Sự thật về "Đuốc Sống" Lê Văn Tám!
Lê Văn Tám – “đuốc sống”, sự kiện ấy diễn ra và tồn tại trên nửa thế kỷ qua như là một truyền thuyết “Thánh Gióng” và đang định hình khá ổn định: Đã thành bất tử! Nhưng mấy năm gần đây, lại có ý kiến “Lê Văn Tám không có thật” (!?) là một việc rất kỳ lạ! Mà ý kiến đó ở đâu? Các báo lớn (như Sài Gòn Giải Phóng, Công An, Pháp luật, Người Lao động…) không thấy nói. Chỉ thấy Tuần báo Văn Nghệ thành phố có mấy bài đề cập trong nội dung khác có liên quan (…) nhằm phê phán những kẻ cơ hội chuyên “phá phách”.
Tôi muốn tìm hiểu xem việc đó từ đâu ra (?) Tôi được anh Trần Hữu Phước (nguyên Giám đốc VP đại diện Bộ Văn hóa – Thông tin; khi nghỉ hưu chuyển sang làm Phó Ban thường trực Ban xây dựng Khu Di tích Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh…) cho biết : “Việc đó đầy rẫy trên mạng (internet)”, ông cứ mở ra xem!”. Tôi hơi quê, vì nhà tôi không đủ điều kiện “bắt” được phương tiện hiện đại này. Tôi phải đến Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố (TV KHTH) và họ cung cấp cho tôi khá đầy đủ (…). Sự việc bắt đầu từ bài của đồng chí Trần Trọng Tân đăng báo SGGP ngày 17-10-2008 (lúc đó, tôi đang nằm bệnh, không có báo xem), sau này mới đọc. Đồng chí viết: “… trận ngày 17-10-1945 với “cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực…”. Sau đó, bài “Về câu chuyện LÊ VĂN TÁM” cùa ông Phan Huy Lê đăng tạp chí Xưa & Nay, số 340 tháng 9-2009… và những bài bình luận không thiện chí khác… phụ họa (phản bác bài của đồng chí Trần Trọng Tân). Tôi mới hiểu thêm chính bài “Về câu chuyện LÊ VĂN TÁM” không là “bình thường”.
Vấn đề chính mà Nhà sử học chóp bu (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam – GS. Phan Huy Lê – (GS.PHL)), quan tâm trong bài ấy không phải ở “Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm các tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10 – 1945” (bởi “nói vậy mà không phải vậy”), mà chính là ở “Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”. Sâu hiểm lắm!
Nếu ai có ý thức chỉ quan tâm ở nội dung “thứ nhất …” và mọi người đều thể hiện hết trách nhiệm về chuyên môn và lương tâm nghề nghiệp, thì sẽ không có chuyện “không bình thường” không đáng có làm phức tạp tình hình.
LV8 – Kho xăng Thị Nghè.
Tôi thật bức xúc (nhưng tôi lại “nghe lời” GS.PHL ở vấn đề “thứ nhất”), nên đi tìm “sự thật”… Tôi đến nhờ nhân viên TV.KHTH thành phố, xin được tiếp xúc những tư liệu xưa (báo cũ). Nhưng theo nguyên tắc phải có giấy GT, mà tôi không còn điều kiện vì đã nghỉ hưu. Tôi phải “cầu cứu” chị Trịnh Ngọc Hạnh (quen biết từ thời “tiếp quản”). Qua chị Hạnh (nguyên phó giám đốc Thư viện quốc gia ngày đó – 1975 – nay là TV.KHTH) đã nghỉ hưu nhiều năm. Chị vui vẻ tiếp tôi tại nhà riêng, còn kể cho nghe câu chuyện hơn sáu mươi năm trước (lúc đó nhà chị ở Giồng Ông Tố – Q.9 ngày nay). Chị kể : “Tôi còn nhỏ (ở tuổi 13), biết có kho xăng cháy vì tiếng nổ như bom nổ hình như cả tuần. Còn nhớ chuyện người lớn lao xao kể kho xăng rất là nghiêm ngặt chỉ có em bé mới có cách xông vô được để đốt… Vô kháng chiến mới nghe nhắc đến tên em bé tẩm dầu là Lê Văn Tám”. Chị còn hát bài “Em bé tẩm dầu” cho tôi nghe (còn kể đã hát cho ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy Tp.HCM, nghe…).
