Ngăn chặn tình trạng người dân "tự xử"
Cách đây ít ngày, trên báo mạng đăng tải vụ việc hơn 500 người dân thôn Tri Lễ và thôn Hữu Trung ở xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương bỏ hết việc đồng áng, tập trung ở bờ đê Sông Luộc để “chiến đấu” với cát tặc (tàu hút cát trái phép).
Lý do, những tàu hút cát trái phép này đã khiến bãi bồi của con sông trở thành bãi lở, hàng chục héc-ta ruộng bị sạt lở, bị xóa sổ, bờ đê báo hiệu có nguy cơ bị xâm hại. Người dân mang lều bạt ra đê ở để canh cát tặc. Họ chuẩn bị rơm đốt bên bờ sông, dùng thuyền thúng xuống sông để phản đối, đuổi cát tặc. Còn người trên tàu cát thì ném vỏ chai, vật lạ vào dân.
Đây không phải là chuyện hy hữu. Gần đây, những vụ người dân hành xử không tuân theo quy định pháp luật xảy ra ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu phải thốt lên rằng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước đang có quá nhiều bức xúc. Hiện tượng người dân “tự xử” biểu hiện tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với một bộ phận cán bộ Nhà nước.
Tại Hải Phòng, hồi tháng 8/2013, hàng trăm người dân thuộc hai xã Lại Xuân và Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) đã bao vây nhà máy đất đèn của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh, yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động sản xuất đất đèn vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại Thanh Hóa, hàng trăm người dân xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy đã tập trung bao vây xe chở hóa chất của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, tràn vào khuôn viên công ty tìm chứng cớ chôn thuốc bảo vệ thực vật quá hạn và lập lán trại canh giữ hiện trường... Đó chỉ là vài vụ việc người viết điểm lại trong rất nhiều vụ việc khác tương tự.
Có ý kiến cho rằng, những vụ việc thế này hãy để chính quyền và pháp luật xử lý. Đúng ra là phải như vậy, bởi mọi công dân đều có nghĩa vụ sống và làm việc theo pháp luật. Người dân cũng hiểu làm vậy là phạm pháp, thậm chí còn nguy hại tới bản thân, nếu quá đà sẽ trở thành tội phạm. Và họ cũng biết những việc như vậy phải khai báo với cơ quan chức năng.
Nhưng vì sao rốt cuộc họ vẫn tự ý giải quyết vụ việc một cách manh động như vậy? Phải chăng ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, việc thực thi luật pháp chưa kịp thời, chưa công bằng, chưa thỏa đáng, nghiêm minh? Có hay không sự thờ ơ, vô cảm của chính quyền trước người dân? Hay không đủ chế tài xử lý các hành vi vi phạm đó? Hoặc đó là sự yếu kém của chính quyền địa phương? Dù câu trả lời chính xác là gì thì tất cả đều dẫn đến hệ lụy tất yếu là niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngày càng suy giảm. Từ đó dẫn tới xu hướng người dân mất niềm tin vào hệ thống pháp luật. Và những hệ lụy từ việc đánh mất niềm tin thì không thể cân đo đong đếm.
Bản chất các quan hệ xã hội vốn rất phức tạp. Vì vậy, việc thực thi luật pháp nghiêm minh là yếu tố quan trọng hàng đầu để hóa giải sự phức tạp này. Mặt khác, người dân luôn nhìn vào hệ thống công quyền để hành xử, ứng xử. Nếu buông lỏng quản lý, coi thường kỷ cương phép nước sẽ kéo theo sự xuống cấp của các quy chuẩn đạo đức xã hội. Người dân sẽ không còn biết tin vào đâu, sinh ra hoang mang, hoặc sẽ dẫn đến những hành động “tự xử”, không ai kiểm soát nổi. Hậu quả thật khó lường.
Để chấm dứt câu chuyện dân “tự xử”, hơn thế nữa là tạo niềm tin cho người dân, đã đến lúc chúng ta phải thực sự cải tiến hệ thống, bộ máy hành chính, pháp luật; sốc lại thái độ thực thi pháp luật của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng. Chính quyền có nghiêm thì người dân mới tin./.
Vũ Ngọc?/Báo VOV
Ảnh trong bài: Người dân huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đi trên Quốc lộ 1A ngày 27/10 vừa qua, phản đối việc khai thác cát làm sạt lở nặng cửa biển khiến tàu bè không ra vào được (Ảnh: Tử Trực/NLĐ)