Cho con trẻ học sách của GS. Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?
Khi đọc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Giáo dục công nghệ của ông Hồ Ngọc Đại đang được phổ cập ở 40 tỉnh thành, tác giả Trần Hương Giang gửi thư tới những người làm trong ngành giáo dục, với yêu cầu: Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy xem xét lại nội dung của chương trình Giáo dục công nghệ trước khi áp dụng trên diện rộng như hiện nay. Bức thư này, phải nói là chứa nhiều nước mắt và sự lo lắng cao độ cho tương lai của mọi người...
Kính gửi: Những người làm trong ngành giáo dục
Tôi chỉ là một người công nhân bình thường và cũng là một người mẹ. Con tôi năm nay bước vào lớp 1, bắt đầu làm quen với con chữ và đó cũng là hành trang mà cháu sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.
Vâng, chính bởi vậy tôi luôn nhất trí với quan điểm của các nhà lãnh đạo rằng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” hay “Giáo dục là nền tảng của mỗi quốc gia” .
Trước những trọng trách như vậy thì những người làm trong ngành giáo dục cũng phải chịu sức ép vô cùng lớn. Tôi hết sức thông cảm với điều đó.
Tôi cũng hiểu rằng để có được như ngày nay chúng ta phải trải qua biết bao cuộc cải cách, đó là thành quả đóng góp của biết bao người tâm huyết với ngành giáo dục nước nhà.
Và hiện nay thế hệ con tôi cũng đang phải tiếp tục đối mặt với những cuộc cải cách mới.
Phải có cải cách thì xã hội mới tiến bộ vì cải cách là sửa đổi cái cũ đã trở thành lạc hậu để cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện tại và định hướng cho tương lai. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó.
Nhưng khi đọc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Giáo dục công nghệ của ông Hồ Ngọc Đại mà nhà trường đang dạy con tôi (theo thông tin tôi tìm hiểu được thì cả nước hiện nay có khoảng 40 tỉnh thành đang được phổ cập chương trình này, trong đó có Hải Phòng), tôi nhận thấy những vấn đề sau:
- Ý nghĩa của nhiều từ ngữ trong sách không phù hợp với lứa tuổi Tiểu học.
Đặc biệt nội dung một số câu chuyện không mang tính giáo dục, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển đạo đức, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ.
- Nhiều nội dung mâu thuẫn với những điều mà Luật Giáo dục quy định. Cụ thể:
I. Dùng từ không mang tính phổ thông, không thống nhất, nhiều từ không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
Điều này mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11:
“1. Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học”.
Và khoản 2 Điều 6 của Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung số 44/2009/QH12: “2. Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính hiện đại, tính ổn định, tính thống nhất, tính thực tiễn, tính hợp lý...”
1. Trong một câu vừa dùng từ “mẹ” vừa dùng từ “má” khiến các cháu khó hiểu:
VD: Má là chị dì Na / Bà là mẹ cả má, cả dì Na. (tr43-Tiếng Việt 1-tập 1).
2. Cùng đề cập đến bãi biển nhưng lúc thì dùng từ “bể”, lúc thì “biển”. Trong từ điển tiếng Việt phổ thông chỉ giải nghĩa từ “bể” trong : bể bơi, bể phốt.
VD: Hè cả nhà đi bể nghỉ... (tr47-Tiếng Việt 1-tập 1)
...Bé Ngân đi nghỉ mát ở bể (tr29-Tiếng Việt 1-tập 2)
Biển Nha Trang... (tr71-Tiếng Việt 1-tập 2)
3. Cùng nói về con gà lúc thì dùng từ “cô”, lúc thì “nó” làm các cháu khó hiểu dễ nhầm lẫn:
VD: Bố mẹ ra phố, Nga ở nhà nghe ra-đi-ô. Ra-đi-ô rè rè, Nga bỏ ra hè. Ồ, ở ổ rạ có cô gà ri. A, nó đã đẻ. (tr55-Tiếng Việt 1-tập 1).
4. Nhiều từ mang tính chất địa phương, không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông:
VD: chú ỉ (tr69-Tiếng Việt 1-tập 1).
Giô ra, dô ra, vô ra , vỏ xe (tr72-Tiếng Việt 1-tập 1).
Sắp nhỏ các nhà lân cận... (tr39-Tiếng Việt 1-tập 2).
