Cuối năm, bàn chuyện hàng hóa
Chuẩn bị Tết, chuyện mua sắm hàng hóa lại "nóng" lên. Anh có quan tâm đến hàng hóa và mua sắm không? Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: "Tôi là một người nghèo. Rất nghèo. Tôi nói điều này theo đúng nghĩa. Vì nghèo nên tôi thường chọn mua những loại hàng có giá bán cao nhất. Nếu không đủ tiền thì vay mượn để mua, Nói điều này như một sự nghịch lý, nhưng đúng là như vậy. Hàng tốt thì sẽ đắt. Hàng sao giá vậy. Mình lớ ngớ có thể bị lừa, nhưng những người cả đời sống bằng hàng hóa, làm sao họ bị lừa được."
CUỐI NĂM BÀN CHUYỆN HÀNG HOÁ
TRẦN ĐĂNG KHOA
PV. Lại sắp hết năm rồi. Thế là đã hai năm anh giữ chuyên mục “Blog tòa soạn”trên báo VOV.VN. Tuần nào anh cũng luận bàn về những vấn đề nổi cộm thuộc đủ các lĩnh vực: Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Giáo dục… Bữa nay, chúng tôi xin được khảo chuyện anh.. Cũng là một cách thay đổi cho Chuyên mục đỡ tẻ. Ý anh thế nào?
TĐK. Đồng ý. Thím cứ tra khảo!
Chuẩn bị Tết rồi. Anh có quan tâm đến hàng hóa và mua sắm không? Hỏi thật, anh có hay đi sắm đồ tiêu dùng không? Có thời, chúng ta kêu gọi "Mua hàng Nội là yêu nước". Anh nghĩ thế nào về nhận định đó?
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Yêu nước là một phạm trù thuộc về tình cảm. Thậm chí đó là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Còn mua hàng lại là chuyện nhỏ, rất cụ thể, tuân theo quy luật của giá trị sử dụng hàng hoá. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, nên không thể nhập nhẹm được. Người ta có thể sẵn sàng xả thân vì sự sống còn của Tổ Quốc, nhưng vẫn không thể mua hàng Nội, nếu như đó là một món hàng kém chất lượng.
Tôi chợt nhớ ông Raxun Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng thế giới, người Đagextan mà bạn đọc Việt Nam đã từng biết đến qua tập thơ "Những ngôi sao xa xôi' và tập văn xuôi đặc sắc "Đagextan của tôi" đã được dịch ra tiếng Việt. Raxun rất yêu đất nước của mình. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình nắm đất quê hương. Ông còn mang cái làng quê nhỏ bé của mình ra làm thước đo đánh giá thế giới. Với con mắt Đagextan, ông thấy Thủ đô Matxcova là một thành phố méo mó, không hoàn thiện vì chẳng thấy có nhà nào đắp phân bò lên tường để phơi. Cũng tương tự như thế, ông thấy những nhà tắm ở Pháp ở Ý chỉ là thứ đồ chơi thảm hại bằng chất dẻo. Chúng không thể sánh được với cái "nhà tắm" ở làng ông. Đó chính là con suối đầu nguồn lởm chởm những tảng đá hộc. Sáng sớm có thể ngửi thấy mùi sương non và mùi nước đái bò. Một người yêu nước được đến như thế kể cũng hiếm hoi lắm. Tôi đã đến thăm cả ba căn nhà của ông. Một nhà ở Makhatkala Đagextan và hai nhà ở Matxcova. Trong đó có một căn nhà ông tự bỏ tiền túi ra mua ở Maxcova, để đón người nhà, đón bạn bè đồng nghiệp, còn một nhà do nhà nước phân vì ông là Đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô. Căn nhà của nhà nước cho, ông tiếp các chính khách Xô Viết, các cử tri Xô Viết. Chỉ có điều, những hàng hoá vật dụng trong cả ba căn nhà sang trọng này, đều chẳng có cái gì của Đa Gextan, hay của Liên Xô và nói chung là của cả phe Xã hội chủ nghĩa. Những thứ duy nhất của Đagextan lại không thuộc về hàng hoá. Đó là nắm đất mà ba phần tư là đá và giờ Đagextan. Mỗi nhà, Raxun có hai đồng hồ chỉ giờ khác nhau. Một cái chạy theo giờ Matxcova. Một cái chạy theo giờ Đagextan. Giờ là giờ Đagextan, nhưng đồng hồ lại của Thuỵ Sĩ. Những vật dụng khác trong nhà cũng thế, chúng đều là hàng hoá của các nước Tư Bản. Nhưng không phải vì thế mà ta lại quy kết Giaxun đã chạy theo Tư Bản, phản bội lại Tổ quốc mình. Hàng hoá tiêu dùng và lòng yêu nước là hai phạm trù rất khác nhau.