Bắt mối ở chị nhờ giúp đến được nơi cần tìm (…), tôi mới có dịp “khám phá” mọi điều bí ẩn nằm yên (trong các ngăn tủ) sau hơn sáu mươi năm. Đó là:
- Báo ĐỘC LẬP (Cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), ngày 20-10-1945, nội dung : “Ngày 16, quân ta đốt cháy 2 kho hàng của Pháp thiệt hại tới mấy triệu đồng. Lửa to quá, giặc Pháp không thể cứu được (Tin Đê-li ngày 18-10)”.
- Báo LA RÉPUBLIQUE (xuất bản bằng tiếng Pháp ở Hà Nội), số 2, ra ngày 21-10-1945, có bài Sự anh hùng của một chiến sĩ Việt Nam, viết: “Một người lính Việt Nam đã tẩm dầu vào thân mình và đã thành công trong việc đốt cháy kho Simon Piétri. Đám cháy kéo dài 2 ngày 2 đêm.”
- Cũng báo LA RÉPUBLIQUE, số 5, ngày 4-11-1945, có bài đuốc sống: “Ngày 16-10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống, bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho dầu Simon Piétri ở Sài Gòn. Đám cháy đã kéo dài 2 ngày 2 đêm. Vị anh hùng vô danh, người đã đốt sáng ngọn đuốc chủng tộc (race) đã chiếu sáng tất cả chúng tôi trên con đường bổn phận”.
Tôi tìm gặp một số nhân chứng, trong đó có đồng chí Dương Đình Thảo, đồng chí kể: Thời điểm đó, đồng chí là chính trị viên phó (…) đang hoạt động ở Ngã ba Cây Thị, nghe rõ tiếng nổ và thấy cả ngọn lửa bốc cao… Nhờ vậy, tôi đã viết bài “17.10 hàng năm nên lấy tên là ngày “Tuổi trẻ yêu nước” của thanh thiếu niên Việt Nam”. Bấy giờ (đầu tháng 10 năm 2011), tôi mang bài đến vài báo (TT, TN…) – đều không được đăng (?!)
Lần này, sắp Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9) và cũng sắp đến 17-10 kỷ niệm ngọn “Đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi gởi bài này cho Tuần báo Văn Nghệ Thành phố (chỉ sửa “kỷ niệm 70 năm…”) thì được đăng trong số báo 376!
Tuy vậy, về vấn đề cốt lõi “… là cách ứng xử đối với “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” (Vấn đề thứ hai… của GS.PHL) là một thách thức với ai có lòng tự trọng.
Có tôi! Không thể “ứng xử” như GS.PHL là làm mọi việc để “ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật” (!?!) chính là “sợ” “… có người nhận là hậu duệ của nhân vật này.” (???) Thật là nghiệt ngã quá đáng!
Nhưng tôi lại làm theo “Vấn đề thứ nhất (của GS.PHL) là cần cố gắng sưu tầm các tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945” (Tôi thấy GS.PHL cũng có “cố gắng” tìm… đấy chứ!)
Nhưng những tư liệu trên (của tôi tìm, cả của GS.PHL) vẫn chưa đến đâu (những trang mạng xã hội vẫn ra rả giọng điệu xuyên tạc “Lê Văn Tám không có thật !”, “ Không có thật…” mà không ít người vẫn tin. Một lần nữa vào những ngày gần đến kỷ niệm 70 năm “Mùa Thu lịch sử” (và cũng đúng 70 năm ngày xảy ra sự kiện “đuốc sống”), tôi tìm được một tư liệu có thể quý hơn vàng, đó là:
- Báo CỨU QUỐC (Cơ quan Tuyên truyền Tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh (Hà Nội), số 71, ngày 19-10-1945 có bài đóng khung nổi bật Một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt, với nội dung: “Tin điện từ Mỹ Tho (*) đánh ra ngày 17.10 cho hay rằng : một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông Pi-ê-tờ-ri (Simon Piétri) của địch. Lập tức kho dầu bị bắt lửa. Và lửa đã bốc cháy dữ dội suốt hai ngày hai đêm…”. Ở trang 2 báo này còn đăng bài thơ LỬA THIÊNG (27 câu): “Kính tặng hương hồn một chiến sĩ Việt Nam tự thiêu mình để đốt một vị trí quân địch (tin Nam bộ)”của tác giả Đông Hà.