Ghe ngo (tr5-Tiếng Việt 1-tập 2)
5. Câu văn miêu tả hành động không phù hợp với không gian ngoài bãi biển.
II. Dùng những từ ngữ, đoạn văn gợi cho trẻ liên tưởng đến những hình ảnh - hành động - thái độ tiêu cực, tạo cho trẻ tâm lí nặng nề, bị ám ảnh bởi những hành động – thái độ đó.
Nhiều cụm từ khó hiểu, không mang tính chất giáo dục, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ gây ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Điều này mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Giáo dục số 38/2005/QH11: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ...”.
Và khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục số 38/2005/QH11: “2. Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.”
1. Cụm từ “Thu đủ bù chi” (tr4-Tiếng Việt 1-tập 2): nội dung không phù hợp với trẻ lớp 1
2. kề cà / cò kè /ghe ngo/ Cứ kể cà kê (tr5-Tiếng Việt 1-tập 2).
kề cà: để mất nhiều thì giờ về những việc không quan trọng.
cò kè: có nghĩa là nài thêm bớt từng chút một khi mặc cả.
ghe ngo: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
cà kê: dài dòng hết chuyện này sang chuyện khác.
Trang 29 sách Tiếng Việt 1 – tập 1 có viết: Bé kể cà kê. Bà để bé kể, bà chả chê bé.
3. lúy túy/xúy xóa/quỵ lụy/dĩ hòa vi quý (tr14,15-Tiếng Việt 1-tập 2).
lúy túy/xúy xóa : không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
quỵ lụy: tự hạ mình chịu nhục trước người khác để cầu xin, nhờ vả.
dĩ hòa vi quý: coi sự hòa thuận êm ấm là quý hơn cả, có thể từ đó sinh ra xuê xoa, không phân biệt phải trái (khó hiểu đối với các cháu).
4. bạt ngàn man dã (tr21-Tiếng Việt 1-tập 2).
bạt ngàn: nhiều vô kể và trên một diện rất rộng.
man dã ~man dại~dã man: tàn ác theo lối loại thú, hết sức vô nhân đạo.
(Vậy nên giải thích ý nghĩa của cụm từ này cho các cháu thế nào? Có cần thiết phải đưa vào sách lớp 1 không?).
5. sàm sỡ (tr31-Tiếng Việt 1-tập 2)
sàm sỡ: (tt) đến mức gần như thô bỉ trong quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ
thô bỉ: là thô lỗ và bỉ ổi, đáng khinh.
6. chằm chặp/nhắm mắt làm ngơ (tr32-Tiếng Việt 1-tập 2)
chằm chặp~ chằm chằm: (cách nhìn) chăm chú, thẳng và lâu, không chớp mắt, thường có ý dò xét (hành vi thiếu lịch sự)
nhắm mắt làm ngơ: làm như không biết gì cả về một sự việc có thật đang diễn ra trước mắt.( cách tự lừa dối mình)
7. nhăm nhe/lăm le/trăm thứ bà giằn (tr33-Tiếng Việt 1-tập 2)
nhăm nhe~lăm le: có ý định và sẵn sàng, chỉ chờ có cơ hội là làm ngay (việc gì đó với ý đồ không tốt).
trăm thứ bà giằn : nhiều thứ linh tinh, lôi thôi.
8. câng cấc/xấc lấc/tâng hẩng (tr41-Tiếng Việt 1-tập 2).
câng: (tt) trơ lì và vênh váo, tỏ ra bướng bỉnh, trông rất đáng ghét
xấc: (tt) thiếu lễ độ, khinh thường người khác
tâng hẩng: (từ địa phương) chưng hửng
(cách biểu hiện những thái độ của những kẻ vô học)
9. cà rịch cà tàng (tr47-Tiếng Việt 1-tập 2): không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
10. xập xí xập ngầu (tr55-Tiếng Việt 1-tập 2).
- mười bốn mười năm, tiếng Quảng Đông Trung Quốc
- làm nhập nhằng để gian lận (Phương ngữ, Thông tục).
11. xiết nợ/nghiệt ngã (tr70,71-Tiếng Việt 1-tập 2)
xiết nợ: lấy của người khác, bất kể đồng ý hay không, để trừ vào nợ.
nghiệt ngã: khắt khe đến mức gắt gao, khó chịu đựng nổi.
