Tình yêu ở tuổi 70

Vào khoảng đầu những năm 2000, máy tính cá nhân chưa phổ biến như bây giờ, thi thoảng lại có người đến cửa hàng photocopy nhờ tôi viết một thư điện tử. Bác sĩ Thà là khách quen của tôi. Ông đã nghỉ hưu, thường photo những bài thuốc dân gian chữa bệnh hoặc những câu danh ngôn, có khi là bài thơ vui, hay những bài viết giành cho tuổi già như phương pháp thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, "Tâm sự tuổi già" của Chu Dung Cơ.

Ông photo khoảng 30 bản rồi phát cho bà con hàng xóm và bạn bè, ông nói với tôi nhiều bài thuốc dân gian quí lắm, mà bà con mình không biết sử dụng, lúc bệnh nặng rồi mới đi bệnh viện, tốn kém mà vất vả. Biết việc làm đầy ý nghĩa của ông, tôi ngỏ ý muốn được photo miễn phí. Tôi nói với ông: Cháu không có thời gian và kiến thức, bác cho cháu góp chút xíu giấy mực cùng làm việc nghĩa với bác. Nhưng ông nhất định không chịu, ông bảo: Cô còn phải nuôi các cháu đi học. Tôi có tiền hưu cũng khá, cậu em ở bên Mỹ thỉnh thoảng lại gửi về vài trăm đô, tiền photo có đáng là bao, tôi lo được. Vì ông kiên quyết trả tiền, nên tôi lặng lẽ tính giá vốn cho ông, sau ông cũng biết việc làm của tôi, thỉnh thoảng ông lại mua quà cho nhân viên cửa hàng và con tôi, các cháu quí ông lắm.

Tôi bị thần kinh tọa, đi vật lý trị liệu rồi châm cứu hoài mà không đỡ. Ông bảo tôi: Ngày xưa các cụ lấy ngải cứu và muối, nướng một hòn gạch thật nóng rồi xông lên chỗ đau, rất hiệu nghiệm. Bây giờ có lò vi sóng, mình chỉ cho vào lò quay vài phút  rồi đắp là xong, cô cứ làm thử đi. Nhờ bài thuốc đơn giản của ông, tôi làm trong một tuần liền mà gần như khỏi hẳn, tôi thích lắm, phổ biến cho bạn bè, hầu như có hiệu quả. Bài thuốc thật dễ  làm mà rẻ tiền.

Cửa hàng của tôi chủ yếu phục vụ nhà trường và cơ quan hành chính nên chủ nhật rất vắng khách. Ngày chủ nhật, tôi cho nhân viên nghỉ nhưng bản thân không dám nghỉ, cố gắng làm để tăng thêm thu nhập.

Sáng chủ nhật ấy, ông ra cửa hàng của tôi, ngập ngừng một lúc rồi mới nói:

- Tôi muốn nhờ cô viết cho cái thư điện tử.

- Hôm nay Ngọc (tên cô nhân viên đánh máy) nghỉ rồi. Bác để mai được không ạ?

- Là tôi muốn nhờ cô, cháu nó còn bé, chưa hiểu chuyện, tôi hơi ngại.

Và ông kể tôi nghe mối tình đầu của mình.

Năm 1954, Thà mới 18 tuổi, còn Khánh, cô nữ sinh Trưng Vương thì vừa tròn 16. Mối tình đầu đẹp như hoa bị chia cắt phũ phàng. Trong lúc Thà còn say mê với  không khí chiến thắng, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng thì Khánh lại theo gia đình di cư vào Nam. Ngày di cư, Khánh trốn gia đình đến với Thà nhưng bị gia đình bắt lại, họ không gặp được nhau. Bao nhiêu năm qua đi, mối tình đầu không sao quên được. Ngày Sài Gòn được giải phóng năm 1975, Thà đã là một bác sĩ và đã có gia đình, nhưng anh vẫn tìm mọi cách vào TPHCM để tìm Khánh. Và một lần nữa Thà lại phải đối mặt với sự thực phũ phàng: Khánh đã cùng gia đình di cư sang Mỹ. Chẳng bao giờ Thà mơ có ngày gặp lại Khánh nữa.

- Vậy mà, vừa rồi tôi lại có dịp sang Mỹ. Cậu em ruột lo mọi thủ tục mời tôi sang. Bác sĩ Thà thong thả nói

- Vậy bác có gặp lại bác Khánh không? Tôi hồi hộp hỏi

- Sang đến nơi, việc đầu tiên tôi làm là đăng tin tìm bà ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau ba ngày thì tôi nhận được tin.

Im lặng một lúc, ông nói tiếp:

Bà ấy mất rồi, mất trước khi tôi sang 1 năm. Cô em gái và con trai của bà ấy đến tìm tôi. Họ nói trước khi mất, bà đưa lại cho họ toàn bộ những lá thư và ảnh của chúng tôi ngày xưa, dặn lại là có dịp thì phải trao lại tận tay cho tôi. Con trai bà vẫn đang nuôi ý định về Việt Nam tìm tôi.

Người bác sĩ già lặng đi trước những hồi ức. Tôi nhìn mái tóc bạc của ông mà không biết nói gì? Lặng lẽ ngồi chia sẻ nỗi đau cùng ông.

Nhưng hôm này tôi nhờ cô là việc khác. Sau một hồi im lặng, ông nói tiếp:

Tôi ở bên Mỹ 1 tháng thì phải về vì hết hạn Visa. Trong thời gian đó, cô em gái và các con bà ấy tiếp tôi chu đáo lắm, họ cố gắng làm mọi việc để tôi vui, quên đi rằng bà ấy đã mất. Rồi, cách đây một tuần, tôi nhận được thư của bà Lan, em bà ấy. Bà Lan nói bà ấy cũng yêu tôi từ ngày xưa, bây giờ cả hai chúng tôi cùng độc thân, bà Lan muốn tôi qua Mỹ cùng bà ấy, bà ấy sẽ thay bà Khánh chăm sóc tôi.

Bác sĩ Thà đưa tôi xem ảnh bà Lan, ở tuổi 70 nhưng trông bà vẫn còn đẹp, nét đẹp dịu dàng của người biết chăm sóc và gìn giữ nhan sắc.

Tôi trân trọng tình cảm của bà Lan giành cho tôi, nhưng giữa hai chúng tôi là khoảng cách không vượt qua được. Với bà Lan, tôi coi như người em gái, điều ấy đã ăn sâu trong óc tôi bao nhiêu năm rồi. Hơn nữa, lúc trẻ tôi đã ở mảnh đất này, đã gắn bó với nó, bây giờ già rồi, làm sao dứt nổi mà đi… Bức thư này, tôi đã trăn trở cả tuần mới viết được, từ chối sao mà không làm tổn thương người ta, cô có hiểu không? Tôi không biết sử dụng thư điện tử, nên nhờ cô, mong cô hiểu cho tôi.

Bác sĩ Thà đã mất rồi, trong hộp thư điện tử của tôi vẫn lưu giữ những lá thư đầy ân tình của hai người từ hai phương trời xa lắc.