Từ tư liệu quan trọng này, tôi chợt trở về hồi ức của mình. Thời điểm đó, tôi vừa được mười tuổi, còn nhớ như in (“Mùa thu lịch sử” ấy đâu thể nào quên!):
Khoảng cuối tháng 10 năm 1945. Vào một đêm vừa được yên tĩnh (vì suốt nhiều ngày có bao nhiêu biến động do giặc Pháp đánh chiếm Sài Gòn… và chúng đang chuẩn bị đánh tới Mỹ Tho; mọi người đang chuẩn bị đối phó… như tập quân sự, thực tập báo động giả liên tục…). Cả nhà ông ngoại tôi ở một vùng sâu huyện Chợ Gạo đang ăn cơm tối thì cậu Hai Nguyễn Hữu Đức (cán bộ Việt Minh) đọc cho mọi người nghe một tin quan trọng (chắc chắn từ bản tin trên): Có một thiếu niên tẩm dầu vào mình đốt kho xăng giặc Pháp ở Sài Gòn cháy mấy ngày đêm liền. Cậu bé ấy đã bị thiêu cháy cùng lũ giặc gác kho. Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ về mẩu chuyện trên và ấn tượng ấy đã đưa tôi về với những nhân vật huyền thoại… Và từ ấy, tôi cùng nhiều bạn nhỏ trong xóm đều hăng hái tham gia đội Nhi đồng cứu quốc, hoạt động rất sôi nổi như tập võ, tập múa hát nhất là những bài hát cách mạng. Và một hôm có anh lãnh đạo cấp trên về xóm dạy chúng tôi bài hát “Em bé tẩm dầu”, mở đầu: “Cuộc kháng chiến Việt Nam có biết bao nhi đồng đã hiến thân liều mình vì nước. Gương em bé tẩm dầu đáng người đời soi chung…”. Hát đến đâu, tâm hồn chúng tôi như bay bổng theo câu chuyện đến đó. Chúng tôi lao vào hoạt động… Chiến tranh nổ ra… Nhiều bạn bè tôi tham gia hoạt động cách mạng tại chỗ (báo tin địch hoặc cùng cha mẹ giúp đỡ Việt Minh việc nầy việc nọ), cũng có những bạn thoát ly kháng chiến khi tuổi ngang tuổi “Em bé tẩm dầu” – “Đuốc sống”… và “Đuốc sống” đã thành linh hồn và máu thịt của chúng tôi suốt dọc dài hai cuộc chiến tranh. Ai từng dấn thân trên từng chặng đường khúc khuỷu gian nan của công cuộc cứu nước, ít nhiều đều được sưởi ấm bằng ngọn lửa hồng của “đuốc sống” – Lê Văn Tám”.
Song, “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Đó là, mới có chuyện lạ khác: Ở Thị Nghè không có kho xăng (ở thời điểm 1945 trở về trước), do đó, không có vụ “kho xăng ở Thị Nghè” mà chỉ có “kho xăng ở Khánh Hội bị đốt cháy”.
Tôi lại đi tìm, và những nhân chứng còn sống… đều khẳng định:
- Đại tá Võ Thành Kiết (địa chỉ E.2, đường Thất Sơn, P.15, cư xá Bắc Hải, Q.10, TP.HCM), viết : “… Tôi học ở trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (thường gọi tắt là Pétrus Ký, nay là Lê Hồng Phong). Lúc ấy dời về gần sát Sở Thú thường qua chơi ở khu vực Thị Nghè, nên biết khá rõ trạm xăng dầu này. Đó là một khu nhà lợp tôn (như nhà lồng ở chợ nhỏ), vách ván đóng thấp; chung quanh có một lớp hàng rào dây thép gai, ngay cạnh sát cầu kinh, trên con rạch nhỏ nhánh của rạch Thị Nghè…”.
- Ông Mai Bá Hui, sinh năm 1929 (địa chỉ 37/3, Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè), làm lơ xe bồn tại kho dầu gần cầu Dầu (cầu Phú An, bắc qua rạch Văn Thánh), thuộc hãng Shell, ông xác nhận: “Tôi vào nghề tài xế lúc đầu làm “lơ” khi mới 15, 16 tuổi (năm 1944, 1945) ở kho dầu Thị Nghè (kho nhỏ gần cầu Dầu – Phú An); đến 25 tuổi có giấy phép 3 dấu mới chính thức lái xe bồn cho hãng Shell ở kho lớn Nhà Bè; chủ kho (Thị Nghè) là người Việt Nam, tên là thầy Ba Có… lúc đó người Pháp thường xuyên chạy xe jeep đến kho kiểm tra (?) và lấy xăng ở đây. Kho có lính “Chà” gác, công nhân ra vào được kiểm tra rất chặt chẽ; còn theo tấm hình “Hãng dầu Thị Nghè – xã Phú Mỹ” thì chỉ giống ở khu vực ga-ra sửa chữa xe bồn ở bên trái hình (kho có khoảng 20-30 xe) và khu nhà làm việc của chủ và văn phòng kho (giữa). Còn khu vực bồn xăng thì không thấy (vì cách đấy cả trăm mét) và khu ấy có 5 bồn xăng cao to, nằm ở bên phải tấm hình (có lẽ đã cháy hết). Kho xăng ấy bị đốt cháy vào khoảng 10 giờ đêm, còn ngày tháng không nhớ. Lúc đó tôi cùng các bạn làm chung đi chơi ở Sở Thú vừa về. Hơi lửa nóng quá, bọn tôi vội ôm đồ (để ở phòng trọ) rồi bỏ chạy ra xa. Tới sáng hết cháy mới về và về nhà luôn. Sau một tháng mới trở lại nhận lương rồi nghỉ luôn, vì kho này không khôi phục lại. Còn ai đốt thì tôi không biết.”
