Thằng Bờm và phú ông trong ca dao
Bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” hiện đang được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, nếu áp đặt tư duy của người hiện đại và lấy đó để “giải mã” cho tư duy của dân gian thì khó tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Ai là Bờm? Ai là phú ông?
Theo bản của nhà văn Vũ Ngọc Phan in trong cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” thì bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” có nội dung như sau:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chằng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi hòn xôi: Bờm cười
Thằng Bờm và phú ông là hai nhân vật chính của bài ca dao trên. Vậy thằng Bờm là ai? Và phú ông là ai?
Chữ “bờm” được Văn Tân định nghĩa là: (1) hàng lông dài mọc trên cổ một vài giống thú, (2) chỏm tóc để dài, che thóp trẻ con và (3) nói trẻ con còn bụ sữa. Theo những nhà ngôn ngữ học thì từ “bờm” là một chữ nôm của chữ Hán Việt “bần”, có nghĩa là nghèo.
Thằng Bờm thường được biết trong văn học dân gian như một người khờ khạo, vụng về và chất phác. Bên cạnh đó cũng có tài liệu cho rằng, thằng Bờm là một cậu bé chăn trâu mồ côi cha mẹ tình nghịch, tốt bụng và ham học hỏi. Năm 1987, một bộ phim hài mang tên Thằng Bờm được thực hiện bởi Hãng phim truyện Việt Nam, nhân vật thằng Bờm trong phim này do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân sắm vai, được miêu tả là một kẻ khờ khạo và tham lam, nhưng lại may mắn đến lạ thường. Cuối phim, Bờm hóa điên vì mộng làm quan.
Còn phú ông thì thường được miêu tả trong văn học dân gian là những người lớn tuổi giàu có. Họ thường huyên hoang, khoác lác và rất thích tỏ ra uy quyền trước những người nghèo khổ. Đọc “Cây tre trăm đốt”, “Sự tích sọ dừa”, “Sự tích con Thạch Sùng”, “Phú ông hà tiện”, “Phú ông mất ngựa”… chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này. Và nếu dừng lại ở đây thì chúng ta đã biết quá rõ ai dại và ai khôn. Nhưng trong bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” thì mọi thứ đều trở nên bất bình thường và đầy ẩn ý.
Tại sao phú ông phải “năn nỉ” thằng Bờm?
Nguyên nhân của mọi việc đều do thằng Bờm có cái… quạt mo. Vậy cái quạt mo là “báu vật” gì mà ghê gớm thế, đến nỗi phú ông phải xin đổi ngay bằng ba bò chín trâu?
Thực ra cái quạt mo là vật dụng làm từ mo cau dùng để quạt mát trong đêm hè và xua đuổi ruồi muỗi của những người dân nghèo xưa. Bởi thế dân gian mới có câu: Lấy anh, anh sắm sửa cho/ Cái bị, cái bát, cái quạt mo đuổi ruồi.
Như vậy, cái quạt mo chẳng đáng giá gì. Thậm chí trong xã hội những gì mà gắn bó với từ “mo” thì cũng chẳng phải điều quý giá. Như “mặt mo” là mặt dày, “số mo” là số “không” chẳng hạn.
Nhiều tác giả cho rằng phú hộ thích quạt mo. Theo tôi có thể do các tác giả này đã bị nhiễu bởi thông tin trong câu đầu tiên của bài ca dao. Đó là câu “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Từ “có” nghĩa là sở hữu một vật gì rất có giá trị. Cho nên các tác giả đã bị lạc hướng ngay lúc đầu khi vào “ma trận” do cha ông ta ngày xưa đặt ra để thách đố hậu thế.
Bởi thế mới có tác giả xem việc đổi quạt mo của Bờm cho phú ông là một sự trao đổi về kinh tế theo kiểu “hàng đổi hàng” trong nền kinh tế tự cung tự cấp khi xưa. Và Bờm lẫn phú ông đều là những nhà kinh doanh đang trao đổi hàng hóa hay đang đàm phán về một hợp đồng (?!).
Vậy tại sao phú ông lại phải “xin đổi” cái quạt mo? Phú ông thì không thể là thằng ngu. Bởi vì đã ngu thì sao mà thành “phú” mà còn được gọi bằng “ông”. Và cũng cần phải nói rõ là Bờm ở đây không phải là thằng con nít mà đã là một người nông dân trưởng thành. Điều này khiến tôi nhớ đến nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo trong truyện “Chí Phèo” nổi tiếng của nhà văn Nam Cao.
