Chuồng cọp ở Côn Đảo bị “lộ” như thế nào?

Tôi đọc “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận từ năm 1967, lúc mới lên 8 tuổi. Hồi đó sách truyện rất hiếm, chúng tôi đọc bất cứ cuốn sách nào nhìn thấy, “Bất khuất” là sách gối đầu giường của cha tôi, ông đọc và ông khóc, thấy vậy tôi liền đọc trộm cuốn sách của ông. Đọc những cảnh tra tấn tù của bọn cai ngục, đọc tinh thần bất khuất của những người tù chính trị, tôi cũng khóc theo cha tôi. Sau này, tôi đọc khá nhiều chuyện của các chiến sĩ cách mạng kể về “chuồng cọp” ngoài Côn Đảo. Lúc nào trong lòng cũng tràn đầy niềm kính phục những con người anh hùng đó. Nhưng tôi không hề biết rằng giặc che giấu “chuồng cọp” ở Côn Đảo rất kỹ, mãi năm 1970, nhờ tấm bản đồ vẽ tay của sinh viên yêu nước Cao Nguyên Lợi, “chuồng cọp” mới được đưa ra ánh sáng, tố cáo với toàn thế giới tội ác tột cùng của Pháp – Mỹ - Nguỵ đối với những người yêu nước.

Được xây dựng bí mật từ năm 1940 thế kỷ trước, chuồng cọp được thực dân Pháp ngụy trang kín đáo sâu trong Trại giam Phú Tường với hai lối ra vào. Giữa chuồng cọp và một nhà giam chỉ ngăn cách bằng một cánh cửa nhỏ bị khóa và ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Ngoài những tên cai ngục thì không ai được biết về bí mật của nơi biệt giam này. Tù nhân chính trị được đưa vào đây khi đã bị tra tấn đến ngất để mất khả năng quan sát và đưa ra bằng cửa khác để đánh lạc hướng... Tất cả tù nhân đều không xác định được vị trí trại giam. Chính vì vậy, khả năng trốn thoát là không thể…
Bí mật bị phát hiện
Đầu năm 1970, tại Sài Gòn liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình của Hội sinh viên yêu cầu chính quyền trả tự do những học sinh, sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo. Trước áp lực này, sáng 25-5-1970, nhà cầm quyền buộc phải thả năm học sinh, sinh viên đang bị giam tại chuồng cọp là: Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long, Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Tuấn Kiệt. Sáng 25-5-1970, khi bọn cai ngục vừa đưa 5 sinh viên này ra khỏi “chuồng cọp” bằng một lối khác thì một cơn mưa rào bất ngờ ập đến, chúng buộc phải đứng trú mưa dưới mái hiên, ngay trước cổng trại giam “Phú Tường”. Trong hơn 1 tiếng đồng hồ trú mưa, các sinh viên đã tranh thủ quan sát, ghi nhớ toàn bộ vị trí nơi có “chuồng cọp” trá hình.
Về đến Sài Gòn, năm sinh viên không trở về nhà mà tới ngay Hạ nghị viện của chính quyền cũ để làm tường trình tố cáo tội ác của Nhà tù Côn Đảo. Họ gặp Don Luce, một nhà báo Mỹ  làm việc 12 năm tại Việt Nam. Don Luce đã  đưa toàn bộ thông tin về khu biệt giam bí mật này đăng trên Tạp chí Life của Mỹ. Thông tin gây sửng sốt và chấn động dư luận trên toàn thế giới. Trước sự kiện này, Tom Harkin, nhân viên Quốc hội Mỹ cùng đoàn 10 Nghị sĩ Mỹ lập tức đến Việt Nam để điều tra sự việc. Trước đó, đoàn Nghị sĩ Mỹ cũng đã nghe lời đồn về chuồng cọp và đến Côn Đảo, nhưng không tìm thấy manh mối nên việc điều tra bị dừng lại.

