Viễn sơn - Truyện ngắn của TUỆ MINH
Đội tuần tra biên giới của chúng tôi có sáu người, đều rất trẻ. Công việc của đội là có mặt thường xuyên ở các điểm nhất định trên những dãy núi xa xanh mà nhiều người chưa từng đến. Việc dọn đường, phát quang cột mốc với chúng tôi dễ như phẩy cánh tay nhưng đảm bảo giờ giấc đi và về để báo cáo đơn vị là một nỗ lực không ngừng. Đường hành quân qua rừng chúng tôi thay phiên nhau phát cỏ, con đường ngai ngái hương nhựa cây mở ra. Sang sông suối chúng tôi bơi, lội theo hàng một. Thích nhất là khi đi ngang những chân ruộng bậc thang, vào cơ may nhất định chúng tôi gặp người dân ở bản ra làm ruộng khiến chặng đường tuần tra đỡ hoang vu hẳn đi. Nắng lên, mưa xuống, bình minh thơi lơi và hoàng hôn mở cánh côn trùng, tất cả được xâu lại trong một chuỗi tinh thần tỉnh táo quan sát. Chỉ riêng đội trưởng là không cầm dao phát mà lúc nào cũng đeo bên hông chiếc máy bộ đàm. Cuối mỗi buổi làm việc, anh lại điện báo cáo chỉ huy rành mạch về quân số và tiến độ công việc. Anh luôn đi sau cùng và hô hiệu lệnh khi cần kíp. Những vị trí còn lại dành cho chúng tôi.
Đường tuần tra đối với chúng tôi là một phần thiêng liêng của máu thịt Tổ quốc. Nó chứa đựng cái dữ dội như giông bão và đằm thắm như lòng nước. Nó kiên cường, dứt khoát như tính Cha và nhân hậu, bao dung như tình Mẹ. Trong tổ chúng tôi có người hay làm thơ, được mệnh danh là “Thằng học”; người khác to vâm vấp, mệnh danh là “Thằng Lực điền”; người nữa tính cẩn thận được mệnh danh là “Thằng chỉn chu”. Thằng học giả làm thơ rằng:
Đường hành quân nặng tấm tình Tổ quốc
Mỗi bước con đi có Mẹ theo cùng
Có lời Cha và dáng hình xứ sở
Trong trái tim và trên những môi cười…
Thằng lực điền vừa nghe xong thơ đã bật lời:
- Cái thằng bụng một bồ chữ mà cầm con dao phát cây không nên hồn.
- Tao học phát thành thạo chỉ trong một buổi. Rồi mày xem…
Cơn sốt mồm mép giữa hai thằng sẽ còn tiếp tục nếu chưa có hiệu lệnh chỉnh đốn hàng ngũ của đội trưởng. Thằng chỉnh chu đã đứng ở đầu hàng để chúng tôi xếp thành một hàng dọc thẳng băng. Có hiệu lệnh “Bên phải, quay”, lập tức hàng dọc thành hàng ngang hướng mặt về cột mốc. Đội trưởng hô dõng dạc “Chào mốc, chào”. Đồng loạt, sáu người chúng tôi trong tư thế lưng thẳng, ngực nở, cằm thu, bàn tay phải đặt sát đuôi mắt và hợp với cánh tay dưới một đường chéo nghiêm trang. Hành động ấy lặp đi lặp lại với tôi không biết bao nhiêu lần mà giờ đây vẫn trào dâng niềm bồi hồi kín đáo. Hình như thằng công tử biết được nên hắn có ý trêu trọc tôi:
- Tao đứng cạnh thằng Tân mà nghe trống ngực nó gõ thùm thụp.
Thằng học giả nói thêm vào:
- Ở bên này, tao còn thấy nó cố nhịn đến nghẹn cả thở để tim khỏi vọt qua miệng ra ngoài mày ạ!
Cả lũ cười vang làm đội trưởng phải nhắc nhở.
Trời xế trưa, nắng chói, lá rừng nhấp nhánh, người yên lặng, tiếng chim khướu gọi đôi. Oi nồng, nóng hầm hập, hơi ẩm dưới tán lá rừng như cũng bám vào mồ hôi mà chảy. Bức ngồn ngột, háo gió. Đội trưởng đưa ống nhòm lên thu tầm xa vào mắt. Tôi bâng quơ nhìn quanh quẩn vẫn chỉ thấy mấy thằng đực rựa với nhau. Tôi ghé tai nói nhỏ với thằng công tử:
- Tao muốn hát toáng lên mày ạ.
