"Cổ phần hóa" phim điện ảnh bằng NFT

Xuất hiện từ năm 2017, NFT nhanh chóng khuynh đảo toàn cầu với các thương vụ lên tới hàng triệu USD. Ở Việt Nam, ngoài hội họa và âm nhạc, điện ảnh đang trở thành mảnh đất tiềm năng của NFT, biến mỗi khán giả trở thành nhà đầu tư cho các dự án phim.

Những dự án mở đường

NFT (viết tắt của cụm từ "Non fungible token") tạm dịch là "Mã thông báo không thể thay thế". Đây là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ blockchain (sổ cái kỹ thuật số). Mỗi NFT đại diện cho một sản phẩm độc nhất vô nhị, mang tính duy nhất và các NFT không thể thay thế, hoán đổi cho nhau. Với ba đặc tính nổi bật: tính duy nhất (không thể phân chia); tính độc lập (không thể làm giả, không bị phụ thuộc); tính xác minh (nhận dạng chủ sở hữu) nên NFT được coi như một dạng tài sản số.

Phim "Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn đang gọi vốn cộng đồng bằng NFT.

Ra đời vào năm 2017, NFT không còn dừng lại ở hình thức sưu tầm đơn thuần mà nhanh chóng trở thành giải pháp hữu hiệu cho giới sáng tạo nghệ thuật kỹ thuật số, game online, âm nhạc, hội họa... NFT giúp họ lưu trữ, xác định sự tồn tại và quyền sở hữu của các sản phẩm, tài sản và giao dịch trên thế giới số. Những bức tranh, ảnh đồ họa... khi được định dạng dưới hình thức NFT đều có cái giá ngất ngưởng đến mức khó tin. Chẳng hạn loạt tác phẩm nghệ thuật của Beeple Pak được giao dịch lên đến hàng chục triệu USD. Hình ảnh xuất thần của các ngôi sao bóng đá được thương hiệu NBA Top Shot chào bán dưới hình thức NFT cũng thu về hơn 750 triệu USD.

Không dừng lại ở NFT "tĩnh", dạng NFT "động" bắt đầu dấn thân vào ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh và truyền hình. Cuối năm 2021, bộ phim đầu tiên gắn mác NFT mang tên "Zero contact" do Hollywood sản xuất được công chúng chào đón nhiệt liệt. Bằng cách phát hành phim như một NFT trên nền tảng Vuele, nhà sản xuất đã thu về khoản doanh thu khổng lồ mà nhiều hãng phim ao ước. Thành công của "Zero contact" là bước ngoặt lớn, mở ra "tấm bản đồ" tương lai cho ngành điện ảnh toàn cầu.

Ở Việt Nam, người tiên phong mang NFT vào thị trường điện ảnh là đạo diễn Charlie Nguyễn. Năm 2021, anh trình làng dự án FAM Central. Charlie Nguyễn cho biết, thông qua công nghệ NFT trên nền tảng blockchain, FAM Central kết nối các dự án điện ảnh chất lượng và cung cấp những thông tin minh bạch, toàn diện về các dự án phim đến khán giả. Từ đó, cộng đồng người hâm mộ có cơ hội đóng góp ý tưởng, ra quyết định về kịch bản và trở thành nhà đầu tư cho chính bộ phim mà họ yêu thích.

Với công nghệ blockchain, nhà làm phim dễ dàng "cổ phần hóa" tác phẩm mình ấp ủ thành một lượng NFT nhất định và bán nó để gọi vốn từ cộng đồng. Tương tự như cổ phiếu, mỗi NFT khi chào bán ra công chúng có giá cố định đã được nhà làm phim định giá theo kinh phí làm phim. Khán giả chính là cổ đông, tùy vào túi tiền của mình mà mua một lượng NFT tương ứng.  Khi phim ra rạp và có doanh thu, số tiền này sẽ hoàn vốn cho nhà đầu tư. Phim có lợi nhuận thì chia theo tỉ lệ phần trăm và dựa trên số NFT mà mỗi nhà đầu tư nắm giữ. Tương tự như thị trường chứng khoán, những ai nắm NFT đều có thể bán lại tùy thích, miễn có người mua đối ứng.

Ngoài dự án FAM Central, hiện đang có hai bộ phim kêu gọi vốn cộng đồng bằng hình thức rao bán NFT trên trang web NFT5. Đó là "Chó săn" của đạo diễn Phạm Thanh Hải và "Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn. "Chó săn" là bộ phim hành động võ thuật đấu võ đài MMA. Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, "Chó săn" kể về một võ sĩ chuyên nghiệp đầy tiềm năng nhưng bị tẩy chay, giờ đây anh đặt tính mạng của mình vào những trận đấu ngầm đẫm máu với hy vọng tìm lại những gì đã mất. Dự án gây chú ý với sự góp mặt của diễn viên - đạo diễn hành động nổi tiếng người Hà Lan Ron Smoorenburg.

Dù mới mở bán hồi cuối tháng 8 nhưng dự án phim "Móng vuốt" đã nhận về số lượt mua NFT tích cực. Đến ngày 3/9, phim đã huy động được 50% lượng NFT chào bán. Bảo chứng thành công của "Móng vuốt" đến từ sự mát tay của Lê Thanh Sơn - vị đạo diễn trong "câu lạc bộ phim trăm tỷ" khi anh từng cầm trịch bộ phim đình đám "Em chưa 18". Ngoài ra, sức nặng của kịch bản gay cấn cùng tên tuổi nhà sản xuất - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và dàn diễn viên ngôi sao đã thuyết phục khán giả rót tiền. Họ kỳ vọng "Móng vuốt" sẽ lặp lại thành công của "Em chưa 18" một thời. Sắp gọi vốn vào tháng 9 tới đây trên trang NFT5 là bộ phim "Kềm thép" của đạo diễn trẻ Phan Thanh Nhiên.

Ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư

Lâu nay, nghệ thuật thứ bảy luôn bị mặc định là cuộc chơi đầy tốn kém và rủi ro. Đầu tư vào lĩnh vực này thường là một đơn vị có số vốn lớn. Tuy vậy, việc lựa chọn kịch bản nào để rót vốn là bài toán cân não với nhà đầu tư. Đạo diễn danh tiếng đi gõ cửa xin kinh phí làm phim còn khó thì với nhà làm phim độc lập hay đạo diễn tân binh, cửa ải này càng thách thức.

Đạo diễn Charlie Nguyễn là người tiên phong đưa nền tảng blockchain vào điện ảnh.

Đầu vào đã vậy, đầu ra càng thót tim. Kinh phí một bộ phim hiện nay trung bình khoảng một triệu đô. Nhưng khi ra rạp, hên thì phim hoàn vốn, xui thì lỗ. Mà với thị trường điện ảnh Việt, xui nhiều hơn hên. Số phim có doanh thu mơ ước, gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ", chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số phim phát hành. Để xảy ra tình trạng này là bởi mong muốn của nhà làm phim và công chúng không gặp nhau. Theo đánh giá chủ quan của ekip sản xuất lẫn nhà đầu tư thì phim hay, nhưng khi phát hành, phim lại không thỏa mãn thị hiếu của khán giả.

NFT trở thành cầu nối giải quyết vướng mắc này. Nói không ngoa, NFT bước vào điện ảnh đã góp phần định vị lại mối quan hệ giữa nhà làm phim và công chúng. Từ trước đến nay, đó là mối quan hệ một chiều. Nhà làm phim sản xuất ra tác phẩm và công chúng thụ hưởng, đánh giá. Với NFT, mối quan hệ này trở thành quan hệ tương tác, hỗ trợ cho nhau.

Đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích: "Công nghệ NFT có thể cộng đồng hóa quy trình sản xuất phim, nhà làm phim sẽ nhận được những phản hồi và đóng góp tích cực từ khán giả để hoàn thiện dự án của mình trong quá trình sản xuất, một điều rất quan trọng để nâng cao chất lượng. Họ sẽ có góp ý về mặt nhân sự như diễn viên đến khâu hình ảnh, kịch bản... để phù hợp thị hiếu. Công nghệ NFT cũng đồng thời xây dựng một cộng đồng người hâm mộ đứng sau để hỗ trợ cả về mặt chất lượng và marketing cho phim. Vì có quyền lợi gắn vào bộ phim nên khi phim phát hành, chắc chắn những khán giả kiêm cổ đông này sẽ trở thành những người quảng bá, truyền thông nhiệt tình. Qua đó, quy trình này sẽ giảm rủi ro cho dự án, đảm bảo nhà sản xuất không "ném tiền qua cửa sổ", một điều thường xuyên xảy ra trong giới làm phim".

Ngoài thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, khán giả tham gia hình thức gọi vốn bằng NFT cũng nhận thấy đây là một loại hình đầu tư hấp dẫn. Vì giá một NFT rất nhỏ nên ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư cho bộ phim mình yêu mến. Lợi thế khi ứng dụng NFT trong điện ảnh giúp cho quá trình thực hiện dự án diễn ra minh bạch và đảm bảo chia sẻ lợi ích tự động, công bằng cho các bên tham gia thông qua hợp đồng thông minh. Các dự án phim đều ưu tiên hoàn vốn cho nhà đầu tư khi phim ra rạp. Với dự án "Móng vuốt", nếu đạt 60 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn. Khi phim đạt khoảng 100 tỷ thì nhà đầu tư đã có lời 50%. Thời gian chia sẻ thu nhập cho người sở hữu NFT kéo dài tới 10 năm.

Đương nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nào cũng luôn có rủi ro, nhất là NFT và công nghệ blockchain còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh về NFT lẫn cơ chế giám sát, quản lý nó nên việc đảm bảo cho những cá nhân sở hữu tài sản số như NFT còn khá bấp bênh. Việc định giá NFT cho từng dự án cũng chưa có quy định cụ thể, dễ bị thao túng. Nếu nhà đầu tư không có đủ kiến thức để tự đánh giá dự án mình đầu tư thì đó là quyết định xuống tiền khá mạo hiểm.

Việc sớm ban hành khung pháp lý bắt kịp đà phát triển của công nghệ là cần kíp để điện ảnh NFT phát triển đúng hướng và gặt hái thành quả. Bởi không còn nổi lên như một hiện tượng nhất thời, NFT thực sự đang làm một cuộc cách mạng với nền công nghiệp điện ảnh. Đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định: "NFT chỉ mới được ứng dụng vào ngành điện ảnh trong thời gian gần đây, nhưng đang có tốc độ phát triển ổn định bởi nó chứng minh được tính ưu việt". Còn đạo diễn Phạm Thanh Hải thì cho rằng mô hình gọi vốn cộng đồng thông qua nền tảng blockchain là hình thức rất mới nhưng nhiều hứa hẹn với thị trường điện ảnh Việt Nam.

Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/