Cuộc tìm kiếm của đoàn Nghị sĩ Mỹ
Ngay sau khi gặp Cao Nguyên Lợi qua giới thiệu của nhà báo Don Luce, nghe tường trình và có trong tay sơ đồ chuồng cọp do người sinh viên này vẽ lại bằng trí nhớ của mình, Tom Harkin cùng đoàn Nghị sĩ Mỹ và Don Luce đã đến Côn Đảo để truy tìm bí mật chuồng cọp. Họ muốn điều tra ra nhà tù với những hình thức tra tấn kiểu trung cổ vẫn còn tồn tại và được giấu kín. Mô tả lối vào chuồng cọp, sinh viên Cao Nguyên Lợi đã nói với Tom Harkin: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là một nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ”.
Tới Côn Đảo, đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đưa đi thăm Trại giam Phú Tường. Đi qua cánh cổng thứ nhất, Tom Harkin nhớ đến chi tiết vườn rau như lời mô tả của Cao Nguyên Lợi và dừng lại hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Ở trại giam này, các ông có cho tù nhân lao động tự cải thiện đời sống không?”. Nguyễn Văn Vệ nghe thấy vậy liền trả lời: “Có chứ thưa ngài, chúng tôi cho tù nhân trồng rau để cải thiện đời sống, mời các ngài đi thăm vườn rau”. Tay chúa đảo đã quá yên tâm vì trước đó đã cho người che đi lối mòn dẫn vào chuồng cọp ở vườn rau, hắn không thể nghĩ rằng ai đó có thể tìm được con đường dẫn tới cánh cửa bí mật được giấu kín từ vườn rau này…

Tội ác được phơi bày
Khi cả đoàn bước vào vườn rau, Tom Harkin nhìn thấy một cánh cổng nhỏ ở góc tường, nhưng lại không thấy lối mòn dẫn đến cánh cổng đó. Nếu có người đi lại, chắc chắn phải có lối mòn. Điều này làm ông băn khoăn. Để kéo dài thời gian quan sát, ông hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Giống rau này là rau gì?”. Nghĩ rằng người Mỹ không hiểu biết về rau Việt Nam, Nguyễn Văn Vệ trả lời qua loa: “Là rau muống thưa ngài”. Trong đoàn lúc đó có Don Luce là nhà báo đã sống 12 năm ở Việt Nam, ông biết thứ rau được trồng ở đây không phải là rau muống và cúi xuống, ngắt một nhánh rau để chứng tỏ điều đó. Nhánh rau vừa được ngắt lên, Don Luce phát hiện ra rễ rau chưa bén đất, chứng tỏ rau vừa mới được trồng. Lối mòn bị phát hiện, đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu được bước vào cánh cổng thì Nguyễn Văn Vệ kiên quyết ngăn lại: “Đây chỉ là cửa phụ đã bị chốt trong của trại giam bên cạnh, không thể đi, các ngài phải đi lối cửa chính mới có thể vào”. Vừa nói, hắn vừa đập chiếc ba toong của mình vào cánh cổng.
Không may cho Nguyễn Văn Vệ, tên gác phía trong nghe thấy giọng chúa đảo, lại thấy tiếng đập ba toong quen thuộc, nghĩ rằng chúa đảo đi tuần, liền mở cổng. Cánh cổng được mở ra, cả đoàn Nghị sĩ ngay lập tức bước vào và chứng kiến tận mắt trại giam bí mật với 120 buồng giam biệt lập và 60 buồng giam không có mái che để đưa tù nhân ra phơi mưa, dầm nắng. Trại giam này chính là chuồng cọp.
Sau khi trở về Mỹ, Tom Harkin và đoàn Nghị sĩ đã kịch liệt lên án sự tồn tại của chuồng cọp, đồng thời cung cấp thêm nhiều bức ảnh và tư liệu cho Tạp chí Life số ra ngày 17-7-1970. Sự kiện này đã gây ra một làn sóng phản đối rộng lớn tại Việt Nam, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Dư luận thế giới rất bất bình về những bức ảnh và thông tin được đăng tải, gây sức ép buộc chính quyền Sài Gòn phải phá toàn bộ chuồng cọp, chuyển 480 tù nhân đang bị giam giữ ra ngoài ngay sau đó. Một số tù nhân được đưa sang các nhà giam khác, một số khác được đưa vào các bệnh viện tâm thần…
Nguồn:   - Hướng dẫn viên khu du lịch Côn đảo
- Báo ANTD - Chủ nhật 29/07/2012