Giã từ bạn diễn (đăng TPM Xuân Ất Mùi)
Mỗi độ xuân về, Tết đến, ông chủ tôi lại hồ hởi chuẩn bị những trò xiếc mới. Năm nay, ông tỏ ra tư lự, ít cười, ít nói, thi thoảng chỉ nhìn chúng tôi với đôi mắt ái ngại, vừa như buồn rầu, vừa như bực bội. Ban đầu tôi tưởng ông thất vọng vì tôi đã già yếu. Sự giã từ sân khấu của tôi dẫn tới nguy cơ phá sản cả tiết mục xiếc hổ mà ông đã dày công xây dựng. Sau đó tôi lại nghĩ chắc ông còn giận, vì cách đây mấy tháng tôi đã tấn công ông ấy một cách dã man. Chuyện thế này:
Ở các các rạp xiếc, lũ hổ chúng tôi bao giờ cũng được trọng vọng. Chừng nào con người còn thích phiêu lưu, mạo hiểm, mơ ước tự khẳng định tài trí, lòng dũng cảm của mình thì những những cuộc đọ sức giữa người và thú dữ bao giờ cũng dâng trào cảm xúc. Nhờ có chúng tôi mà vé ở các rạp xiếc bán chạy như lũ quét, như gió đuổi nhau trên các tán cây. Để xiếc hổ luôn là những chiếc cần câu cơm thượng hạng, người ta đã đặt ra một chế độ ăn uống hết sức đặc biệt nhằm bảo vệ sức khoẻ chúng tôi. Trung bình một ngày mỗi "tài tử hổ" được ăn 4kg thịt bò hoặc thịt lợn. Ngoài ra thỉnh thoảng còn được bồi dưỡng thêm vài chú gà hoặc hai, ba chú thỏ. Ban đầu tôi không nghĩ rằng đời sống của lũ chúng tôi như thế là đã phong lưu lắm lắm so với cuộc sống bị giam cầm, tù hãm.
Lần ấy, nhân đoàn xiếc dỡ bỏ một số nhà cấp bốn xập xệ để xây dựng lại cho khang trang hơn, ông chủ tôi - một người bị vợ bỏ theo trai, đã mang chiếc giường đến khu chuồng thú ở tạm. Ngay buổi trưa, tôi thấy ông đốt lửa ở bên góc nhà. Ban đầu tôi rất bồn chồn, lo lắng. Lũ hổ chúng tôi coi lửa là kẻ thù truyền kiếp. Bao cuộc cháy rừng rần rật đã làm kinh hồn, bạt vía họ hàng, tổ tiên chúng tôi. Đốm lửa ông chủ đốt lên không trở thành một đám cháy. Nó như những con rắn hổ chúa màu đỏ ngóc đầu múa lượn dưới chiếc nồi nhôm. Mặt trời đứng bóng, tôi mới biết rằng ông chủ thổi cơm.
Thổi cơm - Ăn cơm. Cái khái niệm thật kỳ quặc! Giá như không trông thấy việc ông chủ đang làm ấy có lẽ tôi đã không mắc phải sai lầm. Mâm cơm dọn ra chỉ lơ thơ vài cọng rau muống và mấy con tép ranh kho khế. Ấy vậy mà ông chủ tôi vừa ăn, vừa uống với loại rượu gạo rẻ tiền, dáng vẻ ngon lành, thoả mãn. Tôi tự so sánh suất ăn của mình với của ông chủ và cảm thấy xem thường ông ta quá. Thì ra từ trước đến nay tôi đã lầm. Tôi cứ tưởng mình là kẻ nô lệ, tôi tớ của ông. Ấy vậy mà… Từ hôm đó, tôi quyết không nghe lời ông ta nữa. Mỗi lần ông cầm roi da vào chuồng dạy dỗ tôi, tôi khinh khỉnh nhìn và nhếch mép cười thầm: “Đừng làm trò hề nữa! Ánh đèn sân khấu rực rỡ, bộ quần áo biểu diễn lấp lánh kim tuyến, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của nhà ngươi không đánh lừa được ta nữa đâu!"
Thấy tôi đột nhiên trở nên ương bướng, ông chủ hơi ngạc nhiên nhưng vẫn kiên trì khích lệ tôi làm việc. Ông càng nhũn nhặn bao nhiêu, tôi càng xem thường ông bấy nhiêu. Cái điều cả tôi và ông ấy không chờ đợi đã đến. Hôm ấy, do không giữ nổi bình tĩnh, ông đã vung roi quất mạnh vào sườn tôi. Tôi sôi máu nhảy chồm lên người ông ta, đè xuống đất, rồi dùng móng vuốt cào rách da thịt ông. Trong tình thế nguy hiểm đó, ông đã nhiều lần gọi tên tôi nhằm đánh thức những kỉ niệm tốt đẹp về tình thầy trò. Nhưng trong cơn giận dữ, tôi hoàn toàn mất trí. Tôi muốn thét lên: "Ông có thể thuần hoá được tôi, nhưng đừng mơ tưởng xoá nổi bản năng săn mồi của tôi!" .Tôi mở rộng cái miệng đầy răng nhọn hoắt quyết cắn đứt yết hầu của ông. Biết ý đồ của tôi, ông chủ dùng đôi tay rắn như thép vừa bóp chặt cổ tôi, vừa cố đẩy tôi ra. Bất ngờ ông buông nhanh bàn tay phải, đấm liên tiếp ba quả mạnh như vòi voi quật vào mắt và sống mũi làm tôi choáng váng. Tôi chưa kịp định thần, ông đã lăn nhanh mấy vòng thoát ra khỏi móng vuốt sắc như dao của tôi, rồi đứng thẳng dậy, cầm lấy chiếc ống túy sắt mà người bảo vệ đứng ngoài chuồng thú vừa vất vào. Lúc này tôi mới chợt bừng tỉnh và ý thức được rằng tôi không thể thắng nổi ông ấy.Tôi từ từ thả lỏng các gân cốt rồi lùi lại, đứng khép nép ở một góc chuồng lấm lét nhìn ông. Cũng may lúc này cánh cửa sắt nối lồng biểu diễn trung tâm với đường hầm dẫn thú vào hậu đài được những người bảo vệ kéo lên, tôi vội lao nhanh vào đấy. Ông chủ tôi được người ta đưa ngay đến bệnh viện.
Vì những vết thương xoàng xĩnh do tôi gây ra, ông chủ cũng phải nằm điều trị mất gần hai tháng. Lũ khỉ tinh ranh ở chuồng bên cạnh đòi cá cược với mấy chị bồ câu rằng thế nào khi ở bệnh viện về ông chủ cũng giết tôi. Tôi sợ lắm. Nhưng việc xảy ra hoàn toàn ngược lại. Khi trở về ông chủ không đánh đập, chửi rủa, mà còn tỏ ra hết sức bình thường, thậm chí còn chăm sóc tôi hơn trước. “Ông chủ ơi, ông xử sự thật bao dung, cao thượng”. Nhiều lúc tôi thầm nói với ông những lời biết ơn như vậy. Tôi hiểu rằng: Không nên nhìn người bằng nửa con mắt. Ông ấy đã nhường nhịn để cho tôi được ăn uống đầy đủ là vì ông và những người lãnh đạo đoàn xiếc muốn tôi có sức khoẻ để biểu diễn lâu dài, mang lại niềm vui cho hàng vạn con người nghèo khổ đang sống thiếu thốn mọi bề, giúp họ tự tin hơn vào bản thân và đồng loại.
Để chuộc lại lỗi lầm, tôi đã cố gắng nghe lời ông trong luyện tập và biểu diễn. Nhưng khán giả càng hoan hô tôi cuồng nhiệt bao nhiêu thì sau khi rời khỏi sân khấu ông lại càng tư lự bấy nhiêu. Con người ông chủ thật phức tạp. Tôi cố làm ông vui thì ông lại buồn hơn, nỗi lo lắng càng hiện rõ hơn trên nét mặt phong sương với đôi mắt thâm quầng do nhiều đêm mất ngủ.
Một buổi chiều, ông chủ đến ngồi sát chuồng thú vừa nhìn tôi vừa lắc đầu. Tôi từ từ tiến lại gần ông, ép sát thân mình vào các song sắt để ông thò bàn tay khô rám vào vuốt ve tôi. Toàn thân tôi run lên, miệng tôi phát ra những tiếng gừ gừ sung sướng. Qua sự tĩnh mịch tưởng như vô tận của ánh chiều tà, đôi mắt ông nhìn tôi càng thêm thân thương, trìu mến. Từ trong sâu thẳm của đôi mắt ấy, tôi dần dần đọc ra được những ý nghĩ của ông. Phải rồi, ông chủ đang lo lắng cho tính mạng của tôi.Trong vòng một năm nay ở đoàn xiếc chúng tôi luôn xảy ra những vụ đầu độc thú. Ban đầu là bảy con gấu của anh Hải Lâm. Bảy "anh tài" lực lưỡng trong vòng mấy ngày cứ lần lượt lăn đùng ra chết. Viện vệ sinh dịch tễ kiểm tra xác nhận “Thú chết không phải do dịch”. Thế thì chết vì gì? Không ai chịu làm sáng tỏ. Tin các con gấu làm xiếc đã được huấn luyện kĩ đang sống khỏe mạnh bị chết bất đắc kỳ tử làm xôn xao dư luận vài buổi, nhưng sau đó nhanh chóng bị quên lãng vì mọi người còn mải lột da, xẻ thịt, chia nhau mật gấu. Nghe nói ông chủ tôi cũng được một suất bằng nửa cái hạt ngô. Con người nhiều lúc to miệng cãi nhau, hoặc thao thao bất tuyệt về lý tưởng, về lương tri, hoặc các hoài bão chinh phục đỉnh cao này nọ, nhưng đôi khi thật dễ bịt miệng họ lại bằng một tí quyền lợi vật chất nho nhỏ. Tôi thấy hễ có lợi là nhiều người quên ngay những lời họ đã thề, đã hứa.
Hết gấu, anh Hải Lâm quay sang huấn luyện khỉ. Anh tự bỏ tiền túi mua một đàn khỉ năm con. Thức khuya, dậy sớm, dọn từng tí phân, bón từng miếng cơm cho khỉ.Sau mấy tháng vừa huấn luyện, vừa chăm sóc, đàn khỉ của anh Lâm trưởng thành nhanh chóng cả về vóc dáng lẫn tài năng. Biết bao trái tim khán giả yêu xiếc chưa kịp nhìn thấy thành quả lao động của anh thì tai hoạ lại ập đến. Sau một đêm ngủ dậy, cả đàn khỉ đã chết từ lúc nào. Con lớn nhất hai chân trước vươn ra ngoài song sắt như cố tìm cách thoát thân hoặc gọi người đến cứu. Hai con khác nằm co quắp ở hai góc chuồng. Còn con Tôni và con Meri thì ghì chặt lấy nhau như một cặp tình nhân chết trong lúc đang say mê tình ái. Có lẽ trong giờ phút lâm chung, chúng nó vật vã, đau đớn lắm.
Chán nản, ghê sợ cái ác, anh Lâm rời bỏ đoàn xiếc về mở quán cắt tóc vỉa hè dưới gốc đa cạnh chùa Kim Sơn. Người dạy thú tài năng đã ra đi, bỏ nghề, nhưng tai họa thì vẫn cứ ở lại. Mấy tháng sau, cũng lại sau một đêm ngủ dậy, cả đàn ngựa 7 con đẹp như tranh do Mông Cổ tặng, mỗi con bị bơm hoá chất vào một mắt. Kẻ phá hoại không giấu mặt nữa mà đã trắng trợn thách thức dư luận và luật pháp. Đáng ra phải mở ngay cuộc điều tra thật ráo riết để tìm ra thủ phạm thì người ta chỉ làm biên bản qua loa rồi dập luôn hồ sơ vào ngăn kéo hệt như những vụ án trước.
Biết được tâm trạng của ông chủ, tôi nhìn ông thầm nói: “Ông chủ ơi, ông đừng lo, chúng nó không giết được tôi đâu. Tôi xin hứa với ông là sẽ không ăn bất cứ thứ gì ngoài ông mang tới. Còn nếu có kẻ nào cả gan đến gần để bơm axit vào mắt tôi thì tôi sẽ vung chân tát vỡ mặt nó ra. Loài hổ không đến nỗi ngu si và vụng về lắm đâu". Ông chủ chừng hiểu ý tôi, cái đầu ông khẽ gật gật, đôi mắt ông bắt đầu trở về những tia sáng của niềm hy vọng.
Thời gian như nước chảy. Nỗi lo sợ rời khỏi người ông chủ tôi từ lúc nào mà ông không biết. Bây giờ ông đang say sưa xây dựng đề án mới để nâng cao tiết mục của chúng tôi, chuẩn bị cho những cuộc biểu diễn lớn vào dịp Tết âm lịch. Những buổi luyện tập thật lý thú. Tôi thấy ông chủ như trẻ lại vài tuổi. Đôi mắt ông lúc nào cũng như có hai ngôi sao lấp lánh. Buổi tổng duyệt, Cục Nghệ thuật không ngớt lời khen ngợi tiết mục xiếc hổ của chúng tôi. Họ bảo: "Đó là một kỳ tích của lý trí sáng suốt chiến thắng bản năng tăm tối". Nhiều người bắt tay ông chủ lia lịa. Còn mấy cô cậu nhà báo tập sự thì lăng xăng chụp ảnh và xin phỏng vấn để viết bài theo công nghệ “một tố thành hai”. Thậm chí có một tay nhà báo được coi là gạo cội của nền báo chí không chịu đi xem, chỉ ngồi ở nhà đọc mấy bài báo ngôn từ sáo rỗng, không có chút hiểu biết chuyên môn nào, rồi xào xáo lại với giọng văn đầy "tính khoa học, hàn lâm, thấm đẫm chất nhân văn" in ở trang nhất của một tờ báo làm tên tuổi ông chủ tôi lại càng nổi lên như cồn..
Cái ngày chờ đợi lên đường đi xa đã đến.
Sau đợt biểu diễn thành công ở Hà Nội, tiết mục của chúng tôi được chọn tham gia Liên hoan xiếc quốc tế ở . Tôi và ba chị sư tử được chở đi trước bằng ôtô để ra sân bay. Vừa mới rời khỏi đoàn xiếc được 20 km tôi bỗng thấy nôn nao, toàn thân như mất trọng lượng, môi khô, mắt mờ, các cơ bắp rã rời. Tôi thở phì phò, bốn chân quờ quạng, chới với như cố tìm bắt lấy một vật gì trong không khí.
Ông chủ ơi, thế là tôi lại bị đầu độc rồi. Nhưng ngoài các thứ mà ông mang tới, tôi có ăn thêm gì đâu. Bọn ác thật nham hiểm. Tôi chết mà không biết đạn từ phía nào bắn tới. Cũng may, trước khi tôi nhắm mắt, ông đã đến kịp. Nhà thơ Chích Bông thật chí lý khi nói: "Trong thế giới tự nhiên có những con người mặt thú, và có những con thú mặt người". Nhớ lại những ngày đầu mới bị bắt từ rừng về bán cho rạp xiếc, tôi rất căm giận con người, những kẻ tự xưng là "chúa tể muôn loài", nhưng tột cùng tham lam, độc ác. Con người đã huỷ hoại môi trường sống tự nhiên, đã tước đoạt quyền tự do của tôi. Nỗi căm giận càng lớn hơn khi một ngày tôi nghe được mấy cô cậu học trò đứng ngoài chuồng thú vừa chỉ trỏ vào tôi, vừa tưng tửng đọc thơ Thế Lữ: "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt". Những câu thơ gợi về một thủa huy hoàng như xé nát trái tim tôi:
"Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng ánh uống trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới? "
Chỉ mãi đến khi ông chủ xuất hiện, trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc tôi bằng tất cả tình yêu thương và niềm đam mê nghề nghiệp, biến tôi từ một mãnh thú hoang dã trở thành "tài tử" trên sân khấu xiếc, nỗi buồn trong tôi mới dần được nguôi ngoai. Tôi cảm thấy mình sống không vô nghĩa. Bởi tôi và các bạn diễn bốn chân khác đã mang được niềm vui cho biết bao con người lam lũ, giúp họ có được những phút giây hồi hộp, đắm chìm trong cái đẹp của nghệ thuật. Nhìn những bà mẹ dắt con đến rạp xiếc như đi hội, những cô gái phơi phới non tơ tóc dài, môi thắm cười nói duyên dáng, tôi thèm khát được làm người, ước mơ một ngày nào đó mình được đứng thẳng đi bằng hai chân. Và… mình cũng có một cô bạn gái để được tận hưởng những nụ hôn ngọt ngào mà chỉ có loài người mới biết trao dâng. Nhưng… ước mơ của tôi đã nhanh chóng trở thành ảo tưởng, đến hôm nay vỡ vụn tan tành. Con người thông minh biết phát minh ra máy móc, sáng tạo ra thi, ca, nhạc, hoạ để hưởng thụ và làm phong phú tâm hồn. Nhưng con người cũng tàn sát, huỷ diệt lẫn nhau thật dã man. Thói tham lam, ghen ghét, đố kỵ và những mưu mô hiểm ác đã biến con người thành kẻ bất an nhất trên hành tinh. Hầu như không có người nào được sống thoải mái, không phải lo toan, nhất là đối phó với đồng loại. Từ lúc sinh ra cho đến khi chết, vua chúa, tổng thống, thủ tướng cho đến thường dân đều phải sống như vậy cả. Làm người đã khó, sống cuộc sống con người càng khó khăn hơn!
Thôi đừng buồn nữa ông chủ! Tôi biết tình yêu của ông là rạp xiếc, là những con thú làm xiếc. Hãy cứu lấy những người bạn bốn chân còn sống sót của tôi. Hãy vực dậy nền xiếc thú Việt Nam một thời vang bóng trên toàn cõi Đông Dương. Điều làm tôi băn khoăn không phải là kẻ phá hoại chưa bị chỉ tên, mà vì sao hắn không bị truy tìm? Vì sao cái ác cứ ngang nhiên tồn tại, ngày một nhiều hơn, ác hơn? Ông hãy đề đạt với lãnh đạo Đoàn xiếc là lột da tôi đem nhồi bông, đặt ở một chỗ thuận lợi nào đó để trẻ em nghèo đến xem mà không phải mất tiền. Xương tôi, ông bảo tay bác sỹ thú y cháu ông nói phao lên rằng đã bị nhiễm độc nặng, sau đó chôn ở một nơi bí mật. Tôi không muốn người ta đem xương tôi ra nấu cao rồi lại nghi ngờ lẫn nhau ăn bớt, hớt váng. Cũng không muốn thấy cảnh người ta cãi vã, lườm nguýt, thậm chí đánh chửi lẫn nhau vì chia cao hổ không công bằng. Như thế chẳng khác gì tôi chết thêm một lần nữa.
Vĩnh biệt ông chủ! Chúc ông một cái Tết cổ truyền mà những điều phiền muộn sớm được cởi bỏ! Hãy giữ lấy nghề, yêu lấy nghiệp, ông ơi!