Trần Nam Tước và "Người con của Rồng"
TPM : Nghệ nhân gốm sứ Trần Nam Tước (Trần Xuân Triều) sinh ngày 19-11-1974 tại Vũ Hòa, Kiến Xương, Tỉnh Thái Bình. Hiện tại anh đang sống và làm việc tại Xóm 2, Thôn Bát Tràng, Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội.Tuổi đời và tuổi nghề chưa cao nhưng Trần Nam Tước lại khá thành công trong nghề chế tác gốm sứ. Tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng của anh là “Người con của rồng”, “Bồ đề Đạt Ma” …Anh đã đoạt cúp Bàn tay vàng, nhiều giấy khen và những giải thưởng quan trọng khác.
Người thợ gốm sứ tài hoa Trần Nam Tước có tuổi đời còn khá trẻ. Anh sinh năm 1974 tại vùng quê lúa Kiến Xương, Thái Bình, nhưng hiện cư trú tại xóm 2, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Trẻ về tuổi đời nhưng lại khá “già” về nghề nghiệp, hàng loạt những tác phẩm nghệ thuật gốm sứ do anh sáng tạo đã mang đến sự hứng khởi cho công chúng như: Bộ Lân Nghê, Bồ Đề Lạt Ma, Bộ Long Mã…Anh đã lần lượt đoạt các danh hiệu “Cúp Bàn tay vàng” năm 2010; Giải Nhất hội thi Thao diễn tay nghề, nghệ nhân, thợ giỏi dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; Đoạt giải Sản phẩm tiêu biểu tại vòng Chung khảo hội thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ 7 v.v…
Tác phẩm có thể gọi là để đời, đã đưa Trần Nam Tước đến vinh quang của nghề nghiệp chính là Người con của Rồng. Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Cha rồng Mẹ tiên, tổng thể tác phẩm gốm sứ mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc này được tác giả chọn hình tượng chủ đạo là một đầu Rồng. Phía trên đầu Rồng ở vị trí trang trọng nhất là hình ảnh Bồ Tát thiêng liêng. Trong hàm Rồng là hình tượng Phật hoàng Lý Công Uẩn lúc sinh thời gần gũi ấm áp và đậm chất dân gian. Vị trí an tọa trong hàm rồng của Phật hoàng là ẩn ý của tác giả khẳng định đất Thăng Long 1000 năm đã qua và mai sau, nơi đây mãi mãi là đất “Địa linh sinh nhân kiệt”. Đây là tác phẩm hoàn hảo từ bố cục đến các khâu dựng hình, tạo cốt, sản xuất, làm men, nung đốt… đạt tới màu sắc thẩm mỹ cao. Đặc biệt sự biến đổi màu đến kỳ ảo dưới men (sau khi đã nung chảy qua lửa) của hàm rồng, vây rồng để tôn lên vẻ tráng lệ, thông minh và tài hoa của vị phật hoàng lúc còn trẻ, như báo hiệu cho một nhân tài xuất chúng của đất nước sau này mà lịch sử đã chứng minh, đã chinh phục trái tim của hàng vạn khán giả trong và ngoài nước khi chiêm bái khối tượng này. Ý tưởng của Trần Nam Tước về khối tượng “Người con của Rồng” đã có từ lâu, nhưng để tác phẩm trở thành hiện thực như hôm nay, tác giả đã phải mất tới hơn 3 năm ròng.
