Chuyện vãn về bút danh
Chuyện về bút danh của cánh nhà báo, nhà văn ta một thế kỷ qua rất phong phú, rất lạ. Mỗi bút danh là một câu chuyện kể, một giai thoại, bút danh đi liền với nỗi hoài hương, gắn với những kỷ niệm cuộc đời, với người thân, với tác phẩm, với một đoạn đường công tác, sống và sáng tạo của người viết. Lại đôi khi gắn với thời cuộc, với nhiệm vụ của từng tờ báo, từng mục nhỏ của trang báo... Chuyện về bút danh nếu ghi lại được hết sẽ còn dài dài, nếu lần ra được dò tới được từng "ngọn nguồn, lạch sông" sẽ còn biết bao nhiêu là điều thú vị nữa.
Danh là tên. Bút danh là tên của người viết báo, viết văn ký dưới các tác phẩm của họ. Chung quanh chuyện bút danh cũng có nhiều điều để nói.
Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Nơi ấy có dòng sông Đà và núi Tản Viên nổi tiếng nên ông ghép hai chữ Tản Đà thành bút danh của mình. Ông có nhiều câu thơ nói về non Tản, sông Đà quê ông:
Đà Giang, Tản Lĩnh nước non quê
Đà Giang nước chảy, Tản mây bay
Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Nước rợn sông Đà, con cá nhảy
Mây trùm non Tản, cái diều bay...
Về sau, có rất nhiều người noi gương Tản Đà, lấy tên núi, tên sông, tên làng... làm bút danh của mình. Ví như: Vũ Quần Phương (Quần Phương là tên một làng ở Hải Trung, Hải Hậu tỉnh Nam Định, còn Vũ Ngọc Chúc là tên khai sinh của nhà thơ). Hay như Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng nhưng quê ông Điện Bàn, Quảng Nam có sông Thu Bồn nên lấy luôn tên sông làm bút danh của mình...
Bút danh do rút gọn tên khai sinh mà thành có rất nhiều, ví như Hữu Mai từ Trần Hữu Mai, Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), Văn Cao (Nguyễn Văn Cao), Xuân Miễn (Nguyễn Xuân Miễn), Xuân Cang (Nguyễn Xuân Cang), Xuân Sách (Ngô Xuân Sách), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), Xuân Thiều (Nguyễn Xuân Thiều), Xuân Thiêm (Nguyễn Xuân Thiêm)... Nội một chữ "xuân" thôi nước mình đã có đến cả chục, cả trăm nhà báo, nhà văn. Là thế nên mới có những câu thơ: Xuân Thiều, Xuân Sách, Xuân Thiêm - Trong ba "xuân" ấy... và Xuân Diệu, Xuân Sanh, Xuân... tóc đỏ - Tú Xương, Tú Mỡ, Tú... lơ khơ.
Bút danh do gọi lái, gọi chệch hoặc đảo chữ tên thật cũng có nhiều: Ví như Trần Đăng là từ Đặng Trần Thi, Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Nguyễn Duy (Nguyễn Duy Nhuệ), Nguyễn Ngọc (Nguyễn Ngọc Báu), Hào Vũ (Vũ Văn Hào)...
Những bút danh gắn với những kỷ niệm riêng tư nhiều hơn nhưng đa phần được "bật mí", nhất là những bút danh có liên quan đến mối tình đầu thời trai trẻ của người viết. Thí dụ như Nhị Ca. Tên thật của ông là Chử Đức Kính. Hồi nhỏ đi học có yêu một cô gái Hà Nội tên là Kiệm, ông ghép chữ đầu của hai người lại thành KK, hoặc 2K. Sau này khi viết báo "phiên" thành Nhị Ca. Trường hợp Lê Kim cũng vậy. Vốn tên là Nguyễn Duy Long, lúc còn học ở Trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) có yêu vụng, nhớ thầm một người bạn gái cùng lớp tên là Nguyễn Thị Kim. Sau đi bộ đội, vào nghề báo lấy bút danh là Lê Kim để "nhớ mãi mối tình đầu".
[...]
Bút danh của các bậc tiền nhân thường biểu hiện "chí làm trai" hoặc ước vọng. Bút danh của nhiều cây bút trong hai cuộc kháng chiến lại gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu. Thế mới có những cái tên như Thiên Bình Trường Sơn, Nghiêm Túc, Biên Thùy, Lưỡi Lê, Kê Xung Kích, Thao Trường, Đậu Kỷ Luật, Bút Chông, Lê Kim Tiêm... Thời hòa bình xây dựng hôm nay nhà báo cũng gắn với nhiệm vụ của mình với bút danh nên mới có Ba Thợ Tiện, Lang Thang, Người Quan Sát, Người Dọn Vườn...
Có những bút danh do tình cờ mà thành, lại có khi do sự viết sai, mà nên. Ví như Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Vốn là Trần Giang Khoa (em gái của Khoa tên Giang) nhưng vì mới đi học nên anh viết là Trần Dang Khoa, đến khi đăng báo, tòa soạn sửa lại thành Trần Đăng Khoa. Cái chuyện viết sai không chỉ thành bút danh mà còn thành cả tác giả nữa. Ví như bài báo Đêm nay Bác không ngủ viết ở Điện Biên Phủ năm 1954 của Phạm Phú Bằng sau in lên báo Quân đội Nhân dân hóa ra của Trần Cư và Phạm Phú Bằng. Duyên do là Phú Bằng viết bài, đưa cho Trần Cư lúc đó là thư ký tòa soạn đọc duyệt. Trần Cư ký vào bài, ký thế nào lại liền sát với tên tác giả bài báo. Thế là khi báo ra, bài ấy có hai tác giả, đồng tác giả!
Việc hình thành bút danh lại còn do cả vóc dáng "đặc điểm, nhận dạng" của người viết. Giả dụ như Vũ Cao (tác giả Núi đôi) vốn tên thật là Vũ Hữu Chỉnh nhưng do có vóc dáng rất cao, chừng 1,80 m nên gọi như vậy. Hay như Xuân Thiều có cái đầu rất hói - nên đã dùng bút danh Tú Hói ký dưới các câu đối Tết giống như Nguyễn Trọng Oánh quê Nghệ An, biết chữ nho nên khi làm câu đối thường ký tên Đồ Nghệ.
Chuyện về bút danh của cánh nhà báo, nhà văn ta một thế kỷ qua rất phong phú, rất lạ. Mỗi bút danh là một câu chuyện kể, một giai thoại, bút danh đi liền với nỗi hoài hương, gắn với những kỷ niệm cuộc đời, với người thân, với tác phẩm, với một đoạn đường công tác, sống và sáng tạo của người viết. Lại đôi khi gắn với thời cuộc, với nhiệm vụ của từng tờ báo, từng mục nhỏ của trang báo... Chuyện về bút danh nếu ghi lại được hết sẽ còn dài dài, nếu lần ra được dò tới được từng "ngọn nguồn, lạch sông" sẽ còn biết bao nhiêu là điều thú vị nữa.
Tin cùng chuyên mục
Những trò nghịch ngợm "kinh điển" của bé
19/11/2014
Vui cuối tuần
16/11/2014
Đêm Halloween
30/10/2014
Bà ngoại thời @!
26/10/2014