- Không được đâu, giờ này không phải giờ văn nghệ.
Cụt cả hứng nhưng bên tai tôi vang lên nhịp điệu khe khẽ từ phía thằng học giả “Hừm hưm hứm hưm hưm, hứm hưm hừm hưm hưm”. Tôi huých nó, nhắc nhẹ:
- Đội trưởng nghe được là mày dính đòn đấy.
- Tao có hát gì đâu.
- Tao vừa nghe thấy.
- Đấy mà là hát à? Hát là phải tròn vành rõ chữ. Mày đã thấy mấy ca sĩ hát nhạc thính phòng chưa? Hát thế mới là hát chứ!
Tôi chịu nó. Cái gì nó cũng có thể nói cho người ta nghe hết mọi lý lẽ. Nó thường kể cho chúng tôi những câu chuyện đọc được trong sách. Thu hút nhất là chuyện về các danh nhân và anh hùng dân tộc. Nó bảo, nó tôn Nguyễn Công Trứ là “thần tượng”. Nó thi vào trường Biên phòng, ra trường với hàm trung úy và được giữ lại để học tiếp. Do liên đới trong vụ gây tai nạn giao thông làm chết người nên nó bị điều về đồn biên phòng này. Thằng học giả có đủ thứ tài hoa đàn hát, làm thơ, vẽ tranh nên có nó trong đội là đảm bảo đời sống tinh thần phong phú.
Thằng lực điền chạy từ quãng đường trước mặt lại. Nhìn dáng nó hùng hục như một con bò rừng lao phăm phăm về phía đội trưởng. Xa hàng chục mét đã nghe tiếng nó thở hồng hộc, tiếng cái ống nhòm đập vào ngực nó bụp bụp như đấm phải bao da. Đến trước mặt đội trưởng, nó đứng nghiêm:
- Báo cáo, đường tuần tra qua đoạn sông Né Loọng nước từ thượng nguồn đang đổ về nhanh. Việc qua sông chắc phải căng dây. Báo cáo hết.
Thằng chỉnh chu nói ghé vào tai tôi:
- Này, tao mà như thằng lực điền thì phải dừng lại chỉnh quân tư trang trước khi báo cáo. Nó để cái đuôi áo ngoài quần mà vẫn đứng báo cáo được.
- Đấy là nó, chứ phải tao, tao kéo ra hết cho mát. Chạy như thế về đến đây nóng phát ngốt.
- Ấy không được, phải giữ đúng quy định của quân đội chứ!
- Mày thì lúc nào cũng quy với chả định.
- Làm gì cũng phải nghĩ đến danh dự của nhà binh chứ. Tác phong dứt khoát, tư trang gọn gàng.
Tôi cười xòa, vỗ vai thằng chỉnh chu.
- Thôi nào các bố! Để ý vào đường đi, sắp qua khu rừng dẻ gai rồi đấy. Mắt để sang tai rồi quả dẻ nó đâm cho thủng chân.
Thằng công tử nhắc nhở. Cả đoàn lặng yên vào đường biên chạy xuyên trong rừng dẻ gai. Cái lặng yên đầy cảnh giác và nhón nhén. Quả dẻ gai ở đây rụng xuống đất, giương những gai nhọn sẵn sàng xuyên thủng vải giầy chỗ tiếp giáp với đế, đâm vào chân, làm tứa máu những thằng không biết dùng cây gậy trên tay gẩy mấy quả ra khỏi chỗ đặt chân xuống. Thằng công tử đã có lần phải đi tập tễnh vì bị gai dẻ đâm chảy máu chân. Thằng lực điền thừa thế nói bỡn:
- Con nhà giàu nhẫm phải gai mồng tơi.
Thằng công tử cũng không vừa:
- Vâng, tôi biết anh đá bóng không cần xỏ giầy.