Ngoài công trình “Người con của Rồng”, Trần Nam Tước còn được nhiều người biết đến với các công trình như Điện Hùng vương Cơ miếu đặt tại Đền Hùng, Phú Thọ, công trình gốm Cổng Ghi Môn trong Cung điện Vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa, công trình xi măng trùng tu, tôn tạo Khu thủy tổ quan họ Làng Diềm, Bắc Ninh…Ngoài học thầy anh không ngừng tự mày mò nghiên cứu các phương pháp thể hiện màu qua lửa. Theo anh, nghề gốm sứ còn rất nhiều điều phải học và tìm tòi bởi đó là một vùng trời mênh mông cho những ai đam mê sáng tạo trong nghề này. Cùng một sản phẩm mà mỗi nghệ nhân có thể dùng loại đất pha chế khác nhau, chất liệu màu khác nhau, thời gian nung qua lửa cũng như việc điều tiết nhiệt độ… khác nhau. Ấy là chưa kể khi đụng với cái nghiệp biến đất thành các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo nghệ nhân Trần Nam Tước đã từng lao tâm khổ tứ để làm chủ nhiều dòng sản phẩm vốn đã phong phú và nhiều người từng thành công trước đó như làm tranh, đắp tượng, phù điêu, làm chữ. Ở các mảng miếng ấy tuy là người đi sau kế thừa và học hỏi song anh đều có những sản phẩm ghi được dấu ấn “tạc” vào bức tranh chung của làng nghề. Đó chính là nét đáng quý của người nghệ nhân trẻ tuổi này.
Là một nghệ nhân có tên tuổi và đã khá thành công trong lĩnh vực sáng tác cũng như trên thương trường, Trần Nam Tước luôn khiêm tốn học và không ngừng bổ trợ thêm kiến thức về nghề nghiệp cũng như về vốn sống cho mình. Anh không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác như hưởng ứng các đợt sáng tác mẫu mã mới; Chế tác phục cổ các mẫu hàng gốm sứ Bát Tràng xưa, tham gia phục cổ các di tích lịch sử văn hóa đình, miếu, đền, chùa của địa phương và các tỉnh khác…
Ngoài việc đào tạo, kèm cặp và truyền nghề cho 20 lao động làm việc tại xưởng của gia đình, anh còn là nhân tố tích cực mỗi khi Hội gốm sứ trao cho trách nhiệm làm giáo viên thực hành truyền nghề cho các khóa đào tạo. Anh đã góp phần không nhỏ cùng với Trung tâm khuyến công Hà Nội mở được 4 khóa đào tạo nghề với số học viên tham dự lên đến hơn 200 người. Nhiều người trong số đó đã trở thành thợ giỏi, có công ăn việc làm ổn định. Có những người như Trần Xuân Thạch (Thái Bình), Nguyễn Văn Chung (Đà Nẵng)…đã trở thành các chủ xưởng đầy tiềm năng phát triển như bây giờ.
Anh luôn chia sẻ và hướng dẫn bằng tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm của mình cho những người cùng làm nghề. Tài năng, hiểu biết và lòng yêu nghề, gắn bó trọn đời với cái nghiệp gốm sứ này, Trần Nam Tước luôn là tấm gương sáng trong mắt những người thân và bạn bè đồng nghiệp.
Trước lúc chia tay với Trần Nam Tước tôi có đặt câu hỏi như một “phép thử” về tình cảm nghề nghiệp của anh:
- Được biết anh còn trẻ nhưng đã làm khá nhiều nghề rồi phải không?
- Đúng vậy, tôi đã từng điêu khắc gỗ, làm phục chế, tôn tạo trùng tu các di tích, lúc đời sống khó khăn còn phải đi thu mua phế liệu, khai thác gỗ, làm mộc, lái xe rồi làm cả dịch vụ đám cưới như chơi nhạc, chụp ảnh v.v…
- Vậy bây giờ làm gốm sứ anh có còn ý định thay đổi nghề?
- Tôi đã nguyện sống chết với nó rồi. Bằng chứng là lúc làm nhà khó khăn nhất, tôi phải bán đi rất nhiều thứ, phải “xoay” cả những công việc đã từng kiếm ra tiền để hoàn thành cái nhà, cái xưởng để rồi cuối cùng lại quay về với gốm sứ, với những viên đất và bàn tay khối óc sáng tạo đến không cùng của người thợ. Và, ngay cả những ngày phải toan tính những công việc mình không ưa thích để lo chuyện kinh phí mà đêm đêm nằm ngủ vẫn mơ về những viên đất và cách nhào nặn ra nó, những viên đất mang cả hồn người…
Rồi anh trầm ngâm như nói với chính mình:
- Cái người nghiện thuốc lào đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên thế nào thì Trần Nam Tước cũng say cái nghề gốm sứ như thế !