhiều chính sách quan trọng đổi mới trong nông nghiệp. Ông nói công cuộc đổi mới đó thực chất là do những người nông dân làm nên. Nó đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất nhì thế giới. Nhưng tiếc thay, cuộc sống của người nông dân ở vùng nông thôn dường như chẳng thay đổi bao nhiêu. Cơ cực lại diễn ra cách khác, xưa thiếu hụt áo cơm, giờ gạo thóc, cá mắm thừa đến độ giá 3kg lúa bằng 1kg ốc bươu vàng. Cuộc sống thường ngày thiếu hụt nhiều hơn. Nhiều vùng nông thôn, trẻ em vẫn không được học hành, chăm sóc y tế gần như chẳng có gì. Nước sạch không có để dùng, trở thành thứ xa xỉ, nhà cửa xập xệ, con cái nheo nhóc. Vẫn là một khung cảnh điêu tàn ngay cả ở nơi là vựa lúa của cả nước.
Ông thường lấy thực tiễn đời sống ấy dạy chúng tôi cách để tự mình lý giải nó. Ông không lớn lối nhưng mắng nên thân khi nhìn thấy chúng tôi có biểu hiện thiếu gắn bó với đời sống, lười đọc, lười học, lười suy nghĩ, dễ dãi trong lao động nghề nghiệp. Ông đọc một bài báo hay, một cuốn sách hấp dẫn thì lẳng lặng photo ra nhiều bản cho chúng tôi, kể cả những cuốn sách lý luận về đổi mới, về cơ chế thị trường và hội nhập với thế giới. Năm 1986 – 1987, khi đổi mới bắt đầu manh nha ở nước ta, những kinh nghiệm của Liên Xô còn giá trị, ông gom góp từng lài liệu riêng lẻ từ Hà Nội gửi vào Sài Gòn cho những người làm báo chúng tôi. Ông viết thư căn dặn kỹ lưỡng vì đây là tài liệu quý, mật mà ông mượn của ai đó. Có lần ông còn bảo đọc phải có thời hạn, phải đúng hẹn thì ông mới “có uy tín” để tìm thêm cho chúng tôi những tài liệu khác mà đọc. Tất nhiên, có những cuốn sách mà ông thiếu thì ông yêu cầu gửi gấp cho ông bằng bất cứ giá nào.
Mỗi lần vào Sài Gòn là mỗi lần ông mòn chân đến thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia. Phát hiện thư viện riêng của chúng tôi và bạn bè có gì lạ ông xin ngủ ngay trong phòng đọc ấy, không cần nệm ấm chăn êm, chỉ cần một cái quạt máy cỏn con và một ấm trà. Đọc, ghi chép và nhớ không thiếu thứ gì. Tư liệu trong các bài viết của ông luôn chuẩn xác cả không gian và thời gian. Khi gửi bài cho các báo, lúc nào ông cũng một mực: “ Chúng mày đọc kỹ xem có phù hợp không, nếu đoạn nào khó dùng cứ tự tiện bỏ đi”. Cẩn trọng với từng chữ viết ra và tôn trọng đồng nghiệp dù đáng tuổi con cháu của mình là một đặc tính nhất quán của ông. Ông luôn viết riêng cho từng báo, bản thảo viết tay trên một mặt giấy, chữ đều tăm tắp, không thiếu nét bao giờ, chừa lề 1/3 trang để có thể sửa chữa. Ông liên tục đọc đi đọc lại bản thảo của mình cho đến khi nào còn có thể.
Ông có gần như đủ các hồi ký quan trọng của các vị lão thành cách mạng, có cuốn phát hành rộng rải, nhưng cũng có cuốn vì lý do nào đó chưa in ấn công khai. Ông thường tìm trong đó các chi tiết liên quan, những sự thật nào mà ông còn chưa đủ dẫn chứng cho một bài viết, một quan điểm, nhất là những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước hay những câu chuyện về lịch sử mà quan điểm có nhiều khác biệt. Những lý giải của ông bao giờ cũng rạch ròi, chính xác, thuyết phục.
