Sân khấu Việt Nam hội nhập quốc tế: Vẫn chỉ là gió vờn trăng?
Tính đến tháng 3/2016 thì sân khấu Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Sân khấu quốc tế - ITI thuộc Tổ chức UNESCO được 12 năm. Nhưng sân khấu Việt Nam đã thực sự hội nhập hay vẫn chỉ tạm dừng ở những tích xưa, trò cũ, ít thể nghiệm đương đại để vươn kịp với sân khấu thế giới? Năm 2016, sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 3, có nên hy vọng một sự đổi mới để thật sự hội nhập hay vẫn là gió vờn trăng?
Ngay sau Tết Nguyên đán 2016, giới làm nghề sân khấu Việt Nam (SKVN) đã xôn xao bắt tay chuẩn bị cho một sự kiện tầm quốc tế đối với nghề. Tháng 11/2016 “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III/2016” do Hội Nghệ sĩ SKVN chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành tổ chức. Trước đó vào tháng 8/2016 sẽ tổ chức Liên hoan sân khấu thử nghiệm trong nước để chọn tác phẩm xuất sắc tham dự. Đây là cơ hội cho những người hoạt động SKVN được giao lưu, tiếp cận các trào lưu sân khấu (SK) thế giới đương đại, thúc đẩy SK nước nhà phát triển. Và cũng là thêm một lần để SKVN nhìn lại sự chuyển mình để vươn tới những tầm cao mới, hội nhập với những xu thế mới của SK thế giới đương đại.
Những xu hướng sân khấu thế giới đương đại
Lịch sử SK thế giới cũng như ở VN có từ rất lâu đời, và trải qua nhiều giai đoạn phát triển xã hội, SK thế giới cũng thay đổi với nhiều loại hình diễn xướng từ SK dân gian truyền thống mang những bản sắc riêng độc đáo, đặc sắc của từng dân tộc, của mỗi quốc gia đến sự giao thoa để tạo ra những loại hình SK mang màu sắc chung nhất toàn cầu.
Sang đến thế kỷ 21, khi những phạm trù “toàn cầu hóa”, “hội nhập”, “đối thoại với các nền văn minh”… trở thành xu hướng chung của thế giới, nghệ thuật SK cũng có những biến đổi. Không chỉ là những hình thức SK đã mặc định từ hàng mấy trăm năm nay mà đã có nhiều loại hình phát sinh và phái sinh dựa trên những gốc cũ. Nhiều hình thức sân khấu thế kỷ mới tràn vào: Kịch Hình thể, kịch Broadway, kịch Đồng hiện, kịch Giả tưởng, kịch Kinh dị, kịch Trinh thám, kịch Hiện thực tâm lý xã hội, kịch Nghệ thuật sắp đặt, kịch không có kịch bản, kịch tương tác… SK biểu diễn cũng có những thay đổi, hoặc rất hoành tráng lộng lẫy áp dụng các phát minh công nghệ về âm thanh ánh sáng tạo không gian 3D - 4D, hoặc tối giản đến mức tối thiểu, có khi chỉ là 1-2 m2 trong quán bar café, và nếu cần thì bất cứ đâu cũng có thể là một SK biểu diễn.
Hội nhập quốc tế làm thay đổi tư duy, tạo ra nền nghệ thuật toàn cầu hóa, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, từng châu lục một tiếng nói nghệ thuật dân tộc bản địa đầy sắc màu văn hóa. Đặc điểm sân khấu thời hội nhập quốc tế, hình thành nền sân khấu toàn cầu: Giao lưu - Đối thoại - Hội nhập. Hội nhập mang đến cơ hội thách thức nghệ sỹ rộng đường sáng tạo, tác phẩm phản ánh đa chiều tâm tư, khát vọng con người xã hội đương đại.
“Tấm Cám” phiên bản nhạc kịch ra mắt khán giả dịp Tết Nguyên đán 2016
Đến cuộc chơi hội nhập của sân khấu Việt Nam
Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, cùng với các ngành nghệ thuật khác, hoạt động giao lưu SKVN với thế giới nhằm giới thiệu, quảng bá truyền thống văn hóa, đất nước con người VN ngày càng được mở rộng và có hiệu quả. Năm 2004 SKVN chính thức là thành viên của Hiệp hội sân khấu quốc tế - ITI thuộc Tổ chức UNESCO với tên gọi: “Trung tâm Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam” - (Trung tâm ITI Việt Nam) đã khẳng định diện mạo mới của SKVN trên con đường đổi mới, hội nhập nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngay từ khi mới gia nhập ITI, Ban Chấp hành đã xây dựng thành công đề án “Liên hoan quốc tế về sân khấu thử nghiệm” và được Chính phủ đồng ý cho tổ chức định kỳ 3 năm/lần để giao lưu hội nhập sân khấu quốc tế.
