Lá thư đầu năm gửi bạn đọc TÁC PHẨM MỚI
Năm mới 2014 là năm thứ hai của TÁC PHẨM MỚI và tacphammoi.net, cũng là năm mà độc giả trong và ngoài nước biết đến và yêu mến một ấn phẩm mang tên TÁC PHẨM MỚI, với đội ngũ cộng tác viên đa dạng, trẻ trung và đầy sức sáng tạo. Mỗi tác giả cũng đồng thời là một tình nguyện viên để giới thiệu cho bạn bè biết đến tài năng và sáng tạo nghệ thuật của mình thông qua TÁC PHẨM MỚI. Sân chơi này đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo những người yêu văn chương trong và ngoài nước.
LÁ THƯ ĐẦU NĂM CỦA GSTS.NGND. NGUYỄN LÂN DŨNG
Kính gửi các tác giả và bạn đọc TÁC PHẨM MỚI
Tôi đích thực là người ngoại đạo văn chương, vậy mà lại nhận lời làm cố vấn cho TÁC PHẨM MỚI - Chuyên đề Văn học - Nghệ thuật, thuộc Công ty TÁC PHẨM MỚI, được cơ quan nhà nước cấp phép xuất bản định kỳ. Nguyên do là tôi tham gia viết bài trong blogtiengviet.net, một trang blog có trình độ công nghệ khá cao, lại có tới vài chục vạn người đăng ký tham gia. Sau mấy năm viết bài và đọc bài, tôi thấy ở đây rất nhiều bạn bè yêu văn chương và khá tài hoa nhưng còn ít người biết đến. Năm trước, một nhóm bạn say mê văn chương đã tự nguyện đóng góp kinh phí để xuất bản định kỳ tờ Chuyên đề Văn học – Nghệ thuật này, tôi và nhiều bạn tôi đã hoan nghênh, ủng hộ. Đứng chung tên trong Ban cố vấn với hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Chu Nhạc tôi cũng thấy ngượng, nhưng vì anh chị em tín nhiệm nên tôi đã nhận lời như một sự tri ân tình cảm của nhóm blogger đông đảo mang tên Xóm Lá.
Một năm đã trôi qua rất nhanh với 5 số TÁC PHẨM MỚI, song hành cùng trang thông tin điện tử tacphammoi.net đã đem đến một làn gió mới, một niềm vui cho đông đảo những người yêu văn chương-nghệ thuật mà chưa được vinh dự có mặt trong các hội "quốc doanh" như mọi người thường nói đùa.
Tôi đồng cảm với tâm sự trên tacphammoi.net của nhà thơ Trần Tâm: "Với tôi và rất nhiều người, Hội Nhà văn như ngôi đền thiêng rất khó gia nhập. Rất nhiều người từng nhìn nó mà bái vọng. Rất nhiều người dành hết cả cuộc đời phấn đấu trên con đường văn chương đầy rẫy chông gai mà không vào được đành buông xuôi. Và cũng không ít người dửng dưng hay dè bỉu. Muốn bước vào, những bạn viết xa gần ngoài sáng tác đạt chất lượng còn phải gặp ít nhiều may mắn nữa. Nhà văn càng phải cố gắng để có tác phẩm xứng tầm. Nhiều người không phải hội viên cũng có những tác phẩm để đời. Số lượng không nói được gì nhiều mà ở chất. Người là hội viên không có tác phẩm “đứng” được thì sao bằng những người chả có tên trong hội nào vẫn sống mãi bởi đạo đức, bởi cách sống hoặc chỉ bằng một hai câu được mọi người công nhận, vinh danh. Chẳng có danh hiệu nào, giải thưởng nào cao hơn sự ghi nhận của công chúng đâu". Tôi có người bạn học thân thiết hồi phổ thông là nhà văn Ma Văn Kháng. Có lần tôi hỏi anh, chắc là vào Hội nhà văn có nhiều quyền lợi lắm cho nên người xếp hàng vào Hội "đông như kiến". Anh trả lời tôi: "Chẳng có gì đâu, mỗi tuần được một tờ báo Văn nghệ, còn muốn được chút ít trợ cấp để sáng tác ấy à, xếp hàng còn dài vô kể". Tôi nói với anh: "Vào Hội để mang tên Nhà văn mà không ai biết đến tác phẩm thì cũng chán chết. Ai muốn vào Hội chúng tôi để mang tên là Nhà sinh học, chúng tôi... kết nạp ngay". Hai đứa đều cười vui vẻ.
