Kể về bộ phim không lên sóng

Đó là bộ phim tài liệu CHỢ ĐỒN AI NHỚ, AI QUÊN do tôi và nhà báo Lan Hương thực hiện cách đây tròn 3 năm. Bộ phim tái hiện tinh thần yêu nước và cách mạng của đồng bào các dân tộc huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Bộ phim còn phản ánh thực trạng đời sống vô cùng khó khăn của đồng bào có công với nước nơi đây. Rất tiếc, vì lí do khách quan, bộ phim không được lên sóng. Dù vậy, chúng tôi cũng rất vui mừng vì sau đó không lâu, Di tích lịch sử An toàn


Anh Hoàng Văn Mão )bên trái), Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn và nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ đoàn làm phim.

Ai quan tâm tới ATK Chợ Đồn?

Chúng tôi khởi quay bộ phim này vào những ngày nghỉ lễ. Dù vậy, các anh: Vũ Văn Khánh, khi đó là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Cạn; Hoàng Văn Mão, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn và các anh trong Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện và lãnh đạo các xã: Nghĩa Tá Bình Trung, Lương Bằng…vẫn nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Đặc biệt, anh Mão, Chủ tịch và các anh, chị trong Văn phòng UBND huyện  đã  không quản nắng mưa, tận tình đưa chúng tôi tới các điểm di tích lịch sử trong ATK để tác nghiệp. Bác Đồng Phúc Vả, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, dù chân bị đau gút; chị Duyên, phó Văn phòng UBND huyện đang học ở Học viện Chính trị Quốc gia, về quê nghỉ lễ vẫn đi theo đoàn. Khi làm hậu kỳ cho bộ phim, chúng tôi được anh Ma Đình Việt, Giám đốc và anh Lục Đại Lượng, Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Bắc Cạn tận tình cung cấp những tư liệu quý phục vụ cho việc dựng phim…

Vì sao các anh lãnh đạo huyện và mọi người dân Chợ Đồn quan tâm đến  việc sản xuất bộ phim này? Thưa, trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Đồn là trụ sở của Trung ương  Đảng, Chính phủ; là nơi  Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống, làm việc, lãnh đạo kháng chiến thành công. Huyện Chợ Đồn và các xã Nghĩa Tá, Bình Trung, Lương Bằng, Khang Ninh v.v. được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Vậy mà, lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tài liệu lịch sử ít giới  thiệu về ATK Chợ Đồn. Thậm chí, có tài liệu giới thiệu rằng, Thủ đô kháng chiến là Tân Trào (Tuyên Quang); tài liệu khác lại khẳng định, “Thủ đô gió ngàn” là Định Hóa (Thái Nguyên). Sự ghi nhận thiếu sót và sai lệch đó gây bức xúc trong các nhân chứng lịch sử và đồng bào có công với nước ở Chợ Đồn từ nhiều năm nay.

Vì vậy, các anh lãnh đạo và nhân dân Chợ Đồn muốn thông qua bộ phim này để nhân dân cả nước, Thủ đô Kháng chiến; “Thủ đô gió ngàn”  thuộc 8 huyện của ba tỉnh: Bắc Cạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên chứ không chỉ riêng Tuyên Quang hay Thái Nguyên. Trong đó, Chợ Đồn là nơi đầu tiên trong “Thủ đô kháng chiến” Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v. sống và làm việc, được đồng bào các dân tộc đùm bọc, chở che; Chợ Đồn cùng với các địa phương của tỉnh Bắc Cạn là nơi đầu tiên trong cả nước giành chính quyền.

Ngày này ba năm trước

Trong thời lượng 30 phút của bộ phim nêu trên, chúng tôi đã ghi lại rất nhiều hình ảnh thực trạng đời sống cực khổ của đồng bào có công với nước ở các điểm di tích. Đó là Bẳng Bẳng, nơi gặp mặt của Đoàn quân Nam Tiến và Bắc Tiến sau khi mở “Những con đường quần chúng cách mạng” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương nhằm mở rộng phong trào Việt Minh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945; đó là Bản Ca, nơi Bác Hồ ở và làm việc, năm 1947; đó là bản Nà Quân, nơi Văn phòng Trung ương Đảng từ 1950 -1952 .v.v.

Tuy nhiên, do khuôn khổ Tạp chí có hạn, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thực trạng đời sống của đồng bào có công với nước ở Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá. Đây là bản người Dao heo hút. Nơi đây “con đường quần chúng cách mạng” đến sớm nhất; nơi ánh sáng cách mạng đến sớm nhất nhưng ngày này ba năm trước chưa có ánh sáng lưới điện Quốc gia. Lên đỉnh Pù Cọ, chúng tôi men theo lối nhỏ gập ghềnh rồi leo dốc cao ngợp mắt.

Trước Cách mạng tháng Tám, Đỉnh Pù Cọ là căn cứ quan trọng của Đảng ta. 75 năm trước, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn đã sống và làm việc tại đây. Khi chúng tối tới Phù Cọ để quay phim, nơi đây hoang vu, trơ trọi mỗi tấm bia loang lổ.  Dưới chân núi Pù Cọ là ngôi nhà của cụ Triệu Phúc Dương. Tại ngôi nhà này, tháng 6/1945, Bác Hồ đã nghỉ chân. Trong ngôi nhà mà Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở, trên bức vách bằng gỗ treo bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giấy chứng nhận của Đại tướng về công lao của gia đình ông Triệu Phúc Dương đối với cách mạng thời tiền khởi nghĩa.

Con cháu cụ Triệu Phú Dương - gia đình có công nuôi Bác Hồ - hiện có 3 thế hệ đang ở trong ngôi nhà xác xơ.

 

Người dân bản Bẳng năm xưa nhường cơm sẻ áo nuôi giấu cán bộ cách mạng, giờ đây hầu hết chưa thoát khỏi cảnh nghèo.