Học sinh Việt Nam đoạt giải toán Quốc tế giờ ở đâu?
Việt Nam bắt đầu tham gia dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) từ năm 1974 (kỳ thi IMO năm 1977 và 1981 không tham gia) với 228 lượt học sinh dự thi; đã giành 52 Huy chương Vàng, trong đó 7 thí sinh 2 lần giành Huy chương Vàng liên tiếp; 94 Huy chương Bạc, 67 Huy chương Đồng. Trong số thí sinh đoạt giải, có TS. Hoàng Lê Minh - HCV năm 1974; TS. Lê Bá Khánh Trình, đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối và giải đặc biệt tại IMO 1979 ở Luân Đôn (Vương quốc Anh) và một số thí sinh khác hiện làm việc tại Việt Nam, còn lại đa số đang sống và làm việc tại nước ngoài. Dưới đây là một số gương mặt tiêu biểu.
ThS. Phan Vũ Diễm Hằng - Nữ sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải ba tại IMO năm 1975. Sau khi đoạt giải, chị học đại học ở Liên Xô. Ra trường, chị làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TW. Năm 1997, chị xin ra ngoài, làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc.
TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa – Nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt HCB tại IMO năm 1976. Chị lấy bằng Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô). Hiện, chị là giáo sư đại học tại Mỹ.
GS. Vũ Kim Tuấn - Huy chương Bạc IMO năm 1978. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Belarus (Minsk), anh bảo vệ Tiến sĩ Khoa học khi vừa 26 tuổi. Từ 1994-2003, anh lần lượt giữ chức PGS và GS của ĐHTH Cô-oet. Từ năm 2003 đến nay, anh là giáo sư ở Khoa Toán Đại học West Georgia (Mỹ).
GS. Lê Tự Quốc Thắng – Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối 42/42 tại IMO năm 1982. Ông theo học khoa toán tại trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva, Nga. Năm 1991, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành toán hình học topo. Từ năm 1992 – 1994 anh công tác tại Viện toán học Steklov (Nga); Viện Toán học Max - Planck (Đức); Viện Vật lý lý thuyết Trieste (Ý); Đại học Tokyo (Nhật Bản).Từ 1994 đến 1996, anh là giáo sư trợ lý tại Đại học Bang New York (State University of New York, SUNY) ở Buffalo, New York; giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Osaka, Viện Mittag - Leffler, Thụy Ðiển, Viện nghiên cứu khoa học toán tại Tokyo, Nhật Bản, Đại học Grenoble, Đại học Paris VII, Pháp; Đại học Genève, Thuỵ Sĩ...Từ tháng 1/2004 đến nay anh là giáo sư của Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ.
GS. Đàm Thanh Sơn – Huy chương Vàng điểm tuyệt đối IMO 1984 - tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva năm 1991 và nhận bằng tiến sỹ vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva năm 1995.
Từ năm 1995-1999: Anh là học giả hậu tiến sĩ (postdoc) tại Viện Đại học Washington-Seattle và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).Từ năm 1999-2002: là giáo sư tại Viện Đại học Columbia, đồng thời là học giả (fellow) ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Brookhaven (BNL), Hoa Kỳ. Từ năm 2002, giáo sư tại Khoa Vật lý của Viện Đại học Washington và đồng thời là học giả cao cấp (Senior Fellow) tại Viện Vật lý Hạt nhân trực thuộc viện đại học này.Từ tháng 9/2012,là giáo sư (University Professor) tại Viện Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
GS. Nguyễn Tiến Dũng - Huy chương Vàng IMO năm 1985 - là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất tham dự IMO khi chưa tròn 15 tuổi. Anh tốt nghiệp ĐHTH Matxcơva về Toán năm 1991. Sau đó anh nghiên cứu tại ICTP 2 năm, giữa chừng về lại ĐHTH Matxcơva bảo vệ luận án TS. Năm 1995, được tuyển làm nghiên cứu viên của CNRS (Trung tâm Khoa học quốc gia của Pháp). Anh bảo vệ TSKH (habilitation) năm 2001 và ngay sau đó được nhận làm Giáo sư tại Đại học Tổng hợp Toulouse (Pháp).
GS. Ngô Bảo Châu. Là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đoạt hai Huy chương Vàng năm (1988 và 1989). Ngô Bảo Châu là sinh viên Trường Đại học Paris VI và Trường Sư phạm Paris từ năm 1992 đến năm 1994, sau đó là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh của Đại học Paris XI (Université Paris-Sud 11). Năm 1997, anh bảo vệ luận án tiến sĩ và trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Năm 2004, Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm giáo sư toán học tại Đại học Paris XI và được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Giáo sư Gérard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Năm 2005, anh được nhà nước Việt Nam phong đặc cách hàm giáo sư ở tuổi 33. Năm 2008, Ngô Bảo Châu công bố chứng minh Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie hay còn gọi là Bổ đề cơ bản Langlands. Cuối năm 2009, công trình này đã được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Với các công trình khoa học đã đạt được, Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields - giải thưởng toán học uy tín nhất thế giới. Từ ngày 1/9/2010, Ngô Bảo Châu là giáo sư tại Khoa Toán, Viện Đại học Chicago (Mỹ). Ngày 9/3/2011, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (Vietnam Institute for Advanced Study in Mathematics) được thành lập, GS Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm giám đốc khoa học của Viện. Hàng năm, anh đều giành 3 tháng hè để trở về nước làm việc tại Viện Toán cao cấp.
Lê Hùng Việt Bảo - Huy chương Vàng hai năm liên tiếp trong các kỳ IMO các năm 2003 và 2004 với số điểm tuyệt đối. Năm 2004, Việt Bảo được tuyển thẳng vào lớp "Cử nhân Toán tài năng" của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Năm 2008, Bảo tốt nghiệp ngành Toán Đại học Cambridge, nước Anh. Hiện nay Bảo đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán đại học Harvard, Hoa Kỳ, với Richard Taylor (học trò của Andrew Wiles).
Tin kèm ảnh:
Tối 16/7/2015, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ đón đoàn Việt Nam thi Olympic Toán quốc tế tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tới dự có Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (bên phải) và Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục Mai Văn Trinh (bên trái). Năm nay, 6 thí sinh Việt Nam tham dự Olympic toán Quốc tế đều đoạt giải cao:2 Huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; xếp thứ 5 thế giới.