Đọc "Dòng sông chảy" của Thái Hà

Nhà báo Thái Hà tên thật là Lê Thái Hà quê ở Hoài Đức, Hà Nội; là là kỹ sư Nông nghiệp; Thạc sĩ Báo chí học; cựu Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam – Chiến trường miền Tây Nam bộ; Làm báo chuyên nghiệp từ năm 1985; Tham gia giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên. Ông đã tham gia chủ biên các cuốn sách: Trần Anh Vinh - Chuyện bây giờ mới kể. Nxb Dân trí, năm 2017; Nguyễn Đức Phan - Tình yêu và sự nghiệp. Nxb Hội nhà văn, năm 2018 và sắp xuất bản: PGS.TS. Bác sĩ Hoài Đức – Năm tháng không quên. “Dòng sông chảy” là tập truyện và ký của ông vừa in xong. Sách do Nxb. Hội Nhà văn ấn hành. TPM chúc mừng ông.

“CHẲNG CÓ AI TẺ NHẠT TRÊN ĐỜI…”

(Thay lời giới thiệu)

Nhà văn - Nhà báo Cao Thâm

Tôi thân với anh Thái Hà cách đây gần 20 năm, khi chúng tôi cùng học lớp quản lí báo chí do Trường Đại học Báo chí Lille của Pháp tổ chức tại Việt Nam. Cùng lớp với chúng tôi ngày ấy, đa số sau này đều làm lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông. Còn anh Thái Hà vẫn mải mê “bút nghiên”, nhận bằng Thạc sĩ báo chí và các văn bằng, chứng chỉ về quản lí để rồi “yên vị” nằm trong quy hoạch…treo; “yên vị” làm nghề cho tới lúc nghỉ hưu.

Được chuyên tâm làm nghề báo cũng thích thú; được đi, được viết; được khám phá bao điều mới lạ của cuộc sống và được công khai tư tưởng, quan điểm yêu ghét của mình trên mặt báo. Nhưng với anh Thái Hà, chuyên “thâm canh” mảng Xây dựng Đảng – lĩnh vực khô khan, nghiêm ngắn, không dễ viết, nên anh ít được tung hoành như các phóng viên khác. Dù vậy, với vai trò là Trưởng ban Chính trị (khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Báo Hà Tây sáp nhập vào Báo Hànộimới, anh là Phó trưởng ban), anh Thái Hà đã chuyên cần, say mê nghiên cứu thực tế, tham mưu cho Ban biên tập Báo tổ chức tổng kết được không ít điển hình tiên tiến, mô hình mới trong mảng đề tài vốn nhiều nhà báo – nhất là nhà báo trẻ ngại dấn thân này. Đáng chú ý là việc anh đã tổ chức tuyên truyền thành công các điển hình như: “Đổi mới phong cách lãnh đạo ở Đảng bộ huyện Phú Xuyên” – một điển hình thâm canh lúa của toàn quốc; “Hoài Đức phát triển kinh tế công nghiệp trong thời kỳ CNH, HĐH”; “Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên ở Đảng bộ huyện Chương Mỹ”; “Làm thế nào để thu hút thanh niên nông thôn vào tổ chức Đoàn”…

Tôi còn nghe nhà báo Phạm Thị Hoàn, khi ấy là Phó Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương (cùng học lớp Báo chí Lille với chúng tôi) kể rằng vào những năm cuối thập niên 90 rất nhiều địa phương lúng túng trong việc sắp xếp, tổ chức mô hình hoạt động của chi bộ ở cơ sở. Bằng tư duy lý luận và nhạy bén thực tế, nhà báo Thái Hà đã đề xuất một giải pháp khả dĩ giải quyết bất cập đó thông qua tác phẩm “Mô hình nào cho chi bộ Đảng nông thôn?” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, gây tiếng vang trong giới làm công tác xây dựng Đảng và sau đó được nhiều tổ chức cơ sở Đảng vận dụng. Nhiều tác phẩm báo chí của anh về mảng đề tài này đã đoạt giải cao của Giải Báo chí toàn quốc và của tỉnh…

Ngoài “thâm canh”  nội dung thuộc lĩnh vực Xây dựng Đảng của tòa soạn, anh Thái Hà còn “tăng gia” thêm các đề tài khác thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội với nhiều thể loại: phóng sự, ghi chép, kí chân dung…. Anh còn sáng tác truyện ngắn, sáng tác kịch bản sân khấu cho nhiều đơn vị tham dự hội thi nghiệp vụ, hội diễn văn nghệ quần chúng và tham gia giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số Trường đại học khác.

Một số tác phẩm báo chí và văn học “tăng gia” được, anh chọn lọc rồi “gom” lại thành hai phần: Truyện ngắn và kí sự nhân vật để xuất bản với tên chung là “Dòng sông chảy” mà bạn đọc đang cầm trên tay.

Đã đọc những bài báo chính luận của anh Thái Hà đăng trên báo, giờ đọc các truyện ngắn của anh, tôi cảm giác như đọc truyện của tác giả khác cùng tên vậy. Nếu những bài báo chính luận nghiêm ngắn, lập luận chặt chẽ, sắc bén thì truyện ngắn của anh lại rất nhẹ nhàng, rất đời; câu chữ dung dị mà khoáng đạt; cảm xúc dạt dào, những phát hiện tinh tế. Đây là những đoạn anh miêu tả phong cảnh: “…Bầu trời tím đen, bị những tia chớp xanh đỏ rạch ngang, rạch dọc giống như lấy cái dùi sắt nung nóng trắng vụt vào một khối sáp đen. Những tiếng sấm ùng ùng kèm theo tiếng sét đanh bổ xuống sát sạt. Cả bãi san mênh mông bỗng chốc thu hẳn lại dưới bầu nước trời đêm...” (Dòng sông chảy); “…Trời ấm, nắng hoe vàng, lao xao gió, không gian chiều cuối năm như nhẹ bỗng, tan chảy, làm người ta bâng khuâng, nao lòng…”(Bánh chưng Tết)

Và đây, anh miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc và tinh tế: “…Hừ! Ông lạ gì nó. Lắp cho dì ruột bộ loa đài, tiền không kém người ngoài nửa trinh, đến khi trục trặc, nó phớt lờ bảo hành, nói, nó trắng trợn tuyên bố: Cắt! Em vợ cưới, nó nhờ thằng bạn mang bộ trang âm của nó đến phục vụ và lấy tiền…công thuê. Thật vô đối..”.(Nhánh hoa đại); “…Những tò mò lạ lẫm bất ngờ, toan tính vụng về của tuổi trăng tròn cứ tưởng cao siêu mà thành ngớ ngẩn. Nhìn thấy nhau, thinh thích, anh vội khen suối rừng quê em đẹp. Một chút hơi thở của gái trai mới lớn, anh đã chê thành phố đông đúc mà vô tình, vô cảm… Những cụ thể, giản đơn, rạch ròi làm người ta vững chãi…” (Dòng sông chảy).

Những nhân vật trong các truyện ngắn của anh rất gần gũi. Tôi cảm tưởng rằng, đó là chuyện của  những người thân trong gia đình anh, của bạn bè anh, nên đọc cảm động như chuyện “người thật, việc thật”. Tuy nhiên, có lẽ vì viết những chuyện “mắt thấy, tai nghe”, xây dựng hình tượng nhân vật từ các nguyên mẫu nên truyện của anh thiếu kịch tính, thiếu những nhân vật có tính cách riêng biệt chăng? Cũng có lẽ, là người hay giữ kẽ, ngại va chạm, ngại đao to búa lớn nên cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong truyện của anh cũng có vẻ như cứ thuận theo tự nhiên, bàng bạc, thiếu dứt khoát, mạnh mẽ…

Như đã nói trên, anh Thái Hà “tăng gia” nhiều thể loại kí báo chí nhưng trong tập sách này anh chỉ chọn ra ba tác phẩm viết về ba nhân vật có số phận tưởng là phẳng lặng, bình ổn nhưng cực kì độc đáo và thú vị. Anh chia sẻ với tôi, anh rất thích hai câu thơ của EVTUSHENKO “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”. Thật vậy, trong ba nhân vật trong cuốn sách này, nếu không được anh giới thiệu kĩ lưỡng, chắc rằng, chẳng mấy ai hiểu được thân phận của họ, cống hiến của họ với đất nước.

Tình cờ, trong chuyến tác nghiệp ở miền Tây Nghệ An, anh Thái Hà gặp một doanh nhân tên là Trần Chính. Nếu hỏi thăm xã giao, doanh nhân Trần Chính không có gì nổi bật. Doanh nghiệp của ông không lớn; chức vụ “to” nhất của ông chỉ là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Thơ của Trần Chính được xuất bản hai tập, được phổ nhạc nhưng chưa phải là những tác phẩm nổi tiếng. Vậy mà Thái Hà đã viết về doanh nhân Trần Chính trong hơn một trăm trang in với thân phận bi tráng một cách cuốn hút. Đó là chuyện về thời thơ ấu gian khổ của Trần Chính; chuyện Trần Chính viết đơn bằng máu tình nguyện đi chiến đấu; chuyện những trận đánh khốc liệt; rồi chuyện Trần Chính trở về với đời thường loay hoay kiếm sống bằng đủ thứ nghề: Buôn chuyến, đi tìm trầm, “chơi” đá đỏ, khai thác chế biến quặng thiếc, khai thác đá trắng…và cuối cùng là xây dựng doanh nghiệp đứng vững trong cơ chế thị trường. Qua kí sự “Đá trắng”, bạn đọc sẽ liên tưởng rằng, đây không chỉ là chuyện của doanh nhân Trần Chính nữa mà là chuyện bi tráng của một thế hệ thanh niên buộc phải lỡ dở học hành, “xếp bút nghiên” để cầm súng đánh giặc rồi hoàn dân xây dựng đất nước.

Nói đến Tiến sĩ Trần Anh Vinh, hầu hết cán bộ công nhân ngành Than đều biết, ông là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về ngành khai thác mỏ; ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Điện và Than rồi quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than. Nhưng ít người biết, những công trình hiện đại của ngành Than hiện đang phát huy hiệu quả đều có dấu ấn chỉ đạo của ông; ít ai biết những góc khuất trong đời sống tình cảm của ông. Qua “Chuyện về cựu Thứ trưởng Trần Anh Vinh”, bạn đọc không những hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học, nhà quản lí Trần Anh Vinh với tầm nhìn xa, tư duy sắc bén, người anh cả hào hoa của giới khoa học công nghệ ngành Than, mà đây còn là tài liệu quý về lịch sử phát triển ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam.

Ở ngành Than và ngành Điện lực, nhiều người đã biết ông Nguyễn Đức Phan qua công việc, trong giao tiếp và cả trên truyền hình, với tư cách là Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than; Thứ trưởng Bộ Năng Lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp suốt 16 năm. Nhưng có lẽ ít người biết, thời làm việc ở vùng mỏ Quảng Ninh, ông vi phạm pháp luật, bị đi tù. Trong lịch sử Nhà nước Việt Nam mới, chưa có ai bị đi tù sau đó phấn đấu lên chức thứ trưởng như ông Nguyễn Đức Phan. Vì sao ông bị đi tù? Vì sao bị tước đảng tịch, tước quyền công dân, ông vẫn bền gan làm lại từ đầu và Nhà nước ta vẫn trao cho ông những trọng trách lớn? Kí sự “Ông Nguyễn Đức Phan – một phạm nhân trở thành Thứ trưởng”  sẽ giải đáp những câu hỏi thú vị ấy.

Đọc truyện ngắn và kí sự của Thái Hà, bạn đọc thấy rõ vốn sống và bút pháp của một nhà báo từng trải. Trước khi làm báo chuyên nghiệp, anh Thái Hà là kĩ sư nông nghiệp, sau đó vào quân đội, là sĩ quan, phục vụ tại chiến trường miền Tây Nam bộ. Ra quân, anh trở về với nghiệp làm báo, khởi đầu là báo Hà Sơn Bình và nghỉ hưu ở báo Hànộimới.

Với vốn sống được trải nghiệm trong quân đội và kiến thức chuyên môn sâu cả về xã hội cũng như lĩnh vực nông học nên những trang viết của anh về đời sống của người lính, những trận chiến đấu và những vùng đất phên dậu, những trang viết về các loài cây, về côn trùng…trong “Đá trắng” được anh miêu tả sinh động, chân thực như sờ nắm được...

Công bằng mà nói, tiếp xúc ngoài đời, anh Thái Hà là người cởi mở, thân thiện và nhiệt tình. Đọc tác phẩm của anh cũng cho thấy như vậy. Kể cả tác phẩm văn học, hình tượng nhân vật của anh cũng “thật” và giản dị như đối tượng trong các ký sự của anh – như nó vốn có vậy. Điều này có thể hiểu rằng, chất cận văn học trong sáng tác của nhà báo Thái Hà “mạnh” hơn chất văn học đòi hỏi. Và như vậy, để dấn sâu hơn vào lãnh địa này, anh cần có lối đi “mở” hơn…

Nhưng rõ ràng, bên trong vẻ thuần túy, nhà báo Thái Hà vẫn ẩn chứa những cảm xúc văn chương đẹp và đầy bất ngờ, đáng khám phá, hiện hữu trong tập “Dòng sông chảy” này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2018C.

Th.