Chùm thơ của Thái Giang (Bình Dương)

Mình tôi với cả đêm quê/ Khuya, se se lạnh, vọng về tiếng mưa/ Bỗng dưng nhớ chuyện ngày xưa/ Nhớ hồi xa buổi cày bừa… tới nay/ Hình như ai gọi đâu đây/ Như là tiếng gọi những ngày xuân xanh/ Nôn nao nỗi nhớ… thôi đành!/ Thuyền đà bến đậu, gần thành hóa xa (Thái Giang - Dĩ An- Bình Dương)


Cây cầu ở Anh Sơn (Nghệ An) - quê hương của tác giả

 

 

TIẾC

 

Nhớ hoài chiều ấy mưa rơi

Tôi và em chung áo tơi, học về

Tắt qua lối nhỏ bờ đê

Trượt chân hai đứa áp kề má nhau

 

Chuyện trẻ con, có sao đâu

Ai dè em lại nhớ lâu đến giờ

Em trách tôi quá hững hờ

Để em chín ngóng mười chờ gặp tôi

 

Dẫu sao thì sự đã rồi

Giá mà trở lại cái hồi.....chung tơi.

 

BỒ KẾT TRƯỜNG SA

 

Ngày trả phép anh mang theo cây non bồ kết

Ra Trường Sa, nơi sóng gió tiêu điều

Bồ kết rời đất liền như xa người thân yêu

Đi làm điều thiêng liêng không kém anh lính đảo

Bạn với những cây bàng vuông, cây phong ba trên một miền đất mẹ

 

Xanh, lớn dần trong mặn chát mưa nắng biển khơi

Trong nhọc nhằn của người lính chắt từng giọt mồ hôi

Gom tình cảm yêu thương nâng niu nguồn sống

Anh linh đảo ngăn gió bảo tứ bề giữa biển trời cao rộng

Giành nước ngọt đất liên chiua sớt cho cây

Như chăm đứa con yêu bé bỏng giữa biền này

Quên những hoàng hôn sóng vẻ vòng tím đảo

Đêm mơ đàn chim về huyên náo

Trong vòm xanh trĩu bồ kết trúng mùa

Vợ ra thăm chồng gội bồ kết thơm trưa

Thơm thảo Trường Sa – lừng hương quê gần lắm.

 

CHIỀU MƯA

 

Trong đời gặp mấy chiều mưa

Chiều thì xưa lắm, chiều vừa mới đây

Nhớ chiều mưa ấy… cuối ngày

Gặp một người, cảm tình ngay phút đầu

 

Trú mưa quán nhỏ bên cầu

Đôi mắt lúng liếng đáp câu dò tìm

Mới hay cô gái Cầu Lim

Ngày ra ruộng cấy về đêm họi hè

 

Trăng khuya chan xuống bờ tre

Sân đình câu hát “Đừng về… người ơi!”

…Dẫu chiều mưa ấy xa vời

Gặp người quan họ, nhớ thời… trú mưa.

18/3/2014

 

MẸ CỦA CHÚNG CON

 

Chỉ thêm hai tuổi nữa thôi

Mẹ tròn trăm tuổi, lên ngôi nhất làng

Bông hồng trên ngực con mang

Bộn bề hạnh phúc, đẹp trang cuộc đời

 

Xanh trầu cánh phượng lòng cơi

Vẫn bàn tay mẹ, như thời ngày xưa

Màu da ướp nắng nhuộm mưa

Răn reo ngang dọc, dày thưa tảo tần

 

Cũng là dài ngắn bước chân

Bước chân mẹ cứ ngắn dần tháng năm

Nhìn xa giờ mẹ nhìn gần

Vẫn nhận ra những người thân của mình

 

Kho cổ tích chuyện nghĩa tình

Truyện Kiều, Tấm Cám… phân minh tỏ tường

Mẹ chống gậy, nghĩ mà thương

Mẹ còng phía đất, gậy vương phía trời

 

Biết làm sao được mẹ ơi!

Con cầu mong mẹ thảnh thơi tuổi già

Mẹ là cổ thụ, bóng đa…

Mùa Vu Lan Giáp Ngọ

25.7.2014

RU MẸ

 

Con tuổi 80, ru mẹ tròn trăm

Giọng của con không được còn như ngày xưa của mẹ

Cái thuở con nằm nôi thơ bé

Lời me ru ngào ngọt mãi đến giờ

 

Mẹ ru bằng câu ca dao và những vần thơ…

Không thể thiếu truyện Kiều trong bài ru của mẹ

Mái tranh nghèo: dột nắng chen mưa rụng vào nôi bé

Không thể nào chen nổi lời ru…

 

Và bây giờ không phải trong nôi xưa

Mà trên chiếc giường có tiện nghi đầy đủ

Tuổi 80 của con – con ru mẹ ngủ

Móm mém giọng ru – vẫn của mẹ trao lời

 

Tuổi 80 con ru mẹ, mẹ ơi!

