Khai mạc cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”

Sáng 20/10/2017, tại Hà Nội, cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chính thức khai mạc tại Khu biệt thự Hồ Tây (43 Đặng Thai Mai-quận Tây Hồ). Đến dự có Đại biểu lãnh đạo ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận-phê bình VHNT Trung ương, Bộ Ngoại giao... hơn 100 nhà văn tiêu biểu ở trong nước và các nhà văn Việt Nam sống tại 12 nước trên thế giới. TPM xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhân dịp này.

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO:

ĐOÀN KẾT NHÀ VĂN LÀ “ĐOÀN KẾT NHỮNG KHÁC BIỆT”


1/ Trước tiên, xin nhà thơ cho biết suy nghĩ của mình về cuộc gặp mặt Nhà văn Việt Nam trong nước và ở nước ngoài lần thứ nhất?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Không phải đến hôm nay các nhà văn Việt Nam trong nước và nước ngoài mới có cơ hội gặp nhau, mà họ đã gặp nhau qua tác phẩm văn học, dù viết bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài. Những tác phẩm của họ làm lay động “chân – thiện – mỹ” trong tận đáy lòng người đọc, trong đó có các nhà văn (đọc nhau). Ngay từ khi nước nhà đang chia cắt bằng vĩ tuyến 17, chiến tranh, ly loạn, thì các nhà văn “đối phương” vẫn có cơ hội đọc nhau, và những giá trị văn học đích thực đều có sự thuyết phục lạ lùng. Tức là trong tâm can của những nhà văn thứ thiệt đều có sự giao thoa lẫn nhau, vượt qua cả ý thức hệ nhỏ hẹp. Đó cũng là sứ mệnh cao cả của văn học.

Theo tôi, cuộc gặp mặt giữa các nhà văn Việt Nam trong nước và nước ngoài lần thứ nhất là một sáng kiến có ý nghĩa nhân văn đối với một dân tộc có chung hai tiếng “đồng bào” từ một bọc sinh ra. Dù có nhà văn chưa thực sự tin tưởng cuộc gặp mặt này sẽ mang lại những kết quả mong muốn, nhưng nó đã cất lên “tiếng chim gọi đàn”, nhằm xóa bỏ những mặc cảm lịch sử sau chiến tranh, hận thù, lửa máu, sau chuyện thắng thua vinh quang hay nhục nhã mà hầu như dân tộc nào cũng có. Quá khứ thì đã qua, nó phải được “nhìn lại” bằng con mắt sắc sảo và nhân văn của nhà văn, và không nhà văn nào lại muốn hiện tại và tương lại lặp lại những xa xót hay xấu xa mà quá khứ đã trải qua. Chỉ trên ý nghĩa của hai chữ “nhà văn” như một “thiên chức”, thì nhà văn sẽ vượt qua được tất cả những hệ lụy. Gặp nhau trong văn chương hay gặp nhau trong đời thực, điều đó không bao giờ là vô nghĩa với nhà văn.

2/ Từ góc nhìn, cách cảm của mình, nhà thơ đánh giá thế nào về sức mạnh văn chương đối với vận mệnh đất nước?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Văn chương kéo con người xích lại với nhau, nó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và niềm tự hào về con người. Văn chương mổ xẻ và hàn gắn những vết thương lòng. Văn chương cứu rỗi sự tuyệt vọng. Và văn chương luôn gắn liền với vận mệnh đất nước. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc/chống xâm lược, giá trị văn chương yêu nước luôn được tôn vinh. Chỉ một “bài thơ thần” “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt cũng đủ làm bùng cháy lên sức mạnh và ý chí của cả dân tộc nhất tề chống xâm lăng, có thể coi bài thơ như một vũ khí kỳ diệu cứu rỗi đất nước trong cơn hiểm nghèo gọi là “vận mệnh” ấy. Bài văn “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, bài “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi không chỉ là những áng văn thơ hay, mà còn là tiếng lòng của muôn dân trong những cuộc kháng chiến thần thánh. Không phải là đề cao sức mạnh văn chương một cách hão huyền, mà sự thật, văn chương đích thực luôn kết nối con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh nguyên tử. Vâng, có thể nói “mạnh hơn súng gươm và án tử hình”, đó là tinh thần nhân văn sâu sắc của văn chương.

