Phim ký sự Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân - kể tiếp về tập chín, tập mười!
Vũ Thành - em trai anh Xuân và đại tá Hoàng Sáu - Nhà xuất bản QĐND cho mời tôi đến Nhà xuất bản trao đổi, bảo rằng: Cuốn nhật ký Vũ Xuân xuất bản và phục vụ bạn đọc đã tròn 17 năm.8 tập phim do Báo Thái Nguyên sản xuất năm 2006,phát trên VTV1 tới 7 lần,VTC1 5 lần…giúp người xem nắm rõ nội dung. Nhưng từ năm 2010, Đài PTTH Thái Nguyên lại làm tiếp tập 9 và 10 là sao?Vậy là còn đó một góc khuất…
Chuyện đã lâu,bây giờ xin lược lại
Những năm 2005 trở về đây, độc giả, khán thính giả được biết tới một cuốn nhật ký chiến tranh thật đặc sắc mà người viết nó là một cán bộ quân đội từng trải - Vũ Xuân, Chính trị viên tiểu đoàn 2311 thuộc Đoàn 6 pháo binh Quân giải phóng miền Nam.Anh Xuân sinh ra và lớn lên tại Tiểu khu Hoàng Văn Thụ TP Thái Nguyên. Là nhật ký của một sỹ quan chính trị nên cuốn hút bởi tính tư tưởng, chính trị và hoài bão của tuổi trẻ cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc - giai đoạn đánh và thắng Mỹ. Cuốn nhật ký và tác giả của nó đã làm thổn thức và lay động tình cảm của nhiều người khi được anh em làm báo ở tỉnh Thái Nguyên, quê hương Vũ Xuân kể lại bằng hàng loạt các bài báo và bộ phim ký sự tài liệu khởi đầu 8 tập, theo sát hành trình 11 năm hành quân và chiến đấu mà liệt sỹ Vũ Xuân đã lưu bút. cũng đồng thời qua đây kể lại những năm tháng gian khổ, hy sinh lớn lao mà vô cùng anh hùng của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, các đài địa phương đã phát nhiều lần bộ phim này.
Phim kể lại rằng: Ngày 3/7/1963, từ Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) quê hương, chàng trai Vũ Xuân cùng bạn học lên đường nhập ngũ, để lại tất cả kỷ niệm tuổi thơ nhọc nhằn, hoài bão và cả những rung động đầu đời lên đường đi đánh Mỹ. Anh và thế hệ các anh lên đường với mục đích cao cả, Vũ Xuân viết trong nhật ký: "Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình,của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”. Cho đến ngày hy sinh (13/5/1974), đằng đẵng 11 năm trời, Vũ Xuân có 3 lần hành quân bằng đôi chân trần, chiến đấu trên đất nước Việt Nam, nước bạn Lào và Campuchia : Từ Thái Nguyên - Sơn Tây - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - vượt Trường Sơn – Sa pa -na- khẹt, Hủa Phăn (Lào); StungTreng - Carachie - Công Pông Chàm - Công Pông Chnăng - Căm Pốt - Tà Keo (Cam phu Chia); Hà Tiên - U Minh thượng – U Minh hạ - Cà Mau, Gò Quao (Việt Nam)... Nhật ký để lại những trang viết, những câu nói đầy xúc động, như là phương châm sống cho các thế hệ người Việt Nam “Tôi muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Phim kể lại những chặng đường hành quân chiến đấu và hy sinh của thế hệ các anh bằng từng tập, lôi cuốn, hấp dẫn người xem: Tập 1 - Năm 1963 ; tập 2 - Tiền tuyến gọi; tập 3 - Miền đất lửa; tập 4 - Phía Tây Trường Sơn; tập 5 - Trên đất nước Ăng-Co; tập 6 - Sông nước Cửu Long, nơi anh ngã xuống; tập 7 - Nghĩa tình người ở lại ; tập 8 - Quê hương nghĩa nặng tình sâu…Chưa quen với viết lời bình phim và tổ chức phim trường nhưng các cây viết, tay máy:Ngọc Sơn,Xuân Hoà, Vũ Liêu,Thuý Hằng,Minh Hằng, Liêu Chiến, Hữu Minh,Thế Hà,Hoàng Hưng…đã thực hiện tốt phần việc được giao. Cuốn nhật ký, các bài báo và bộ phim đã tạo hiệu ứng rất mạnh trong đời sống xã hội. Hàng chục cuộc hội thảo, tổ chức Quỹ học bổng mang tên Vũ Xuân; in hàng nghìn bộ đĩa phim phục vụ học ngoại khóa của các trường học…
Cũng từ các hoạt động ấy, đặt ra những câu hỏi mới, vừa có lý, vừa có tình. Tôi - người cùng với các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức tuyên truyền cuốn nhật ký và trực tiếp từ năm 2006 đi lại cuộc hành trình Vũ Xuân đã đi để làm 8 tập phim tài liệu, được hỏi nhiều. Rằng vì sao chính trị viên tiểu đoàn 2311 Vũ Xuân chiến đấu anh dũng, hy sinh lẫm liệt như vậy mà chưa là Anh hùng?
Tập Chín và Mười ra đời như thế
Qua việc làm phim thấy vai trò của đồng đội anh Vũ Xuân, là đại tá Đỗ Hà Thái mà hình ảnh, việc làm còn đó, đã có tổ chức nào ghi nhận chưa? Có đúng là địa phương, tiểu khu Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên lúc đầu đã chưa giúp đỡ để việc đưa hài cốt anh Xuân về quê được chu tất? Trái tim còn nguyên vẹn sau 6 năm? Một số tình tiết như chuyến bay TU104 từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội?...Vậy là với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo,chúng tôi phải đi để góp phần giải đáp câu hỏi trên…
… Cuốn nhật ký luôn nằm trong ba lô cho đến ngày anh hy sinh tại Đồn Kênh 2 huỵên Gò Quao tỉnh Kiên Giang - ngày 13/5/1974. Theo nhật ký, Vũ Xuân ghi: "Nam tiến lần thứ 3 này chặng đường sẽ rất gian truân”, “Đời anh lính không có gian khổ nào giống gian khổ nào thật". Lần mò trong rừng đêm gần 3 tiếng đồng hồ, dừng nghỉ thì không an toàn, mà đi thì vai đeo ba lô 30kg leo đèo, lội suối, lần rừng đêm… Chiến trường T3 (mật danh vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ ). Những đêm trăng Đồng Tháp Mười, mắc võng giữa rừng tràm, xa quê, nhớ mẹ… Thế rồi… Đồn Kênh 2 thuộc xã Vĩnh Thắng huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang ở vào vị trí rất trống trải lại sát bờ kênh nên quân ta khó tiếp cận. Cấp trên biết rõ khó khăn này song vẫn hạ quyết tâm phải nhổ bằng được để mở thông con đường tiếp tế trên sông của ta tại ngã ba Di Hạng. Đêm đó anh Xuân cùng tiểu đoàn trưởng Đinh Huy Tỵ chỉ huy cùng bộ đội vượt kênh ém sát đồn. Anh Tỵ sau này kể lại với tôi: "Yếu tố bất ngờ không còn, chúng tôi vượt kênh vô cùng khó khăn, chúng tôi đã phải bắn tới 20 quả đạn cối 120 ly mà chưa tiêu diệt được đồn giặc. Tang tảng sáng, chúng tôi nổ súng tiêu diệt 2 lô cốt, lô cốt cuối cùng vẫn ngoan cố chống cự. Đây có thể nói là trận đánh khó khăn, ác liệt và cực kỳ anh dũng nhưng cũng tổn thất nhiều của đơn vị. Căm thù dồn nén vì nhiều đồng đội hy sinh, anh Xuân vùng dạy ôm B40 bắn liên tục 4 quả vào lô cốt địch, rồi lại dùng AK bắn tiếp. Một loạt đạn từ lô cốt, anh Xuân ngã xuống, hôm đó là ngày 13/5/1974
Riêng với tôi, sự hy sinh lẫm liệt của anh Xuân, thành tích to lớn của Đoàn 6 pháo binh và tiểu đoàn 2311, ý kiến ghi nhận công lao của Tư lệnh Quân khu 9 - Trung tướng Trần Phi Hổ, và nhiều người đều có chung suy nghĩ: Sao Đoàn pháo binh, sao Vũ Xuân lại chưa được phong tặng Anh hùng? Anh Đỗ Hà Thái thì bảo: Vậy là chúng ta còn phải đi. Còn tôi - tác giả chính của bộ phim thì cho rằng phim còn phải tiếp vài tập… Anh Thái quê gốc Bắc Giang, vợ con ở Hậu Giang, sống ở Cần Thơ ra vào liên tục, lúc tìm đồng đội, xin tư liệu, chữ ký, lúc tham dự hội thảo, tọa đàm… Còn tôi cũng tới 3 lần đi gặp anh Phan Tiếp Yến đại đội trưởng đại đội 3 (lúc đó anh Xuân là chính trị viên đại đội) ở Rạch Giá, Gặp anh Tỵ ở Ninh Bình, anh Thịnh ở Thanh Hóa, tướng nghỉ hưu Tư Niên ở Trà Nóc (Cần Thơ); Làm việc với các anh Phạm Ngọc Soa, Phạm Xuân Thọ, Trịnh Văn Khắp ở Đoàn 6 pháo binh, các cơ quan của Quân khu để có thêm tiếng nói. Tôi cũng được mời tham gia vài cuộc bỏ phiếu đề nghị tôn vinh anh Xuân… Khi khai thác tư liệu tại Đoàn 6 pháo binh, chúng tôi choáng ngợp: Thành lập năm 1963, tính đến ngày giải phóng 1975, đơn vị đã đánh 3791 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt 23.959 tên địch (trong đó có 922 tên Mỹ), bắn rơi 1796 máy bay, phá hủy 319 khẩu pháo… Vậy mà cho đến thời điểm ấy chỉ có đồng chí Phan Công Nam (Từ đơn vị khác chuyển về là Anh hùng LLVT)...
Ngày 29/4/2015, tôi và anh Đỗ Hà Thái đều được Đoàn 6 pháo binh mời về TP. Long Xuyên tỉnh An Giang dự lễ Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho liệt sỹ Vũ Xuân… Vậy là sau 41 năm, sau gần 10 năm cuốn nhật ký được công bố và hành trình tiếp theo của đồng đội, niềm vui đã đến khá trọn vẹn. Anh Đỗ Hà Thái chuyển lại cho gia đình những kỷ vật cuối cùng của anh Xuân. Riêng tôi hiểu đến lúc này anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề thứ 7 – lời thề đồng đội… Ngồi dưới khán đài nhìn lên, tôi bắt gặp nụ cười mãn nguyện của anh, trào nước mắt khi thấy anh gầy nhiều sau những ngày đi lại vất vả… Gặp lại vị tướng già Trần Văn Niên (Tư Niên) – một chỉ huy can trường thời chống Mỹ, tôi đem trăn trở của tôi và nhiêù người để hỏi ông… Mắt vị tướng già ngấn lệ - Chúng tôi luôn trong bưng biền, động viên nhau chiến đấu giỏi mà không mảy may nghĩ tới tôn vinh cho anh em, cho đơn vị. Thoáng nhìn chiếc máy quay phim, ông nói tiếp: Tôi đã coi phim Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân rồi, cảm động lắm.Mọi người cũng biết về Đoàn 6. Chúng tôi thật hạnh phúc. Và sau khi chúng tôi dự Lễ kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước vào sáng 30/4/1975 tại TP. Hồ Chí Minh về, 2 tập tiếp theo của bộ phim của chúng tôi cũng hoàn thành trong niềm vui khôn tả…
Câu chuyện về tập chín và mười là thế. Có gì kể được tôi đã kể.
Hữu Minh