Nhàm, nhảm và bất công!

Lâu nay, những sự kiện chính trị lớn của đất nước và các địa phương thường diễn ra chương trình nghệ thuật được tường thuật trực tiếp trên tivi. Tại các chương trình này, khán giả cả nước lại gặp những gương mặt ca sĩ quen thuộc với những ca khúc quen thuộc. Sự quen thuộc tới mức nhàm chán. Mà đã nhàm chán thì thấy nhảm.

Tôi đã nhiều lần nghe họ hát trong các sự kiện kỉ niệm thành lập của cơ quan, đơn vị. Dường như, các đại biểu đến dự chẳng mấy ai nghe diễn viên hát bởi sự ồn ào và họ mải chia sẻ tình cảm sau nhiều năm gặp lại. Vậy mà, những chương trình vừa nhàm vừa nhảm này cát - xê của ca sĩ từ 10 -20 triệu đồng cho 2 bài hát, thậm chí có ca sĩ cát- xê cao hơn. Không những cát –xê cao, lịch diễn dày đặc, nhiều ca sĩ còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Trong khi, những nghệ sĩ lừng danh, trình độ thanh nhạc vào loại bậc thầy của họ thì chẳng mấy khi được hát. Điển hình là NSƯT Rơ Chăm Phiang. Chị từng được đào tạo thanh nhạc trong nước và nước ngoài từ trung cấp đến thạc sĩ, với 13 năm. Chị đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc 1980; Giải nhất giọng hát hay toàn quốc 1981; Giải 3 cuộc thi âm nhạc quốc tế Hoa cẩm chướng đỏ ở Xô-tri Liên xô 1983; Huy chương vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng 1990; Giải nhất cuộc thi Giọng hát Hanoi - ASEAN 1996; Giải nhất cuộc thi hát thính phòng Việt Nam lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh 1996. Bây giờ, chị vẫn trẻ, đẹp. Ngồi với chúng tôi, chị hát những bài hát về Tây Nguyên, không có nhạc đệm mà giọng vẫn cao vút, sáng, kĩ thuật điêu luyện như ngày nào. Chị bảo, chị luôn thèm được hát nhưng không mấy ai mời tham gia. Và nếu có tham gia thì cát –xê của chị thấp hơn nhiều so với học trò của chị.

Sự bất công này do đâu? Thời làm quản lí Tạp chí Doanh nghiệp, tôi đã tham gia tổ chức một số sự kiện tương tự nên biết rõ, chương trình văn nghệ trong các sự kiện đều do một công ty truyền thông thao túng. Họ có sẵn e kíp; khi tổ chức sự kiện họ mời gọi nhau, lắp ghép nội dung, không cần tập tành, không cần nhạc công; thậm chí có ca sĩ hát nhép. Vì vậy, khán giả phải nghe những chương trình nhàm chán, vô hồn như đã nêu trên. Phải chăng, đây cũng là cũng là biểu hiện của nhóm lợi ích!