Trẻ & Mới
Năm nay đã quá cái tuổi “ bát thập vô ưu” nhưng ông vẫn viết đều đặn. Ông lần giở sử sách xem ông cha ta đã cầu hiền như thế nào, Bác Hồ đã dạy gì về cần kiệm liêm chính, muốn chống tham nhũng thì cần phải làm gì, thái độ kiên quyết như thế nào. Ông từng ví tham nhũng, lãng phí ở nước ta thực sự là giặc nội xâm. Ông thường kể người Đức, người Nhật, người Hàn, các quốc gia tiến tiến là thế, giàu có là thế mà họ giáo dục công dân họ tiết kiệm như thế nào. Ông đặc biệt coi trọng những con người quên mình cho sự nghiệp đổi mới. Ông từng viết nhiều bài về ông bí thư Kim Ngọc khoán chui khi chuyện này còn là điều cấm kỵ. Ông cũng từng lên tiếng bênh vực chủ trương một giá hay còn gọi là “bù giá vào lương” của Long An và thấy cần có cái nhìn công bằng, những phần thưởng xứng đáng cho ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), bí thư; ông Tư Giao, Chủ tịch UBND tinh Long An thời kỳ đó. Với ông, đó là những huyền thoại. Bởi họ là những người vừa gác tay súng trong chiến đấu, trở về cuộc sống hoà bình đã dám đương đầu không phải với kẻ thù mà ngay với cơ chế quan liêu bao cấp ngự trị trong lòng chế độ do Đảng lãnh đạo. Giá trị của cái nôi đổi mới là vậy. Đột phá của Long An trong câu chuyện bù giá vào lương, cơ chế một giá mới tạo ra thị trường và những lý luận về cơ chế thị trường mà chúng ta tổng kết được từ thực tiễn như nó đang có ngày hôm nay.
Ông Thái Duy, cả cuộc đời gắn bó với từng bước đi của lịch sử dân tộc, gắn bó với từng câu chuyện nho nhỏ về người dân cơ cực trong đời sống hằng ngày. Sự có mặt của ông ở chiến trường Lào khi xưa hay ngay chuyến đi B lịch sử năm 1964 ấy đều do ông “tự xin” chứ không hề thông qua một quyết định chính thức nào cuả cấp trên. Khi cấp trên đề nghị ông làm Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, ông không nhận “vì để cho lý lịch của ông trong sáng”. Quyền và tiền thì ông gần như không dính líu. Căn nhà của ông ở số trong con hẻm nhỏ số 8 Lý Thường Kiệt được xây dựng “nhờ tiền của nước Đức đấy” - ông dí dỏm nói. Thực ra đó là số tiền dành dụm của cậu con trai lớn đi hợp tác lao động mang về. Nhưng, trong tư cách nhà báo thì ông có mặt ở tất cả các điểm nóng nhất của chiến trường cũng như những vấn đề thời sự bức bách của xã hội. Ông từng nêu vấn đề chính thức trên báo về việc phải xây dựng một hiến pháp dân chủ như nó từng có của hiến pháp 1946 - hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và nó phải có trong điều kiện phát triển mới của đất nước. Vốn gắn bó với thân phận người nông dân lầm lũi khoán chui mấy mươi năm, ông thấy cần phải công nhận và hiến định quyền sở hữu đất đai đối với họ. Ông cũng từng mơ ước rằng Đảng của ông - Đảng cộng sản Việt Nam - không phản bội lại lý tưởng mà nó từng là chứ không phải như nó đang là…
Ông Thái Duy là vậy đó.
Tháng 6 – 12 năm 2013
Minh Nguyễn
Ảnh trong bài: Nhà báo Thái Duy bên phải Bác Hồ