Bá Kiến, tay trọc phú lọc lõi của làng Vũ Đại đã bị đầy tớ cũ là Chí đến nhà rạch mặt ăn vạ. Nhưng thay vì cho Chí đi tù lần 2 thì lão đã ăn nói chiều chuộng và cho cả tiền uống rượu. Bá Kiến sợ Chí là vì Chí đã trở thành kẻ “cố cùng liều thân” sau khi ra tù như nhà văn Nam Cao mô tả.
Điểm giống nhau của Bá Kiến và phú ông trong “thằng Bờm…” là hai kẻ này đều đã sử dụng lời lẽ “mật ngọt chết ruồi” để gạ gẫm, nhằm tước đi những tài sản cuối cùng của người nông dân. Một vấn đề đặt ra nữa. Đó là thủ đoạn của lão trọc phú cũng giống như Bá Kiến sử dụng khi thu phục Chí Phèo.
Bá Kiến thì nói với Chí rằng “anh với tôi còn có họ kia đấy” để ru ngủ Chí rồi dùng tiền và miếng đất ven sông để biến Chí thành “thằng đầu bò” nhằm trị những thằng đầu bò khác trong làng Vũ Đại. Còn lão phú ông thì cũng có thể đã đem ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi ra để lôi kéo Bờm về với phe ông ta làm điều ác. Điều này thì không phải là không thể xảy ra. Trong nền kinh tế tiểu nông thì những vật đổi của phú ông mang tính biểu tượng rất đặc trưng. Ba bò chín trâu là những phương tiện sản xuất của nông nghiệp; một bè gỗ lim tượng trưng cho nhà cao cửa rộng; ao sâu cá mè thể hiện sự phú túc an nhàn trong cuộc sống; con chim đồi mồi là một vật trang trí nội thất của những nơi quyền quí cao sang.
Như vậy, rõ ràng phú ông đang cố tình lôi kéo Bờm về phe lão. Như một hằng số trong văn học, trọc phú của chế độ phong kiến Việt Nam thường đều là vậy. Chúng sẵn sàng xô người ta xuống sông rồi cứu lên để người ta mang ơn. Bờm chỉ còn lại cái quạt mo, nghĩa là Bờm cũng giống như Chí Phèo, đã đánh mất hết tất cả những thứ có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Đây chính là sự thật mà bài ca dao hướng đến: Sự bóc lột đến tận xương tủy của giai cấp địa chủ xưa ở nước ta và thủ đoạn trơ trẽn của những tay trọc phú trong việc đàn áp nông dân vùng lên phản kháng.
Cái cười đầy ẩn ý của thằng Bờm
Thành ra phú ông mới đưa ra bao nhiêu thứ “ngon lành” có giá trị để dỗ dành người nông dân tên Bờm. Nhưng anh nông dân mang tên Bờm lại rất thông minh. Và Bờm đã chơi một ván bài khá thú vị với lão phú ông theo kiểu ỡm ờ “Bờm rằng Bờm chẳng lấy”.
Tại sao Bờm cảnh giác được đến như vậy? Bởi người nông dân nghèo thấu hiểu lòng dạ của lũ phú ông. Vì “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời trọc phú có thương dân nghèo”. Đằng sau những lời cám dỗ, thế nào chả có cạm bẫy theo kiểu “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Trong ván bài nói trên Bờm đã “lắc” trước tất cả những thứ phú ông đưa ra từ “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, cho đến “ba bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi”. Tuy nhiên, kết quả thì tên trọc phú trong cuộc “mặc cả” cuối cùng chỉ nhận duy nhất một “cái cười” của thằng Bờm. Vậy là kẻ cùng đinh lém lỉnh đã thắng.
Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Ngọc Phan đã xếp bài Thằng Bờm vào đề tài “Những mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa nông dân và địa chủ”. Thằng Bờm là một người nghèo, một nông dân phải đối đầu với một người giàu, một địa chủ chứ không phải là một đứa bé bụ sữa, còn để chỏm che thóp dùng quạt mo để đổi xôi ăn. Đến đây cho chúng ta thấy tư duy dân gian của cha ông ta quả thật rất thâm sâu và trí tuệ. Đó là trong cuộc sống không phải anh có tiền, có của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng được...
Huế, ngày 2/2/2013