Liên hoan thử nghiệm lần 1/2006, thấy rằng cuộc chơi SK hội nhập đối với VN không phải dễ. So sánh giữa SKVN và SK các quốc gia trong khu vực châu Á đã thấy sự cách biệt về kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng, và cả cách kết hợp SK truyền thống với đương đại rất nhuần nhuyễn, trong khi SKVN vẫn cứ rụt rè với những thử nghiệm chưa thể nói là thành công. Đến năm 2013, SKVN mới tổ chức lại Liên hoan lần 2, với một sự e ngại của nước chủ nhà VN vì sự thua kém bạn bè, trong khi đó SK thế giới, và ngay cả SK của các quốc gia trong khu vực châu Á và Đông Nam Á đã có những bước phát triển dài với nhiều lý thuyết mới về sân khấu biểu diễn, không mặc định đóng khung như các hình thái sân khấu truyền thống.
Ngay cả trong lễ kỷ niệm 50 năm ITI ở VN, nhìn qua danh sách kịch mục biểu diễn của ngành SKVN khi bước sang năm thứ 10 thành viên của ITI, thấy ngay sự mòn. Ngoài buổi biểu diễn giới thiệu tác phẩm sân khấu Nguyễn Du và Kiều (được thể hiện bằng phương pháp và ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu hình thể) của đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ, thì những trích đoạn SKVN truyền thống không có gì mới dù toàn “tinh hoa” của nghệ thuật SKVN: Nhà hát Chèo VN với “Phù thủy sợ ma”, Nhà hát Tuồng VN với trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, Nhà hát Múa rối Thăng Long với Rối cạn “Xá Thượng: Ngẫu hứng khúc dương xuân”. Lý thú duy nhất là màn mở đầu của Liên đoàn xiếc VN với tiết mục xiếc Làng tôi gây hứng thú cho người xem vì sự tươi mới, rất hiện đại nhưng rất VN phả vào những động tác kỹ thuật xiếc điêu luyện. Với SK thế giới, ngay cả việc ứng dụng công nghệ cao vào thiết kế SK cũng là một cách làm tăng thêm cảm hứng biểu diễn, còn SKVN bây giờ vẫn chỉ mới tiến tới sử dụng màn hình Led và chiếu những clip video làm bối cảnh minh họa hay làm font nền.
Cũng từ “diễn đàn” ITI , nhìn lại ngành SKVN trong gần 12 năm làm thành viên ITI, có bao nhiêu vở diễn hay tiết mục được mang đi nước ngoài thi thố hoặc đứng chung sân khấu với các thành viên khác của ITI? Đã có nghệ sĩ SKVN nào được chọn để chia sẻ những kinh nghiệm về diễn xuất hay nêu ý kiến về các vấn đề thuộc về lĩnh vực SK trên diễn đàn ITI hàng năm? Hay SKVN tham gia ITI vẫn chỉ là thành viên “em út” với tiêu chí cứ lặp đi lặp lại (không chỉ trong lĩnh vực SK): “Học hỏi kinh nghiệm”. Và SKVN vẫn cứ khiêm tốn đứng xa xa nhìn các sân khấu thành viên ITI mà thèm muốn.