Thằng lực điền tức lắm nhưng không nói lại được. Cả đội không ưa nó bởi cái tính hay hợm hĩnh và “lịnh” lãnh đạo. Đang mải nhớ lại chuyện cũ, thằng học giả hỏi tôi:
- Nhìn gai dẻ mày liên tưởng đến gì?
- Kim khâu của mẹ tao.
- Còn tao thấy những ngón tay thon thon, nhọn nhọn, mềm mềm của đứa con gái đẹp.
Trò chơi đố hình ảnh này lúc nào cũng mang đến cho hai thằng tôi niềm khoái chí. Có lần nó đố tôi:
- Mày thấy mưa rơi trên mái nhà như thế nào?
- Tao thấy như tãi nước.
- Những ngón tay mưa/dương cầm trên mái.
Nó đọc ngay cho tôi cả bài thơ của Dương Tường. Một bài thơ miên man và tinh tế.
Trong đội, tôi là thằng sống “phớt” đời nhất. Không hãnh tiến như thằng chỉnh chu, không dương dương như thằng học giả, không hồn nhiên chất phác như thằng lực điền cũng không bắng nhắng như thằng công tử. Cuộc sống trong trại trẻ mồ côi cho tôi cái kinh nghiệm sống “phớt” và “phỉnh phờ”. Tôi thích nhất là ngồi một mình trên gác cao ngắm hoàng hôn đi vào núi, nhìn mặt trời hiền hòa và tĩnh tại, rơi dần vào núi xanh chàm. Thi thoảng da trời lại ân sủng cho tôi những đám mây lãng đãng hồng ửng, vàng rực như đang cháy. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn bay vút lên trời làm bạn với gió mây.
Lần này là đội trưởng đến đánh thức tôi ra khỏi bồng bềnh hoài niệm. Ông nói vừa đủ nghe nhưng vẫn chắc nịch:
- Đến sông Né Loọng cậu dong dây và qua đầu tiên nhé!
- Vâng.
- Tôi phải nói trước để cậu chuẩn bị cho chu đáo. Trong đội, tôi quý cậu như cánh tay phải của mình.
- Dạ.
Lời nói của đội trưởng làm tôi nóng rực cả mặt. Thằng chỉnh chu hơn tôi về mọi thứ. Thằng lực điền “lịnh” ông chỉ còn thiếu nước bốc thơm ông một tấc lên giời. Nếu tôi là tay phải thì chúng nó là hai con ngươi của ông. Tôi cười thầm ý nghĩ của mình. Thằng chỉnh chu đến bên tôi khẽ hỏi:
- Thủ trưởng nói gì với mày thế?
- Ông hỏi thăm sức khỏe tao.
- Phét.
- Thế sao mày còn hỏi.
Không nói gì, nó xị mặt đi ra xa tôi. Tôi vấp vào thằng học giả đang áp tai xuống đường, giật mình, tôi nói toáng:
- Mày làm gì đấy?
- Áp mặt xuống đường nghe sỏi đá yêu nhau!
Cái thằng lúc nào cũng làm tôi bất ngờ trìu mến.
Dòng sông Né Loọng đã trước mặt, nước dâng cao ngầu đỏ, xối xả chảy qua ghềnh đá. Mỏm đá mỗi khi qua tôi thường vin tay, xoa xoa cái đầu tròn vo của nó giờ đã ngập xấp xấp. Rồi đột ngột, cơn mưa rừng ào ào trút xuống. Những hạt mưa như sợi thừng nối trời với đất rồi mất hút vào lớp mùn đang nhão ra. Mưa vỗ mặt người không kịp vuốt. Nước nhanh chóng tìm đến nhau, gộp thành dòng chảy ngoằn ngoèo, bật tung lên qua các rễ cây, cành rụng cuốn theo lá mục, theo cả lũ kiến chưa kịp chạy hết về tổ. Nước sông qua đoạn ghềnh đá gào rú càng lúc càng dữ tợn, ầm ầm ào ào. Thằng lực điền chạy lên đầu mỏm đá cao bên sông, mặt nó trở nên đăm chiêu. Nó chạy xuống gần đội trưởng:
- Báo cáo, nước đang lên to.
- Tôi thấy rồi. Đội tuần tra nghe rõ: Vượt qua sông lúc này rất nguy hiểm, chúng ta sẽ mắc võng, căng bạt ngủ lại trong rừng đêm nay. Đồng chí Nguyễn Văn Tân chịu trách nhiệm tìm nơi an toàn để đội đóng lại qua đêm.
