Thơ Lục Triều Nguyên

Lục Triều Nguyên Tên thật: Trịnh Quang Cảnh Giáo viên trường THPT Yên Định 1, Yên Định, Thanh Hóa. Tôi được biết, Tác phẩm mới là nơi để các tác giả chưa có nhiều điều kiện giới thiệu tác phẩm của mình. Là một tác giả không chuyên về văn học nhưng bản thân ham thích đọc các tác phẩm văn học, tôi xin mạo muội gửi đến ban biên tập một số bài thơ mà tôi sáng tác. Hi vọng đây cũng là điểm mới góp phần làm giàu thêm đề tài và mở rộng quy mô của Tác phẩm mới.

HÀNG XÀ CỪ Ở CỔNG TRƯỜNG THPT YÊN ĐỊNH 1

Hàng xà cừ già vẫn âm thầm trước cổng
Tỏa bóng ngày ngày đón mỗi thế hệ qua đây
Rồi từng ngày qua dõi theo tôi cất bước
Trí tuệ lớn dần cùng bóng mát chở che
Tôi về thăm Yên Định một ngày mưa
Vẫn như xưa con đò chở khách
Miệt mài mỗi ngày chăm bẵm đàn em
Những cổ thụ xà cừ vững trãi trước bão giông
Vẫn yêu nhớ mỗi phút học trò
Nghịch ngơm nô đùa quanh gốc xà cừ quen thuộc
Gió cứ thổi và chim vẫn chuyền cành
Nắng chiếu vào tỏa sáng những vành môi
Ai có về Yên Định 1 cùng tôi
Nép lại mình bên gốc xà cừ
xù xì như nếp nhăn thầy giáo già
bao năm đưa khách
Những dòng kỉ niệm còn in sâu năm tháng
Trái tim khờ dại nào còn lưu lại nơi đây
Mái trường yêu nửa thế kỉ nằm đây
Miệt mài từng ngày cùng đàn em thơ dại
Như hàng xà cừ lớn dần vững chãi
Vẫn vươn mình tỏa bóng mát chở che.
Dù dòng đời còn muôn vàn thay đổi
Hàng xà cừ vẫn vững lòng trước bão, gió, mưa, giông…
9/2/14
AI XUÔI THEO ĐÒ CÙNG BAO GIÔNG BÃO
Vẫn miệt mài với thế hệ đàn em
Sao chưa thỏa lòng sau mỗi lần lên lớp
Rồi nhiệt tình say những trang giáo án
Lớn lên rồi
– học trò hay chính mỗi chúng ta
Được ví như lão đò đưa khách
Vẫn miệt mài khua mái chèo ngang
Quên danh lợi chăm tâm hồn thêm sáng
Dòng đời trôi yêu mỗi đợt đò sang
Ai xuôi theo đò cùng bao giông bão
Cũng thác ghềnh với những chông gai
Quyết đưa đò về yên bến đỗ
Dù khách qua sông có nhớ đến chuyến đò
Dòng đời vẫn xô
lão lái đò còn bộn bề cuộc sống
Cũng không quên trách nhiệm lớn khôn cùng
Mỗi đợt khách qua là thêm niềm hạnh phúc
Đến với khách qua? lão lái? hay xã hội trông chờ?
Dẫu biết dòng đời còn trăm ngàn thay đổi
Vẫn nguyện lòng chăm trái tô hoa…
27/02/14
TÌNH CÁT
Lời thề xưa ai khắc lên trên cát
Có còn hằn khi sóng biển xô qua? (1)
Sóng có cuốn trôi lời thề trên cát?
Cuốn cả tình gắn kết bao năm? (2)
Tình ta đẹp trong sáng tựa pha lê (3)
Đa dạng sắc màu lung linh xanh đỏ (4)
Tình ta nay tựa như gương kính vỡ (5)
Ai lần tìm cố ghép lại, được không?
Đã một thời cùng vượt qua bão, lửa (6)
Quyết vững vàng giữ trọn tình yêu (7)
Trời xanh sao nỡ gây ngang trái
Tan hết rồi, níu lại được chăng? (8)
Ước có mình kết cấu, dựng xây (9)
Những ngôi nhà cùng tiếng bao đứa trẻ (10)
Làn sương tan giật mình vỡ lẽ
Giấc mộng kê vàng vẫn chỉ là mơ (11)
Sóng vẫn xô bờ hát điệu ngàn năm
Ai mà còn nằm nghe lời biển hát
Chú giải:
(1) Những bãi cát trải dài trên bãi biển, cát chiếm thành phần chủ yếu, được cấu thành từ silic dioxit SiO2.
(2) Các hạt cát nhỏ li ti, nhưng không gắn kết với nhau, chỉ gắn kết lại khi có nước, nhưng nhanh chóng rời ra khi khô trở lại.
(3) Từ cát có thể chế tạo ra thủy tinh, pha lê. Thuỷ tinh thông thường là hỗn hợp của natrisilicat, canxisilicat và silic đioxit.
Thuỷ tinh thường: chủ yếu gồm Na2O.CaO.6SiO2. Thuỷ tinh pha lê: Thay Na2O.CaO bằng K2O.PbO.
(4) Khi có các chất khác, thủy tinh cũng có rất nhiều màu sắc. Thuỷ tinh đổi màu: có chứa AgCl, AgBr.
(5) Gương, kính được tạo nên từ thủy tinh, rất dễ vỡ.
(6) Để tạo ra thủy tinh, cần nung ở nhiệt độ cao: Cách sản xuất:
6SiO2 + CaCO3 + Na2CO3 š Na2O.CaO.6SiO2 + 2CO2.
(7) Silic dioxit cũng như thủy tinh, tương đối trơ về mặt hóa học, rất khó tham gia các phản ứng.
