Rượu mỹ nhân
... Thiên nhiên trù phú đã ban tặng cho con người những thứ mà nơi khác không thể nào có được. Nào hãy nâng chén mà nhắc tới rượu Vò Di trong đêm đông lạnh này nhé! Mấy kẻ tha hương thường nhớ quay quắt loại rượu này và ngầm ngùi bảo nhau đó là nước mắt của quê hương. Còn tôi một kẻ không biết uống rượu nhưng lại thích chưng cất rượu Vò Di như một cuộc hành lễ thì lại thầm nghĩ rượu Vò Di chính là nước mắt của nhân gian. Bởi hạt gạo Vò Di được bắt nguồn từ cây lúa nếp Vò Di mà quê tôi còn gọi là nếp cao...
RƯỢU MỸ NHÂN
Tản văn của Lê Hà Ngân
(Hải Hậu, Nam Định)
Mấy bữa nay trời đỏng đảnh quá, cứ gió mưa khiến lòng phải thương nhớ rưng rưng. Đọc tin nhắn của anh bạn yêu cổ văn như một lời thầm thì:
“ Muội ơi ! Lạnh quá ! Hâm rượu Vò Di uống đi..” Chợt thấy lòng mình chùng lại. Có gì như thương nhớ mười hai.. . Mình ước ao giá lúc này được là đàn ông nâng chén sơn hà đầy cảm khái. Trong khói sương kia có bóng ai trong chén rượu đầy không? Có thấy hoa Trạng Nguyên đỏ thắm trong chiều đông giá lạnh. Thôi chả dám viển vông mơ mộng nữa. Nếu gặp được chủ quán Hạnh Hoa thôn chắc sẽ kéo về gả cho ông bạn nhà văn đam mê rượu Vò Di. Tửu sắc ấy sẽ làm nên thiên tùy bút say bất tận. Sắp đến xuân rồi, người ta có thể ngồi bên nhau khề khà chén rượu ôn lại chuyện cuối năm, ôn lại những tin yêu hẹn hò ngày cũ. Tôi chẳng uống được rượu nhưng lại mê mẩn khi ngâm ủ chế tác các loại rượu và thích rót rượu mời cho khách văn chương. Chén nếp cẩm sóng sánh như màu mắt nâu huyền của thiếu nữ đêm xuân, ngọt mọng bờ môi và chín lừ như một lời hò hẹn. Nếp Cẩm xuất hiện như một huyền sử. Cái màu nâu của thứ gạo ấy có mặt ở nhiều nơi nhưng từ Nho Quan Ninh Bình lại là nhiều hơn cả. Con sông Hoàng Long bao lần đầy vơi tích tụ phù sa làm cho hạt cẩm thêm mẩy thêm nâu. Chiếc cối xay tre hàng nghìn đời nay vẫn nặng nề quay cho hạt nếp cẩm được nguyên vẹn. Khí trời khí đất quyện hòa trong âm dương ngũ hành tạo thành cái hương vị rất riêng của nếp cẩm. Ai một lần nhấp môi vào cái lộc của trời đất đó sẽ chẳng thể nào quên được hương vị thơm nồng ngọt ngào đến mê mẩn. Màu nâu của rượu cẩm chính là huyết gạo là linh khí mà trời đất ban tặng cho con người.
Quê tôi vùng ven biển, nơi giao hòa của những con nước đầy vơi cứ ngày đêm cần mẫn bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng cho ruộng. Cửa sông Hà Lạn như một cánh tay khổng lồ vươn một cái là chạm ngay vào biển. Hà Lạn là cửa sông tắm ánh bình minh. Ánh hồng của ngày mới sáng lạn phía chân trời đã tạo cho vùng quê nơi đây thật trù phú, đúng như tên gọi của nó.Sự mặn mòi của biển cả cùng những con sóng triều lên giao thoa cùng nước ngọt tạo cho vùng đất này những sản vật rất lạ. Một vùng Cẩm Hà - cái tên đẹp như khói ráng của dòng sông. Muôn hồng ngàn tía hội tụ về đây như đám mây ngũ sắc, mềm mại như dải lụa đào trôi phiêu linh trên dòng Cẩm Hà. Thiên nhiên trù phú đã ban tặng cho con người những thứ mà nơi khác không thể nào có được. Nào hãy nâng chén mà nhắc tới rượu Vò Di trong đêm đông lạnh này nhé! Mấy kẻ tha hương thường nhớ quay quắt loại rượu này và ngầm ngùi bảo nhau đó là nước mắt của quê hương. Còn tôi một kẻ không biết uống rượu nhưng lại thích chưng cất rượu Vò Di như một cuộc hành lễ thì lại thầm nghĩ rượu Vò Di chính là nước mắt của nhân gian. Bởi hạt gạo Vò Di được bắt nguồn từ cây lúa nếp Vò Di mà quê tôi còn gọi là nếp cao. Loại lúa này thân cao và đỏng đảnh khó tính như cô gái trong chốn thâm cung. Lúa Vò Di chỉ trồng được vào vụ mùa, ưa chân ruộng cao. Nồng độ đất cát pha chút chua phèn của vùng nước lợ. Tuy thân cao nhưng khả năng chịu đựng của cây lúa là rất kém. Gần năm tháng trời, từ khi cắm cây mạ xuống đồng, với bao ấp iu mong đợi, ba tháng trông cây không bằng một ngày trông bông người nông dân mới yên lòng khi gặt bông thóc đem về nhà. Loại lúa kén đất kén người này cho năng xuất rất thấp. Có những năm gần cuối tháng mười một âm lịch trên cánh đồng chỉ còn trơ thân rạ với đồng đồng ơi! Thế mà nếp Vò Di vẫn xanh như rau, thấp thoáng những cây lúa bạc nhạc bông nép trắng như cờ lau... Đã vào đông ken rét như cắt da cắt thịt, mặt đất bạc phếch nứt nẻ , vài vạt rau muống trái mùa nở hoa tím lẻ loi trong hố vôi đã cạn thế mà trái gió trở giời bão ở đâu ùn ùn kéo về. Cả một miền quê mịt mờ trong biển nước. Lúa đã gặt còn trơ thân rạ lềnh bềnh trên mặt nước. Cây lúa nếp Vò Di quằn quại trong xối xả trắng trời oằn mình trong biển nước. Ta nghe đâu đây tiếng thở dài của những người đàn bà ra thăm ruộng. Nhìn thửa nếp mà lòng thắt lại! Bánh chưng xanh, chén rượu nếp cúng gia tiên sẽ trông cậy vào đâu? Vâng ! Rượu Vò Di là nước mắt nhân sinh quả cũng không sai. Giọt mồ hôi của những trưa tháng sáu đổ xuống luống cày, bắp chân trần quánh phèn bước xuống ruộng nước như ai nấu...sự tảo tần của một hai xay giã dần sàng như quyện vào hương lúa nếp . Trong nắng hanh hao của mùa đông tôi lựa hạt nếp vò di thật tròn to mập mạp nếu là gạo lứt thì càng tốt, đem ngâm nước mưa chừng hơn tiếng rồi vo đều thật sạch bằng nước mưa để ráo rồi cho vào nồi đồng chuyên nấu cơm rượu. Xin đừng thổi bằng nồi đồng điếu kẻo hỏng hết mẻ cơm nếp ngon. Chẳng được sóng sánh nhờ hàng xóm bổ củi đâu nhé. Hãy chọn củi thông , dẫu tiếc đôi bàn tay quen cầm bút thì tôi cũng cứ vung dao bổ cho cật lực ra mẻ củi thông đủ nấu cơm rượu. Khi lửa đã reo vui trên bếp hồng và cơm đã cười trong tro ấm thì tôi cũng thở phào nhẹ nhõm . Cuộc hành lễ đã xong phần một.
Rắc men vào rượu xin đừng rắc khi cơm nếp còn nóng mà hãy để gió đông làm nhạt vị nóng của củi than, chạy ra hồ sen cuối làng ngắt mấy lá sen cuối mùa còn sót lại đem về rửa sạch lau khô. Nhẹ tay thật khẽ để sen nâng niu ấp ủ Vò Di cùng men Bắc Kim Sơn quyện hòa trên chiếc rổ tre bọc kín. Đặt nhẹ lên cong gốm bát tràng. Thì thầm thôi nhé: đừng để ai nặng vía nhìn vào, rượu sẽ chẳng lên men đều đâu. Hình như với tôi khi nấu rượu phải thật thanh sạch và nghiêm cẩn.
Ngày cất rượu cũng thật là trọng đại và công phu . Tiếng réo tí tách của lửa củi phải đều , ống dẫn rượu phải là tre trúc, máng dẫn nước vào nồi rượu đã nâu bóng theo nước thời gian , giọt rượu được chưng cất hai lần trong veo như giọt sương buổi sớm nhỏ tí tách vào hũ sành nghe vui tai. Hạt ngọc thực của trời đất giờ hóa thân trong thủy hỏa tạo thành linh khí thăng hoa. Nên bất kể một thi nhân nào khi chắp bút nên thơ mà phảng phất hơi men của rượu vào giây phút thăng hoa nhất, thì lời thơ ý nhạc cũng lai láng cái chung chiêng của đất trời của bao la. Nếu không có rượu liệu thơ có hay không ? Cứ hình dung ngồi bên nhau trong bập bùng ánh nến vừa thưởng hoa rồi cùng đọc thơ, nhưng vừa đọc vừa có chút men nhâm nhi của rượu Vò Di thì dư ba thi hứng càng tuôn trào ám ảnh hơn nhiều. Nếu thơ không rượu chẳng khác nào như thuyền không lái, đàn không dây, chẳng khác nào trời mưa ướt áo, người đẹp mà không duyên. Và chợt nhận ra ngất ngây trong những câu thơ có men say của rượu. Lại nhớ câu nói đùa của ông bạn nhà văn thích rượu Vò Di. “ uống rượu Vò Di như mỹ nhân chui qua vòm họng”.
Xuân 2015
LHN