Tôi hô gọn:
- Rõ.
Rồi lập tức thi hành nhiệm vụ. Lần tìm trong rừng tạp, tôi kiếm ra một chỗ cao ráo, có những cây kháo lớn nhỏ. Vậy là được, tôi quyết định chọn chỗ này và quay lại dẫn cả đội đến.
Căng bạt và mắc võng xong thì trời đã sâm sẩm tối. Bóng tối sập nhanh như ông trời buông một tấm màn đen khổng lồ. Cơn mưa rừng dữ dội đã tạnh hẳn cũng nhanh như khi nó đến. Nhưng nước vẫn còn chảy trên mặt đất đủ tạo thành những dòng trông vui vui mắt. Thằng học giả nhẩn nha hát: “Chiều biên giới em ơi có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương…”. Thằng lực điền thì hát váng lên: “Nàng tôi sau nuỹ tre mờ xa Tình quê yêu thương những lếp nhà Nàng tôi yên ấm bao ngày qua..”. Mỗi thằng một phách, hát như cãi nhau loảng xoảng. Thằng chỉnh chu làm tay xua xua hai thằng:
- Thôi tôi xin các bố, cho tôi hai chữ bình yên.
Đội trưởng lên tiếng cùng cười:
- Các cậu hát như kéo xe bò thế, lỗ tai nào chúng tôi nghe được. Giờ tôi bắt nhịp bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đội ta cùng hát nhé.
Dàn đồng ca rồi cũng vang lên hùng tráng. Thằng công tử gân cổ hát trông đến buồn cười. Thằng chỉnh chu vừa vuốt lại mái tóc hất một bên kiểu Thái của nó vừa hát. Thằng lực điền hát ngọng líu ngọng lô làm thằng học giả vừa hát vừa cười ùng ục. Đội trưởng hát say sưa, giữ nhịp cho anh em. Tôi nhìn, hát và thấy yêu “gia đình” này quá!
Sau bữa ăn lương khô và nước lọc, chúng tôi ngồi sinh hoạt. Phần điểm lại công việc trong ngày được đội trưởng kiểm khảo cụ thể. Xong, ông đánh giá chung:
- Báo cáo các đồng chí. Hôm nay, đội ta đã làm tốt nhiệm vụ tuần tra đường biên, phát mốc… Theo đúng lịch trình đã định thì tối nay chúng ta về đến bản Ca và nghỉ đêm ở đó nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép nên phải nghỉ dã chiến ở đây. Đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần phấn đấu, dũng cảm của bộ đội Biên phòng…
Những lời của ông đội trưởng trôi nhanh qua đầu tôi. Đến phần tự sinh hoạt, chúng tôi túm tụm nghe thằng học giả kể chuyện để mặc ông đội trưởng với cái máy bộ đàm. Đêm nay, thằng học giả đãi chúng tôi một loạt chuyện cười dân gian.Trong cảnh màn trời chiếu đất này mà nghe truyện cười thì chẳng khác gì được dự một bữa tiệc thịnh soạn tiếng cười. Thằng lực điền há hốc mồm ra cười khà khà, người rung bần bật. Thằng công tử thì ôm bụng cười đổ ngả đổ nghiêng, chân đành đạch đập xuống nền đất. Thằng chỉnh chu ngoác miệng cười làm cái miệng vốn rộng hơn so với quy chuẩn của nó như muốn dán vào tận mang tai. Xen lẫn đó là những tiếng cười khục khặc của đội trưởng đã đến góp phần. Tôi thì cười chảy cả nước mắt, nếu khóa không tốt thì ướt hết cả đũng quần rồi. Riêng thằng học giả cứ như một diễn viên hài đại tài, nói toàn chuyện cười vỡ bụng mà mặt tỉnh queo, cứ như thể nó nhả hết tiếng cười vào đồng đội rồi.
