"Lời răn riêng" của cố Thiếu tướng – Nhạc sĩ An Thuyên – Bài của Cao Thâm
Thiếu tướng – Nhạc sĩ An Thuyên sin năm 1949, mất ngày 3/7/2015, đến nay tròn 7 năm. Đã có rất nhiều bài báo ca ngợi công lao to lớn của ông với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và với sự phát triển của Trường Đại học VHNT Quân đội - nơi ông nhiều năm làm Hiệu trưởng. Nhưng ít người nói đến vai trò của ông trong việc vận động và thành lập Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (VHDN) với Đề cương hành động gồm 9 chữ Vàng “Văn hóa Doanh nghiệp - Trường tồn dân tộc Việt” với lời răn riêng.
Nhân 7 năm ngày giỗ của ông, tôi kể chuyện này...
Nhạc sĩ An Thuyên với một số Ủy viên BCH khóa đầu tiên (2014 - 2018), Hiệp hội PT Văn hóa Doanh nghiệp VN (từ trái sang: Nhà báo Cao Thâm, Á hậu Phùng Thị Lan; TS. Phan Quốc Việt; NSUT Huyền Thanh; Nhạc sĩ An Thuyên...Doanh nhân Phan Đăng Tuất,
Từ ý tưởng lớn....
Tôi là người em đồng hương với nhạc sĩ An Thuyên và là Uỷ viên BCH khóa đầu tiên của Hiệp hội VHDN nên biết khá nhiều về ý tưởng lớn và nỗi vất vả của Nhạc sĩ An Thuyên trong việc chủ trì vận động thành lập Hiệp hội VHDN. Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ, trong kinh doanh, nếu không coi văn hóa là cốt lõi thì kinh tế sẽ không có nền móng để phát triển. Các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều coi văn hoá là nền tảng, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ở nước ta, một số doanh nghiệp phát triển tốt đã quan tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp, nhưng chỉ giới hạn trong tập đoàn, công ty họ, mà chưa lan toả ra toàn quốc gia. Còn lại, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến văn hoá, chỉ đến khi kinh tế thất bại mới nhận ra vị trí quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Từ suy nghĩ đó, sau khi nghỉ hưu, ông thực hiện ý tưởng vận động thành lập Hiệp hội VHDN với Đề cương hành động gồm 9 chữ Vàng “Văn hóa Doanh nghiệp - Trường tồn dân tộc Việt”.
Ông đã đi nhiều nơi, tham khảo ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các doanh nhân có uy tín, các văn nghệ sĩ lớn về việc thành lập Hiệp hội. Ông cũng đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc hội thảo; giải quyết rất nhiều thủ tục hành chính và ngày 27/12/2003, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 2179/QĐ-BNV thành lập Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi nhớ, hôm Văn phòng Hiệp hội nhận con dấu cũng là ngày BCH Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng nền Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (thay thế Nghị quyết TW 5, Đại hội 7 về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc). Trong căn phòng nhỏ ở Khách sạn Bảo Sơn, mấy anh em quây quần bên Nhạc sĩ An Tuyên. NSND Đặng Hùng, Chánh Văn phong Hiệp hội đưa ra tệp giấy trắng. Nhạc sĩ An Thuyên trịnh trọng nâng con dấu lên rồi đóng dấu xuống trang giấy trắng trong tiếng vỗ tay của mọi người. Cho hay rằng, Nhạc sĩ An Thuyên đã nắm bắt rất trúng và đúng xu thế của thời đại với tầm nhìn xa.
Đại hội lần thứ Nhất nhiệm kì 2014 - 2019 của Hiệp hội diễn ra vào ngày 20/3/2014, tại Khách sạn Mường Thanh với hơn 200 hội viên đã bầu Nhạc sĩ An Thuyên làm Chủ tịch. Ban chấp hành gồm 67 người với nhiều doanh nhân thành đạt; nhiều nhà khoa học nổi tiếng và nhiều người làm trong lĩnh vực nghệ thuật như: Nhạc sĩ Nguyễn Cường; NSND Thanh Hoa; cựu siêu mẫu Thúy Hằng, nhà thiết kế Minh Hạnh, Lan Hương, họa sĩ Thành Chương, nghệ sĩ múa Tuyết Minh, siêu mẫu Hà Anh,...
