Kinh hoàng nhà vệ sinh nơi bệnh viện
Lâu nay, nói đến môi trường của bệnh viện, ai cũng nhớ câu: “Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”. Nhưng thực tế, nhiều bệnh viện ở Hà Nội, nhà vệ sinh là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân. Dưới đây là ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K.
Tôi là bệnh nhân, điều trị tại Khoa Thận- Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Khoa có 4 phòng bệnh nhân, mỗi phòng 10 gường, mỗi giường “biên chế” 4 người, vị chi bình quân mỗi ngày đêm có 140 bệnh nhân lưu trú; đấy là chưa kể số bệnh nhân khoa khác cùng tầng “đi” nhờ. Hầu hết bệnh nhân đều có người nhà chăm nuôi nên số người sử dụng nhà vệ sinh tăng gấp đôi. Ở đây, tôi chỉ kể về nhà vệ sinh nam. Bệnh nhân nam đông hơn bệnh nhân nữ nhưng tạm coi là bằng nhau. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 140 người nam lưu trú tại khoa nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh nam có 2 chậu rửa mặt, 2 buồn tiểu, 2 chuồng xí và hai phòng tắm. Các vị trí trên cạnh nhau, người đang đánh răng rửa mặt cạnh người đi tiểu, đi đại tiện nên phải ngửi mùi nước đái khai mù, ngửi mùi phân thối lựng. Nhiều gia đình chúng ta tỉ lệ nhà vệ sinh trên đầu người đạt tới 50 %, tức là hai người có một nhà vệ sinh, nhưng có lúc phải bực bội vì chờ đợi. Vậy mà, ở cái bệnh viện lớn bậc nhất cả nước này, 140 người chỉ có hai lỗ đại tiện, mới thấy nhu cầu vệ sinh của bệnh nhân nơi đây bức xúc, nóng bỏng tới mức nào!
Bệnh nhân thận-tiết niệu nhu cầu vệ sinh nhiều hơn người thường nên tỉ lệ lượt người sử dụng nhà vệ sinh tăng gấp bội. Nếu ở Khoa Khám bệnh, vào giờ cao điểm, bệnh nhân chen chúc chầu chực chờ khám bệnh như thế nào thì vào buổi sáng, tại cửa nhà vệ sinh cũng đông đúc người chầu chực như vậy! Có bác bệnh nhân đứng chờ ở của nhà vệ sinh ôm bụng nhảy cồ cồ, mặt tái mét, năn nhó. Tôi hỏi, đau lắm à bác? Bác ta phều phào, ừ, đau lắm.Rồi bác ta cáu kỉnh với hai bệnh nhân đang “cố thủ” trong chuồng xí. Bác ta bị sỏi thận, đáng lẽ kêu đau lưng, đằng này bác ôm bụng kêu đau. Sau tôi mới hiểu, bác đau bụng vì mót... ỉa!. Anh M. bị sưng khớp gối, sáng ra, tập tễnh đến cửa nhà vệ sinh, nhìn vào, rụt cổ lại như gà gặp cáo rồi quay ra, tập tễnh đi lại hành lang, lưng khom khom. Nhìn đũng quần của anh ướt nhoét, tôi biết, anh không "nhịn" được nữa, đã vãi ra cả quần. Bác K. bị gút, uống nhiều cocicin-thuốc đặc trị gây rối loạn tiêu hóa- nên “tào tháo” đuổi kịch liệt. Không thể chen chúc chờ đợi vào chuồng xí, bác nẩy ra “sáng kiến” “đi” vào con vịt bằng nhựa – dụng cụ chuyên đựng nước tiểu của bệnh nhân. Ban đầu, bác ta cũng ý tứ chờ nhà vệ sinh vắng người mới “hành sự”. Nhưng nhà vệ sinh tấp nập suốt ngày đêm nên bác ta cứ “liều mình như chẳng có”. Kê con vịt vào bồn tiểu, kéo quần xuống đầu gối, mông căn đúng vị trí miệng con vịt, cổ bác ta ngỏng lên, mặt đực ra, miệng thở è è, nơi bụng con vịt phát ra mấy tiếng lục bục, hơi bốc lên thối inh. Xong, bác kéo quần, mở vòi nước ở chậu rửa mặt, đổ vào con vịt xóc xóc mấy cái rồi mang đi đổ. Có lẽ “đi nặng” kiểu này chưa thành kĩ năng; bác lại bị bệnh, các thao tác chậm chạp nên bác luôn bị mọi người cáu gắt, thậm chí...chửi.
Là nhà vệ sinh nam nhưng luôn có nữ túc trực. Đó là các bà, các chị đưa người nhà đi ngoài. Ai đánh răng rửa mặt, cứ đánh răng rửa mặt; ai đái cứ đái; các bà, các chị chỉ quan tâm tới việc đi ngoài của bố, của chồng họ. Khổ nhất là những bệnh nhân ngồi xe lăn. Có những bệnh nhân nam còn trẻ nhưng bụng to vượt mặt vì bệnh thận, chân teo tóp không thể đứng được. Trong khi chuồng xí chật hẹp, không có điện, lại phải ngồi xổm. Tôi không hiểu các bà, các chị đã đưa người nhà của mình từ xe lăn vào vị trí xổm thế nào? Và không hiểu những bệnh nhân bụng vượt mặt, không tự đi được, người ta xoay xở thế nào trên miệng xí xổm trơn nhẫy và bẩn thỉu. Chỉ biết rằng, khi đưa được bệnh nhân vào trong chuồng xí, các bà, các chị đứng ngoài cánh cửa khép hờ, lúc lúc lại lách vào theo sự sai bảo của bệnh nhân đang hưởng cơn …khoái lạc!
Nhà vệ sinh Bệnh viện K Tam Hiệp còn kinh hoàng hơn. Hàng trăm bệnh nhân nam và nữ ở trong hai dãy nhà dài dùng chung một buồng vệ sinh nam với hai buồn cầu và cái rãnh thoát nước tiểu chừng hơn một mét. Các bệnh nhân cho biết, nhà vệ sinh nữ bị hỏng mấy tháng nay nên bị khóa. Nơi đây còn là kho chứa những thùng đựng rác thải bệnh viện và là nơi giặt giũ quần áo.
Bên chiếc thùng nhựa to đựng nước, mấy chị giặt quần áo cạnh người đi tiểu, đi đại đại tiện, mùi nước tiểu, mùi phân xộc lên thối lựng. Có những bệnh nhân, mũi vẫn đính ống nhựa, một tay giơ cao lọ nước, tay kia lóng ngóng cởi giải rút. Chưa kịp kéo quần liền bị bệnh nhân khác tranh mất chỗ đi tiểu. Nhiều bệnh nhân nặng, người nhà theo sau cầm lọ nước, lọ nước gắn với dây nhựa. Nom họ vào buồng vệ sinh như áp giải tù binh. Nhìn những bệnh nhân chen chúc bên những thùng rác thải không đậy nắp, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, tôi gai người. “Sạch như bệnh viện” là thế này, sao?