- Ông Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1928 (địa chỉ 48/10, Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè), cho biết: “… là thuyền viên tàu chở dầu hãng Shell ở Nhà Bè, bạn anh Mai Bá Hui; tôi có biết kho dầu Thị Nghè, vì có người anh rể là kỹ sư phụ trách kỹ thuật sửa chữa bảo dưỡng xe bồn kho Thị Nghè, tôi từng đến kho này thăm anh. Anh tên Trần Văn Sáng (anh đã mất, nếu còn sống cũng trên 100 tuổi). Lúc kho bị cháy, tôi theo tàu lên Nông-Pênh (CPC), vài ngày sau mới về, thì kho này bị cháy rồi. Thời gian sau, tôi có theo tàu kéo bồn dầu không ở Thị Nghè về Nhà Bè”.
Vậy, kho dầu (xăng) Thị Nghè là có thật và đã bị đốt cháy cũng có thật!
Không ai có quyền được phủ nhận thực tế này!
Còn Lê Văn Tám?
Trở lại nhân vật làm nên ngọn đuốc chủng tộc ấy thời gian đầu không có tên cụ thể nên các báo không nêu tên là lẽ đương nhiên. Bởi các nhà làm tin nhanh (cả trong và ngoài nước) đều là ngoại cuộc. Khi đó, “Lê Văn Tám” là người thật và đã có chính danh rồi. Bởi vì là người trong tổ chức có thật: Tám là đội viên “Đội cảm tử”, do Lê Văn Châu giao nhiệm vụ… (theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh). “Tám” còn được những người dân sống gần kho dầu (xăng) chứng kiến truyền nhau câu chuyện (…). Họ kể rằng: Có một em bé từng bán đậu phọng rang, thuốc lá, diêm quẹt… tên Tám, không rõ có ai là họ hàng không. Em thường la cà ra vào giao dịch các mặt hàng em có … và mua cả xăng dầu của người gác kho bán lén, để bán ra ngoài. Bữa đó (17-10 ?), nhiều người thấy trong kho đột ngột có ngọn lửa “phừng” lên… rồi thấy bóng một em bé người như một ngọn đuốc chạy hướng vào kho… rất giống Tám. Lập tức, có những tiếng nổ rồi lửa khói bốc ngút trời… Dân gần đó bỏ cửa nhà chạy tránh xa.
Sau này, GS Trần Văn Giàu đã viết rõ hơn trong đoạn hồi ký ở bộ sách “đứng lên đáp lời sông núi”, đã khẳng định: “người tổ chức cho đội viên cảm tử Lê Văn Tám lập chiến công là Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị” (Trần Văn Giàu: Tuyển tập, NXB Giáo dục, HN.2000, tr.535). GS còn đúc kết một cách hình tượng những gương đánh giặc thời đó. GS đề cập về Lê Văn Tám với hình tượng hộp diêm và chai xăng đốt kho, trong đoạn văn: “… Ở loại hình chiến tranh này, lúc đầu, vũ khí được sử dụng rất thô sơ: “súng lục bắn ghen”(1), hộp diêm và chai xăng đốt kho (2), lưỡi dao cạo của người thợ cắt tóc(3)…” (**)
Vậy “Vị anh hùng vô danh” tên thật sự là LÊ VĂN TÁM. Không phải bàn!
Thế thì có gì phải tự làm khó mình, rồi day dứt “tự trách” vì “thiếu cân nhắc”. Người “nói lại giùm” lại “thiếu cân nhắc” hơn. Trong việc này, nếu làm đúng lương tâm trách nhiệm “nhà sử học chuyên nghiệp” chắc chắn không đến nỗi làm một việc không kín kẽ (…) để sau đó gây nhiều hệ lụy (…) không đáng có!?!
