Sáu nhà xuất bản "tên tuổi" có nguy cơ phá sản
Vừa qua, tập thể lãnh đạo 6 nhà xuất bản (NXB Văn hóa – Thông tin, NXB Thể thao, NXB Văn học, NXB Âm nhạc, NXB Thế giới, NXB Văn hóa Dân tộc, NXB Hà Nội) đã đồng ký vào đơn kiến nghị gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm cứu vãn tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản bởi vì chi phí thuê đất, thuê nhà quá cao theo quy định. Theo đơn kiến nghị của 6 nhà xuất bản, từ năm 2009, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, các nhà xuất bản có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố phải nộp tiền thuê nhà là 80.000 đ/m2. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhà xuất bản, làm cho hoạt động xuất bản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Các Nhà xuất bản vừa phải hoạt động theo cơ chế thị trường, vừa phải làm nhiệm vụ chính trị đúng theo tôn chỉ, mục đích cho phép. Ảnh minh họa
Việc thu thuế nhà (và sau này là thuế đất) cao như vậy là một việc bất hợp lý nghiêm trọng đối với các nhà xuất bản, vốn hoạt động trong lĩnh vực đặc thù vừa là doanh nghiệp, nhưng cũng vừa là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Sản phẩm của các nhà xuất bản chủ yếu là sách và văn hóa phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa như các doanh nghiệp dịch vụ khác trên địa bàn thành phố. Sự bất hợp lý nghiêm trọng này sẽ đẩy các nhà xuất bản vào tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản vì không trả nổi tiền thuế nhà, thuế đất.
Là 1 trong 6 đại diện nhà xuất bản ký vào đơn kiến nghị, ông Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Văn học cho biết: “Hiện tại, quỹ lương, hành chính phí và chi phí cho bộ máy hoạt động của Nhà xuất bản Văn học khoảng 2 tỷ/năm. Để đạt được nguồn thu này, toàn thể cán bộ công nhân viên NXB Văn học đã phải phấn đấu nỗ lực vô cùng vất vả trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xuất bản như: sự suy thoái của nền kinh tế; sự xuống cấp của văn hóa đọc, đặc biệt với thể loại sách văn học; sự lấn át mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác…
Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cạnh tranh mạnh mẽ của đội ngũ làm sách tư nhân, nạn in lậu, vi phạm bản quyền, chiếm dụng vốn… Lãi suất của sản xuất kinh doanh sách xuống thấp nhất trong lịch sử ngành xuất bản. Chi phí sản xuất ngày một tăng cao do ảnh hưởng của giá điện, xăng và nguyên vật liệu. Ngoài ra, chi phí thuê nhà đất trụ sở theo mức giá áp dụng như hiện nay với vị trí khá nhỏ hẹp của NXB Văn học là khoảng trên 600 triệu/năm đã và đang trở thành một sức ép, một gánh nặng khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Là một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đặc thù, vừa phải đảm bảo sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận để đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, những khó khăn này là một thách thức lớn với Nhà xuất bản Văn học”.
Đơn kiến nghị của 6 nhà xuất bản.
Cũng trong quá trình tìm hiểu những khó khăn theo phản ánh trong đơn kiến nghị của các nhà xuất bản, phóng viên đã có được báo cáo của Nhà xuất bản Thế giới về số tiền thuê đất, thuê nhà mà nhà xuất bản phải trả “lũy tiến” cho UBND TP. Hà Nội trong những năm qua:
+ Từ năm 2009 – 2011, Nhà xuất bản phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc UBND TP. Hà Nội) tiền thuê đất là: 18.427.600 đồng/năm; Năm 2012 tăng lên: 1.600.158.000 đồng/năm; Năm 2013 phải nộp: 1.508.897.800 đồng/năm.
+ Bên cạnh đó, Nhà xuất bản còn phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc UBND TP. Hà Nội) tiền thuê nhà từ năm 2009 – 2012: 317.280.000 đồng/năm; Năm 2013 tăng lên: 2.193.232.800 đồng/năm.
Như vậy, bắt đầu từ năm 2013, Nhà xuất bản nộp cho Nhà nước tổng cộng số tiền thuê đất, thuê nhà là: 3.702.130.600 đồng/năm (tương đương 308.510.883 đồng/tháng).
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Thế Khoa – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới cho biết: “Chúng tôi cảm thấy chưa bao giờ có nhiều áp lực về chi phí như giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khoản chi phí dành cho việc thuê đất, thuê nhà. Đây quả thực là một “cú sốc” cho Nhà xuất bản bởi lẽ số tiền này quá lớn so với năng lực sản xuất - kinh doanh của Nhà xuất bản. Hay nói chính xác hơn, Nhà xuất bản không có đủ nguồn tài chính dành cho hạng mục này. Vì vốn điều lệ của Nhà xuất bản chỉ có khoảng 6 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định); trong đó vốn lưu động chỉ có khoảng hơn 2 tỷ đồng, nhưng phần lớn nằm ở kho sách và tạp chí thành phẩm”.
Hiện nay, đối với các nhà xuất bản việc tăng chí phí, đồng nghĩa là tăng giá thành sản phẩm, làm giảm thêm năng lực cạnh tranh của Nhà xuất bản với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là lực lượng tư nhân tham gia vào thị trường sản xuất và kinh doanh sách vốn dĩ đã rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro như hiện nay. Cùng với điểm bất lợi trên, khi hoạt động dưới mô hình công ty của Nhà nước, nhà xuất bản cơ bản chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, và một số luật khác có liên quan, đồng thời, nhà xuất bản còn phải chịu sự chi phối của Luật Xuất bản.
Như vậy, Nhà xuất bản vừa phải hoạt động theo cơ chế thị trường, vừa phải làm nhiệm vụ chính trị đúng theo tôn chỉ, mục đích cho phép là điều rất khó khăn.
THEO INFONET
Tin cùng chuyên mục
Khóc cười chuyện đóng vai chết
02/12/2013
Ngành Than cần phải "thay máu"!
29/11/2013
Trần Đăng Khoa làm thơ con cóc
26/11/2013
Mùa rươi
26/11/2013