12. Què quặt/quá quắt/ngoa ngoắt/quằn quặt (tr86, 87-Tiếng Việt 1-tập 2)
ngoa ngoắt: ngoa và lắm lời một cách quá quắt, hỗn hào
quằn quặt: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông
13. Ghen ghét/bèn bẹt/kèn cựa (tr90,91-Tiếng Việt 1-tập 2)
Ghen ghét : do ghen tị mà sinh ra ghét
kèn cựa : ghen tức với người khác về địa vị, quyền lợi và thường tìm cách dìm họ để giành phần hơn cho mình
(không giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ mà từ nhỏ đã được biết thế nào là kèn cựa, ghen ghét thì liệu có thành người tử tế được không?)
14. Xoen xoét/toèn toẹt (tr94-Tiếng Việt 1-tập 2)
Xoen xoét: từ gợi tả lối nói luôn mồm (thường là những điều không thành thực) một cách dễ dàng, trơn tru như không biết ngượng.
toèn toẹt : từ mô phỏng tiếng nhổ hoặc tiếng hất nước mạnh, (làm việc gì) một cách dứt khoát, thẳng thắn, không cần lưỡng lự, giữ gìn (hàm ý coi thường người khác, ví dụ : Nói toẹt ra trước mặt).
15. Ăn quỵt/suỵt chó/hàng thịt nguýt hàng cá (tr97-Tiếng Việt 1-tập 2).
Ăn quỵt : cố tình ăn không, lấy không, không chịu trả cái lẽ ra phải trả
hàng thịt nguýt hàng cá: đây là thái độ của những người làm ăn buôn bán kèn cựa nhau, không phù hợp đưa vào trường học để giáo dục trẻ em.
16. Mồm loa mép giải (tr107-Tiếng Việt 1-tập 2) : to tiếng và lắm lời, nói át cả người khác (hàm ý chê)
17. Hùng hục (tr114-Tiếng Việt 1-tập 2) (làm việc gì) dốc toàn bộ sức ra để làm nhưng thiếu suy nghĩ, tính toán.
18. Quýt làm cam chịu/hứa hươu hứa vượn (tr129,130-Tiếng Việt 1-tập 2).
Quýt làm cam chịu : ví trường hợp kẻ này gây nên lỗi lầm, sai trái nhưng người khác (thường là người thân thiết, gần gũi) lại phải gánh chịu hậu quả.
hứa hươu hứa vượn: hứa rất nhiều nhưng không thực hiện lời hứa.
19. Oái oăm/quằm quặp/khuýp khuỳm khuỵp (tr132-Tiếng Việt 1-tập 2)
Oái oăm: trái với bình thường một cách kì quặc
quằm quặp: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông
khuýp khuỳm khuỵp: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
Nếu có thì dùng trong hoàn cảnh nào?
20. Huyễn hoặc (tr133-Tiếng Việt 1-tập 2)
huyễn hoặc: làm cho mất sáng suốt, lầm lẫn, tin vào những điều không có thật hoặc có tính chất mê tín.
Ví dụ: tự huyễn hoặc mình/dùng những chuyện kì bí để huyễn hoặc người khác
21. Quyềnh quàng/huyếch hoác (tr136-Tiếng Việt 1-tập 2).
Quyềnh quàng: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông
huyếch hoác: không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông
22. Câu chuyện “Mụ phù thủy”: làm trẻ bị ám ảnh bởi những điều không có thực (tr15-Tiếng Việt 1-tập 2)
23. Câu chuyện “Vẽ gì khó”: (tr63-Tiếng Việt 1-tập 2)
- Tạo cho trẻ có tâm lí tự ti, sợ bị chê khi làm những việc thiết thực, có những chuẩn mực cụ thể :
“Chó, trâu quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay.”
- Khuyến khích trẻ làm những việc không có thực, mọi người không biết để không bị góp ý, phê bình:
“Ma quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe”
hoạnh họe: bắt bẻ điều này điều nọ để ra oai, làm khó dễ cho người khác
24. Câu chuyện “Quả bứa”: (tr87-Tiếng Việt 1-tập 2)
- Người lớn hành xử thiếu văn hóa, ngôn từ thô tục, cần phải loại bỏ những hành động và ngôn từ này nếu muốn giáo dục các cháu thành người văn minh lịch sự.