TÁC PHẨM MỚI đã trình làng 5 số, nội dung và hình thức còn khiêm tốn, cần phải từng bước nâng cao chất lượng, nhưng theo tôi, bước đầu TÁC PHẨM MỚI đã làm được hai việc đáng chú ý. Thứ nhất, TÁC PHẨM MỚI đã tập hợp được lực lượng khá đông đảo văn nghệ sỹ tham gia viết bài, hiến kế cho TÁC PHẨM MỚI mà không nhận thù lao. Đó là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Chu, Trần Đăng Khoa, Nguyệt Tú (nguyên Giám đốc Nxb Phụ nữ), Trần Hữu Tòng (nguyên Cục trưởng thuộc Bộ VHTT), Vương Sỹ Đình (nguyên Phó Tổng biên tập Báo QĐND); … các họa sỹ: Khúc Văn Thông (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp), Nguyễn Xuân Lân, Nguyễn Thị Nhung (ĐH Mỹ thuật VN), Lã Minh Kính (giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp)… và các đạo diễn điện ảnh như Long Vân, Nguyễn Anh Tuấn v.v. Bên cạnh các văn nghệ sỹ nổi tiếng, TÁC PHẨM MỚI còn giới thiệu tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ chưa phải hội viên các hội chuyên ngành Trung ương nhưng tác phẩm của họ thật đáng nể. Có thể kể đến truyện ngắn của cây bút nông thôn Lưu Quốc Hòa, ThS.BS Phan Bích Thủy, cựu sĩ quan công an Trịnh Tuyên; các nhà báo Chu Nhạc, Cao Thâm, Bách Hương; các cây bút đang định cư ở nước ngoài như Nguyễn Công Tiến (CHLB Đức), Thuyền Thu (CHLB Nga), Đặng Hà My (CHLB Đức) v.v. Về thơ thì quá đông. Đó là các nhà thơ: Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Lâm Cẩn, Huy Trụ, Vi Thùy Linh, Chử Thu Hằng, Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Hoàng Hòa, Trần Hồng Giang ...Các nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ, nhà doanh nghiệp, cựu quân nhân, công nhân…cũng đóng góp nhiều tác phẩm tâm đắc với TÁC PHẨM MỚI. Đó là PGS. TS. Trần Mạnh Tuân, Tiến sỹ Thế Chính, Tiến sỹ - dịch giả Phan Bạch Châu, Kỹ sư hóa Đặng Hồng Thúy, Kỹ sư chế tạo máy Đào Nguyên, Giám đốc Công ty Dược phẩm Nguyễn An, Phó giám đốc Viện VSATTP Quốc gia Phạm Phương Thảo, Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Hồng Thái; cựu sĩ quan Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Đấu, cựu nữ chiến sĩ quân y Thu Hiền Hòa, các nữ sĩ cao niên như Đỗ Thanh Tâm, Phan Thanh Minh... Về nhạc có các nhạc sĩ Quang Hiển, Nguyễn Đức Diên, Cao Ngọc Dung, Thế Bình... TÁC PHẨM MỚI còn có cả trang Văn nghệ Nhà trường dành riêng cho các thầy cô giáo đang đứng lớp và nhất là các cháu học sinh, sinh viên yêu văn thơ...
Việc thứ hai mà chúng tôi tâm đắc, đó là TÁC PHẨM MỚI đã phát hiện và làm nổi bật số phận của những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và thẩm mĩ cao, nhưng vì lí do nào đó mà lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là số phận “Mưa mùa hạ” – tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, từng bị đình bản, năm 2012 được Giải thưởng Hồ Chí Minh; đó là “Đảo chìm” – tiểu thuyết đặc biệt xuất sắc của Trần Đăng Khoa viết về những người lính biển đảo Trường Sa, nhưng chưa hề được tôn vinh; là loạt phim nổi tiếng: Biệt động Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn và Những đứa con biệt động Sài Gòn của Đạo diễn Vân Long, nhưng chưa được cấp nào khen thưởng v.v.
Có thể thấy, TÁC PHẨM MỚI là sân chơi rộng rãi, đầy tính nhân văn và dân chủ. Giống như chiếu làng, ai ngồi cũng được, không phân biệt tuổi tác, học vấn, chức vụ... miễn là tác phẩm trình làng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Các tác giả viết bài cho TÁC PHẨM MỚI đã không nhận nhuận bút mà còn mua ủng hộ để tặng bạn bè. Những người đứng ra tổ chức không những không có lương mà còn bỏ ra khá nhiều tiền túi, chấp nhận lỗ để duy trì, phát triển cả ấn phẩm in và trang điện tử.
Nhìn con số trên 8 vạn người truy cập tacphammoi.net trong khoảng 6 tháng kể từ khi ra mắt trang điện tử thì đủ biết, đây là món ăn tinh thần lành mạnh, đang được bạn đọc mến mộ và ủng hộ. Để có được trang tacphammoi.net như hiện nay, TPM đã nhận được sự giúp đỡ của nhiệt tình và vô tư của bạn Phan Lan Hoa (vidamantinh) và nhiều bạn khác.
Do mới ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, lực lượng trực tiếp tham gia biên soạn, biên tập mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chắc chắn, trong quá trình tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành, TÁC PHẨM MỚI không tránh khỏi những sai sót, mong các tác giả, bạn đọc lượng thứ.
Năm mới 2014 là năm thứ hai của TÁC PHẨM MỚI và tacphammoi.net, cũng là năm mà độc giả trong và ngoài nước biết đến và yêu mến một ấn phẩm mang tên TÁC PHẨM MỚI, với đội ngũ cộng tác viên đa dạng, trẻ trung và đầy sức sáng tạo. Mỗi tác giả cũng đồng thời là một tình nguyện viên để giới thiệu cho bạn bè biết đến tài năng và sáng tạo nghệ thuật của mình thông qua TÁC PHẨM MỚI. Sân chơi này đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo những người yêu văn chương trong và ngoài nước. Rõ ràng văn học - nghệ thuật đâu phải là căn nhà riêng của hội viên các Hội…
Mùa Xuân thứ hai của TÁC PHẨM MỚI chắc chắn là một Mùa Xuân tràn đầy hi vọng của tất cả những người yêu văn học - nghệ thuật. TÁC PHẨM MỚI Xuân Giáp Ngọ xứng đáng là món quà Tết trang nhã đến với mọi nhà và là cánh én báo hiệu một mùa xuân mới đầy sức sống.
Xin cảm ơn bạn hữu xa gần đã yêu mến, ủng hộ, giúp đỡ và đồng hành cùng chúng tôi.