Những con chữ mang trong mình ngọn lửa
TPM : Nghệ nhân gốm sứ Phạm Xuân Hòa sinh năm 1942, hiện đang sống tại Xóm 4, Thôn Bát Tràng, Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Bức Thiên Đô Chiếu chất liệu gốm đã được xác lập kỷ lục quốc gia “Người làm bức Thiên Đô Chiếu bằng gốm lớn nhất”. Cũng với tác phẩm này ông được phong danh hiệu “Sản phẩm thủ công Mỹ nghệ tinh hoa làng nghề” năm 2008. Ông còn được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và một số tổ chức khác tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển làng nghề, vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội …
Ở vào tuổi “Thất thập” ít người còn được khỏe mạnh và nhanh nhẹn như bác Phạm Xuân Hòa, nghệ nhân làm Gốm ở Xóm 4, Thôn Bát Tràng, Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Còn khỏe và đặc biệt là lòng yêu quý nghề nghiệp do cha ông để lại nên khát vọng làm nghề của bác vẫn sung sức như độ nào.
Vào trung tuần mùa Hạ năm 2011 tôi có dịp đến thăm nhà và xưởng sản xuất gốm sứ của nghệ nhân Phạm Xuân Hòa. Chỉ nhìn các vật dụng “toàn sứ” với các hình ảnh được lưu lại trong nhà cũng đủ biết chủ nhân của gia đình này gắn bó sống chết với cái nghiệp mà mình đã chọn như thế nào. Bằng chất giọng sôi nổi và rất trẻ trung bác Hòa kể với chúng tôi những bước thăng trầm của đời mình. Sinh ra từ quê hương làm nghề gốm sứ, từ nhỏ đã xem và theo cha đi làm gốm sứ thuê cho nhà người ta. Lớn lên đi bộ đội giải phóng đất nước, ra quân về làm đủ các công việc như thống kê, kế hoạch … nhưng rồi vẫn gắn bó không dứt ra được với cái nghề của cha ông để lại là làm gốm.
Nghề làm gốm gian khổ lắm. Mỗi sản phẩm đều qua lửa nung với nhiệt độ trên 1200 độ. Vậy mà người làm nghề phải làm chủ công nghệ, điều tiết kỹ thuật để sản phẩm ra được như ý muốn. Người nghệ nhân già Phạm Xuân Hòa mang trong lòng một ý tưởng rất lãng mạn và sâu xa :“ Mỗi sản phẩm đều kết tinh từ đất của quê hương với ngọn lửa truyền thống của ông cha để lại”. Cũng chính từ ý nghĩa nhân văn ấy mà những năm gần đây nghệ nhân Phạm Xuân Hòa dành nhiều tâm sức để sáng tạo nên những bộ chữ (theo ông là chữ Thánh Hiền) để đặt ở những nơi thiêng liêng, trang trọng. Một trong những bộ chữ ấy phải nói đến là Bức “Thiên Đô Chiếu” hiện đang đặt tại Đền Đô của tỉnh Bắc Ninh đã làm nên tên tuổi của ông.
Bức Thiên Đô Chiếu (Chiếu dời đô) gồm 220 chữ bằng chất liệu gốm Bát Tràng ngay từ khi ra đời đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi đây là một công trình rất tráng lệ. Những chữ Hán mà cha ông ta dùng xưa kia được tạo hình rất đẹp trên gốm sứ và nung qua lửa để “bền vững với nghìn năm”. Bức Thiên Đô Chiếu ra đời ngay lập tức đã xác lập kỷ lục quốc gia do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cấp 2010. Nhìn toàn cảnh bức Thiên Đô Chiếu ta có thể thấy công lao của tác giả bỏ ra không nhỏ để đóng gớp vào công trình 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Bức trướng với những câu từ quyết định mở đầu cho Hà Nội nghìn năm được bác Hòa tạo dựng trên chất liệu gốm sứ đặt tại ngôi đền lịch sử là khát vọng cống hiến và là tấm lòng yêu nước cháy bỏng của người nghệ nhân già này.
Hiện tại, nghệ nhân Phạm Xuân Hòa vẫn đang say sưa nghiên cứu, sáng tạo nên bộ chữ mới: Bức Bình Ngô Đại Cáo – Một trong những bản tuyên ngôn độc lập của đất nước ta . Bức Bình Ngô Đại Cáo còn có quy mô lớn hơn với 1336 chữ (và tất nhiên là sản xuất đơn chiếc), là một bức trướng lịch sử ra đời sẽ góp thêm phần tôn vinh giá trị lịch sử và tầm vóc của bản anh húng ca của dân tộc ta này. Người nghệ nhân già có những tâm sự rất sâu sắc : “ Mỗi con chữ của cha ông đều là hồn nước, là tinh hoa mà các cụ để lại cho con cháu. Tôi nhào nặn lên từ đất của quê hương Bát Tràng và nung qua lửa để làm bức trướng này. Vậy là mỗi con chữ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) đều mang trong mình ngọn lửa. Ngọn lửa của lòng yêu nước âm ỉ cháy trong lòng mỗi người dân Việt Nam mình từ thế hệ này sang thế hệ khác !”.
- Là người được thừa kế những tinh hoa nghề nghiệp mà cha ông đẻ lại, tự thân ông cũng dày công tìm tòi để có được vón kiến thức và những kinh nghiệm về nghề như ngày nay, vậy ông sẵn lòng dạy dỗ, đào tạo và truyền nghề cho thế hệ sau chứ?
- Tôi cũng đã làm công việc đó một cách rất tích cực. Con cháu trong nhà mình đào tạo là đương nhiên rồi, còn đối với bên ngoài tôi chẳng bao giờ dấu diếm. Bản thân tôi cũng tham gia ngót chục năm đứng trong đội ngũ cán bộ Ban đào tạo của Xí nghiệp sứ Bát Tràng. Đã dạy nghề cho hàng trăm người từ các tỉnh thành khác về đây học việc . Họ từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tây, Nam Hà…và nhiều người trong số đó đã trưởng thành vững vàng trong nghề nghiệp .
- Chắc rằng ông vẫn còn ôm ấp nhiều khát vọng sáng tạo, cống hiến nhiều cho nghề nghiệp này?
- Có chứ. Tôi đang làm bức trướng “Đại Cáo Bình Ngô” của cụ Nguyễn Trãi, đã được trên 400 chữ rồi. Sau khi hoàn thành công việc đó tôi muốn làm tiếp bức “Hịch tướng sĩ” của vị anh hùng dân tộc, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, với 1150 chữ. Thực hiện được những ý tưởng ấy để cống hiến cho đời thì dù mai sau về với tiên tổ mình cũng được thỏa nguyện với chính những ước vọng của mình.