Khi hai cháu tranh nhau quả bứa, cậu Cả phân xử bằng cách bổ quả bứa ra và nói: “Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi.”
25. Câu chuyện “Cá gỗ” (tr101-Tiếng Việt 1-tập 2)
- Không giáo dục các cháu yêu lao động để vươn lên khỏi cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn mà dạy các cháu thích sự ảo tưởng, tự lừa dối chính bản thân mình.
Bà mẹ dặn các con: “Khi thích ăn hãy nhìn vào cá gỗ, mút mút mấy cái y như đang ăn cá thật vậy.”
- Nội dung không phù hợp với xã hội hiện nay.
26. Câu chuyện “Cháo rìu” (tr129-Tiếng Việt 1-tập 2)
- Không giáo dục các cháu có lòng tự trọng. Sẵn sàng dùng trí khôn vặt để lợi dụng người khác, làm lợi cho bản thân mình.
27. Câu chuyện “An Dương Vương” (tr16-Tiếng Việt 1-tập 3)
- Không giáo dục các cháu tính kiên trì, sáng tạo và tự học hỏi mà hướng các cháu có tư duy dựa dẫm ỉ lại vào người khác để đạt được mục đích của bản thân.
“An Dương Vương xây thành Cổ Loa mãi không xong. Sau nhờ Rùa Vàng giúp mới xây được.”
Tôi tự hỏi:
- Chúng ta có cần thiết phải đưa những từ ngữ thiếu trong sáng làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây của chúng như vậy không?
- Chúng ta có thể mong các con thành người tử tế qua những câu chuyện không có tính giáo dục như vậy không?
- Đọc thông viết thạo để làm gì nếu không hiểu ý nghĩa của điều mình đang đọc hay viết?
- Nắm chắc ngữ pháp để làm gì trong khi đạo đức và nhân cách phát triển sai lệch?
- Nếu rèn luyện kỹ năng vận dụng những kiến thức này vào thực tiễn thì liệu có đảm bảo cho các con phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ ... theo khoản 2 Điều 28 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 không?
- Nếu nội dung học như vậy thì liệu có đảm bảo tính kế thừa giữa các cấp học; liệu có bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện; đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế theo như khoản 2 Điều 6 của Luật giáo dục sửa đổi bổ sung số 44/2009/QH12 không?
- Nếu cứ tiếp tục được truyền dạy những kiến thức như vậy, liệu các con có thể hình thành và phát triển các phẩm chất theo mục 1 - Điều 9 của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT:
Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm: mạnh dạn khi thực hiện nhiệm vụ học tập, trình bày ý kiến cá nhân; nhận làm việc vừa sức mình; tự chịu trách nhiệm về các việc làm, không đổ lỗi cho người khác khi mình làm chưa đúng; sẵn sàng nhận lỗi khi làm sai;
Trung thực, kỉ luật, đoàn kết: nói thật, nói đúng về sự việc; không nói dối, không nói sai về người khác; tôn trọng lời hứa, giữ lời hứa; thực hiện nghiêm túc quy định về học tập; không lấy những gì không phải của mình; biết bảo vệ của công; giúp đỡ, tôn trọng mọi người; quý trọng người lao động; nhường nhịn bạn; để giáo viên có thể đánh giá các con hay không?
Vì tương lai của chính chúng ta, người lớn chúng ta hãy nghiêm túc nhìn lại mình và tự cải cách mình ngay lúc này. Hãy làm gương để chính con em mình noi theo. Hãy tôn trọng và lắng nghe những nguyện vọng của lớp trẻ.
Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy xem xét lại nội dung của chương trình Giáo dục công nghệ trước khi áp dụng trên diện rộng như hiện nay.
Đừng biến các cháu thành vật thí nghiệm vô giá...trị nữa mà tội nghiệp các cháu. Xin các vị hãy nghĩ lại đi. Làm ơn hãy vì tương lai con em chúng tôi, dù chỉ một chút thôi.
Có thể những ý kiến của tôi chưa chắc đã được các vị quan tâm nhưng nếu không lên tiếng thì tôi thực sự cảm thấy xấu hổ với chính mình, với con tôi.
Nếu không lên tiếng thì có lẽ tôi đã mắc bệnh nan y “có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm”
Tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời của những người quan tâm tới giáo dục.
Xin trân trọng cảm ơn!
(Nguồn: gdvn.com.vn)