Sau màn cười tức hết bụng, cả đội ai về võng nấy đi ngủ, chỉ cử ra một người gác. Ca đầu tiên giao cho thằng lực điền. Thằng này có tính đã ngủ là say đến nỗi người khác lăn đi cũng không dậy nên vẫn thường phải gác ca đầu tiên. Tôi nằm mãi vẫn không ngủ được. Đầu óc tôi miên man nghĩ những chuyện đã qua. Nhất là về câu nói của đội trưởng “Cậu là cánh tay phải của tôi”. Sao lại thế nhỉ? Hay tại mình biết bí mật của ông nên lại muốn “bịt miệng”? Số là trong lần tuần tra cách đây ít lâu, đêm ngủ lại nhà bà góa ở bản Ca, tôi đang gác thì phát hiện một đốm sáng bé bằng cái mặt đồng hồ đeo tay cứ bò trên nền nhà hướng từ phía buồng bà góa mò về chỗ ngủ của đội trưởng. Tôi nâng nhẹ chân tiến lại và nhận ra đúng là cái đồng hồ của đội trưởng. Ý nghĩ như một tia chớp lóe lên trong đầu, tôi lùi lại để cái đồng hồ về đúng chỗ của nó. Tôi tưởng chuyện đó ông không phát hiện ra, nhưng sáng hôm sau, ông ôm vai tôi thân mật nói:
- Tân này, ra đây chú nói chuyện.
- Dạ.
- Cháu còn người thân nào không?
- Thưa đội trưởng, cháu còn một chị gái đã lấy chồng ở quê.
- Vậy hả. Nếu cậu tiến bộ trong quân đội sẽ giúp được cả cậu, cả chị gái. Nếu cậu muốn….Tôi sẽ đề bạt lên cấp trên nhắm cậu vào diện đào tạo nguồn của đơn vị.
Tôi ậm ừ chưa dứt khoát vì với tôi “bí mật” đó chẳng là gì so với những cái không lấy làm bí mật khác. Tôi lại nhớ nàng Sao của mình. Nhớ búp tay mềm mềm, man mát của nàng vẫn nằm trong tay tôi mỗi khi hai đứa gặp nhau. Nhớ lời nàng dặn “Khi nào, anh thưa chuyện với thủ trưởng đến nhà xin phép ba mẹ em để chúng mình nên vợ nên chồng”. Tôi đồng ý với nàng và đang định đi chuyến này về sẽ báo cáo thủ trưởng. Thôi thì, nước đến đâu bèo tới đó.
Có tiếng thằng học giả khẽ gọi:
- Tân, Tân ơi. Mày ngủ rồi à?
- Tao chưa. Cái gì đấy?
- Tao với mày lấy đèn pin đi soi tắc kè đi. Trời chiều nay vừa mưa thể nào lũ tắc kè hoa cũng kéo nhau ra.
Hai thằng tôi trốn qua lưng thằng lực điền đang ngong ngóng cổ về phía có con hươu tác. Thằng học giả bám vào tay tôi giật giật:
- Mày có ở đấy không?
- Tao đây.
Bóng đêm ken đầy mắt, tôi và thằng học giả bám tay nhau đi theo cảm giác. Đi được một quãng xa xa, ước chừng thằng lực điền không phát hiện được, hai thằng mới bật đèn pin rọi lên tán cây kháo tìm lũ tắc kè hoa. Thằng học giả nói:
- Trời thế này, bọn tắc kè chắc sẽ ra “uỵch” nhau.
- Thế thì tao với mày mù mắt à?
- Mù thế quái nào được. Tao thấy cả cái đồng hồ “uỵch” nhau còn chả sao.
- Mày cũng thấy à.
- Nhưng cái đồng hồ không biết gì đâu. Mày cũng đừng có nói.
- Được, tin tao đi.
Thằng học giả lắng tai, chưa được, nó lại áp tai xuống đất, tôi cười khì khì:
- Lúc chiều, mày nghe sỏi đá yêu nhau chưa đủ à?
- Không, có động.
Nó có vẻ lắng nghe, tập trung không khác chú đại úy béc-giê Ki-ki ở đồn.
- Không ổn rồi, chạy về báo ngay với cả đội, đất đá lở ở gần đây.
Tôi không nhịn nổi cười:
- Nhà bác học ơi, đồi núi thế này đất đá lở làm sao được, bố lại kể chuyện cười à?
- Không, rõ ràng là có mà. Tao nghe tiếng đất rung mạnh lắm. Mày theo tao.
Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của nó tôi tin thật, cũng tá hỏa ào theo. Tiếng động vang đến ngày càng to và rõ ràng như một đàn voi rừng đang rống lên. Không, nó giống như là vỡ cả trời đổ xuống. Thằng học giả không còn bình tĩnh nữa, chạy băng băng tưởng như chân nó không còn chạm đất chỉ truyền đi vun vút. Tôi cũng lao theo như tên bắn.
Gần đến nơi, thằng học giả hô rạc cả cổ họng:
- Dậy, dậy ngay. Chạy, chạy đi.
Nó và tôi xông vào từng võng lôi mọi người dậy. Vẫn còn ngái ngủ nhưng tiếng động làm mọi người răm rắp ôm vội ba lô, chạy ngược với hướng chúng tôi vừa về. Thằng công tử vấp ngã dúi dụi, làm thằng lực điền phải ôm hộ nó cái ba lô. Đội trưởng vẫn chạy sau cùng, hô những gì không ai nghe rõ nữa. Đã có thể cảm nhận dòng đất đá ngay sau lưng. Thằng lực điền băng băng phía trước làm hoa tiêu cho anh em cứ thế phi theo. Cả một dòng đất đá ùn ùn đổ sau lưng chúng tôi. Còn nghe rõ cả tiếng gầm rú, kêu gào của những loài thú lớn, tiếng rinh rích, i ỉ của những con chuột rừng chạy nạn.
Đến được nơi an toàn, đội trưởng tập trung sỹ quan - chiến sỹ trong đội điểm danh, kiểm tra quân tư trang và thiết bị chuyên dụng. Đội trưởng ồ to lên:
- Ô, chết tôi rồi, cái máy…cái máy bộ đàm không thấy đâu. Rơi mất rồi các cậu ơi.
Cả đội lo lắng, ái ngại cùng đội trưởng. Tôi xung phong quay lại tìm, thằng học giả vội ngăn:
- Nguy hiểm chết người đấy.
- Để tao đi, người mày như cái chạc buộc mũi trâu, sức đâu mà chạy. Để tao quay lại cho.
Thằng lực điền quả quyết. Thằng chỉnh chu thì có ý kiến:
- Thưa đội trưởng, để bảo đảm tính mạng và tài sản của đội ta theo em để cơn lũ đất đá đi qua, chúng ta hãy trở lại và cùng tìm.
- Làm thế nhỡ cái máy bị vùi lấp, chúng ta bị chia cắt với đồn không về được thì chỉ còn nước làm người rừng ở đây.
Thằng học giả nói thế cũng phải. Tôi khẳng định:
- Tốt nhất đội trưởng để em quay lại. Em tứ cố vô thân có mệnh hệ nào đỡ phiền lòng ai.
Nói đến thế thì cả đội mới chịu. Thằng công tử khoác vào cổ tôi cái vòng hộ mệnh của nó. Tôi dò tìm cái máy bộ đàm trong trời tảng sáng dần. Từ chỗ chỉ nhìn rõ chân mình, tôi đã nhìn được những cành cây to, lá to bản của loài dây rừng. Đi một quãng khá xa vẫn chưa thấy cái máy bộ đàm. Dòng lũ đất đá mỗi bước một gần hơn, vẫn rầm rập những tiếng đá lăn, ầm ập tiếng đất, tiếng nước trộn vào nhau.
Tôi đã nhìn thấy dòng chảy từ núi ra. Đất đỏ ngầu như trộn lẫn không biết bao nhiêu mà kể thứ gạch cua vàng au và những khối đá mồ côi, to sàn sàn như con lợn tạ. Tôi đứng lại, thở dài tuyệt vọng vì rất có thể dòng đất đá đã vùi lấp cái máy bộ đàm. Sau lưng có tiếng bước chân thình thịch, không cần quay lại tôi cũng biết là thằng lực điền. Thấy tôi, nó mừng ra mặt, vỗ đánh bốp vào vai.
- Mày vẫn sống à?
- Vẫn còn sờ sờ đây. Sao mày theo tao?
- Mày đi đã hơn cả tiếng đồng hồ. Mọi người đều lo, thế là tao xin phép đội trưởng đi theo tìm mày.