Còn giả thuyết: “Vị anh hùng vô danh” ấy là hoàn toàn không biết tên và được đặt tên cụ thể (Lê Văn Tám). Người làm việc này tôi cho là ưu điểm, chớ có gì phải “tự trách”. Bởi tấm gương “dũng cảm” ấy đã được nhân dân “phong thần”, có miếu thờ, ngày lễ Tết được dân chúng đến thắp nhang cúng viếng! Vị Thần này phải có tên. Hợp lý!
Như vậy, đã rõ một sự thật không còn gì thật hơn: Chiến sĩ đốt kho xăng Thị Nghè là Lê Văn Tám. Lê Văn Tám người đội viên cảm tử, người trong tổ chức “Đội cảm tử”, mà người chỉ huy là Lê Văn Châu thực hiện vào ngày 17-10. Chuyện đã ghi vào sử sách.
Nhưng còn ngày ĐỐT KHO XĂNG chính thức là 17 hay 16 tháng 10?
Bởi Báo CỨU QUỐC ngày 19-10-1945 viết: “Tin điện từ Mỹ Tho đánh ra ngày 17-10”, thì theo tôi vụ cháy không thể xảy ra trong ngày đó. Ngoài ra, còn có tin của báo ĐỘC LẬP ngày 20-10-1945: “Ngày 16, quân ta đốt cháy 2 kho hàng của Pháp thiệt hại tới mấy triệu đồng… (Tin Đê-li ngày 18.10)”. Bài trên báo LA RÉPUBLIQUE, số 5, ngày 4-11-1945, đầu đề “ĐUỐC SỐNG” đưa tin: “Ngày 16.10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống, bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho dầu Simon Piétri ở Sài Gòn…”
Vậy, ngày đốt kho xăng của giặc Pháp ở Sài Gòn năm 1945, có thể khẳng định là ngày 16 tháng 10. Và 16-10-1945, nổi bật sự kiện “Đuốc sống” Lê Văn Tám đốt kho xăng tại khu vực Thị Nghè – Sài Gòn, thêm một chiến công oanh liệt nhất: Bởi sau 23 ngày Pháp tấn công Sài Gòn (hơn hai tuần lễ, sự kiện này đã dập tắt hy vọng của tướng Leclerc là bình định Nam bộ trong vòng 1 tuần lễ).
Do đó, “Đuốc sống” – LÊ VĂN TÁM sống mãi cùng dân tộc Việt Nam. Là biểu tượng yêu nước mà Bác Hồ biểu dương : “… một dân tộc có tinh thần cao đến bực ấy, thì không có sức mạnh nào có thể đè bẹp được” (Bác Hồ viết trên báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, ngày 23-10-1945). Và biểu tượng “Đuốc sống” Lê Văn Tám ấy đã cùng góp một viên gạch cho bức “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ khen tặng cho Sài Gòn và Nam Bộ.
Nhà Bè, ngày 4 tháng 12 – 2015
Lý Châu Hoàn
(Nguyên BT Đảng ủy khối cơ sở Bộ VH, TT và DL tại TP.HCM)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 383
_________________
(*) Tin điện từ Mỹ Tho : chắc chắn là của cơ quan VTĐ cùa Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ (UBKCHC.NB) từ Sài Gòn sơ tán về đây (Mỹ Tho, để chỉ đạo cuộc kháng chiến)… “đánh ra”. Tôi còn nghe: Ngày 16-10-1945, UBKCHC.NB có cuộc họp quan trọng ở Cầu Vĩ (thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong – xã tôi ở, ấp tôi ở là ấp Hội Gia – huyện Chợ Gạo, nay là Khu II, TP. Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), cách thành phố Mỹ Tho là sông Bảo Định chỉ xa vài cây số, cách nhà tôi một con sông Cầu Chùa (khoảng 30 mét).
(**) Chú thích của anh Trần Hữu Phước :
1. (Nữ biệt động nổi tiếng Nguyễn Thị Lan – Lan Mê Linh 17 tuổi, dùng súng 6,35 ly ám sát tên bồi bút phản động Hiền Sĩ, chủ bút báo Phục Hưng.
2. Là của người chiến sĩ “biệt động” đốt cháy kho xăng Simon Piétri.
3. Võ Hồng Tâm 18 tuổi, đội viên Ban công tác thành số 1, cắt cổ tên đại tá tình báo Pháp Hans Imfelt ở phòng 28, Hotel des Nations, số 68A, đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).