Gói xôi
“Vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng chàng sinh viên này đã viết những trang văn đầy trải nghiệm, bằng một giọng văn chậm rãi, kỹ càng và nhiều xúc cảm. Có cảm giác cách viết nắn nót của Châu Thanh giống như một sự đồng cảm với đời sống và những thân phận người, đã đi từ đời sống thực tế vào chính những câu chữ của Thanh”.
Đó là một cô bé tóc vàng hoe, khô cháy. Em chừng mười tuổi, nước da sạm đen vì nắng tháng Tám, khô hanh vì gió bấc tháng Chạp. Ngày nào tôi cũng thấy em len lỏi khắp làng sinh viên với vóc dáng nhỏ thó, chân đất, đầu trần, sau lưng là một bao tải to tướng. Em nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được, quẳng chúng ra sau rồi lại đi, lại nhặt, nhanh nhẹn như chú chim gõ kiến. Khoảng hơn tám giờ là em có mặt tại một gánh xôi ở ngã ba đường, nơi đông đúc người qua kẻ lại. Trăm lần như một, em mua gói xôi năm ngàn rồi vui vẻ ra đi, tung tăng, líu lo như độ tuổi của mình. Đến bãi đất trống cách đó không xa, em giở gói xôi còn nóng hổi ra rồi ngóng chờ người bạn đường quen thuộc. Bạn của em là một con chó phèn ốm nhách và cũng tàn tạ, lem luốc như em. Chẳng hiểu em quen nó khi nào mà hai bên thân thiết lắm. Bẻ đôi nắm xôi nhỏ xíu, em một nửa và nó một nửa. Năm ngàn xôi chưa đủ trám kẻ răng chứ đừng nói chuyện có thể làm no bụng. Con chó tham ăn, há mồm một cái là miếng xôi biến mất, nó tiếc nuối, liếm liếm ít hạt nếp còn dính trên tay cô bé, thèm thuồng nhìn đôi môi nhỏ xíu, đỏ thén, vừa nhai xôi vừa tủm tỉm cười. Bữa ăn kết thúc chóng vánh, chúng đùa giỡn, đuổi nhau làm bay bụi mù trời, nhiều nữ sinh thích thú đứng nhìn, cười khoái chí như trò vui mà thượng đế nhân từ ban tặng.
Tuy một người một thú nhưng cả hai giống nhau đến lạ lùng. Con chó thường xuyên bị ăn đòn của mấy cô bán thịt, bán khô trong chợ. Còn em, lắm lúc cũng bị thiên hạ chửi rủa vì vô các quán ăn sang trọng nhặt vỏ chai người ta uống xong, vứt vung vãi dưới đất. Họ nói em bẩn thỉu, đuổi khách của họ đi, sợ em sẽ lấy cắp thứ gì đó trong quán họ. Con phèn hiển nhiên không nhà, em thì có nhà mà cũng như không. Việc bị rủa xả đối với em dần quen thuộc, lúc buồn thì lại ra bãi đất trống thôi. Em cũng có ba mẹ, họ là dân nhập cư, làm thuê làm mướn. Ở chung nhà mà có khi mấy ngày không thấy mặt nhau bởi em chưa thức thì họ lại đi mất rồi. Cuộc sống gia đình em tù túng, tối tăm, tẻ nhạt. Em cứ sống lầm lũi trong độ tuổi lên mười của em, tương lai em mờ dần khi màu da ngày càng đen sạm. Em chỉ được là chính mình khi ở bãi đất trống. Cũng như bao đứa trẻ khác, em thèm được nếm hương vị của tuổi thơ. Tôi hay thấy em đứng chôn chân trước cổng căn nhà to, trên vai mang bị, tươi cười nhìn những đứa trẻ tập xe đạp, chơi cầu lông. Khuôn mặt em lúc đó tràn đầy cảm xúc như chính mình đang chơi vậy. Thật ra em cũng có tuổi thơ đấy thôi, nó tràn ngập bụi bặm, chai lọ và bao bị. Em ham học. Trong cuốn sổ nhỏ mà một lần nhặt được, em ghi vào đó bao nhiêu là thứ mà mình quan sát được trên bước đường bươn chải mưu sinh: phở Hà Nội, mì Quảng, hủ tiếu mì chợ Lớn, bún nước lèo… Toàn là những món ăn ngon lành mà em chưa từng nếm, chỉ đứng nhìn từ ngoài đường, mắt ươn ướt buồn, cổ ừng ực nước. Trong quyển sổ ấy không có xôi, món ăn kinh điển và em là huyền thoại. Gói xôi năm ngàn gắn liền với em ở mảnh đất Sài Gòn này, một ngày nào xa nó em sẽ buồn chăng? Nhưng bây giờ chắc có lẽ không phải vậy. Em vẫn gắn bó với nó hằng ngày, như một thông lệ, như hôm nay, em lại mua một gói xôi năm ngàn, không nói thì cô bán xôi cũng biết. Em lại tung tăng ra bãi đất trống. Ông mặt trời hôm nay không sợ làn da em nữa, đổ nắng làm em chảy mồ hôi, ướt cả mớ tóc vàng khô cháy. Em ngồi đó, chân thu cao ngang cằm, bẻ nắm xôi làm đôi, để một bên trang trọng. Em thấp thỏm nhìn về một hướng xa xăm, rồi em nhoẻn miệng cười, vùng bụi nhỏ như một cơn lốc ào ào tiến đến, cái nắng sáng chói chang như sắp sửa mang lại một điều gì đó tươi tắn hơn.
Tin cùng chuyên mục
Châu Đăng Khoa - Thơ
19/02/2014
Bài tập làm văn hay của học sinh lớp 7
30/11/2013
Một bài thơ sáng ý, đẹp lời
22/11/2013
Trăn trở một vùng quê
31/10/2013