Dưới bóng cây Kơnia
“Buổi sáng, em lên rẫy, thấy bóng cây Kơnia...”. Lời bài hát ấy đã in đậm trong trái tim tôi. Tôi thích nghe cô Tường Vi hát bài đó hơn là các ca sĩ khác. Mẹ bảo: “Con Trà My khéo “già” trước tuổi mất”. Tôi chỉ cười rồi thỏ thẻ: “Vì mẹ hay nghe cô Tường Vi hát bài ấy mà”. Mẹ nhéo một cái rõ đau vào tai tôi: “Ghét quá!”.
Chú tôi ở tận Tây Nguyên. Có lần, tôi viết thư hỏi chú về cây Kơnia. Chú đã viết một bức thư rõ dài cho tôi, kể tỉ mỉ về loài cây mà tôi yêu nhưng chưa biết gì về nó. Chú còn gửi cả bức ảnh đẹp về cây Kơnia nữa. Cây rất lớn, đứng hùng dũng, hiên ngang trên đỉnh đồi bạt ngàn cà phê. Tán rộng, thân sừng sững vươn thẳng lên trời cao. Dưới gốc, những người làm nương đang tạm nghỉ. Nhìn trang phục tôi biết ngay đó là người Ba Na, Ê Đê vì tôi mới được học về trang phục các dân tộc trước đó mấy hôm.
Ơ hay! Cây Kơnia sao lại giống bốn cây Lậy Cầy cổ thụ ở trường ta thế nhỉ?
Tôi mang ý nghĩ đó từ năm lớp Ba. Hai năm với bao nhiêu câu hỏi thắc mắc cho riêng mình. Từ đấy, ngày nào tôi cũng ngồi tần ngần dưới bóng cây “Kơnia” của riêng tôi. Có hôm, trời mưa phùn, trống đã báo vào học từ lâu nhưng tôi vẫn miên man nhìn lên bóng cây. Cho đến khi tôi giật mình khi cô Tổng phụ trách gọi: “Trà My! Sao em không vào lớp”. Tôi ba chân bốn cẳng chạy về lớp nhưng cũng không kịp, lớp lại bị Đội cờ đỏ trừ điểm thi đua. Cô giáo phạt tôi ba buổi phải nhặt lá Lậy Cầy. Tôi không buồn mà lại vui nữa mới lạ.
Cứ mỗi lần có báo về, tôi lại lật tìm từng trang để mong tìm được bức ảnh của “cây lạ”. Không phí công chút nào. Tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày 20 tháng 11 năm 2011, thấy báo về chậm, trong lúc chờ đợi buổi lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi chạy ù lên điểm Bưu điện Văn hóa xã hỏi xem. Hóa ra, báo đã về từ đầu tháng nhưng cô nhân viên bưu điện quên mất. Ơ kìa! Chẳng phải là cây Kơnia ở ngay trang bìa sao? Tôi giật lấy tờ báo phóng xe như bay về trường, chạy thẳng lên phòng thầy Hiệu trưởng. Tôi lập bập, hổn hển: “Thầy... Thầy ơi! Cây... Cây Lậy Cầy... chính là cây Kơnia thầy ạ!”. Nói xong, tôi ngượng chín cả mặt vì lúc đó có rất đông các bác người địa phương đến dự lễ ở trong phòng thầy Hiệu trưởng. Ai cũng ngơ ngác nhìn tôi khiến tôi chỉ muốn “độn thổ” cho khỏi mắc cỡ. Thầy bảo: “Đúng đấy em ạ! Thầy cũng vừa trao đổi với các bác về điều này”.
Ui! Thầy Hiệu trưởng thật tuyệt biết bao, tôi thầm nghĩ. Tôi cố nán lại khi thấy thầy Hiệu trưởng kéo ngăn tủ. Thầy lấy ra một tập ảnh và tập tài liệu đưa cho các bác lãnh đạo xem. Ôi chao! Thầy hiệu trưởng lâu nay cũng làm điều ấy sao? Trách gì, hôm bị phạt, buổi chào cờ sau đó, cô Tổng phụ trách nêu tên tôi trước cờ, thầy Hiệu trưởng đã trịnh trọng nói trước toàn trường: “Riêng lỗi vi phạm của em Trà My, tôi xin cô Tổng phụ trách và các em bỏ qua cho em ấy. Sau này, các thầy cô và các em sẽ biết vì sao lại thế!”. Tôi còn nhớ như in cảm giác sướng rơn lên và cảm thấy hãnh diện khi được nghe câu nói ấy. Mọi con mắt đều đổ dồn về tôi. Từ đấy, tôi có nickname là “My Kơnia”. Chính tôi cũng dùng tên ấy để đăng kí dự thi trênViolympic và Ioe. Tôi hãnh diện về điều ấy!
Đang trầm tư với những ý nghĩ thì thầy Hiệu trưởng bảo: “Bây giờ, tôi trân trọng kính mời các bác lãnh đạo và em Trà My ra tham quan cây Kơnia trường ta”. Tôi nhảy chân sáo đi trước, lòng vui phơi phới. Khi bước vào buổi lễ, thầy Hiệu trưởng lên bục danh dự tuyên bố: “Trước lúc bước vào buổi lễ, tôi muốn tặng quý vị đại biểu và toàn trường một bài hát đặc biệt”. Cả trường nín thở chờ đợi. Những âm thanh đầu tiên vang lên, tôi biết ngay là bài “Bóng cây Kơnia” của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, phỏng thơ Ngọc Anh. Kết thúc bài hát, thầy Hiệu trưởng mời tôi lên bục, đưa cho tôi tờ giấy có dấu đỏ và bảo tôi công bố. Ồ! Hóa ra đó là kết luận của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam kết luận Cụm cây Lậy Cầy của trường tôi – Trường Tiểu học Sơn Lộc - chính xác là cây Kơnia. Trong công văn, họ cũng đề nghị nhà trường và địa phương lập hồ sơ để công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Từ đó, trường tôi được đón nhiều đoàn khách về tham quan. Mỗi lần như thế, tôi đều được thầy Hiệu trưởng mời làm “hướng dẫn viên” cho họ. Lần nào, tôi cũng được thưởng những tràng pháo tay rất lớn, rồi tôi còn được chụp ảnh cùng đoàn. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà tôi chưa thể trả lời được là vì sao lại có 4 cây Kơnia cổ thụ kia mọc ở trường tôi? Liệu có phải như lời bài hát là do “uống nước nguồn miền Bắc” chăng?
Lại một mùa quả Kơnia chín rụng. Hôm qua tôi đã nhặt được một túi rõ to về phơi khô để gửi tặng cho một bạn ở Hà Nội vừa mới quen trên báo. Tôi cũng đã bí mật chọn những hạt béo mũm ươm vào một chiếc bình tự làm rất đẹp. Sáng nay, tôi dậy sớm ra tưới nước và chờ đợi. Hàng trăm năm qua, dẫu mỗi năm, bốn cây Kơ nia cho hàng vạn quả nhưng chưa có một cây con nào nẩy mầm. Tôi mong là những hạt Kơnia đáng yêu kia hiểu được mong muốn tha thiết ấy của tôi.
- Kơnia ơi! Hãy cho hạt nẩy mầm mày nhé! Chỉ vài tháng nữa thôi, tao đã phải xa mày rồi đấy.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Trà My Lớp 5A1 – Trường tiểu học Sơn Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh