Lời tri ân
Xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất và lời chúc mừng tới tất cả các thầy cô giáo, tới các bạn đã và đang làm nghề giáo viên, đặc biệt là các thầy cô giáo và các bạn học ở lớp Nghiên cứu sinh Ngôn ngữ đợt 2 năm 2013 và đợt 1 năm 2014, Học viện Khoa học xã hội, số 477, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Vũ Thị Minh Huyền)
Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh đối với nhà giáo. Đi theo suốt quãng đời tuổi thơ của mỗi người luôn là những kỷ niệm với mái trường và thầy cô. Ngày 20/11 hằng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ “Tôn sư trọng đạo”, ngày nhà giáo Việt Nam, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học trò nối tiếp nhau.
Ca dao xưa đã có câu:
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Ở Việt Nam, nghề giáo viên được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất. Không những nắm vững đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp học trò trở thành những người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước.
Bản thân tôi đã từng có một thời mơ ước được làm nghề giáo viên, đã từng học 7 năm đại học và cao học ở trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc Gia Hà Nội chỉ với ước mơ sau này ra trường sẽ được làm cô giáo dạy ngoại ngữ.Chỉ cần nghĩ đến việc được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh là đã cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc.
Bởi lý do thứ nhất là, giáo viên luôn là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ. Thầy cô chính là người trực tiếp uốn nắn các em học sinh từ những buổi ban đầu chập chững cắp sách tới trường. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai rằng, người nào có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đối với một đứa trẻ? Và bạn sẽ nghe được câu trả lời nhiều nhất đó chính là thầy, cô giáo.
Lý do thứ hai là, giáo viên sẽ đồng thời là nhà hùng biện, người kể chuyện và nhà tổ chức chuyên nghiệp. Bởi khi là giáo viên, bạn sẽ phải đảm nhiệm tất cả các công việc trên và thậm chí còn hơn thế rất nhiều. Bạn phải truyền cảm hứng, hướng dẫn, vui chơi với các em thông qua các hoạt động và các kinh nghiệm mà mình đã từng trải qua. Trong một ngày đứng trên bục giảng, bạn phải thể hiện được khả năng tổ chức, lên kế hoạch, đào tạo và vui chơi.
Lý do thứ ba là, dạy học là công việc rất có ý nghĩa. Không chỉ dạy dỗ rập khuôn những điều trên sách vở, hướng các em làm theo lẽ phải… Là một giáo viên, bạn còn đào tạo ra một thế thệ người lao động cho tương lai.
Lý do thứ tư là, công việc của nghề giáo viên luôn đòi hỏi người thầy phải trau dồi, học hỏi: “Học, học nữa, học mãi”. Kiến thức là vô tận và bởi vậy những người giáo viên cần phải trau dồi, rèn luyện và tìm hiểu những điều mới, những cách dạy mới thông qua sách báo hay những lớp học nâng cao trình độ dành cho cán bộ giảng dạy để không bị tụt hậu so với nền giáo dục của các nước trên thế giới. Có như vậy họ mới có đủ khả năng để dìu dắt cho những thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, khi làm nghề này, bạn sẽ có cơ hội được học tập rất nhiều.
Lý do thứ năm là, mọi người đều tôn trọng và yêu quý giáo viên.Giáo viên được yêu quý, tôn trọng vì rất nhiều lý do và có lẽ lý do mà họ được mọi người ngưỡng mộ nhất đó là lòng kiên nhẫn, khả năng truyền đạt cho rất nhiều học sinh.
Tuy không may mắn được làm nghề giáo viên như mơ ước thuở nào nhưng trong lòng tôi luôn đặc biệt có tình yêu tha thiết đối với nghề giáo và sự trân trọng đối với các thầy cô đã và đang đứng trên bục giảng.
Thiết nghĩ, người giáo viên luôn phải cố gắng tạo ra “sản phẩm” vừa uyên thâm về tri thức, vừa thấu hiểu đạo lý làm người. Sản phẩm làm ra của người giáo viên không thể đem so sánh với bất kỳ nghề nào trong xã hội. Bởi, nếu những ngành nghề khác vẫn cho phép xảy ra khả năng có những sản phẩm có lỗi thì nghề dạy học không thể và không bao giờ được phép tạo ra những sản phẩm bị lỗi. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên luôn phải làm việc hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng để tạo dựng nên nhân cách con người, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Trách nhiệm của người thầy đối với sự nghiệp “trồng người” là vô cùng lớn lao.
Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của nhân dân ta từ xưa và mãi sau này chắc chắn sẽ không thay đổi nhưng những yêu cầu của xã hội ngày nay đối với người giáo viên cả về phẩm chất và năng lực đã tăng lên rất nhiều. Điều đó đòi hỏi người giáo viên vừa phải giữ được những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này lại vừa phải đáp ứng nhu cầu ngày cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Trước yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, các giáo viên đều hiểu rằng ngoài kiến thức, nhân cách - tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh còn phải có lòng nhiệt huyết, tình thương và trách nhiệm. Vẫn biết rằng nghề giáo ngày nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, người giáo viên không chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mà còn phải sống kiên định, vững vàng, có lí tưởng và bản lĩnh mới có thể vững vàng bám trụ trường, lớp. Xã hội cảm phục và tự hào trước sự đóng góp, hy sinh to lớn của biết bao thế hệ thầy, cô giáo đã không quản khó khăn, gian khổ góp phần đào tạo nên những thế hệ người Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày 20 tháng 11, trước sự quan tâm của toàn xã hội, niềm vui, hạnh phúc lại trào dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô. Đó là niềm vinh dự, tự hào về vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp “trồng người”. Nhưng trách nhiệm cũng không kém phần lớn lao, nặng nề, trăn trở của mỗi người giáo viên: làm sao để hình ảnh người giáo viên mãi mãi là khuôn mẫu, chuẩn mực của xã hội, lời nói và hành động của giáo viên trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, đồng thời để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội: “Dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.
Ngày 20 tháng 11 không chỉ là ngày để học trò có thể bày tỏ được tình cảm với thầy cô mà đây là dịp thầy trò được gần gũi nhau hơn. Những tình cảm chân thành của học trò luôn là món quà có ý nghĩa nhất đối với người thầy cô. Những tình cảm đặc biệt này sẽ làm cho những người thầy cô càng thấy ấm lòng hơn, quên đi mệt mỏi của công việc, lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính gửi tới các thầy, các cô những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất. Hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lí: Uống nước nhớ nguồn.
Hà Nội, ngày 02/11/2014