Sân khấu Việt Nam có gì trong cuộc chơi lần thứ 3
Không thể phủ nhận những thành công trước đó của SKVN thử nghiệm mang lại như: “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”, “Biến vĩ của tình yêu” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Sang sông” (CLB SK thử nghiệm của Hội Nghệ sĩ SKVN), “Nỏ thần” (Kịch Phú Nhuận), “Ngàn năm tình sử” (Kịch Idecaf)... Và cả thử nghiệm bất thành như “Kim Vân Kiều”, “Chiếc áo thiên nga” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Nhưng cũng chính vì thế, qua hàng loạt các Liên hoan Sân khấu (LHSK) VN chuyên nghiệp toàn quốc như: LHSK Tài năng trẻ, LHSK dành cho các đạo diễn trẻ, LH về các loại hình SK kịch truyền thống như: Chèo, Tuồng, ca kịch, ca kịch Dù Kê Khmer…, rồi gần nhất là trong năm 2015 là 3 đợt LHSK chuyên nghiệp toàn quốc: LHSK kịch nói, LHSK Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, LHSK Cải lương, thì SKVN vẫn chưa thấy có xu hướng vươn tầm, phát hiện hay một sáng tạo nào ra với SK quốc tế. Không có vở diễn nào mang tính thử nghiệm của các loại hình SK đương đại thế giới gây hiệu ứng…
Tín hiệu khởi đầu cho sự sáng tạo tiến dần đến với SK đương đại thế giới của SKVN, trong LHSK chuyên nghiệp diễn ra ở Huế năm 2012, vở “Âm binh” của Nhà hát Thế giới Trẻ TPHCM có cách dàn dựng thử nghiệm khá độc đáo, “nhân vật” - diễn viên là hình ảnh những bức tranh cát, và tranh cát cũng là font cho thiết kế sân khấu vừa hiện đại, vừa truyền thống đã như một hơi thở khá mới lạ mang lại thành công cho vở diễn. Đến năm 2015, trong LHSK kịch nói chuyên nghiệp và LHSK Hình tượng người chiến sĩ CAND, thử nghiệm này một lần nữa chinh phục khán giả với vở “Cát trắng như gạo” (Nhà hát Thế giới Trẻ - TPHCM)… Chưa kể, SK TPHCM trong năm 2015 đã rất thành công với thử nghiệm phong cách Kịch Broadway với 2 vở “Chicago High School Musical”, “Broadway in Sai Gon”, và ngay đầu năm 2016 cũng đang chạm tới thành công với vở “Tấm Cám Musical” cùng của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy.
Ở trại viết kịch bản SK vào tháng 8/2015 ở Tam Đảo cũng đã quy tụ một đội ngũ “tinh hoa” các tay viết toàn quốc để chuẩn bị cho các kịch bản LH quốc tế SK thử nghiệm lần 3/2016; với những dự định dùng chèo diễn tả tích của SK cổ điển châu Âu, đổi mới tuồng “Võ Tam Tư trảm Hồ”, một kịch bản cho rất nhiều loại hình rối, kịch bản viết cho nhiều loại hình gồm cả xiếc, ca nhạc, cải lương.... Những tác phẩm từ trại viết này đã có những thay đổi mới mẻ, phóng khoáng trong tưởng tượng, kết hợp các hình thức sân khấu khác nhau trong tác phẩm…
Và không để chỉ có gió vờn trăng
Để thật sự hội nhập với SK thế giới, có lẽ SKVN cần khắc phục rất nhiều vấn đề. Ngoài việc có những tay viết kịch bản thật sự đổi mới, còn là đội ngũ nghệ sĩ, đặc biệt là các đạo diễn. SKVN đang ở giai đoạn “trống” khi các tài năng SK đều đã quá lớn tuổi cho những thử nghiệm mới, táo bạo. Những đạo diễn tài năng vài năm trở lại đây ở phía Bắc thì lại lúng túng khi thử nghiệm cái mới vì kiến thức SK đương đại thế giới ít cập nhật và chưa được tiếp cận nhiều. Các đạo diễn trẻ phía Nam có những gương mặt mới nhưng thực sự nổi trội và vững vàng, tạo được phong cách riêng lại thưa thớt.
Bên cạnh đó, các diễn viên SKVN hiện nay dù được đào tạo bài bản nhưng đa năng như vũ đạo, ca hát, khiêu vũ cổ điển, múa ballet, múa dân gian… không có nhiều người trẻ làm được. Đầu tư cho các khâu khác như nhạc sĩ, họa sĩ chưa thích đáng. Ít vở diễn nào hiện nay mời người viết nhạc riêng cho vở mà đa phần là sử dụng nhạc chọn. Đội ngũ họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu hiện nay đang trong quá trình chuyển giao thế hệ, nên vẫn chưa định hình, mà đây lại là khâu rất quan trọng để giúp chuyển tải ý đồ tạo dựng không gian, thời gian SK… Và cả việc áp dụng các công nghệ hiện đại cho sàn diễn để dần thay thế bục bệ, đa dạng hóa những bối cảnh SK…
Cùng với tiến trình vận động của xã hội và thời đại, sự tiếp nhận của công chúng với nghệ thuật SK cũng có những thay đổi lớn. Sự thay đổi thị hiếu trong nhu cầu thưởng thức của công chúng không chỉ biểu hiện ở nội dung tác phẩm mà còn ở sự cách tân trong hình thức thể hiện, phương thức biểu đạt, ngôn ngữ… Đã đến lúc SKVN cần phải thay đổi quan điểm xưa cũ, cập nhật những phong cách đương đại của SK thế giới, để thật sự hội nhập, hướng đến xây dựng nền SKVN: Đa sắc màu, dân tộc và thời đại.