Xem ra anh có vẻ ủng hộ cách chọn hàng tiêu dùng của Raxun Gazatov. Nghĩa là anh thích hàng hoá của các nước Tư Bản? Coi chừng anh cũng là một phần tử thoái hóa biến chất đấy
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Thím đừng quy kết con nhà Phật nhé. Không, ta thích hàng tốt. Còn hàng hoá ấy thuộc quốc gia nào thì chả có gì quan trọng. Ta nghĩ tất cả các khách hàng khác chắc cũng như ta thôi. Họ cũng đều muốn chọn hàng tốt. Hàng Nội mà tốt, thì dù không quảng cáo, khuyến mại, họ vẫn cứ mua. Ví như Bia Sài Gòn hay Bia Hà Nội vậy. Đi đâu ta cũng thấy cánh bợm nhậu chọn hai loại bia này, mặc dù nó chẳng có khuyến mại bằng Ô tô hay xe máy trao giải in sẵn trong nắp bia, hoặc cũng chẳng cần đến các em tiếp viên mặc váy ngắn cũn cỡn tiếp thị ở các nhà hàng. Vậy mà người ta vẫn chen nhau tìm đến.
Anh thường chọn những mặt hàng tiêu dùng như thế nào khi đi mua sắm?
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Tôi là một người nghèo. Rất nghèo. Tôi nói điều này theo đúng nghĩa. Vì nghèo nên tôi thường chọn mua những loại hàng có giá bán cao nhất. Nếu không đủ tiền thì vay mượn để mua, Nói điều này như một sự nghịch lý, nhưng đúng là như vậy. Hàng tốt thì sẽ đắt. Hàng sao giá vậy. Mình lớ ngớ có thể bị lừa, nhưng những người cả đời sống bằng hàng hóa, làm sao họ bị lừa được. Họ sẽ chọn cho mình. Mua đồ đắt tiền chính là cách tiết kiệm tiền tốt nhất. Mua xong là làm xong hẳn được một việc. Không phải lo chữa vặt, cũng không phải nghĩ đến việc sắm lại, nghĩa là không phải bận tâm đến nó nữa. Và như thế, chúng ta không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà còn tiết kiệm được cả trí tuệ và thời gian. Cái đó còn quý hơn tiền bạc rất nhiều.
Xin anh cho biết, thường thì thi sĩ hay tiêu gì và dùng gì? Thơ có phải là sản phẩm tiêu dùng hay không mà ngày xưa Nguyễn Bính than: “Làm thơ đem bán cho thiên hạ - Thiên hạ đem thơ đọ với tiền “, còn bây giờ có thi sĩ hùng hồn tuyên bố sẽ xuất khẩu ...thơ ?