3/ Từ khi thống nhất (1975), đất nước mở cửa, các lĩnh vực hội nhập và phát triển, tuy nhiên trong lĩnh vực văn học còn ít nhiều hạn chế. Nhà thơ có thể lý giải điều này và hẳn cuộc gặp mặt nhà văn lần thứ nhất, tuy muộn nhưng cũng mở ra cơ hội và cả thách thức cho giới văn học?

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Đối với nhà văn, thời chiến hay thời bình cũng đều là sự thách thức. Thách thức tấm lòng. Thách thức tài năng. Thách thức cả sự can đảm để nói lên sự thật. Những văn tài thực sự, họ thường vượt lên tất cả những thách thức. Họ hội đủ nhân-trí-đức để sáng tạo ra những con chữ, những câu chuyện, những nhân vật thuyết phục nhân loại. Có lần tôi tự hỏi: Tại sao có những nhà văn bị cầm tù, vẫn viết nên những tác phẩm giá trị, được người đời nể phục? Và không ít những nhà văn luôn được tự do lại viết nên những tác phẩm thấp hèn, xu phụ để lại tiếng xấu cho thiên hạ? Câu hỏi này, chính nó đã tự trả lời. 

Vậy thì nhà văn ơi, đừng vội buồn. Cũng như trong xã hội vậy thôi, có đủ loại người, trung thực và cơ hội, anh hùng và phản bội, cao cả và thấp hèn, tài cao và bất tài… Trong giới cầm bút cũng vậy thôi. Nhưng nếu nhà văn thấu hiểu sâu sắc những nỗi buồn của người đời, nỗi buồn của của xã hội, của thời đại… thì dù tác phẩm chưa được viết ra, tôi vẫn dành hy vọng cho họ.

Ta thường đòi hỏi những tác phẩm đỉnh cao, những tác phẩm lớn. Ta hay kêu ca về sự non kém của nền văn học, thậm chí cho là tụt hậu sau cả kinh tế thị trường? Nhưng thử hỏi, ta đã làm gì để thúc đẩy cho tiến trình thai nghén những đứa con tinh thần mạnh khỏe và cường tráng? Đó là câu hỏi không chỉ cho nhà văn, cho độc giả mà cho cả hệ thống thể chế của một quốc gia.

4/ Những dự cảm của nhà thơ về đại đoàn kết dân tộc thông qua các tác phẩm văn học và sứ mệnh của nhà văn trong giao lưu và hội nhập quốc tế là gì?


NGUYỄN TRỌNG TẠO: Đối với văn học không bao giờ có sự “đoàn kết” chung chung, mà chỉ có sự “đòan kết những khác biệt”. Mỗi nhà văn là một phong cách văn chương riêng, một nhân cách riêng, một tư tưởng riêng… để tạo nên một “văn cách” riêng. Nếu không có những “văn cách” riêng đó thì văn chương muôn người sẽ như một, và lúc ấy ta chỉ cần một nhà văn là đủ. 

Có nhiều con đường để đi tới ngôi đền Văn Chương. Dù đường thẳng hay đường cong, đường lớn hay đường bé, đường bằng phẳng hay đường ngoằn ngoèo khúc khỉu… đều được tôn trọng như nhau. Thậm chí có những người mở đường phải ngã xuống dọc đường, nhưng chính họ đã lát đường cho người sau bước tiếp, những người như vậy cũng đáng trân trọng lắm. 

Ta thường nói, văn chương phải phấn đấu để hội nhập với quốc tế, điều ấy là ước mơ đẹp, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật, và phải biết người biết ta. Nếu tính về chỉ dấu IQ của người Việt thì đâu có kém ai. Vì vậy, tôi vẫn tin tưởng và chờ đợi ở văn học Việt Nam trong thời hiện đại này với đầy đủ ủ ý nghĩa của tiếng Việt, hồn Việt và tài năng Việt. Đó mới thực sự là “sứ mệnh đại đoàn kết” của những nhà văn Việt.

Xin cảm ơn ông!
TRẦN LỆ CHIẾN thực hiện
Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn/nha-tho-nguyen-trong-tao-doan-ket-nha-van-la-doan-ket-nhung-khac-biet-d7000.html
Một số nhà văn Việt Nam cùng thế hệ chiến tranh.