Lại vào "cuộc chiến" trường chuyên

Tiết lộ của một người bạn đang “chạy” cho con vào một trường điểm của quận Hoàn Kiếm khiến tôi giật mình. Chị cho biết dù có người quen và chấp nhận chi cả nghìn “đô” nhưng vẫn chưa chắc chắn con chị “trúng tuyển” vì số lượng học sinh đăng kí rất đông, người ta nhận tiền nhưng chưa hứa. (!)


Áp lực thi vào trường chuyên đè nặng lên nhiều học sinh. Ảnh minh họa

 

 

Gần như “đến hẹn lại lên”, tháng 4- 5 là thời điểm nóng bỏng cho cuộc chạy đua marathon chuyển cấp của học sinh. Không chỉ bọn trẻ phải căng mình chạy đua với thời gian, liên tục di chuyển hết từ trung tâm này đến lớp học thêm khác, mà các phụ huynh cũng nhớn nhác tìm cách “chạy trường”.

Từ rất lâu rồi, trường điểm, trường chuyên luôn là mục tiêu số 1, không ít phụ huynh chấp nhận “mọi giá”, chấp nhận hao tiền, tốn của, thậm chí đánh đổi cả sức khỏe của con trẻ để mong con có một suất ở trường chuyên.

Tôi không hề phủ nhận những mặt tích cực của các trường chuyên, lớp chọn bởi thực tế, đây vẫn là môi trường tốt để khơi dậy tiềm năng, phát huy được những điểm mạnh của từng học sinh.

20 năm trước, chính tôi cũng từng khăn gói xa nhà, bắt đầu công cuộc luyện thi vào trường năng khiếu – trường chuyên của tỉnh. Ngày ấy, cả tỉnh chỉ có duy nhất một trường năng khiếu, nên thu hút gần như đầy đủ học sinh ưu tú nhất từ nhiều vùng trong tỉnh vào trường. Vào được trường đã khó, để học tập tốt theo chương trình của trường càng khó khăn hơn. Bởi thế, danh xưng “học sinh trường năng khiếu” luôn niềm tự hào của quãng đời đi học.

Thực tế, gần như 100% số học sinh trường chuyên ngày đó đều thi đỗ đại học; rất nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế cũng từ chính những trường chuyên, lớp chọn mang về.

Cách nuôi dạy “gà nòi” vì thế được coi là đặc biệt hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều bất cập dễ dàng nhìn thấy, đó là tình trạng học lệch môn và học sinh luôn phải gồng mình  theo những cuộc thi chạy đua thành tích.

Cũng có thể do phải thường xuyên phải đối mặt với nhiều cuộc thi mà học sinh của trường ít có thời gian hơn đối với những hoạt động ngoại khóa cũng như tham gia các khóa học kĩ năng sống vì thế mà có những giai đoạn người ta gọi học sinh trường chuyên là “gà công nghiệp”.

Nói đến những điều đó để thấy rằng, ở một phương diện nào đó, trường chuyên, lớp chọn có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất đó là sự biến tướng.

Nhiều năm gần đây, ở các thành phố lớn, quan niệm về trường chuyên, lớp chọn cũng đã có nhiều thay đổi. Với nhiều người, những trường ấy, lớp ấy chỉ dành riêng cho con nhà giàu, nhà có điều kiện. Nhiều gia đình tìm đủ mọi cách để cho con vào học trường chuyên không phải muốn tìm cho con một môi trường học tập thực sự thực tế cũng chỉ vì ... sĩ diện. Tiết lộ của một người bạn đang “chạy” cho con vào một trường điểm của quận Hoàn Kiếm khiến tôi giật mình. Chị bảo: Có người quen và mất mấy nghìn đô nhưng vẫn chưa chắc chắn vì số lượng học sinh đăng kí rất đông, người ta nhận tiền nhưng chưa hứa. Nếu vào được trường rồi, lại còn lo thi vào lớp chọn, mất thêm một khoản “kha khá”, nhưng như thế con mới có một chỗ học “ngon”.

Nhưng, chỗ học “ngon” theo ý nguyện của mẹ cha chắc gì đã là niềm vui của con trẻ? Nhiều học sinh với học lực trung bình, nếu cố gắng chạy bằng được vào trường chuyên, lớp chọn, rồi không theo kịp bạn bè, cũng lại là áp lực lớn của con. Hệ lụy thì khỏi nói, không ít học sinh vì quá áp lực mà mang bệnh trầm cảm. Thậm chí từng có nhiều em phải tìm đến cái chết để giải thoát. Những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra gần đây hẳn nhiều bậc phụ huynh vẫn nhớ.

Năm học mới này, Bộ Giáo dục& Đào tạo lại vừa thay đổi phương pháp tuyển sinh vào lớp 6 đối với các trường chất lượng cao. Thay vì chỉ xét tuyển thông qua hồ sơ, học bạ như ba năm qua, Bộ lại quyết quay trở lại như những năm trước, đó là cho phép các trường top đầu được tổ chức thi tuyển thông qua các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Quyết định này ngay lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều trường có số lượng học sinh đăng kí xét tuyển luôn vượt chỉ tiêu. Bởi, đại diện các trường đó cho rằng, cách làm này sẽ giúp họ tuyển chọn được những học sinh có năng lực thực sự, loại bỏ được tình trạng tiêu cực như xin điểm, chạy giải thưởng để làm đẹp hồ sơ vốn vẫn xảy ra phổ biến những năm qua.

Nhiều phụ huynh, học sinh cũng cảm thấy vui với quyết định thi tuyển đầu vào, bởi đó có thể chính là cơ hội thực sự cho những học sinh lựa chọn được những trường phù hợp khả năng.

Tuy nhiên, tôi lại lo ngại rằng, quyết định này cũng lại đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra áp lực để phụ huynh dồn con em mình vào đủ các lò ôn, lớp luyện từ rất sớm. Và như đã nói, mục tiêu “trường chuyên, lớp chọn” bao giờ cũng là ưu tiên số 1 dù có nói hay không. Thế nên có thể, áp lực cuối cùng vẫn đè nặng lên vai của bọn trẻ.

Suy cho cùng thì trường chuyên lớp chọn hay không thì mấu chốt cuối cùng cần đạt được vẫn là hoàn thiện được nhân cách của một con người. Và tôi tin chắc rằng, với một người có năng lực thực sự, được đào tạo và nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục nhân văn vẫn phải là thứ mục tiêu mà giáo dục cần hướng đến. Bởi chính những điều đấy mới là thứ tồn tại vĩnh cửu.

Thiết nghĩ, những đổi thay trong quản lý của Bộ Giáo dục cũng nên hướng đến mục tiêu ấy. Khi cải cách, đổi mới bất cứ quy định, chính sách nào cũng cần phải được đánh giá, nghiên cứu kĩ và có tính nhất quán chứ không thể nay treo biển cấm, mai lại gỡ bỏ đi. Những năm qua, hàng triệu học sinh và phụ huynh luôn phải mang tâm lý nơm nớp lo sợ vì “mọi thứ có thể đổi thay bất cứ lúc nào”. Và không ít lần dư luận đã phải thốt lên rằng, xin Bộ đừng biến học sinh thành những vật thí nghiệm cho những quyết định “sáng ban hành chiều gỡ”.