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Nguyễn Bính là người rất lận đận nên nhiều khi ông cụ hay nhìn đời sống bằng con mắt bi luỵ. Đàn ông lấy vợ là việc rất bình thường. Thế mà cụ cũng than: "Ngày mai tôi lấy vợ rồi - Ngày mai tôi đã là người bỏ đi". Lấy vợ gì mà cứ như là nhảy xuống mồ! Một cô gái không may lỡ thì, phải đi bước nữa, đã đứt gánh giữa đường, giờ kiếm được ông chồng mới thì mừng quá đi chứ, thế mà ông cụ cũng để cho cô gái than thở rất não nuột: "Chị giờ sống cũng bằng không - Coi như chị đã qua sông đắm đò". Hai câu cụ than về thơ mà thím vừa nhắc đến kia cũng là hai câu hay của Nguyễn Bính. Đem thơ đọ với tiền thì đúng là bỉ cho thơ quá. Nhưng đó là ông cụ ngúng nguẩy cho vui thế thôi. Suy cho cùng, thơ cũng là một dạng hàng hoá. Hơn thế, nó còn là siêu hàng hoá. Ngay như Nguyễn Bính chẳng hạn. Thơ ông cụ đắt hàng lắm đấy. Ngay sau khi đổi mới, thơ Nguyễn Bính in lại, một ngày phát hành hết hơn một vạn bản. Ông cụ nuôi được cả Nhà xuất bản Văn học và Hội văn học nghệ thụât Hà Nam Ninh khi đó. Bây giờ, thơ ông cụ vẫn được nối bản liên tục. Ngay tôi là một thằng oắt con, không đáng làm học trò của cụ mà mỗi năm thơ cũng in đi in lại bao nhiêu lần. Người đứng ra in đều là những nhà kinh doanh. Thế nên nếu có ông thi sĩ nào mang thơ đi xuất khẩu, chúng ta cũng không nên xem đó là chuyện lạ.
Đành rằng trên thị trường bây giờ có rất nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao thứ thiệt, nhưng cũng có những mặt hàng chưa dùng đã ...tiêu, hoặc tiêu rồi mà không dùng được. Là người tiêu dùng, nếu gặp phải cảnh này, anh thấy thế nào ?
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Tôi có anh bạn rất thích mua đồ cũ và mua đồ rẻ. Gầm giường của anh có đến hàng chục đôi giày. Căn nhà của anh như một cửa hàng giày dép. Vậy mà đến lúc cần một đôi giày để vào vũ hội hay tiếp khách sang thì mới hay anh ta chưa hề có một đôi giày nào cả. Tôi vẫn nghĩ tiền nào thì của ấy. Người Việt không hề xoàng. Hàng Việt nhiều cái rất tốt. Phích Rạng Đông đắt hơn phích Trung Quốc nhưng người Việt lại chọn mua phích của ta. Giày vải giày da của ta cũng đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi sang Mỹ, mua về làm quà cho anh bạn thân đôi giày thể thao. Tôi chọn đôi giày rất đẹp. Nhưng không ngờ đôi giày ấy lại được sản xuất tại …Vân Đình, Hà Tây cũ. Tương tự thế, trong siêu thị Châu Á, tôi chọn chai nước mắm hảo hạng chiết xuất từ cá mực, có nhãn đề bằng chữ Thái Lan, nhưng dưới đít chai lại có một hàng chữ nhỏ tí, sản xuất tại …Phú Quốc. Tôi nghĩ trong tương lai, hàng hoá Việt Nam sẽ có vị trí vững chắc trên thương trường, nếu được nhà nước thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho các xí nghiệp sản xuất phát triển, không phân biệt con nuôi con đẻ giữa công ty Nhà nước hay công ty Tư nhân, miễn là làm ăn có hiệu quả. Tôi nghĩ công ty nào cũng đáng quý. Cũng như con cái trong một gia đình. Có đứa sống chung với bố mẹ. Có đứa tách ra ở riêng. Nhưng dù ở chung hay ở riêng, chúng cũng đều có trách nhiệm với bố mẹ. Thế thì tại sao lại phân biệt đối xử. Lẽ ra cái đứa tách ra đi làm ăn xa ấy cần phải được thương hơn, vì nó sống độc lập, lại không ỷ vào bố mẹ. Nhiều khi chính cái đứa dựa vào hơi sức bố mẹ lại thành kẻ đốt đình đốt chùa. Xem qua các vụ án lớn trong suốt mấy năm qua, chúng ta rất thấm thía điều đó. Ngay như vụ án Dương Chí Dũng đang xét xử, chúng ta thấy kinh hoàng. Một đống sắt rỉ, có tên là ụ nổi 83M, sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước với mức giá 5 triệu USD mà đẩy lên đến 26 triệu USD để rút ruột tiền dân, thì quả thật không còn coi trời đất là gì nữa. Thật kinh khiếp!
TOÀN SONG ghi
Tin cùng chuyên mục
Lễ thành lập CLB Thơ VN Vân Đồn
12/12/2013
Ngăn chặn tình trạng người dân "tự xử"
06/12/2013
Toán xạo và đồng dao phản cảm
04/12/2013