(8) SiO2 có khả năng tan trong dung dịch axit flohidric. Thuỷ tinh được xem là một vật liệu kỳ diệu vì khả năng chống ăn mòn cao. Không nói đến nước, chứ các loại axit rất mạnh như axit sunfuric, nitric, clohydric, và cả nước cường toan dùng để hoà tan vàng, thuỷ tinh cũng "chấp" hết. Axit flohydic có thể tác dụng với silicat, thành phần chủ yếu của vật liệu làm bình. Chính nhờ phản ứng này mà người ta tạo được các dấu chia độ, hoa văn,… trên các bình thuỷ tinh. Axit flohydric tác dụng với silicat theo phản ứng:
CaSiO3 + 6 HF → CaF2 + SiF4 + 3 H2O
(9) Cát, thủy tinh, các vật liệu silicat khác như gạch ngói, xi măng được dùng phổ biến trong xây dựng.
(10) Ý từ bài hát Bức thư tình đầu tiên – của nhạc sĩ Đỗ Bảo.
(11) Từ Giấc kê vàng - gíấc mộng chưa chín nồi kê. Lư sinh trọ ở Hàm Đan, gặp đạo sĩ Lã ông. Lư sinh than vãn về cảnh khốn cùng của mình. Lã ông bèn lấy trong bọc ra cái gối trao cho Lư sinh rồi bảo: "Gối đầu lên đây mà ngủ anh sẽ được vinh hiển như ý muốn ngay." Bấy giờ, chủ quán đang nấu một nồi kê. Lư sinh kê gối nằm ngủ, mộng lấy được con gái họ Thôi đẹp lại giàu, thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tiết độ sứ, đại phá quân giặc rồi được phong làm tể tướng trong 10 năm, con trai 5 người đều làm quan, cháu hơn 10 đứa lấy vợ gả chồng đều là chỗ vọng tộc trong thiên hạ... Chợt khi tỉnh dậy, nồi kê vẫn chưa chín. Lư sinh bàng hoàng tự hỏi: "Há việc đó là chuyện mộng ư ?" Lã ông mới nói: "Việc đời thì cũng như mộng vậy thôi."
Theo Truyện Kiều:  Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây ?"
TÌNH … (1)
Phải chúng mình gặp nhau khi đã muộn? (2)
Bởi vì anh còn trách nhiệm cùng ai.
Em thì đã hai con cùng duyên phận (3)
Dẫu rằng mình là tất cả của nhau ?!
Chỉ dám ngước nhìn -  mắt lệ, anh không?
Chẳng như ai mà phũ phàng rũ bỏ. (4)
Bởi vì em còn trăm ngàn ràng buộc (5)
Có lẽ tình … khó vượt. Được anh? (6)
Dù đôi tim không ngừng thổn thức
Lửa gần cùng rơm cuốn hút, hỡi ôi ! (7)
Muốn cháy cùng nhau với tất cả tâm hồn
Nhưng bao người sẽ đau khổ vì đây!
Đời có cười chê vì yêu còn do dự ?
Bởi thiếu gì những kẻ ở chung (8)
Nhưng đời ta “dễ tan”, “khó chảy” (9)
Lỡ làng rồi, xin hẹn… khi nao? (10)
Ước gặp nhau lúc anh chưa ràng buộc
Và em thì chưa thuộc về ai… (11)
Chú thích
(1)Liên kết H được kí hiệu bằng 3 dấu chấm (...) không có tính hoá trị cũng như số oxi hoá.
(2) Là mối liên kết phụ (hay mối liên kết thứ 2)
(3) Thông thường các nguyên tử tham gia liên kết Hidro đã tạo cặp e chung (ít nhất 2e) với các nguyên tử khác trong phân tử.
(4) Trong liên kết ion, thường nguyên tử kim loại đã nhừơng toàn bộ số e ở lớp ngoài cùng. Đây cũng là liên kết không có tính tính bão hoà, nghĩa là mỗi ion có thể liên kết được nhiều ion khác dấu xung quanh nó.
(5) Bản thân mỗi nguyên tử tham gia liên kết H đã liên kết với các nguyên tử trong một phân tử và ngoài ra còn liên kết với các nguyên tử của phân tử khác. Ví dụ  ...H - F ...H - F ...
(6) Liên kết H là loại liên kết yếu, yếu hơn nhiều so với loại liên kết khác như liên kết cộng hóa trị, liên kết ion hay liên kết kim loại….
(7) Liên kết H là mối liên kết xảy ra giữa các phân tử với nhau khi nguyên tử H linh động của phân tử này bị hút bởi nguyên tử có độ âm điện mạnh của phân tử kia. Dễ tạo liên kết H là các nguyên tử có độ âm điện lớn và kích thước nhỏ như O, F, và N...
(8) Trong liên kết ion, mỗi ion tạo ra điện trường xung quanh nó, nên liên kết ion xảy ra theo mọi hướng hay thường nói liên kết ion là liên kết không có tính định hướng. Do đó 1 ion có thể tập hợp xung quanh mình rất nhiều ion trái dấu. Hay trong liên kết kim loại, liên kết được hình thành giữa các ngtử và ion kim loại trong mạng tinh thể do sự tham gia của các e tự do - electron chung trong liên kết kim loại là của tất cả những nguyên tử kim loại có mặt trong đơn chất.
(9) Nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy và độ tan trong nước của các hợp chất chứa liên kết hidro tăng lên rõ rệt so với nhiều hợp chất có KLPT tương đương.
(10) Các dấu … trong (1); (6); (10) đều chỉ nội dung về loại liên kết hidro
(11) Ý thơ từ bài hát “Như đã dấu yêu” có cùng chủ đề như nội dung bài thơ