Như cổ tích giữa đời thường có thật

Giữa đông đàn cháu, con, chít, chắt…

Lời ru ùa về hoài niệm suốt trăm năm.

 

14.8.2014

CHUYỆN BÁN TRĂNG *

 

Hàn Mặc Tử đã từng rao bán trăng

Giá bán bao nhiêu thì đủ

Tôi dám chắc có kẻ dư tiền mua mà nay vắng chủ

Không biết nhà thơ có giao lại ai không?

 

Xin đốt nén nhang trước vong linh ông

Sống khôn, chết thiêng về đây chứng giám

Mặt đất bằng mà đồng tiền như nổi sóng

Vùi lương tâm những người quá tham lam

 

Thời ông rao bán trăng đã mấy ai tiền tỉ vàng ngàn?

Để dám hỏi mua trăng… chuyện đời không thể

Dân một cổ hai tròng, kiếp ngựa trâu nô lệ

Tiền cắc, tiền hào còn thiếu… nói chi vàng

 

Ngày nay những kẻ ăn cướp của dân để khoác áo giàu sang

Mua trăng chỉ là “chuyện nhỏ”

Không đổ mồ hôi mà có 4-5 nghìn tỉ

Chuyện Lý Thông – Thạch Sanh còn phải gọi “bậc thầy”

 

Hàn Mạc Tử ơi! Nếu người còn sống đến tháng năm này

Chắc gì còn trăng để gửi hồn thi sĩ

Chắc gì còn trăng cho chúng sinh nhân thế

Sao mà thương quá… trăng ơi!

17/6/2014

•      Thơ Hàn Mặc Tử: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”

 

HƯƠNG ỔI

 

Họ tạm biệt nhau trong chiều tím quê nhà

Chỉ giay phút anh ghé về trên đường ra trận

Dưới gốc ổi trỉu mùa đầu, trái chín vàng thơm lắm

Kịp nói với nhau: ngày chiến thắng anh về!

 

Anh chạy giật lùi tay vẫy chiếc khăn thêu khuất bóng triền đê

Chị chạy theo đến cuối làng, lòng buồn.

 

ĐÊM QUÊ

 

Mình tôi với cả đêm quê

Khuya, se se lạnh, vọng về tiếng mưa

Bỗng dưng nhớ chuyện ngày xưa

Nhớ hồi xa buổi cày bừa… tới nay

 

Hình như ai gọi đâu đây

Như là tiếng gọi những ngày xuân xanh

Nôn nao nỗi nhớ… thôi đành!

Thuyền đà bến đậu, gần thành hóa xa

 

Câu hò ai đượm thiết tha

Bên sông thanh vắng như là đợi ai

Tiếng gà kéo bóng đổ dài

Mình tôi quên đã ánh mai… thấm buồn.

 

 

NGƯỜI DƯNG ƠI

 

Lẳng lơ có lá trầu không

Gặp cau, vôi… muốn bén nồng mới ghê

Cỏ may thích cản lối về

Áo dài tha thướt trên đê chiều chiều

 

Lời ru vang vọng sáo diều

Đồng quê thiêm thiếp giấc yêu cuối ngày

Mắt em lúng liếng đong đầy

Để tôi lắm bận ngất ngây chẳng đừng

 

Bao giờ thôi nhớ người dưng

Thì bấy giờ hết ngập ngừng trước sau.

10.7.2014

 

CHÍ PHÈO – THỊ NỞ

 

Là người ắt có lần yêu

Chí Phèo, Thị Nở: tình xiêu… cả trời

Váy xắn lệch, miệng thoả cười

Bao nhiêu răng sún, gặp thời khoe ra

 

Cần gì bến nước, cây đa

Góc vườn, bụi chuối: “mẹ, cha” cuộc tình

Trong Chí Phèo: Thị Nở xinh

Nồng nàn cứ tưởng riêng mình đời cho

 

Đến trăng cũng phải thẹn thò

Vô tình nhìn bốn chiếc giò ghì nhau

Mơ màng chẳng hiểu từ đâu

Chí Phèo, Thị Nở với nhau… rất người!

20.5.2014