Đại hội đã đặt ra 3 mục tiêu, 4 nhiệm vụ, 6 chương trình hành động và đặc biệt ấn tượng với khẩu hiệu 9 chữ Vàng được đề ra trong Đề cương hành động của Ban vận động Hiệp hội là “Văn hóa doanh nghiệp – Trường tồn dân tộc Việt”. Tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, phát huy yếu tố đạo đức nghề nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội, tham gia các phong trào văn hóa – nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, giữ vai trò là cầu nối giữa hội viên với các cơ quan chức năng của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Điều răn riêng
Nhạc sĩ Anh Thuyên chia sẻ với chúng tôi: “Việc ra đời Hiệp hội VHDN mang ý nghĩa to lớn; nhiệm vụ quá nặng nề mà sức lực, trí tuệ mình thì quá nhỏ, bé, biết bao nhiêu khó khăn đang chờ phía trước. Trong tâm trạng ấy, không hiểu sao tôi cứ thấy có hai hình tượng trong chuyện dân gian Việt Nam ta, một con vật, một con người, cứ hiển hiện trong tâm can tôi, nhảy múa trước mắt tôi, rồi thốt ra hai câu nói:
“Tôi chỉ muốn được như con Rùa”
“Tôi có người bạn tên là Bờm”.
Tôi hỏi lại: “Sao lại Rùa và Bờm? Rùa thì chậm, Bờm thì ngu…?”
Tiếng trả lời: “Người có biết mà không hiểu!”.
Rùa là một trong Tứ linh (Long, Li, Quy, Phượng)
Rùa là Lẩy nỏ của An Dương vương.
Rùa Vàng nhận Gươm báu của Lê Lợi để đất nước thái bình.
Rùa là bệ đỡ những giá trị trường tồn, nơi Văn bia Quốc Tử Giám, nơi thờ cúng linh thiêng bao đời.
Rùa có vỏ bọc vững chắc, sống lâu, ăn ít.
Và cuối cùng Rùa trong chuyện ngụ ngôn: “Thỏ và Rùa”.
Rùa biết lượng sức, biết mình biết ta, biết tính toán, chắc chắn, thận trọng và cuối cùng về đích, thắng cuộc.
Còn Thằng Bờm ư? Đáng là bạn chí cốt lắm!
Ai bảo Bờm ngu? Bờm là người trung thực, biết cái gì của mình làm được thì mình hưởng, không ảo tưởng, không tham lam. Cái quạt mo là tài sản quý giá của Bờm, nhưng Bờm đâu dám nghe Phú Ông đổi lấy ba bè gỗ Lim, đàn trâu, đồi mồi, ao cá mè… Chỉ đến khi được nắm xôi thì Bờm thấy hài lòng bằng một nụ cười hồn nhiên, mãn nhãn, vì nó tương xứng với tài sản của mình. Cần phải nói lại cho Bờm một lời: “Bờm là người thật tốt, chân thực và rất thông minh. Người thông minh mới biết rõ mình. Làm người được như Bờm đâu dễ…”
Phải chăng, hai câu nói trong tâm khảm đã nhắc nhở chúng tôi, một cho hướng đi, một cho nhân cách, để xây dựng Hiệp hội trong giai đoạn đầu đầy những khó khăn, thử thách. Tôi xin nói ra đây để cùng được chia sẻ, rồi mong mỏi mọi người hãy “xắn tay” cùng chúng tôi để một công việc mới mẻ, nhiều ý nghĩa vượt qua mọi khó khăn thành hiện thực hữu ích.
Tôi gom lại thành điều răn riêng:
“Đi thật chắc chắn và luôn không tham lam!”.
Sứ mệnh của Hiệp hội quá lớn; nhiều việc lớn của Hiệp hội đã được Đại hội lần thứ Nhất thông qua rất cần sự chèo lái của Nhạc sĩ An Thuyên. Tiếc rằng, nhạc sĩ An Thuyên đột ngột ra đi vào ngày 3 tháng 7 năm 2015, trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, bạn bè đồng nghiệp và đông đảo khán giả.
Nhà báo Cao Thâm