- Tao vẫn chưa tìm được cái máy bộ đàm.
Thằng lực điền ui lên một tiếng rồi nhảy bổ về phía trước tôi, miệng hô to:
- Nó kia! Tìm thấy rồi.
Nhưng kìa, một hòn đá to bằng con trâu mộng xuất hiện đột ngột như tên hung thần. Tôi hô váng lên báo cho thằng lực điền. Nó tung mạnh chiếc bộ đàm về phía tôi. Tôi lao sang đón lấy, không để cái bộ đàm đập xuống đất. Một trấn động rung lên như có mìn nổ, hất tôi ngã dúi dụi vào đám dây leo chằng chịt. Khi tôi mở được mắt ra thì cả tảng đá đã đè vào chỗ thằng lực điền. Tôi gào lên. Tiếng gào của tôi bị đất đá ầm ào nuốt chửng. Một phần nghìn tia hy vọng lóe lên rằng thằng lực điền kịp lăn qua bên kia tảng đá. Mò mẫm đến gần, tôi thấy chiếc giầy của thằng lực điền dính bê bết bùn đỏ và máu đỏ. Cảm giác mất mát ập đến kéo chân tôi khụy xuống, đập đầu xuống đất như bổ củi. Nước mắt, nước mũi dàn giụa, hàm răng thì cứng lại.
Trở lại chỗ đội tuần tra, tôi bước như thằng mất hồn, tay buông lơi, tay nắm chặt cái máy bộ đàm. Thằng học giả chạy bổ ra đỡ tôi:
- Mày, mày làm sao đấy?
Tôi nhìn nó mắt nhòa đi, không thấy gì nữa. Từ cổ họng bật ra những tiếng khàn đặc:
- Thằng lực điền hi sinh rồi.
Nói thế rồi tôi lịm luôn trên vai thằng học giả. Khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm trên tấm tăng, bên cạnh là đội trưởng và thằng công tử, thằng học giả gọi thằng chỉnh chu mang nước đường tới. Nó giục tôi uống cho đỡ mệt. Uống được hết cốc nước, tôi tỉnh ra được phần nào. Nhưng hồn tôi vẫn lai vãng bên phiến đá to bằng con trâu mộng có chiếc giày ướt nhoẹt máu đỏ, bùn đỏ.
Cả đội lại nghỉ thêm một hôm nữa cho tôi lại sức. Chiều đến, nỗi mất mát đã lắng lại, tôi ngồi kể chuyện đau lòng cho mọi người, không có bóng dáng phốp pháp của thằng lực điền nữa. Thằng học giả chế thơ Quang Dũng: Áo bào thay chiếu anh về đất/Né Loọng gầm lên khúc độc hành. Thằng công tử thở than:
- Sớm nay, mày còn cắp hộ tao cái ba lô thế mà giờ mày đã ra đi…
Đội trưởng lên giọng ngạt mũi sốc lại tinh thần cho anh em:
- Nào các cậu! Đồng chí Lê Văn Luyên đã hi sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Tôi nói để các cậu hiểu. Cái chết ấy là cái chết sáng ngời. Các cậu phải soi lại mình để tiếp tục sống cho xứng đáng.
Thằng chỉnh chu kéo chúng tôi vào việc soát đồ đạc trong ba lô của thằng lực điền. Thằng nào cũng muốn sờ nắn những hơi ấm để lại của đồng chí Lê Văn Luyên- chúng tôi vẫn gọi với cái tên thân thương thằng lực điền. Thằng học giả cầm lên cuốn sổ bọc da màu đen đã cũ. Nó lật giở từng trang khẽ khàng.
- Nhật ký của thằng lực điền chúng mày ạ! Tao đọc một đoạn nó mới viết đêm qua: “Đường hành quân, ngày 23 tháng…năm….
…Đất Mẹ ơi, con yêu người biết mấy! Từng hạt mưa thấm vào con nà từng giọt lước mắt Mẹ đó. Chỉ riêng cho Mẹ con hiến dâng cả tính mạng mình….”.
Tiếng đọc truyền cảm của thằng học giả cứ vang mãi, ngân nga mãi trong tôi…
T.M
Tác giả: Nguyễn Tuệ Minh
Địa chỉ: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn